“Hãy theo đuổi đam mê” – Có phải là lời khuyên thiếu thực tế?
“Hãy theo đuổi đam mê của bản thân” – Chẳng ai nói với tôi như vậy, khi tôi còn nhỏ. Người ta thường khuyên tôi cố gắng tìm một công việc lương cao ổn định sau khi tốt nghiệp Đại học, bất chấp công việc đó có phù hợp với sở thích và sở trường của tôi hay không…
Đôi nét về tác giả bài viết
Tác giả Trương Thanh Mai hiện đang là nghiên cứu sinh năm 3 ngành Political Science (Khoa học Chính trị) tại Đại học Arizona, Mỹ.
Trước khi du học Mỹ, Thanh Mai từng học Thạc Sỹ ngành Nghiên cứu Phát triển tại Đại học Sussex, Anh (khoá học 2013-2014) theo suất học bổng Chevening của chính phủ Anh.
Ngoài thời gian học và nghiên cứu, cô thích viết và chia sẻ với các bạn trẻ về trải nghiệm và những bài học cô học được khi đi du học, tại trang blog https://sunflowerfields.blog
Nhưng ngay từ nhỏ, tôi đã không ưa lời khuyên đó. Tôi luôn nghĩ, cuộc sống sẽ buồn chán biết bao nếu ta phải bám riết lấy thứ gì đó mà ta không yêu.
Lớn lên, tôi thấy người ta hay hỏi nhau: “Có nên khuyên giới trẻ theo đuổi đam mê?”. Nếu để ý, ta sẽ thấy có hai câu trả lời trái ngược cho câu hỏi này. Một bên ra sức phản đối giới trẻ tìm kiếm đam mê. Họ lập luận rằng, đam mê là điều nhảm nhí không có thực, nếu cứ lao đi kiếm tìm đam mê, giới trẻ sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái tuyệt vọng và gặp các rắc rối về tài chính.
Hài hước thay, lời khuyên này thường đến từ những người cả đời chấp nhận làm công việc họ không thiết tha gì vì sự sắp đặt của người khác hoặc vì không đủ dũng khí để theo đuổi điều bản thân thật sự yêu thích.
Cũng có nhiều người (rất) thành đạt tán thành lập luận này. Nhưng, tôi cá là họ đã không nhìn ra đặc quyền của bản thân. Có lẽ, họ đã không nhận ra họ may mắn thế nào khi đang được làm công việc họ thích, hoặc họ đã may mắn thế nào khi một hai công việc đầu tiên họ làm sau khi rời ghế nhà trường đã phù hợp với nguyện vọng của họ. Vì thế, câu trả lời của họ không khiến tôi thoả mãn!
Còn những người ủng hộ giới trẻ theo đuổi đam mê thì sao? Trái với bên phản đối, họ ra sức cổ vũ tinh thần giới trẻ: “Bạn chỉ sống có một lần, hãy làm những gì mà con tim mình mách bảo”; “Cuộc sống ngắn lắm, hãy tìm kiếm và theo đuổi đam mê của mình”. Nhưng, họ không làm gì hơn ngoài việc hô hào những khẩu hiệu như thế.
Hơi xấu hổ một chút nhưng tôi cũng thuộc vào nhóm hô hào này.
“Chị ơi, em đang hoang mang không biết đam mê của mình là gì. Làm sao để tìm được sở thích, đam mê của bản thân hả chị?” Đây là câu hỏi tôi thường xuyên nhận được từ bạn đọc blog đang ở độ tuổi 20.
Tôi thường suy nghĩ rất kỹ mỗi khi nhận được câu hỏi này, nhưng câu trả lời của tôi lần nào cũng chỉ vỏn vẹn mấy chữ (rất) lý thuyết: “Hãy cố gắng tìm kiếm đam mê của bản thân em nhé”.
Tôi tự thấy thất vọng và hụt hẫng trước câu trả lời không hữu ích chút nào của mình. Thật lòng, tôi chưa bao giờ hiểu tường tận thế nào là đam mê, tại sao ta cần theo đuổi đam mê, và làm thế nào để nuôi dưỡng sự đam mê.
Tôi chỉ tìm thấy câu trả lời thoả đáng khi đọc cuốn sách “ Grit. The Power of passion and perseverance” của giáo sư Angele Duckworth tại ĐH Pennsylvania.
Gấp sách lại đã lâu mà cảm giác phấn chấn hoan hỉ, hài lòng vẫn vẹn nguyên trong tôi. Đây không phải là cuốn sách self-help theo lối cổ vũ tinh thần bằng khẩu hiệu. Đây là một cuốn sách khoa học. Duckworth đã tìm ra lời giải đáp rõ ràng cho câu hỏi liệu ta có nên theo đuổi đam mê hay không, sau hơn 10 năm nghiên cứu về đề tài thành công, đam mê và sự kiên trì.
Đối tượng nghiên cứu của cô bao gồm hàng nghìn cá nhân, ở mọi độ tuổi, ngành nghề (cả ở Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới). Đây là cuốn sách mà tôi tin, tất cả chúng ta từ những người trẻ đang chậm chững bước vào đời, đến những bậc cha mẹ đang chuẩn bị tương lai cho con cái cần đọc.
Trương Thanh Mai – tác giả bài viết – hiện đang làm nghiên cứu sinh ngành Khoa học Chính trị tại ĐH Arizona (Mỹ)
Vậy, khuyên giới trẻ theo đuổi đam mê có phải là lời khuyên nực cười và vớ vẩn? Không hề!
Thứ nhất, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người được làm công việc phù hợp với sở thích và đam mê của bản thân cảm thấy thoả mãnvới công việc hơn rất nhiều so với những người làm công việc trái với sở thích.
Video đang HOT
Đây là kết luận của hơn 100 nghiên cứu với những người ở độ tuổi lao động đến từ mọi ngành nghề ở Mỹ. Người thích suy nghĩ về những ý tưởng trừu tượng thì không thấy hạnh phúc khi phải quản lý những dự án mang nặng tính hành chính. Họ cần phải được làm toán hoặc làm nghiên cứu.
Và hãy tưởng tượng những người hướng ngoại, thích giao tiếp xã hội? Họ sẽ ra sao nếu phải làm việc một mình với máy tính cả ngày. Chắc chắn họ sẽ buồn ủ rũ như một bông hoa héo. Họ cần phải đi dạy học hoặc làm về mảng bán hàng.
Các nghiên cứu này khẳng định, những người được làm công việc đúng với đam mê cá nhân, cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống so với những người phải làm nghề trái với sở thích.
Tuần trước, tôi và chồng xem bộ phim “Where’d you go, Bernadette “, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Maria Semple (phim hiện đang được chiếu ở các rạp ở Mỹ).
Bộ phim xoay quanh cuộc sống của kiến trúc sư thành công Bernadette Fox, do Cate Blanchett thủ vai. Bernadette quyết định từ bỏ sự nghiệp rạng rỡ để chăm lo cho gia đình. Từ khi bỏ nghiệp sáng tạo, tính cách Bernadette ngày càng trở nên khó chịu và khó hiểu đến mức chồng cô cho rằng cô bị bệnh tâm lý rất nặng cần được điều trị.
Cô chia sẻ những đổi thay trong tính cách và con người mình cho một người bạn học cũ. Người bạn ấy đã khuyên cô: “Những người như cô thì phải sáng tạo”. Cô không tin vào lời khuyên ấy, cho đến khi tình cờ có cơ hội được tham gia thiết kế một phòng thí nghiệm trong chuyến thăm Nam cực. Cô bỗng trở lại là chính mình khi được làm điều cô yêu thích!
Thứ hai, theo kết luận của 60 nghiên cứu khác trong hơn 60 năm qua, những người có công việc phù hợp với đam mê làm việc hiệu quả và năng suất hơn những người làm công việc trái với sở thích.
