Hậu Giang sẵn sàng để 6.500 sĩ tử bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hoài Thúy Hằng cho biết, đơn vị đang phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức tốt mọi mặt nhằm tạo điều kiện thuận lợi để 6.590 thí sinh trong tỉnh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 an toàn, chất lượng.
Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, điểm thi tạo mọi điều kiện thuận lợi để thí sinh tham gia tốt kỳ thi THPT sắp tới, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt quy chế thi để học sinh nắm rõ, quan tâm hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn… đồng thời, chuẩn bị kỹ nhân sự tham gia kỳ thi, đảm bảo cơ sở vật chất, an toàn giao thông, điện, nước, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ…
Học sinh khối 12 Trường THPT Tây Đô ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tập trung ôn thi.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT tỉnh cũng đề ra các phương án dự phòng ứng phó với mọi thiên tai, dịch bệnh để kỳ thi được diễn ra một cách thuận lợi và an toàn. Theo đó, Sở đã chuẩn bị nhân sự dự phòng thay thế trường hợp cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi bị nhiễm Covid-19. Riêng thí sinh không thể tham gia thi vì nhiễm COVID-19, đơn vị phối hợp với ngành chức năng theo dõi sức khỏe, xác nhận tình trạng nhiễm bệnh để xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo đúng quy định, đảm bảo trung thực, khách quan, đúng quy chế, không xảy ra tiêu cực.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/7. Tỉnh Hậu Giang có 6.590 thí sinh đăng ký dự thi tại 291 phòng thi, bố trí ở 20 điểm thi đặt tại 20 trường THPT ở các huyện, thị xã, thành phố trong địa bàn tỉnh. So với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước, tăng 1 điểm thi tại Trường THPT Hòa An, huyện Phụng Hiệp.
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết thêm: “Sở GD-ĐT cũng dự trù mỗi một điểm thi có ít nhất 2 phòng để dự phòng. Nếu các thí sinh bị F0 muốn thi tốt nghiệp thì Sở tổ chức cho các em ở các phòng thi riêng ở các điểm thi. Nếu có tình huống xảy ra như mưa bão hoặc có những em khi ngủ quên thì nhà trường có đội sinh viên tình nguyện sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các em đến điểm thi kịp thời để các em không bỏ lỡ kỳ thi tốt nghiệp của mình”.
Giải pháp học tốt môn Ngữ văn lớp 12
Thực tế trong quá trình học cũng như các kỳ kiểm tra học sinh gặp không ít trở ngại, khó khăn về kiến thức, kĩ năng làm bài môn Ngữ văn.
Giờ học Ngữ văn. Ảnh: IT
Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi luôn trăn trở để tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp, thiết thực nhằm giúp các em học tốt bộ môn, trang bị kiến thức và kỹ năng vững vàng bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hướng dẫn chuẩn bị bài
Video đang HOT
Lâu nay, hầu hết học sinh có thói quen khi chuẩn bị bài là trả lời một cách máy móc các câu hỏi ở sách giáo khoa. Gọi là máy móc vì nhiều em chép từ sách tham khảo ra. Một thực tế phổ biến là học sinh không đọc tác phẩm văn học mà vẫn soạn được bài. Đó là nhờ vào sách giúp em học tốt hoặc Google. Nắm được tình trạng này, ở từng bài học cụ thể, người thầy cần định hướng cho các em soạn bài bằng các câu hỏi, yêu cầu cụ thể. Muốn làm được bài thì nhất thiết người học phải đọc kỹ tác giả, tác phẩm. Nếu không thì sẽ rơi vào "bịa đặt", "suy diễn" lung tung về tác giả, tác phẩm đó.
Với tác phẩm văn xuôi, yêu cầu các em tóm tắt cốt truyện, nêu đề tài, các nội dung chính; nêu tên nhân vật, hệ thống các sự việc, hình ảnh, chi tiết. Sẽ cụ thể hóa việc soạn bài bằng cách gọi học sinh trình bày trước lớp.
