Hãy cắt bỏ những thủ tục nhiêu khê trong khai giảng
QĐND Online – Để mang đến cho học sinh một ngày hội khai giảng thực sự có ý nghĩa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắc nhở ngành GD-ĐT như vậy khi đến dự Hội nghị tổng kết năm học 2014- 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học mới của Bộ GD-ĐT, sáng 12-8, tại Hà Nội.
Khắc phục 4 hạn chế của giáo dục
Chia sẻ với ngành giáo dục những vất vả mà ngành đã cố gắng nỗ lực trong thời gian qua để đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong năm vừa qua Bộ GD-ĐT đã chủ trì nhiều cuộc Hội thảo để bàn về hệ thống giáo dục, trong đó các nhà khoa học cũng đã nỗ lực cùng với Bộ để giúp cho nền giáo dục được hội nhập, tiên tiến.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt chú ý tới 4 điểm còn hạn chế của ngành trong báo cáo tổng kết. Chia sẻ những khó khăn với ngành giáo dục về thiếu cơ sở vật chất, Phó Thủ tướng cho rằng mặc dù chúng ta có đề án 36.000 tỷ thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học, nhà công vụ giáo viên, tuy nhiên đã chi vượt cả số đó mà làm chưa làm hết. Nếu hoàn thành hết nhà công vụ cho giáo viên và chương trình trường học kiên cố hóa kể cả mầm non trong thời điểm hiện nay ở vùng sâu vùng xa là rất khó. Nếu làm đúng như đề án 2 năm trước trình lên Chính phủ thì phải cần trên 50.000 tỷ nữa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc khắc phục nhu cầu vốn của cả xã hội hiện nay rất khó khăn nhưng về phía Bộ GD-ĐT cần trao đổi để sát hơn với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch tìm phương án khả thi với tinh thần là chỗ khó nhất ưu tiên làm trước.
“Chúng ta phải xác định, không có chương trình, sách giáo khoa mới chúng ta vẫn phải làm kiên cố hóa trường học và không phải cứ làm kiên cố hóa mới đổi mới sách giáo khoa. Nếu chương trình tốt, sách giáo khoa tốt thì nhà tranh mà sạch sẽ cũng vẫn dạy tốt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Hạn chế thứ hai mà ngành giáo dục cần khắc phục là việc thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh. Việc đánh giá học sinh như vậy là đúng theo xu thế của giáo dục hiện đại và cũng phù hợp với truyền thống của chúng ta, tuy vậy dư luận xã hội và nhất là tâm lý của không ít phụ huynh, giáo viên chưa kịp đổi. Đây là biện pháp để dần tiến tới, cố gắng phấn đấu để vượt lên chính mình chứ không phải để so sánh, để ganh tỵ với người khác.
Một hạn chế khác là ở một vài nơi, một số hiện tượng chưa tốt trong giáo dục như dạy thêm học thêm tràn lan, thu chi không đúng quy định, sổ sách của giáo viên quá nhiều, thiếu quan tâm giáo dục ý thức tự quản, lao động vệ sinh, tự phục vụ trong nhà trường vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Điều Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh là chất lượng giáo dục tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục, còn nhiều hạn chế về giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh.
Phó Thủ tướng cho rằng, giáo dục đạo đức học sinh có rất nhiều thứ nhưng ngành giáo dục cần chú ý vào những việc làm rất cơ bản, rất cụ thể. Dẫn giải về việc dạy học sinh lòng yêu nước, về lý tưởng, nhà trường chưa cần phải dạy những bài học mà ngay cả người lớn nghe còn chưa hiểu mà hãy từ việc làm đơn giản nhất như ngày trước khi tập thể dục, học sinh thường hô vang: Rèn luyện thân thể bảo vệ Tổ quốc, rèn luyện thân thể thống nhất đất nước… Từ đó, cung cấp các kỹ năng sống và bồi đắp cho các cháu những nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Quán triệt tinh thần trong năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo ngành giáo dục, suy cho cùng giáo dục là dạy tri thức, đều dạy con người làm điều tốt, có lòng yêu nước. Điều này phải khơi dậy trong giáo dục và phải thực sự vì học sinh.
Phó Thủ tướng đề nghị năm học này nên có một ngày khai giảng duy nhất.
Đừng bắt học sinh xếp hàng đợi lãnh đạo trong ngày khai giảng
“Tôi từng chứng kiến ngày nắng, hay mưa, học sinh phải xếp hàng đứng chờ, đón các lãnh đạo các cấp tới dự, rồi ngồi nghe các lãnh đạo đọc các bài phát biểu dài mà các cháu không hiểu gì”, Phó thủ tướng chia sẻ.
Trước những thủ tục mà Phó thủ tướng đánh giá là “nhiêu khê” đó, Phó thủ tướng đề nghị năm nay chỉ nên có một ngày khai trường duy nhất, có thể tổ chức vào ngày mùng 4 hay 5-9. Phần nghi lễ chỉ nên có nghi lễ chào cờ, hát quốc ca, hiệu trưởng đọc thư của Chủ tịch nước, phần phát biểu của lãnh đạo ngắn gọn, còn lại phần lớn thời gian là tổ chức phần lễ cho hoạt động giữa thầy và trò, để ngày khai trường thực sự là ngày hội đến trường của học sinh.
“Chúng ta hãy làm thực sự vì các cháu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo QĐND