Không những vậy, họ còn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp và gắn bó với công việc lâu hơn. Những sinh viên theo ngành học phù hợp với sở thích cá nhân thì có thành tích cao hơn và ít bỏ học hơn.
Khoa học đã cho ta thấy, theo đuổi sở thích và đam mê không hề là một lời khuyên tồi. Nhưng tại sao rất ít người trong chúng ta tìm được đam mê của cuộc đời? Tại sao, ta vẫn ngày ngày phải riết bám lấy công việc mà ta ngán đến tận cổ?
Duckworth cho rằng, điều cản trở các bạn trẻ tìm được đam mê của bản thân là những kỳ vọng thiếu thực tế. Khi còn trẻ, ta thường khát khao sự hoàn hảo. Hãy thử nghĩ về mẫu người yêu lý tưởng của bạn ở tuổi 20. Tôi cá là rất nhiều người trong chúng ta mong anh ấy/cô ấy phải thật hấp dẫn, thông minh, tốt bụng, tâm lý, hài hước, vui tính.
Chắc chắn nếu ai đó nói với ta của tuổi 20 hãy bớt ảo tưởng đi, không ai trên đời hoàn hảo về mọi mặt đâu, ta sẽ lắc đầu phản đối quầy quậy. Ta cũng hay mơ tưởng về phút giây, ta bất ngờ chạm mặt con người hoàn hảo ấy và thầm nhủ: “Anh chàng/cô gái của đời mình đây rồi”.
Và, ta cũng mang kỳ vọng ấy đi tìm đam mê. Theo các nghiên cứu của giáo sư Duckworth, người ta thường hiểu lầm rằng đam mê sẽ tìm đến họ vào một khoảnh khắc bất ngờ nào đó trong cuộc đời. Họ chờ đợi giây phút, họ có thể thốt lên: “Đây chính là đam mê của cuộc đời mình”.
Khi nghe một đầu bếp nổi tiếng chia sẻ cô yêu nấu ăn hơn tất thảy mọi thứ trên đời, ta thường tưởng tượng đến một buổi chiều khi còn nhỏ, cô đầu bếp ấy thử một món ăn thơm ngon béo ngậy và quyết định nấu ăn sẽ là đam mê của đời cô.
Khi nghe một nhà văn nhiệt thành nói về sở thích viết lách, ta lại vẽ ra hình ảnh một cậu bé 12 tuổi tự hứa với bản thân sẽ theo đuổi nghiệp viết lách, sau khi dành cả đêm đọc một cuốn tiểu thuyết hay. Thật tiếc, những “Aha moment” ấy không bao giờ xảy ra!
Ngoài ra, cô đầu bếp hay anh nhà văn ấy không yêu tất cả mọi thứtrong công việc của mình. Chỉ là những điều họ yêu nhiều hơn so với những điều họ không yêu mà thôi!
Nuôi dưỡng, theo đuổi sự đam mê là cả quá trình dài lâu và nhọc nhằn. Bước đầu tiên của quá trình ấy là kiếm tìm điều ta thật lòng yêu thích. Tiếc thay, giai đoạn tìm kiếm ấy có thể rất lộn xộn, đầy bất ngờ và khó đoán định trước. Đó là vì ta không bao giờ có thể nắm bắt một cách chắc chắn điều gì sẽ thu hút sự chú ý của ta.
Các bằng chứng khoa học cho thấy, cảm giác buồn chán thì rất dễ nhận biết (ta biết rõ khi nào ta cảm thấy chán nản), nhưng khi bắt đầu một trải nghiệm hay hoạt động mới, ta khó có thể cảm nhận được ta có thích điều ấy hay không.
Vì thế, theo Duckworth, sau khi mới bắt đầu một công việc, hoạt động hay trải nghiệm mới, ta không nên vội vã tự hỏi liệu đây có phải là đam mê đời ta không. Hãy cho trải nghiệm, hoạt động ấy một cơ hội. Nếu bạn lờ mờ cảm thấy thích thú, hãy cố gắng làm việc thật tốt, và để ý xem niềm yêu thích ban đầu ấy sẽ đi được bao xa.