Với tác phẩm thơ yêu cầu các em đọc và nêu mạch cảm xúc, tâm trạng bài thơ; phát hiện tứ thơ, các hình ảnh, chi tiết đặc sắc; những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật.
Tích cực gọi học sinh phát biểu
Nêu ra các câu hỏi có vấn đề để kích thích, khơi gợi, lôi cuốn học sinh tham gia phát biểu một cách tự giác. Sau mỗi câu trả lời cần có nhận xét, ghi nhận, bổ sung. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là học sinh lớp 12 thường có tâm lý ngại và lười phát biểu dù nội dung đó các em có thể trả lời được. Trong quá trình giảng bài, giáo viên cần khuyến khích các em phát biểu nhưng đồng thời cũng thường xuyên gọi những em không chịu tự giác. Cần gọi nhiều học sinh để luôn tạo ra tâm thế "chờ đợi" và luôn tập trung vào bài học, câu hỏi ở các em.
Học sinh cuối cấp thảo luận về đề thi minh họa môn Ngữ văn.
Hướng học sinh vào nội dung trọng tâm của bài
Qua các bài làm của học sinh hiện nay dễ dàng nhận thấy có nhiều em không nắm vững tác phẩm nên thường hay suy diễn lan man. Nội dung ý nghĩa của một đoạn thơ, một đoạn văn bị hiểu sai. Vậy làm sao khắc phục tình trạng này. Trong quá trình dạy, chúng tôi thường tiến hành như sau:
- Trước khi vào phần đọc hiểu văn bản, gọi học sinh đứng lên nêu các định hướng tiếp nhận tác phẩm. Nghĩa là các em phải trả lời câu hỏi ta tiếp nhận tác phẩm này ở những phương diện nào? Nội dung gì? Khi các em đưa ra các cách tiếp nhận tức là đã xác định được những ý, những vấn đề trọng tâm cần nắm. Như thế học sinh sẽ nhớ lâu.
Chẳng hạn dạy Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) giáo viên yêu cầu học sinh đề xuất cách tiếp nhận theo nhân vật, hoặc theo từng đoạn gắn với không gian, thời gian. Dạy Đàn ghita của Lorca (Thanh Thảo) có thể cho học sinh nêu hướng tiếp nhận theo khổ thơ hoặc theo hình ảnh Lorca, cảm xúc Thanh Thảo...
- Giáo viên khắc sâu ý nòng cốt sau khi giảng một tác phẩm: Ý nòng cốt này thường xuyên xuất hiện trong tất cả các đề liên quan đến tác phẩm đó. Ý cơ bản được thể hiện bằng các từ chốt mà trong đáp án bao giờ cũng có. Chẳng hạn viết về Vợ nhặt (Kim Lân) học sinh phải luôn nêu được ý nghĩa sâu sắc của tình huống truyện, đó là: Tình người, niềm khao khát hạnh phúc, niềm tin, niềm lạc quan vào cuộc sống. Hoặc nhấn mạnh và yêu cầu học sinh nắm chắc các đặc điểm chính về nghệ thuật của tác phẩm để đưa vào bài làm dù gặp dạng đề nào đi nữa về tác phẩm đó. Chẳng hạn, làm đề nào về Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, học sinh cũng có thể đưa vào các ý: Thể thơ tự do, khai thác linh hoạt các chất liệu của văn hóa, văn học dân gian; ngôn ngữ giản dị, gợi cảm...
- Yêu cầu học sinh sử dụng bút chì để tô đậm các từ, các câu, các đoạn đặc biệt trong sách giáo khoa. Điều đó giúp các em dễ ôn tập, dễ nắm bài...
- Sau mỗi bài học về tác gia, tác phẩm, chúng tôi cung cấp cho học sinh hệ thống đề ra liên quan đến tác gia, tác phẩm đó để học sinh làm quen và nếu có thời gian các em tự luyện tập.
