Hậu quả khó lường khi dọa trẻ
Những lời đe dọa tưởng chừng vô hại trong tuổi ấu thơ có thể vô tình trở thành vấn đề tâm lý rắc rối, thậm chí ám ảnh cho đến tuổi trưởng thành
Mỗi lần con gái 5 tuổi đi bệnh viện là một “cuộc chiến” lớn với chị Phạm M.T (quận Bình Thạnh, TP HCM). “Con tôi cứ thấy bác sĩ, điều dưỡng là khóc, không chịu cho khám. Ngày xưa tôi phải dọa còn quấy sẽ nói bác sĩ chích, cháu mới chịu thôi nhưng giờ không hiệu quả nữa” – chị T. than thở.
Rắc rối “hội chứng áo choàng trắng”
Thạc sĩ – bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết ông gặp không ít phụ huynh đến bệnh viện, cố làm cho trẻ yên bằng cách nói những câu như “ngồi yên nếu không bác sĩ chích kìa”, “bác sĩ có chích không bác sĩ?”.
“Việc đem bác sĩ và việc điều trị, chích thuốc ra dọa trẻ là không nên vì chỉ làm trẻ càng sợ hãi, quấy khóc, vùng vẫy nhiều hơn khi đến bệnh viện, gặp các bác sĩ, điều dưỡng, khi thấy ống chích, dụng cụ y khoa… Nhiều trường hợp đã gây khó khăn cho các bác sĩ khi trẻ có bệnh cần nhập viện và xung quanh có nhiều bác sĩ, người mà ngày thường cha mẹ vẫn đem ra để dọa khi trẻ không chịu ăn, mê chơi… Nhóm trẻ 3-6 tuổi hay gặp vấn đề này nhất. Đã có không ít trường hợp bệnh viện phải mời bác sĩ tâm lý đến phối hợp, chơi với trẻ cho trẻ hết sợ bác sĩ rồi mới điều trị được” – bác sĩ Thạc cho biết.
Nên tránh đem bác sĩ ra dọa khi trẻ không ngoan, cần giải thích cho trẻ hiểu sự cần thiết khi đi khám bệnh (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Minh Khuyên – chuyên khoa tâm thần kinh Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (TP HCM) – cảnh báo về “hội chứng áo choàng trắng”, tức cứ thấy người mặc áo blouse trắng là căng thẳng. Hội chứng này không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ mà còn gặp ở nhiều người lớn: hễ vào bệnh viện là tự nhiên huyết áp tăng, nhịp tim tăng dù không có bệnh tim mạch, về nhà lại bình thường. Điều này dẫn đến nhiều rắc rối, ví dụ như nhập viện để phẫu thuật mà huyết áp tăng nên không làm gì được.
“Những bệnh nhân này cần được can thiệp về tâm lý, có thể dùng thêm thuốc giảm huyết áp… thì mới ổn định và bắt đầu điều trị được căn bệnh chính. Đáng nói, “hội chứng áo choàng trắng” rất có thể có nguyên nhân từ nỗi sợ bác sĩ, thông qua lời dọa của cha mẹ từ thời ấu thơ. Có thể khi trưởng thành, bệnh nhân không còn nhớ rõ về sự đe dọa đó nhưng dấu ấn trong tinh thần vẫn còn. Họ không sợ bác sĩ theo kiểu của trẻ em nhưng sẽ bị căng thẳng mà nhiều khi chính bản thân cũng không hiểu vì sao” – bác sĩ Khuyên phân tích.
Video đang HOT
Dọa ăn, dọa bỏ rơi, dọa đánh: Nhiều hệ lụy
Chị Trần N.T (quận Gò Vấp, TP HCM) đã phải đưa con trai 4 tuổi đến tận 3 phòng khám khác nhau bởi dạo này cháu cứ ăn là khóc, ói nhưng tìm hoài không ra bệnh. Ở nơi cuối cùng, bác sĩ yêu cầu chị đưa bé đi khám tâm lý, lúc đó mới vỡ lẽ: cháu bé vốn hơi mũm mĩm nhưng người mẹ vẫn ép con ăn vì cứ cho rằng cháu kén ăn, dọa không ăn sẽ không thương bé nữa. Lâu ngày, bữa ăn gần như thành nỗi ám ảnh, bé thường vừa ăn vừa sợ, căng thẳng dẫn đến kích thích nôn ói.
Theo bác sĩ Đinh Thạc, dọa để trẻ ăn cũng là một sai lầm phổ biến. Có thể ban đầu trẻ sẽ cố ăn vì sợ cha mẹ phạt. Nhưng lâu dài, cơ thể sẽ sinh ra phản ứng bất lợi. Hình phạt hay sự dọa nạt thường gây ức chế thần kinh, mà hệ thần kinh điều phối nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm hệ tiêu hóa. Hoạt động tiêu hóa không thuận lợi, trẻ càng khó ăn.
Trẻ nhỏ cũng dễ gặp rắc rối từ những lời đe dọa sẽ bị bỏ rơi, dọa đánh. Dù mục đích của lời đe dọa là để trẻ ăn tốt hơn hay tập trung học hơn thì điều này cũng vô tình liên kết việc ăn, việc học… với một nỗi sợ hãi, một trạng thái tinh thần tiêu cực, dẫn đến việc trẻ càng khó thực hiện điều bạn yêu cầu.
Bác sĩ Trần Minh Khuyên lưu ý nếu lời đe dọa chưa thực sự gây rắc rối lớn thì cần ngưng ngay và cố tạo ra môi trường thoải mái trở lại: khi đưa con đi khám bệnh, cần giải thích đơn giản là bác sĩ sẽ giúp con bớt đau, bớt mệt; khi ăn mà thoải mái, không bị ép thì dịch vị sẽ tiết ra tốt hơn, tự khắc trẻ ăn ngon miệng hơn. Còn nếu như trẻ đã có phản ứng sợ hãi quá đáng, ví dụ như hay gào khóc khi đối diện với điều mà bạn lỡ dùng để dọa trẻ, có sự thay đổi về hành vi, tính tình thì nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám.
Cần khéo “ra điều kiện”
Bác sĩ Đinh Thạc gợi ý trong các trường hợp trẻ không nghe lời, thay vì đe dọa trẻ bằng một người nào đó, một thứ gì đó làm trẻ sợ hãi thì hãy dọa nhẹ nhàng bằng cách nhắm tới điều mà trẻ thích, ví dụ như trẻ thích đi chơi, nên ra điều kiện nếu trẻ không học chăm hay không nghe lời khi ra nơi công cộng thì sẽ không được đi chơi nữa.
Con bạn có đang bị bắt nạt ở trường?
Có những dấu hiệu cho thấy có thể trẻ đang bị bạn bè bắt nạt, bạo hành ở trường mà cha mẹ cần nhận biết để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra.
Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ học sinh (HS) bị đánh hội đồng. Hai vụ tại tỉnh Thanh Hóa và TP.Hà Nội nạn nhân phải nhập viện điều trị. Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho rằng có các dấu hiệu để nhà trường, phụ huynh nhận biết nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng đánh hội đồng ở HS và hạn chế thấp nhất những sang chấn tâm lý cho các em.
Chủ yếu rơi vào nhóm tuổi cấp II
Bác sĩ Đinh Thạc cho biết, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận khá nhiều bệnh nhi tới điều trị do bị bạn bắt nạt, kể cả đánh hội đồng ở trường.
Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận tư vấn, điều trị không ít trường hợp học sinh bị bắt nạt hội đồng
Một trong số các bệnh nhi của bác sĩ Đinh Thạc gần đây là nam sinh T.V.Đ., học lớp Sáu, ngụ Q.Tân Phú (TP.HCM). Đ. được cha mẹ đưa đến gặp bác sĩ vì tìm mọi cách để... đi học trễ. Cô giáo chủ nhiệm phản ánh với gia đình là Đ. thường xuyên tới trường sau khi trống trường đã điểm. Sau đó, mẹ của Đ. lưu ý gọi con dậy sớm hơn, nhưng Đ. lại đối phó bằng cách thay đồ chậm chạp, ăn sáng rất lâu...
Người mẹ để ý thấy con luôn nhìn đồng hồ, mặc dù muộn giờ nhưng chẳng có vẻ gì là đang vội nên sinh nghi. Khi mẹ gặng hỏi, Đ. chỉ im lặng và đưa ra những lý do không hợp lý. "Nói chuyện với Đ. tôi mới biết cậu bé bị một số bạn bè ở trường trêu chọc do quá mập. Không nhịn được, cậu bé phản kháng thì bị một nhóm bạn đánh. Để tránh chạm mặt với nhóm bạn này, Đ. cố tình đi học muộn hơn", bác sĩ Đinh Thạc kể.
Trường hợp khác tới khám tâm lý cũng là HS cấp II, ngụ Q.Tân Bình. Nữ sinh này bị một nhóm bạn chặn đánh gây hoảng sợ tới mức không dám đi học chỉ vì học quá giỏi. M. kể, lúc làm bài kiểm tra, bạn xin chép bài nhưng M. không trả lời. Vì lý do này, mấy bạn chặn đánh M. để dằn mặt.
Theo bác sĩ Đinh Thạc, bắt nạt hội đồng chủ yếu rơi vào nhóm tuổi cấp II. Ở độ tuổi này, các em đang dậy thì, dần trở thành người lớn nhưng suy nghĩ lại chưa trưởng thành. Tuổi này các em biết hết về sai và đúng nhưng lại chưa nhận thức được sâu sắc nên xảy ra tình trạng biết sai mà vẫn làm. Những HS đi bắt nạt, đánh bạn thực ra tâm lý là muốn chứng tỏ bản thân, muốn gây sự chú ý. Đó là lý do tại sao sau khi đánh bạn, các em lại quay video đăng lên mạng như một chiến công để khoe với mọi người.
Cách sớm nhận biết trẻ bị bắt nạt
Bác sĩ Đinh Thạc đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo nguy cơ trẻ bị bắt nạt. Trước tiên là đối tượng dễ bị bắt nạt hội đồng: có khiếm khuyết về hình thể (mập quá, ốm quá, cao quá, thấp quá...), học yếu hoặc học quá giỏi, có biệt tài, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt (gia đình bố mẹ ly hôn, gia đình hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là giàu quá), thiên hướng giới tính khác với tự nhiên (bé trai mà thích làm đẹp như bé gái, bé gái mà thích ăn mặc như bé trai)...
Tiếp đến là những HS có khuynh hướng hung tính, nguy cơ bắt nạt và đánh bạn: những trẻ sống trong môi trường bị bạo hành, không đầy đủ cha mẹ, học yếu.
Có những dấu hiệu cho thấy có thể trẻ đang bị bắt nạt, bạo hành mà cha mẹ cần để ý để nhận biết, như: không muốn đi học (cố tình đi muộn, đi con đường khác), học hành giảm sút, đêm ngủ nói mớ, đi học về quần áo bị xộc xệch, liên tục xin tiền (bị trấn lột), không tham gia các hoạt động tập thể của trường, lớp. Một số HS bị bắt nạt sẽ giải tỏa tâm lý bằng cách về nhà rất cộc cằn và phản ứng dữ dội với người nhà.
Khi thấy bất thường, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là lắng nghe câu chuyện của con để biết nguyên nhân vì sao con bị đánh, bị bắt nạt. Tất nhiên, không phải lúc nào các em cũng chia sẻ. Cha mẹ cần nhanh chóng liên lạc với giáo viên chủ nhiệm nói rõ tình hình, từ đó phối hợp chặt chẽ, hiểu rõ hơn các mối quan hệ bạn bè trong lớp của con. Trẻ dễ bị bắt nạt khi ở một mình trong giờ ra chơi, đầu và sau giờ học.
Để khắc phục điều này, phụ huynh hãy dành thời gian đưa đón con và đừng đón con muộn. Nếu thấy có cha mẹ thường xuyên đưa đón, nhóm bạn định bắt nạt cũng sẽ ngần ngại hơn. Đồng thời khuyên con hãy kết bạn, hòa đồng với bạn bè. Chỉ kẻ yếu, kẻ cô độc mới dễ bị bắt nạt.
Về phía nhà trường, với những HS có biệt tài, học quá giỏi, khi khen thưởng các em cũng phải tế nhị và khéo léo. Thầy cô đôi khi vô tình khen nhưng lại đem các HS yếu ra so sánh, gây mất đoàn kết và nảy sinh đố kỵ giữa các em. Nhà trường cũng nên thành lập tổ phản ứng nhanh được tập huấn kỹ năng để kịp thời ngăn chặn bạo hành học đường, đừng để tình trạng các HS đánh nhau chán chê, quay clip, đăng lên mạng rồi mới biết thì đã quá muộn màng.
Đánh bạn có thể là biểu hiện tâm lý bị rối loạn
Khi chẳng may có vụ bắt nạt, đánh hội đồng xảy ra, tôi thấy người lớn có lúc xử lý chưa chuẩn. Ví dụ quá bức xúc vì con bị đánh, cha mẹ tới trả thù bạn của con. Làm như vậy là sai, cho dù hành động đánh bạn của các em không đúng. Nhà trường cũng vậy, đôi khi dưới sức ép của gia đình HS bị đánh, cuống quá lại đưa ra thất sách là đuổi học những HS đánh bạn. Các em còn nhỏ, điều gia đình, nhà trường và xã hội cần làm là giáo dục, dạy dỗ. Đưa ra các hình phạt nhưng phải cho các em có cơ hội sửa đổi.
Những HS cá biệt, có hung tính, ngoài giáo dục về đạo đức, thầy cô cần cho các em tham gia tích cực các bài tập nhóm, hoạt động mang tính chất tập thể. Khi phân bài tập nhóm hãy ghép các em này với những em có tính cách trái ngược để các em thân thiện, chan hòa hơn với các bạn. Thậm chí, đánh bạn còn có thể là biểu hiện tâm lý bị rối loạn, các em cần được tư vấn và điều trị tâm lý.
Bác sĩ Đinh Thạc
Cách nào hạn chế tổn thương tâm lý trẻ em sau bão lũ? Hiện nay, các tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra. Trẻ em là đối tượng mong manh, dễ bị thương tổn tâm lý trầm trọng nhất. Người lớn chính là chỗ dựa còn lại cho con trẻ sau bão lũ đau thương - Ảnh: Sơn Vinh Hiện nay, các tỉnh miền Trung đang phải...