Những cá nhân thành đạt trong cuốn sách của Duckworth chia sẻ rằng, khi lần đầu tiếp xúc với thứ sẽ trở thành đam mê của đời họ, họ không hề nhận ra đó chính là điều họ sẽ theo đuổi suốt đời. Nhưng niềm yêu thích và say mê của họ lớn dần lên khi thường xuyên được tiếp xúc với hoạt động và trải nghiệm ấy.
Hãy nhớ lại mối tình của bạn. Lần đầu chạm mặt bạn có thể cảm thấy ấn tượng, nhưng nếu không có cơ hội gặp lại năm, mười, mười lăm lần nữa, liệu ta có thể phát triển cảm xúc yêu đương được không?
Tôi tìm thấy chính bản thân mình khi đọc sách của Duckworth. Giờ đây, tôi hiểu rõ làm nghiên cứu, viết lách và dạy học là đam mê của bản thân. Nhưng lần đầu tiếp xúc với công việc viết lách, tôi không hề nghĩ như vậy.
Trước khi sang Anh học thạc sỹ, tôi có cơ hội tham gia một nghiên cứu khá hay khi đang làm cho một công ty tư vấn. Đó là một công việc không hoàn hảo, nhưng tôi rất thích đi thu thập số liệu rồi viết báo cáo dựa trên số liệu ấy. Nhưng giây phút hân hoan ban đầu ấy dần biến mất khi tôi không có cơ hội được tiếp xúc với công việc viết lách nữa. Mãi đến khi sang Anh du học, tôi mới lại được quay trở lại với giấy bút.
Lúc ấy, tôi lờ mờ cảm nhận làm nghiên cứu và viết lách phù hợp với tính cách mình, nhưng vẫn chưa có gì rõ ràng cả. Chỉ đến khi sang Mỹ học PhD, được thường xuyên làm nghiên cứu, và viết lách, tôi mới chắc chắn về đam mê nghề nghiệp của bản thân (hồi mới sang Mỹ, tôi luôn hoài nghi về quyết định của mình!).
Theo tác giả bài viết, để tìm ra đam mê của bản thân, ai cũng phải trải qua những giai đoạn thử nghiệm đầy va vấp và sai lầm. Đừng cố gắng tìm kiếm một hoạt động duy nhất bạn nghĩ có thể sẽ phát triển thành đam mê của đời mình.
Các nghiên cứu của giáo sư Duckworth cũng chỉ ra rằng, để nuôi dưỡng lòng đam mê, ta cần sự ủng hộ, động viên rất lớn từ những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô, và bạn bè.
Sự hỗ trợ động viên từ những người xung quanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tìm kiếm đam mê. Vì khi mới chớm yêu thích điều gì đó, ta vẫn chưa chắc liệu đó có thực sự là đam mê, là điều ta muốn cam kết lâu dài hay không.
Marc Vetri là một đầu bếp nổi tiếng, và Duckworth có thể say sưa đọc sách về nấu nướng của anh không chán. Khi còn đi học, anh chỉ toàn đạt điểm C và không thấy trường học có gì thú vị. Nhưng anh lại rất yêu những chiều chủ nhật phụ giúp bà nấu nướng, anh mê mải xem bà nấu hết món này đến món khác không biết chán.
Lớn hơn một chút, anh làm việc bán thời gian cho một nhà hàng địa phương để kiếm tiền trang trải học phí. Và anh yêu công việc rửa bát đũa vô cùng, vì công việc ấy cho anh cơ hội được nhìn các đầu bếp của nhà hàng chế biến nhưng nguyên liệu thô thành các món ăn tuyệt vời.
Anh rất may mắn vì khi mới chớm cảm thấy thu hút bởi công việc nấu nướng, anh đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cha mẹ, thầy cô và những đầu bếp trong nhà hàng. Chính họ đã khuyến khích anh trở thành đầu bếp!
Nếu bạn muốn nuôi dưỡng lòng đam mê nhưng vẫn chưa biết đam mê của mình là gì, hãy bắt đầu kiếm tìm đam mê. Hãy nhớ, tìm kiếm là giai đoạn đầu tiên của quá trình nuôi dưỡng lòng đam mê.
Để tìm kiếm đam mê, Duckworth khuyên, bạn hãy bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản sau: Bạn thích nghĩ về điều gì? Tâm trí bạn hay thơ thẩn về điều gì? Bạn thực sự quan tâm đến điều gì? Điều gì quan trọng nhất đối với bạn? Và ngược lại, điều gì khiến bạn cực không thích, không thể chịu được.
Trong giai đoạn tìm kiếm, khám phá đam mê, bạn có thể làm theo một số nguyên tắc sau:
- Kể cả khi bạn không cảm nhận rõ ràng sở thích của mình là gì, sẽ phải có điều gì đó bạn cực kỳ không thích, và điều gì đó bạn thấy thích hơn. Hãy bắt đầu bằng danh sách những công việc, hoạt động bạn cảm thấy có triển vọng hơn.
- Để tìm ra đam mê của bản thân, ai cũng phải trải qua những giai đoạn thử nghiệm đầy va vấp và sai lầm. Đừng cố gắng tìm kiếm một hoạt động duy nhất bạn nghĩ có thể sẽ phát triển thành đam mê của đời mình.
Ban đầu, bạn chỉ cần tìm ra được hướng đi mà bạn cảm thấy thích thú. Thực tế, ta chỉ biết điều gì đó có phù hợp với ta hay không sau khi đã tiếp xúc với điều ấy trong thời gian đủ dài.
- Đừng ngại thử điều mới khi bạn nhận ra điều mà bạn tưởng là đam mê của mình không thật sự phù hợp với bản thân.
Nếu bạn đã may mắn tìm ra hoạt động bạn thích thú, đã đến lúc phát triển niềm hứng thú đó. Sau giai đoạn kiếm tìm là giai đoạn phát triểnđam mê.
Hãy nhớ rằng, sự yêu thích ban đầu sẽ qua đi rất nhanh nếu ta không tìm cách “kích hoạt” nó thường xuyên. Hãy tìm mọi cơ hội để được tiếp xúc và tham gia vào hoạt động mà ta cảm thấy hứng thú. Hãy kết nối với những người cùng sở thích và học hỏi từ họ. Hãy tìm một mentor trong lĩnh vực mà bạn muốn phát triển thành đam mê cả đời, và xin lời khuyên từ họ.
Giai đoạn phát triển đam mê cần nhiều cố gắng, quyết tâm và nhẫn nại hơn ta tưởng rất nhiều!
Không phải ai cũng có cơ hội và may mắn được làm công việc đúng với đam mê, và cũng không phải ai cũng có điều kiện đi tìm và phát triển đam mê.
Thực tế, trong cuộc sống, ta sẽ phải đối mặt với không ít rào cản trên con đường kiếm tìm đam mê. Đó có thể là sự phản đối của gia đình, những chuẩn mực của xã hội, hay áp lực cơm áo gạo tiền. Ở một xã hội trọng tiền bạc và bằng cấp như Việt Nam, để theo đuổi những đam mê như nấu ăn, hội hoạ, thể thao, ta sẽ cần ý chí và sự quyết tâm lớn hơn rất nhiều!
Và nếu bạn may mắn đang được sống với đam mê của bản thân, hãy cảm thông với những ai vẫn đang loay hoay kiếm tìm đam mê và những ai đã tìm thấy đam mê nhưng không có cơ hội theo đuổi đam mê ấy.
Tôi đã từng rất rất không hạnh phúc khi phải làm công việc không hợp với sở trường và đam mê của bản thân, nên tôi thật lòng cảm thông và thấu hiểu những bạn đang rơi vào hoàn cảnh như tôi trước đây!
Trương Thanh Mai
(Arizona, Mỹ)
Theo Dân trí
Nam sinh từ bỏ đại học Y khoa theo đuổi đam mê tại SIU
Nguyễn Minh Tấn (Trường THPT Nguyễn Du, Gia Lai) chọn ngành Luật kinh tế quốc tế tại SIU dù trước đó đỗ nguyện vọng một Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Lựa chọn theo đuổi đam mê
Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Minh Tấn đã đỗ nguyện vọng một Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đồng thời nhận được suất học bổng toàn phần bốn năm từ Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) với giá trị học bổng 186,4 triệu đồng cùng sinh hoạt phí 80 triệu đồng.
Nguyễn Minh Tấn (học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Gia Lai) - tân chủ nhân của học bổng Chủ tịch SIU 2019.
Đứng trước hai hướng đi cho tương lai, Minh Tấn lựa chọn ngành Luật kinh tế quốc tế tại SIU. Chia sẻ về quyết định này, nam sinh cho biết: "Thực hiện theo mong muốn của bố mẹ, em lựa chọn nguyện vọng một là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên, Luật kinh tế là đam mê lớn nhất từ những năm cấp 3 và em muốn tìm kiếm cho mình cơ hội để theo đuổi ngành học này". Tấn đã mạnh dạn nộp hồ sơ xin học bổng tại SIU. Khi biết được lựa chọn, cậu đã cố gắng thuyết phục bố mẹ để được viết tiếp đam mê của mình.
Ngành Luật kinh tế quốc tế của SIU được thiết kế theo tiêu chuẩn ngành Law & Economics của Đại học Mỹ là ngành học nhận được nhiều sự quan tâm của sinh viên.
Minh Tấn nhận thấy ngôi trường SIU hội tụ những yếu tố mà bản thân mong muốn từ cơ cở vật chất, môi trường học tập và đặc biệt là chính sách hỗ trợ 100% học phí chương trình đào tạo kỹ năng tiếng Anh và tin học cho sinh viên.
Tấn chia sẻ: "Dự định của em sau khi lên đại học là trau dồi thêm kỹ năng tiếng Anh bởi những năm cấp ba em chưa có điều kiện học tập và thực hành nhiều. Em tin rằng môi trường học tập thường xuyên giao tiếp với giảng viên nước ngoài tại SIU sẽ giúp em phát triển kỹ năng này".
Được hỗ trợ đào tạo kỹ năng tiếng Anh và tin học miễn phí trong 3 năm, sinh viên SIU dễ dàng nắm bắt cơ hội trong thời kỳ hội nhập cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường lao động hiện nay.
Ước mơ mở văn phòng luật
Ước mơ lớn nhất của Minh Tấn là mở văn phòng luật trong tương lai. Đối với Tấn, ước mơ luôn đi kèm với quyết tâm và hành động. Trước ngưỡng cửa đại học, Tấn đã tự đặt ra những mục tiêu học tập cụ thể để từng bước hiện thực hóa giấc mơ của mình. Mặc dù đề cao mục tiêu học tập, cựu học sinh Nguyễn Du cũng dự định sẽ gia nhập câu lạc bộ thiện nguyện của trường để tiếp tục thực hiện hành trình kết nối cộng đồng và lan tỏa yêu thương mà bản thân đã bắt đầu tham gia từ những năm cấp 3.
Theo Tấn, muốn hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp trong tương lai thì việc tiếp thu kiến thức ở giảng đường là chưa đủ. Chàng tân sinh viên tự nhủ phải chủ động học hỏi, chuẩn bị sẵn sàng về năng lực chuyên môn, kỹ năng tiếng Anh, tin học và nhiều kỹ năng mềm hữu ích khác để đáp ứng yêu cầu công việc và thành công sau này.
Thế Đan
Theo VNE
38 suất học bổng toàn phần cho sinh viên Việt Nam tại nước Anh Năm học 2020/2021, Chevening có thêm 10 suất học bổng cho ứng viên dự định theo học tại các trường ở xứ Wales, tức có khoảng 34-38 suất cho SV Việt Nam. Ảnh minh họa Thông tin từ Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam, vào ngày 5/8/2019, chương trình học bổng danh giá của Chính...