Chẳng hạn dạy xong truyện Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) chúng tôi cho học sinh chép 6 đề, từ dễ đến khó:
Đề 1: Ý nghĩa nhan đề "Rừng xà nu".
Đề 2: Phân tích hình tượng cây xà nu trong "Rừng xà nu".
Đề 3: Về hình ảnh đôi bàn tay của Tnú.
Đề 4: Phân tích hình tượng Tnú trong "Rừng xà nu".
Đề 5: Số phận và phẩm chất của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ qua "Rừng xà nu".
Đề 6: Cảm hứng sử thi trong "Rừng xà nu".
Chú trọng việc rèn luyện kỹ năng làm văn
Chúng tôi quan niệm học sinh càng trực tiếp làm bài thì kỹ năng làm văn càng nâng dần. Bởi lẽ, quá trình học phải được thể hiện qua kết quả bài làm. Vì thế, khi dạy 12, chúng tôi thường tiến hành như sau:
- Thường xuyên cho học sinh rèn luyện kỹ năng làm bài theo các dạng tương ứng với cấu trúc đề thi tốt nghiệp.
- Cung cấp các dạng đề thi cho học sinh, các đề thi tốt nghiệp những năm trước.
- Rèn luyện cho học sinh triển khai ý (xây dựng luận điểm, luận cứ) qua các tiết làm văn, trả bài hoặc trong các tiết ôn tập, kể cả vào những giờ Đọc văn hoặc kiểm tra miệng. Một cách làm mà chúng tôi luôn yêu cầu học sinh là trước khi bắt tay viết một bài văn cần trả lời cho được câu hỏi đề này ta triển khai mấy luận điểm?Đó là các luận điểm nào? Sắp xếp luận điểm nào trước, luận điểm nào sau?
Chẳng hạn, phân tích hình ảnh Mị trong Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) phải xây dựng các ý sau đây:
1. Giới thiệu khái quát chân dung Mị.
2. Tình cảnh làm dâu của Mị.
3. Sức sống của Mị trong đêm tình mùa xuân.
4. Hành động cởi trói cho A Phủ.
5. Nhận xét khái quát về nhân vật.
- Giáo viên cung cấp cho học sinh một số "công thức" về kỹ năng làm một số dạng đề. Chẳng hạn, với đề nghị luận xã hội thì luôn có ba luận điểm: Giải thích vấn đề; bàn luận vấn đề và nêu bài học nhận thức, hành động. Hoặc với dạng đề phân tích giá trị nhân đạo tác phẩm cần nêu 3 luận điểm cơ bản là: Nhà văn trân trọng ngợi ca vẻ đẹp, nhà văn cảm thông chia sẻ, nhà văn lên tiếng phê phán... Hoặc phân tích, cảm nhận thơ thì phải nêu cho được cảm xúc trữ tình; giọng thơ, ngôn ngữ, hình ảnh gắn với ý nghĩa nội dung; phân tích truyện phải chỉ ra tình huống truyện; ngôi kể, điểm nhìn trần thuật, bút pháp xây dựng, khắc họa nhân vật...
- Nêu các lỗi sai phổ biến để thường xuyên nhắc nhở học sinh cần phải tránh. Lỗi này lấy từ bài làm của học sinh trong lớp và từ các kỳ thi tốt nghiệp, đại học mà báo chí phản ánh.
Để giúp học sinh lớp cuối cấp THPT có hứng thú với môn Ngữ văn, đồng thời giúp các em học tốt, đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra, thi cử, mỗi giáo viên cần linh hoạt nghĩ ra nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau phù hợp, có hiệu quả.
ThS Trần Văn Toản (Trường THPT chuyên Quốc học Huế)
Infographic: Các mốc thời gian kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 sẽ được diễn ra chính thức trong ngày 7 và 8/7. Ngày 9/7 là ngày thi dự phòng. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 1523/BGDĐT-QLCL gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ...