Hệ lụy khi “chuột chạy cùng sào thì đành… đi dạy”
“Cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau” tốt nghiệp ĐH Kinh tế; cô giáo trong sự việc cho học sinh tát bạn 50 cái được biết cũng tốt nghiệp… một ngành nghề khác, ra trường học văn bằng 2 Sư phạm rồi “ghé” vào công việc dạy học. Sự “chắp vá”, “tạm bợ” trong nghề giáo là chuyện đã được cảnh báo rất nhiều…
“Dự phòng” bằng nghề Sư phạm
Ngay khi sự việc học sinh chịu 231 cái tát ở Quảng Bình đang gây phẫn nộ dư luận thì ngay giữa thủ đô, tại Trường tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa), cô giáo trẻ N.H.Tr cũng sử dụng hình phạt cho học sinh tát học sinh. Vụ việc đang có nhiều ý kiến nhưng theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội có sự việc cô giáo phạt cho học sinh tát bạn.
Theo thông tin từ phía gia đình, cô Tr. tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân, sau đó học văn bằng 2 Sư phạm (SP) và vừa chính thức đi dạy được vài tháng nay.
Trường hợp của cô Tr., nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến cô giáo N.T.M.H. trong vụ việc phạt học trò uống nước vắt giẻ lau bảng xảy ra tại Trường tiểu học An Đồng (TP Hải Phòng). Cô H. cũng là một cô giáo trẻ vừa đi dạy và cô cũng tốt nghiệp ĐH Kinh tế, ra trường đi học văn bằng 2 SP để đi dạy.
Không thể nói học ngành nghề khác, sau đó đi học văn bằng 2 SP thì không yêu nghề giáo. Nhưng nó phản ánh một thực trạng nhiều người trẻ lựa chọn học ngành nghề khác, đam mê ngành nghề khác nhưng lại xem SP như một phương án “dự phòng”. Không theo đuổi được đam mê, không đủ năng lực để cạnh tranh ở những lĩnh vực khác thì… “lánh” về SP là suy nghĩ của không ít người.
Một học sinh 18 tuổi, trong một tuổi tư vấn hướng nghiệp tổ chức tại Trường THPT Trưng Vương, Q.1 đặt vấn đề: Em đam mê ngành Ngân hàng, em tin mình có thể thi đỗ. Nhưng với năng lực với tính cách của mình, em xác định mình rất khó để xin việc ở lĩnh vực cạnh tranh gay gắt như vậy.
Câu học trò quyết định vẫn chọn nghề mình yêu thích với câu hỏi: Nếu trường không xin được vào ngân hàng, em dự tính đi học văn bằng 2 SP để đi dạy được không?
Đến các buổi tư vấn hướng nghiệp sẽ thấy rất, rất nhiều học sinh cho biết, các em đành thi SP không phải vì đam mê nhưng vì nghĩ rằng năng lực khó thi đỗ vào những ngành nghề khác. Các em đến với với ngành SP như một sự bấu víu, vớt vát.
Rồi nữa, nhiều phụ huynh thúc con thi vào SP mà không quan tâm đến đam mê, khả năng của con có phù hợp hay không. Có người cho rằng con mình không lanh lợi, không nhanh nhẹn hay thậm chí lù khù không “đấu đá” nổi ở đâu thì vào SP là hợp lý nhất.
Hay câu chuyện được một giảng viên ngành SP chua chát kể về nữ thạc sĩ học chuyên ngành về Quản trị kinh doanh ở nước ngoài về theo học lớp chứng chỉ SP. Về Việt Nam nhưng thất nghiệp, không xin được việc đúng chuyên môn nên gia đình hướng con đi dạy cho… nhàn. Cô gái chấp nhận vì không xin được việc thì đi dạy chứ biết làm gì! Động cơ đến với SP của cô đơn giản là vì… thất nghiệp.
Nghề giáo bị “chắp vá”, xem nhẹ
Video đang HOT
Trước câu hỏi của học sinh nếu trường thất nghiệp, đi học văn bằng 2 SP để đi dạy, ông Huỳnh Tổ Hạp (Phòng Đào tạo ĐH Sài Gòn) bảy tỏ, một khi đã xác định được đam mê, sở thích, hãy mạnh dạn theo đuổi công việc đó vì đây chính là động lực để mỗi người vượt mọi khó khăn, áp lực trong nghề.
Và ngành SP cũng vậy, điều quan trọng hàng đầu là người học phải thật sự yêu nghề, phù hợp với công việc mới có thể theo đuổi, gắn bó bằng niềm vui, hạnh phúc với nghề.
Nghề giáo cũng như mọi ngành nghề, đòi hỏi người làm nghề sự đam mê và những năng lực đặc thù
Thế nhưng, thực tế ngành SP đang có “sức hút” với những người không yêu nghề mà do hoàn cảnh đưa đẩy. Nếu trước đây, học sinh chọn học SP vì không mất học phí thì những năm gần đây, với sự “tụt dốc” đầu vào của ngành SP – 3 điểm cũng có thể đỗ – có thêm lý do để nhiều người “sa” vào SP khi không đỗ được vào ngành khác.
Không có tiền đóng học phí – thì thi SP Không có năng lực cạnh tranh – thì vào SP Thất nghiệp – học chứng chỉ SP để đi dạy… – nhiều người lựa chọn SP lựa chọn nghề giáo như “bước đường cùng” chứ không phải là “sân chơi” cho sự đam mê và tâm huyết.
Trước chúng ta hay nghe “Chuột chạy cùng sào thì vào sư phạm” thì nay có thêm tâm lý “Chuột chạy cùng sào thì đành đi dạy”.
