‘Hãy thôi ra đề thi kiểu trình bày, ghi lại sự kiện’
‘Nếu muốn đổi mới thì giáo viên phải ra đề thi để học sinh vận dụng kiến thức, giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Đừng bao giờ ra đề thi kiểu hãy trình bày, hãy ghi lại sự kiện… theo các bài đã học’.
Thí sinh tham gia kỳ thi Olympic TP.HCM tháng 4 mở rộng – NGỌC TUẤN
Đó là phát biểu của Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu tại lễ tổng kết kỳ thi Olympic tháng 4 mở rộng năm 2021 dành cho cấp THCS sáng 29.4.
Ông Hiếu cho rằng đây là một trong những cuộc thi tiên phong trong việc ra đề cởi mở, đổi mới tư duy cho cả học sinh lẫn giáo viên, đồng thời yêu cầu thầy cô đổi mới hơn nữa theo hướng này.
Theo đánh giá của ông Hiếu, định hướng ra đề thi của các quận huyện chưa đồng đều nên ông mong muốn qua kỳ thi Olympic, các định dạng đề thi kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ trong trường học cần phải được đầu tư tốt hơn.
“Giáo viên nên nghiên cứu thêm các loại đề, bài kiểm tra như kỳ thi Olympic này, hướng đến việc đánh giá học sinh không phải là kiểm tra kiến thức xem các em biết gì và nhớ gì”, ông Hiếu nói.
Năm học tới sẽ là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ GD-ĐT công bố hồi cuối năm 2018.
“Đây là cơ hội để giáo viên thay đổi hẳn tư duy dạy học. Sở GD-ĐT TP.HCM mong muốn có sự đổi mới từ thầy cô hiệu trưởng cho đến giáo viên. Nơi làm nên chất lượng giáo dục là ở từng trường chứ không phải ở phòng hay Sở. Tuy nhiên, Sở luôn luôn tạo điều kiện cho các thầy cô đổi mới và chấp nhận những va vấp, tồn tại, thiếu sót trong quá trình đổi mới. Không cầu toàn nhưng phải quyết liệt”, ông Hiếu lưu ý.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trao cờ lưu niệm kỳ thi Olympic tháng 4 mở rộng cho các quận, huyện – NGUYỄN LOAN
Theo ông Hiếu, định hướng ra đề thi là làm sao cho học sinh vận dụng được kiến thức đã học, giải quyết vấn đề trong thực tiễn.
“Đừng bao giờ ra đề kiểu hãy trình bày, hãy ghi lại sự kiện… theo các bài đã học. Điều này không có ý nghĩa trong quá trình dạy và học, không góp phần đổi mới phương pháp. Chúng ta không làm thí nghiệm trên học sinh mà trên nền tảng chắc chắn của việc đổi mới. Chúng ta cũng có thể học hỏi thêm những mô hình kiểm tra đánh giá ở các trường quốc tế”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Về kỳ thi Olympic tháng 4 mở rộng, kết quả chung cuộc có 5.699 học sinh đạt giải, trong đó 1.194 thí sinh đạt huy chương vàng, 1.620 thí sinh đạt huy chương bạc và 2.885 thí sinh đạt huy chương đồng.
Quận 1 dẫn đầu thành tích năm nay khi có tới 120 huy chương vàng, 100 huy chương bạc và 137 huy chương đồng. Tiếp theo đó, quận Tân Phú đứng thứ hai với 102 huy chương vàng, 124 huy chương bạc và 213 huy chương đồng.
Kỳ thi Olympic tháng 4 mở rộng năm 2021 dành cho cấp THCS được tổ chức vào ngày 17.4 cho học sinh lớp 6, 7 và lớp 8 với 5 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử-Địa Lý, diễn ra tại 8 địa điểm thi trên địa bàn quận 1. Có 8.771 thí sinh từ 324 trường THCS của TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM cùng 21 quận, huyện đã tham gia kỳ thi.
Đây là cuộc thi học sinh giỏi hàng năm dành cho học sinh khối 10 và 11 không chuyên các trường THPT của các tỉnh phía Nam do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Từ năm học 2018 – 2019, kỳ thi mở rộng sân chơi dành cho các học sinh THCS trên địa bàn TP.HCM.
Trải nghiệm làm nhà nông ở trường học
Năm học 2020-2021, Trường TH Nguyễn Thái Học (TP. Vũng Tàu) triển khai môn học Hoạt động trải nghiệm theo chương trình SGK lớp 1 mới. Những tiết học trải nghiệm này khiến HS hào hứng khi được làm quen với công việc của nhà nông.
HS lớp 1, Trường TH Nguyễn Thái Học trải nghiệm "Trồng rau, trồng hoa trong khuôn viên trường học".
Những tiết học hứng khởi
Không dừng lại ở việc giảng dạy theo giáo trình, nhà trường còn mạnh dạn, chủ động tổ chức dạy trên mô hình thực nghiệm, nhằm giúp HS có những trải nghiệm thực tế, hiểu và biết cách vận dụng kiến thức sách vở vào cuộc sống.
Để làm được điều này, GV vừa thiết kế bài giảng để dạy trên lớp, vừa xây dựng mô hình thực tế để các em thực hành, tạo không khí học tập sôi động, hiệu quả. Một trong những mô hình thực tế được triển khai thành công tại Trường TH Nguyễn Thái Học là mô hình "Trồng rau xanh, trồng hoa trong khuôn viên trường học".
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mô hình ra đời với mục đích cho các em làm quen với những công việc lao động nhẹ nhàng. Qua đó, giúp các em biết yêu lao động, hiểu được giá trị của lao động cũng như các sản phẩm do mình tạo ra, đồng thời biết giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp trong khuôn viên nhà trường.
Để có những giờ thực hành hiệu quả, GV khối lớp 1 phân công nhau mua đất, hạt giống, dụng cụ làm vườn... Tận dụng các ô đất trống trong khuôn viên trường học, sân trường, các cô chia từng luống dự kiến trồng rau xanh, trồng hoa trước mỗi buổi thực hành trải nghiệm. Vào giờ học, GV hướng dẫn HS cách cầm cuốc, cầm bay xới đất để đất tơi xốp, cách nhổ cỏ, cách phân luống nhỏ và chuẩn bị hạt giống, cách ngâm hạt giống vào nước ấm trước khi gieo hạt... Những ngày tiếp theo, GV hướng dẫn các em chia theo tổ, thay nhau tưới nước, chăm sóc rau. Khi rau tươi tốt, GV dạy các em cách phân biệt các loại rau thông thường: muống, mùng tơi, cải; cách phân biệt cây rau qua lá rau, thân rau, lá dài, lá tròn, lá mỏng, lá dày, cách phân biệt rau mầm và rau thu hoạch...
Bên cạnh mô hình thực nghiệm "Trồng rau, trồng hoa trong khuôn viên trường học", trong các tiết học trải nghiệm, GV của trường còn tổ chức nhiều hoạt động lý thú khác như trang trí trường lớp, làm thiệp tặng người phụ nữ mà em yêu mến, trang trí cây mai, cây đào ngày Tết... Những bài học tưởng chừng như rất giản đơn ấy có sức cuốn hút kỳ lạ với HS.
Em Nguyễn Hải, HS lớp 1/7 háo hức nói: "Em rất vui thích khi được tham gia các hoạt động trải nghiệm ở trường. Lần đầu tiên em được tự xới đất, gieo hạt, trồng rau, tưới cây, được trang trí cây mai, cây đào, được viết những câu chúc gửi gắm đến mẹ và cô. Mỗi ngày đến trường em thấy có rất nhiều niềm vui!".
Cô Nguyễn Thị Phương, GV chủ nhiệm lớp 1/6 cho hay: "Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, trong sáng của các con, những bàn tay nhỏ xíu vụng về đáng yêu lần đầu tiên trong đời làm những công việc tỉ mỉ như người lớn, chúng tôi như quên đi những mệt mỏi, những áp lực công việc, thấy vui hơn, yêu nghề hơn".
Chăm chút cho mỗi giờ học
Khi xem lại những tấm hình, những video "Hoạt động trải nghiệm" của các con ở trường, phụ huynh HS cũng phấn khởi. Chị Võ Thị Lệ Thủy, phụ huynh lớp 1/6 cho rằng những hoạt động trải nghiệm sáng tạo là điểm sáng ấn tượng của thầy cô Trường TH Nguyễn Thái Học. Chị rất thích khi con được trải nghiệm trồng rau, trồng hoa ở trường. Những hoạt động trải nghiệm đó thực sự hấp dẫn vì con chị luôn thích thú và hào hứng kể cho mẹ nghe những gì đã được làm ở lớp.
"Tôi cũng ngạc nhiên vì bỗng dưng bé trở nên quan tâm hơn tới thiên nhiên, cây cỏ. Bé biết tên nhiều loại rau khi ăn, bé sợ giẫm nát cỏ khi đi công viên, bé tự giác nhổ cỏ trong chậu cây của ông nội... Bé cũng liên tục đặt ra những câu hỏi: "Mẹ ơi! Khi nào cây cao bằng con"; "Sao con ong lại cắn bông hoa thế hả mẹ."... Khi tìm hiểu thông tin để trả lời những câu hỏi của con, tôi thấy mình như được tham gia vào hoạt động trải nghiệm của các bé", chị Thủy nói.
Cô Nguyễn Thị Cúc Hoa, GV chủ nhiệm lớp 1/5 cho biết, các giờ học trải nghiệm đòi hỏi đầu tư công sức, thời gian nhiều hơn các môn học khác. GV phải chuẩn bị kỹ vật dụng, cách thực hiện, thậm chí là phối hợp cùng phụ huynh để chuẩn bị cho giờ học. Ngoài ra, GV cũng vất vả hơn vì vừa dạy vừa phải làm công tác quản lý lớp, bảo đảm an toàn cho mỗi giờ lên lớp vì HS khối lớp 1 còn nhỏ và hiếu động.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, năm học này, hoạt động trải nghiệm được triển khai với thời lượng 105 tiết. Thời lượng dành cho hoạt động này không nhiều nên nhà trường phải sử dụng quỹ thời gian hợp lý, xây dựng chương trình, kế hoạch và phương pháp tổ chức thật sự khoa học và phù hợp để HS được trải nghiệm đầy đủ và trọn vẹn mỗi nội dung chủ đề. Trước khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm, GV phải chuẩn bị cho HS về cả tâm lý và phương pháp để các em không thụ động khi tiếp cận đối tượng trải nghiệm.
Hoạt động trải nghiệm giúp HS đến gần hơn với thực tế. Mỗi chủ đề, hoạt động trải nghiệm sẽ giống như mỗi bước chân của các em khám phá một vùng đất mới. Các em luôn tự tin, háo hức trên mỗi bước đi, mỗi con đường. Theo bà Thủy, ở bậc TH, mục tiêu chính của hoạt động trải nghiệm là giúp HS hình thành thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, giúp các em hình thành và phát triển các giá trị và kỹ năng sống phù hợp.
"Hoạt động trải nghiệm sáng tạo như một trò chơi khám phá thế giới bất tận, càng khám phá càng say mê hơn. Trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để thiết kế cho các em các chương trình giáo dục trải nghiệm vừa sáng tạo vừa hiệu quả", bà Thủy nói.
Để người học vận dụng tốt kiến thức được trang bị Những ngày này, cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ Trường Quân sự Quân khu 5 nô nức thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập trường (11-4-1961 - 11-4-2021). Kế thừa và phát huy truyền thống "Nhà trường gắn với chiến trường", những năm qua, nhà trường đã kết hợp chặt chẽ...