Hệ lụy đổi mới giáo dục nhìn từ Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Sự ra đời Thông tư 30, kỳ thi quốc gia, biên soạn sách giáo khoa là những bước đột phá trong cải cách giáo dục, vậy TT30 có thực sự là bước cải cách ?
Mong đổi mới giáo dục lên hừng hực, nhưng thực tế lại lạnh lùng, thách thứcPhản đối bỏ chấm điểm, nhưng đã bao giờ bạn hỏi, cho điểm để làm gì?Thông tư 30: Thầy cô mướt mải chạy theo học trò
Những tranh luận, đồng tình và không đồng tình với Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT (TT30) của Bộ GD&ĐT cho thấy phụ huynh, các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục cả nước đang dành sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục tiểu học.
Điều đáng tiếc là hình như chưa có một tờ báo nào tạo điều kiện cho chính trẻ con độ tuổi tiểu học nói xem các cháu thích được chấm điểm hay thích được nhận xét.
Các chính sách mới, có khi rất đúng nhưng vẫn không được người dân hào hứng đón nhận, điều này không có gì lạ. Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT đáp ứng một điều là có một cái gì đó gọi là “đổi mới giáo dục” song lại thiếu cái mà người ta hay nói là “hàm lượng chất xám”, điều này không chỉ thể hiện ở chỗ tính khả thi không cao, mà còn ở chỗ nội dung thông tư mới chỉ giới hạn trong một phạm rất vi hẹp là quy định về đánh giá học sinh tiểu học trong khi giáo dục không phải là bức tranh được ghép theo kiểu ghép hình trò chơi của trẻ con.
Đánh giá học sinh tiểu học phải đặt trong bức tranh tổng thể về giáo dục bậc tiểu học, nghĩa là phải xuất phát từ mục tiêu mà cấp học này cần đạt được là gì. Ở bậc tiểu học giáo dục văn hóa không nên xem là quan trọng nhất, hình thành cho trẻ ngay từ lớp 1 những thói quen sinh hoạt tập thể, học tập và vui chơi theo nhóm, ứng xử với bạn bè, thầy cô và người lớn, rèn luyện thể lực… cần phải được coi trọng. Chỉ khi nào định hướng được mục tiêu thì khi đó mới có cơ sở để đưa ra các tiêu chí đánh giá học sinh.
Sự ra đời của TT30, những thay đổi kỳ thi quốc gia, biên soạn sách giáo khoa có thể xem là những bước đột phá trong cải cách giáo dục, vậy TT30 có thực sự là một bước cải cách?
Kỳ vọng của xã hội về một chủ trương, chính sách mới ban hành phải phù hợp với mọi đối tượng tuy là có lý song đôi khi lại là điều không tưởng, ví dụ chủ trương không chấm điểm bậc tiểu học phải phù hợp cả với học trò, thầy cô cùng phụ huynh là không thể.
Vậy thì phải chọn đối tượng nào là ưu tiên số một? Câu trả lời là học trò, điều này đã được khẳng định qua câu khẩu hiệu nổi tiếng “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.
Cải cách giáo dục tiểu học cần đảm bảo được các tiêu chí:
Giảm áp lực cho học sinh, tạo điều kiện trẻ em được vừa học, vừa chơi;
Chăm sóc thế hệ tương lai phát triển toàn diện về thể lực và trí tuệ;
Định hướng sự hình thành nhân cách trẻ em theo các chuẩn mực đạo đức dân tộc, hiện đại.
Video đang HOT
Nếu đã chọn trẻ em là trung tâm của hoạt động giáo dục thì các khó khăn của thầy cô, của gia đình và xã hội phải xếp hàng thứ yếu, nói cách khác nhà trường và thầy cô giáo phải “thêm việc” chứ không thể chỉ có nhiệm vụ dạy kiến thức. Mục tiêu cuối cùng của bậc tiểu học phải là cung cấp cho bậc trung học cơ sở một lớp trẻ khỏe mạnh, không bệnh tật, biết tôn trọng lao động chân tay, biết học tập, vui chơi theo nhóm, biết những kỹ năng sống đơn giản… chứ không phải là những “máy học” chỉ với mục tiêu duy nhất là vào đại học.
Thêm việc có nghĩa là thêm thời gian và công sức, nếu nó mang lại hiệu quả là nâng cao chất lượng giáo dục thì khỏi phải bàn luận còn nếu không có thay đổi gì thì phải xem xét lại thông tư mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.
Điểm qua tất cả yêu cầu đánh giá nêu tại các điểu 7,8,9 của TT30 không hề có mục nào quan tâm đến giáo dục thể chất của học sinh. Tình trạng học sinh bị cận thị, thừa cân, chậm phát triển… ở bậc tiểu học nếu không được cải thiện sẽ hình thành một thế hệ người Việt vừa thấp bé về tầm vóc, vừa yếu ớt về thể lực, đó là nguy cơ dẫn tới sự thoái hóa cả dân tộc chứ không chỉ là những cá nhân đơn lẻ. Trong lớp học nếu một cháu bé bị béo phì, chỉ cần thầy cô nhẹ nhàng rằng “con cần ăn nhiều rau, hoa quả, giảm ăn cơm, thịt mỡ…” là có tác dụng hơn lời nói của ông bà, bố mẹ ở nhà rất nhiều.
Những yêu cầu giáo viên phải nhận xét nêu trong TT30 có thể nói rất chung chung, đại khái, vừa thừa vừa thiếu, chẳng hạn thông tư yêu cầu: ” Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh”, nhưng lại khuyến khích “học sinh tự đánh giá và nhận xét, góp ý bạn qua hoạt động của nhóm, lớp”.
Nên nhớ khoản 2 điều 69 Luật hình sự quy định “Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn…”. Sở dĩ có quy định này vì người chưa thành niên chưa đủ năng lực làm chủ bản thân.
Vậy thì trong “Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh” viết học sinh tiểu học phải “Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm” có phi lý quá không? Trẻ con lớp 1, lớp 2 “tự chịu trách nhiệm” cái gì? Việc để trẻ con lớp 1,2,3,4 “nhận xét, góp ý bạn” phải chăng chỉ là đề xuất duy ý chí của những “công chức máy lạnh”? Trẻ con rất ngây thơ, chưa biết cân nhắc lời nói, một nhận xét động chạm đến tự ái của bạn có thể đánh mất thiện cảm, gây mất đoàn kết trong lớp… điều này người lớn phải lường trước.
Người Việt ngày nay, đặc biệt là lớp trẻ dường như chưa được hướng dẫn chu đáo về văn hóa ứng xử, chưa biết cách nói lời “xin lỗi, cảm ơn” đúng lúc, đúng chỗ. Thế nhưng cả 8 tiêu chí nhận xét trong điều 5 của TT30 lại không đề cập đến việc giáo viên phải nhận xét về ứng xử của học sinh trước các hành vi được phép hoặc không được phép (chẳng hạn nói tục, chửi bậy…).
Có thể nêu một ví dụ hết sức đơn giản về ứng xử, chẳng hạn khi một bạn vô tình bôi mực lên má bạn khác, cách ứng xử của các bạn trong lớp là: vỗ tay reo hò, chỉ trỏ trêu đùa, đưa khăn cho bạn lau… đâu là đúng, đâu là sai, bạn phạm lỗi phải làm gì, bạn được người khác xin lỗi phải nói gì?
Thông tư của Bộ là một văn bản quy phạm pháp luật và buộc các trường, các thầy cô giáo phải thực hiện, hãy xem TT30 được đội ngũ lãnh đạo, giáo viên tiểu học ứng xử như thế nào?
Thay vì phải viết nhận xét, giáo viên thuê khắc một loạt con dấu, mỗi con dấu là một nhận xét. Một lớp 40-50 học sinh chỉ cần vài con dấu, khi cần gõ bộp bộp vài chục lần vào vở hoặc vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục là xong. 50 học sinh là 50 tính cách, tâm sinh lý luôn thay đổi, chẳng lẽ giáo viên phải thuê khắc 50 con dấu?
Những con dấu được giáo viên đóng dấu trên vở học sinh (VOV.VN 3/2/2015)
Vừa qua Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức tổ chức Hội nghị sơ kết trực tuyến học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II cấp giáo dục tiểu học năm học 2014-2015. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến buộc phải nói: “Tôi không thấy đầu cầu nào đăng ký phát biểu. Không thể hơn 700 hiệu trưởng mà không ai có băn khoăn”. (Vietnamplus 22-1-2015).
Có trường hợp im lặng là đồng ý, nhưng 700 hiệu trưởng đồng loạt im lặng thì lại không phải như vậy. Có thể có người không tán thành TT30 nhưng không dám nói, còn một khả năng nữa là không biết nói cái gì! Đây hoàn toàn không phải là đánh giá thấp trình độ hiệu trưởng các trường tiểu học mà chỉ muốn nêu lên sự bất cập trong đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học cũng như cách thức bổ nhiệm hiệu trưởng trong trào lưu chạy chức chạy quyền phổ biến hiện nay.
Một vài nhận xét nêu trên không có nghĩa là phủ nhận TT30, bỏ chấm điểm sẽ giảm áp lực lên học sinh, tạo điều kiện cho con trẻ vừa học, vừa chơi. Tuy vậy lại không được phép quên đã là trẻ con thì phải học, không học không thể nên người. Muốn trẻ con học, ngoài sự động viên, khuyến khích thì vẫn cần các biện pháp bắt buộc phải học thông qua kiểm tra, làm bài tập, nhận xét, đánh giá của thầy cô giáo.
Vấn đề là làm sao hài hòa giữa việc học và việc dạy. Không thể có chuyện vô lý là mỗi tháng một số giáo viên dạy nhạc, họa, thể dục phải ghi nhận xét cho gần nghìn học sinh vào sổ theo dõi chất lượng như quy định trong điểu 7, 8 Thông tư 30.
Để giảm áp lực cho giáo viên, ngoài quy định về đánh giá kết quả học tập văn hóa, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu lấy ý kiến rộng rãi trước khi đưa ra các tiêu chí đánh giá cụ thể, ví dụ một số nước đưa ra khoảng 40 tiêu chí nhận xét học trò trong đó có các tiêu chí ngộ nghĩnh như “có biết buộc dây giày không”, hay “sau một tháng em biết nấu thêm món ăn gì”?…
Sử dụng kinh nghiệm xây dựng các bộ đề thi trắc nghiệm khách quan, sổ theo dõi chất lượng sẽ có các dòng là tên học sinh và các cột ứng với các tiêu chí nhận xét, cuối tháng giáo viên chỉ việc đánh dấu vào các ô đó thay vì phải bỏ tiền đi khắc các con dấu riêng.
Thiết nghĩ Bộ GD&ĐT cần có những điều chỉnh kịp thời, cần có cách làm đồng bộ và cũng cần những thử nghiệm trước khi áp dụng trong toàn ngành. Sai sót đôi khi có thể thông cảm song đừng ban hành các chính sách theo kiểu thăm dò dư luận rồi dựa vào đó để điều chỉnh. Ban hành các chính sách kiểu ấy chẳng cần phải quan chức cấp Bộ, ai cũng có thể làm được.
Theo Giaoduc.net.vn
Thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học: lãng phí, đối phó và hình thức
PN - Thế là học kỳ I đã kết thúc, thông tư 30 đã được áp dụng trên toàn quốc, học sinh có phần nào giảm áp lực về điểm số hàng tháng nhưng hiệu quả về mặt giáo dục nhân cách, về tính khuyến khích... không đạt bao nhiêu vì thông tư này còn nhiều bất hợp lý khi đi vào thực tế.
Ảnh: Nhân Tiến
Thứ nhất, tại sao đã phê hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng vào bài làm cho học sinh, lại còn kiểm tra đánh giá bằng điểm số cuối kỳ? Đúng ra, cuối kỳ cho các em làm bài xong, cũng phải đánh giá bằng nhận xét luôn thì mới đồng bộ chứ? Điều này chứng tỏ lập luận Bộ đưa ra là "giảm áp lực cho học sinh tiểu học" chỉ là khẩu hiệu.
Thứ hai, trên lý thuyết, hàng ngày học sinh không bị áp lực điểm số nhưng phần lớn tại các trung tâm thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội...vẫn đến nhà cô học thêm và cô giáo vẫn cho điểm các cháu khi đi học thêm. Thật tội cho đứa bé, sáng trên lớp cô phê vào vở: "Con rất ngoan, nhưng cần làm cẩn thận nhé", tối đi học thêm thì cô cho 5 điểm.
Rõ ràng, học thêm ở tiểu học không thể cấm được, không thể dứt được sau khi thông tư 30 ra đời, chứng tỏ về mặt loại bỏ học thêm từ thông tư 30 là không hiệu quả. Dù Bộ ra lệnh cấm, Sở ra lệnh cấm giáo viên tiểu học dạy thêm nhưng lệnh cấm này không triệt để, có chỗ thì canh bắt giáo viên dạy thêm như tội phạm, có nơi vẫn thả lỏng. Vậy rõ ràng, một lần nữa, thông tư 30 cũng không giải quyết được tình trạng học thêm ở tiểu học.
Có giáo viên còn nói vui, "nhờ có thông tư 30, tôi còn dạy thêm được nhiều hơn vì phụ huynh không biết con họ học thế nào, thi cuối kỳ lại cho điểm, nên học sinh học thêm tăng vùn vụt".
Thứ ba, giáo viên mất quá nhiều thời gian, công sức, bút bi để hoàn thành sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, sổ điểm và học bạ. Lúc trước, chỉ cần hai buổi làm việc khoảng 8 tiếng đồng hồ là xong hồ sơ sổ sách, nay mỗi giáo viên phải làm bình quân từ hơn nửa tháng với điều kiện phải viết để phê liên tục đến 2 - 3 giờ sáng mới kịp tiến độ. Và phần lớn lời phê dành cho học sinh đều được tải trên mạng xuống, do một ai đó thương nỗi khổ giáo viên tiểu học soạn sẵn.
Phê theo kiểu soạn sẵn đó thì chỉ hoàn toàn đối phó chứ không mang tính động viên, khuyến khích gì. Mà giáo viên cũng không có tài nào nghĩ ra gần 400 câu để phê cho cả lớp (tính bình quân mỗi lớp 40 học sinh, một học sinh cần phê một câu cho một môn)....
Khi phát sổ liên lạc cho học sinh, phần lớn giáo viên cũng nhấn mạnh vào điểm thi, phụ huynh cũng nhìn vào điểm số vì ai cũng biết những dòng phê kia chỉ để người lớn làm vui lòng nhau.Vậy thử hỏi phê để làm chi?
Chưa kể, một số trường tiểu học còn bắt giáo viên nhập tất cả lời phê vào trang smas.edu.vn, khiến họ nhập ngày nhập đêm để hoàn thành hồ sơ sổ sách nhằm không bị trừ điểm thi đua.
Ảnh: Nhân Tiến
Nếu thật sự nghiên cứu kỹ, có cái nhìn rộng và nghĩ đến sự vất vả cực nhọc của giáo viên tiểu học thì tôi nghĩ Bộ chỉ cần yêu cầu giáo viên làm một việc duy nhất, nhập lời phê, nhập điểm trên smas.edu.vn rồi in ra, dán vào sổ điểm, sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm....Thậm chí không cần lỉnh kỉnh sổ sách như hiện nay để quản lý khi công nghệ thông tin đã bước qua thời kỳ "công nghệ đám mây" có thể lưu trữ gần như vô tận.
Phải chăng, Bộ đưa ra nhiều sổ sách như thế nhằm tăng nguồn thu cho một nhóm lợi ích như nhà thiết kế, nhà in, nhà xuất bản, bộ phận biên soạn...?
Nếu cứ tính bình quân một học sinh tiểu học, một giáo viên tốn 40.000 đồng để trang bị sổ liên lạc, học bạ thì cả nước đã đi toi hàng ngàn tỉ đồng cho những lời nhận xét vô hồn, vô bổ, chỉ mang tính đối phó.
Điều cơ bản là tăng lương, trang bị cho giáo viên tiểu học những kỹ năng mà họ còn thiếu, tập những thói quen tốt cho học sinh tiểu học như xếp hàng, biết cảm ơn, biết tự phục vụ, biết yêu lao động, biết trải nghiệm thực tế, biết tôn trọng những người lao động chân chính... thì Bộ làm qua loa, hoặc không bao giờ làm.
Còn áp dụng theo nước ngoài thì Bộ có bao giờ tự hỏi nó có phù hợp với tình hình, có cần cải cách gì không? Hay khi có một quyết định nào mới thì cứ đổ bừa là "học tập nền giáo dục tiên tiến nước bạn" cho xong chuyện?
Theo Phunuonline
Đến Ngọc Yêu, cùng thầy cô vượt lầy lội gùi chữ lên non cao Những con dốc thẳng đứng, đường đèo uốn lượn quanh co nguy hiểm, Từ trung tâm huyện vào đến trường chỉ hơn 30km nhưng chúng tôi đi gần 4 tiếng đồng hồ. Luật 80/20, luật hấp dẫn nâng cao hiệu quả học tiếng AnhChủ tịch nước: Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầuMột tấm gương suốt đời vì sự nghiệp...