Và nghề giáo chắp vá, bị xem nhẹ, không được trân trọng ngay từ những người theo nghề, từ chính những người đứng trên bục giảng. Theo nghề không phải từ đam mê, sở thích mà do hoàn cảnh đưa đẩy chính là một trong những lý do dẫn đến những câu chuyện đau lòng trong ngành giáo dục.
Bà Phạm Thúy Hà, nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TPHCM cho hay, việc không làm được gì thì đi dạy xuất phát từ quan niệm nghề giáo an nhàn, nhàn nhã. Nhưng đây là một quan niệm không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nghề giáo giờ phải đối diện với rất nhiều áp lực. Cũng như mọi ngành nghề, nghề giáo có đặc thù riêng, đòi hỏi người làm nghề rất nhiều tố chất, năng lực.. Người thầy phải yêu thích, phải phù hợp mới có thể tìm thấy hạnh phúc trên bục giảng.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Đã đến lúc phải từ bỏ ngay lối dạy học quyền uy!
Cần giải quyết triệt để vấn đề thầy cô áp đặt học trò, bỏ hẳn quan điểm giáo dục coi nhà trường là nhất, coi thầy cô là nhất.
Đến nay, nhiều người bức xúc về việc cô Hương - Trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng) phạt trò trong lớp nói chuyện riêng bằng cách bắt uống nước giẻ lau.
Thậm chí, nhiều giáo viên cũng cảm thấy không thể chấp nhận được hành động phản cảm, đặc biệt, một nhà giáo lão thành đã phải thốt lên rằng: "Tôi cảm thấy xấu hổ khi có một đồng nghiệp như vậy".
Trước đó, một giáo viên ở thành phố Hồ Chí Minh lên lớp im lặng với học sinh suốt bốn tháng nhưng sự việc chỉ vỡ lẽ khi học sinh bật khóc tại buổi đối thoại với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/3 vừa qua.
Sau khi những câu chuyện buồn này được thông tin khắp các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người băn khoăn rằng, liệu có phải do áp lực của ngành giáo dục quá lớn khiến tình thầy - trò ngày trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận:
"Đây chính là căn bệnh của giáo dục mà lâu nay nhiều người đề cập đến một cách chưa đầy đủ và hiện nó đang phát huy tác dụng.
Đó là phương pháp giáo dục quyền uy lấy áp đặt, lấy kỷ luật để bắt buộc học sinh phải thế này, thế kia chứ không phải xuất phát từ phương pháp giáo dục hay quan điểm giáo dục tiến bộ".
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, lúc nào thầy cô cũng bắt học trò theo ý mình tức là thiếu tôn trọng học sinh. (Ảnh: Thùy Linh)
Bởi thầy Lâm cho rằng, áp lực về kiến thức của giáo dục là không nhiều bởi hiện nay học sinh có nhiều nguồn thông tin để tìm kiếm thông qua Internet.
Từ đó, theo thầy Lâm, để giải quyết triệt để "căn bệnh" này thì trước tiên phải loại bỏ quan điểm giáo dục coi nhà trường là nhất, coi là thầy cô là nhất để cùng nhau tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng học trò.
"Nếu vẫn giữ quan điểm giáo dục đó thì những câu chuyện buồn sẽ vẫn còn xảy ra.
Lúc nào thầy cô cũng bắt học trò theo ý mình tức là thiếu tôn trọng học sinh.
Cái gốc vấn đề là ở đây chứ không phải do áp lực giảng dạy", thầy Lâm đánh giá.
Hơn nữa, cần "huấn luyện" đạo đức và năng lực nghiệp vụ sư phạm để mỗi thầy cô phải thực sự trở thành một nhà sư phạm chứ không phải cứ dùng quyền uy của mình để "đuổi học" mỗi khi các em mắc lỗi.
"Làm sao để "đuổi học" không còn trong mỗi trường học nữa chứ hiện nay, học sinh nào ngoan thì được dạy dỗ còn em nào phát triển cá tính riêng thì bị tiêu diệt là không ổn", thầy Lâm chỉ rõ.
Đặc biệt, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm và mỗi nhà trường hiện nay trong quá trình sử dụng, bồi dưỡng giáo viên cần chú ý cao đến đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng tay nghề sư phạm.
Mỗi nhà trường hãy mang khẩu hiệu mỗi thầy cô mang niềm vui hạnh phúc cho học trò, còn hiện nay đang có tình trạng một số thầy cô mang lại khổ đau, khổ sở cho học trò.
Muốn làm được điều này thì trong các nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở giáo viên về đạo đức nghề giáo, các thầy cô cần thường xuyên trao đổi nghiệp vụ với nhau để tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp từ đó thay đổi suy nghĩ, cách làm thay vì cứ họp hội đồng là Hiệu trưởng chỉ báo cáo, rao giảng.
Thực tế, hiện nay chúng ta mới chú trọng dạy học sinh giá trị sống, kỹ năng sống cho học trò nhưng rõ ràng thầy cô phải có giá trị sống, kỹ năng sống thì mới dạy dỗ được học trò của mình.
"Vì vậy, các thầy cô phải được học tập, bồi dưỡng, trải nghiệm để có được giá trị tôn trọng, khoan dung, trách nhiệm với học trò của mình.
Bởi người dạy học không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy nhân cách cho các em", thầy Lâm chỉ rõ.
Theo giaoduc.net.vn
Làm người mẫu ảnh có cần bằng ĐH không? "Nếu có tấm bằng ĐH, khi ra nước ngoài lưu diễn, thi thố các có thể tự tin giao tiếp, thể hiện chứ không ấp úng vì thiếu kiến thức", các chuyên gia khuyên học sinh có đam mê thành người mẫu Sáng 30-11, chương trình "Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ...