Harvard Yenching Institute có thuộc ĐH Harvard?
TS Trần Vinh Dự, người từng theo học và tốt nghiệp ĐH Texas ở Austin (Mỹ), giải thích khái niệm học giả Harvard Yenching Institute và nó có liên quan gì Trung Quốc không.
Ngày 8/4, khái niệm học giả Harvard Yenching Institute (HYI) trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội, cũng như trong giới học thuật. Nó là gì? “Visiting scholar” (học giả) khác “post-doc” (nghiên cứu sau tiến sĩ) ở chỗ nào? Chương trình này có liên quan Trung Quốc không?
TS Trần Vinh Dự (thứ hai từ trái sang) theo học chương trình tiến sĩ tại UT-Austin theo học bổng do HYI cấp. Ảnh: T.V.D.
Từng du học bằng học bổng của HYI
Cách đây 21 năm, tôi là giảng viên khoa Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội. Thời điểm này, tôi đã thi xong TOEFL (607 điểm) và GRE (2040 điểm), chuẩn bị tìm trường nộp hồ sơ học tiến sĩ (Ph.D.) ở Mỹ.
Những người từng có ý định du học đều biết chi phí đắt thế nào. Lúc đó, tôi chẳng có xu nào cả. Việc xin đi du học hoàn toàn dựa vào kiếm học bổng.
Kiếm học bổng chủ yếu có hai nguồn: Thứ nhất, xin đi làm ở trường dưới dạng trợ giảng hoặc trợ lý nghiên cứu; thứ hai, xin chỗ nào họ cho mình tiền.
Lúc đó, kiếm mãi không ra lựa chọn số hai, tôi chỉ dựa vào lựa chọn thứ nhất, xin làm việc trực tiếp những trường mình nộp hồ sơ. Dĩ nhiên, tôi hiểu xin như thế, cơ hội được các trường này nhận sẽ ít hơn. Nếu có chỗ khác cho tiền sẵn, việc xin học dễ hơn.
Một hôm đi làm, tôi thấy thông báo dán trên tường về học bổng đào tạo sau đại học của Harvard Yenching Institute. Thấy có học bổng, tôi nghiên cứu HYI là gì để nộp đơn.
Mấy tháng sau khi nộp đơn, tôi nhận được thông tin từ HYI, thông báo thời gian lên văn phòng ĐH Quốc gia Hà Nội, gặp đại diện của HYI phỏng vấn trực tiếp.
Lúc đó, tôi rất hồi hộp. May mắn, tôi có dịp gặp GS Ngô Vĩnh Long hàng tuần, được ông dạy bảo nhiều, bao gồm cả chuẩn bị về mặt tinh thần cho các cuộc phỏng vấn kiểu này.
Người phỏng vấn tôi là giám đốc chương trình học bổng của HYI, một người Mỹ da trắng đứng tuổi. Ông ấy phỏng vấn tôi trong khoảng một giờ. Câu chuyện khá lôi cuốn nên tôi không có cảm giác đó là một cuộc phỏng vấn. Hết giờ, ông bắt tay tôi và nói sẽ có kết luận sau mấy tháng.
Khoảng đầu tháng 4/2001, tôi nhận được thư của 5 trong số 6 trường tôi nộp hồ sơ. Bốn trường đồng ý cho học và cho làm thêm để có tiền. Một trường (ĐH Rochester) từ chối. Tôi không hào hứng lắm với 4 trường đồng ý nhận mình. ĐH Texas ở Austin (UT-Austin) chưa trả lời mà thời gian khá trễ, tôi nghĩ khả năng trượt lớn.
Đúng lúc đó, tôi lại nhận được thư chúc mừng từ HYI. Từ chỗ có HYI cấp học bổng, qua sự hỗ trợ của TS Nguyễn Quốc Toàn (lúc đó đang là nghiên cứu sinh ở ĐH New York), tôi liên hệ với UT-Austin một cách đầy tự tin. Mấy ngày sau, trường gửi thư đồng ý nhận tôi vào học. Tháng 8/2001, tôi lên đường sang Mỹ du học.
Viện Harvard Yenching nằm trong khuôn viên ĐH Harvard và 3 trong số 9 thành viên hội đồng quản trị của viện là đại diện từ Harvard. Ảnh: The Harvard Gazette.
Video đang HOT
HYI là gì?
Harvard Yenching Institute – Viện Harvard Yenching – có khuôn viên tọa lạc trong ĐH Harvard. Giám đốc đương nhiệm là GS Elizabeth J. Perry, GS ngành Chính trị của ĐH Harvard.
Hội đồng Quản trị của HYI gồm 9 thành viên, với 3 người đại diện ĐH Harvard, 3 người đại diện của Hội đồng vì Giáo dục sau phổ thông Công Giáo tại châu Á (một tổ chức phi chính phủ ở New York) và 3 thành viên độc lập có hiểu biết sâu rộng về châu Á.
Harvard Yenching không phải là một đơn vị do ĐH Harvard sở hữu. HYI có thể hiểu là một tổ chức thiện nguyện hoạt động độc lập, có ngân sách độc lập. Nhưng HYI là một phần không tách rời của cộng đồng Harvard. Hiểu nôm na, HYI là một dự án độc lập mà Harvard có tham gia với tư cách thành viên sáng lập.
Vậy HYI làm gì? HYI không phải là một khoa hay là một viện đào tạo. HYI không có cấp bằng. Trong lịch sử, HYI làm nhiều việc như hỗ trợ thành lập Khoa nghiên cứu về ngôn ngữ và văn minh Á Đông của ĐH Harvard, thư viện Harvard Yenching của ĐH Harvard, tạp chí nghiên cứu Harvard Journal of Asiatic Studies… hỗ trợ trực tiếp cho nhiều trường ĐH ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, từ những năm 50 của thế kỷ XX trở lại đây, HYI tập trung chính vào việc tài trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ và các giáo viên trẻ thuộc các trường đại học hàng đầu ở Đông và Đông Nam Á ra nước ngoài nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn.
Tới nay, hơn 1.200 giảng viên và hơn 600 nghiên cứu sinh đã được HYI hỗ trợ, trong đó, 400 tiến sĩ và thạc sĩ đã tốt nghiệp dưới sự tài trợ của HYI.
Tôi không biết chính xác có bao nhiêu trong số 400 này là tiến sĩ. Nhưng tôi là một người trong số đó. Một sản phẩm được đào tạo ra dưới sự chi trả của HYI. Không có HYI thì không có tôi bây giờ.
Cần nói rõ, với các chương trình tài trợ này, HYI không đào tạo mà là đơn vị cấp học bổng/ngân sách. Những người nhận tài trợ sẽ học tập và làm việc tại các cơ sở đào tạo khác nhau.
Ví dụ, tôi học và tốt nghiệp từ UT-Austin, nhưng dưới sự tài trợ của HYI. Vì thế, việc một học giả đi theo diện visting scholar do HYI tài trợ và làm việc trong thời gian này ở ĐH Harvard ghi vào hồ sơ là visiting scholar của Harvard là chuyện bình thường.
Website của HYI cũng ghi rất rõ “chương trình này trao cơ hội cho các giảng viên trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có 10 tháng nghiên cứu độc lập tại ĐH Harvard”.
HYI lấy tiền đâu ra, có liên quan Trung Quốc không?
HYI là một quỹ tín thác công ích được thành lập từ năm 1928 với nguồn tài trợ thuần túy từ tài sản của một người đã mất năm 1914 – nhà khoa học Charles Martin Hall.
Ông Hall là nhà khoa học, nhà sáng chế, đồng thời là “đại gia” thời đó với tài sản có được nhờ thành lập công ty luyện kim Alcoa. Công ty này hiện giờ vẫn niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
Ông Hall mất lúc còn rất trẻ (51 tuổi) và không có vợ con thừa kế. Tài sản của ông để lại theo di chúc được dùng cho mục đích thiện nguyện. Harvard Yenching được thành lập dựa hoàn toàn trên nguồn ngân sách đến từ khối tài sản này.
Nhưng sao lại là châu Á? Đặc biệt là có chữ Yên Kinh (Yenching) nghe có vẻ liên quan Trung Quốc? Ông Charles M. Hall dĩ nhiên không phải người châu Á, càng không phải người Trung Quốc và cũng không làm ăn gì ở Trung Quốc. Viện Harvard Yenching được thành lập sau khi ông qua đời 14 năm.
Chữ Yenching đến từ một người da trắng khác – nhà truyền giáo, nhà giáo dục, TS John Leighton Stuart (1876-1962). Ông Stuart dành phần lớn phần đời ở Trung Quốc hoạt động truyền đạo Công giáo và làm giáo dục. Có thời, ông còn là Đại sứ của Mỹ tại Trung Quốc (1946 đến giai đoạn nội chiến giữa ĐCS và Quốc dân đảng). Stuart được coi là tượng đài trong quan hệ Mỹ – Trung trong giai đoạn lịch sử đó.
Ông cũng là người sáng lập ĐH Yên Kinh (Yenching University), và là chất xúc tác để hình thành Harvard Yenching Institute tại ĐH Harvard năm 1928. Chính HYI trong giai đoạn đầu cũng tham gia hỗ trợ trực tiếp ĐH Yên Kinh và 5 trường đại học khác ở Trung Quốc và một trường ở Ấn Độ.
Như vậy, dù có chữ Yên Kinh và có nguồn gốc lịch sử liên quan đến quan hệ Mỹ – Trung từ thời đầu thế kỷ XX, HYI hoàn toàn là một quỹ tín thác của Mỹ, hoạt động hoàn toàn từ ngân sách đóng góp dựa trên tài sản của nhà khoa học Charles Martin Hall để lại.
Tôn chỉ mà HYI theo đó vận hành là nghiên cứu và hỗ trợ nghiên cứu, xuất bản về văn hóa Trung Hoa, châu Á đại lục, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Balkan ở châu Âu bằng cách sáng lập, phát triển, hỗ trợ, duy trì các tổ chức giáo dục hoặc hợp tác và liên kết với các tổ chức giáo dục khác.
Nói cách khác, HYI không hoạt động bằng tiền của Trung Quốc và cũng không hoạt động theo nghị trình của Trung Quốc hay nói cách khác không “thân Trung Quốc” như một số người nhầm tưởng
Visiting scholars khác với postdoc hay research fellows chỗ nào?
Mọi người cũng tranh luận quanh các khái niệm như visiting scholars, postdoc và research fellows. Cái nào hơn, khác nhau chỗ nào, có sai không khi dùng từ này thay từ kia.
Câu trả lời ngắn gọn là visiting scholars, postdocs hay research fellows chẳng khác gì nhau ngoài vấn đề đối tượng và thời gian. Cả 3 dạng này đều theo kiểu một đơn vị đứng ra cấp ngân quỹ để một cá nhân qua trường đại học hoặc tổ chức nghiên cứu khác để nghiên cứu hoặc làm việc trong thời gian nhất định.
Lưu ý, cả 3 đều không phải chương trình học, và vì thế, đều không cấp bằng. Các học giả đi theo các chương trình này đều có thời gian tự do để nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu, hoàn thành các công trình nghiên cứu đang phát triển của mình, tham dự các hội thảo hội nghị khoa học, thiết lập mạng lưới quan hệ với các nhà khoa học khác…
Khác biệt cơ bản giữa các chương trình này là đối tượng và thời gian của chương trình. Thí dụ, postdoc (nghiên cứu sau tiến sĩ) dành cho những người đã tốt nghiệp tiến sĩ trong một thời gian nhất định (thường là dưới 5 năm sau khi tốt nghiệp) và các chương trình postdoc thường kéo dài 2 năm.
Visiting scholars hay research fellows áp dụng cho các học giả theo nghĩa rộng hơn. Chương trình thường ngắn hơn, ví dụ 10 tháng theo chương trình của HYI. Research fellowships có thể rất ngắn (6 tháng) hoặc dài hơn. Ví dụ, Humboldt research fellowship cho từ 6 tháng đến 2 năm
Nói nôm na, những người đi theo các chương trình này thường vì thiếu một số thứ gì đó. Thí dụ, họ thiếu cơ hội cọ xát, làm việc với các chuyên gia hàng đầu trong ngành nghiên cứu của mình, thiếu thiết bị, máy móc thí nghiệm hoặc thiếu tiền để làm nghiên cứu.
Thời mới tốt nghiệp Ph.D. từ UT-Austin, tôi cũng được trao cơ hội làm postdoc 2 năm ở ĐH Southern California (USC – trường top đầu nước Mỹ).
Tuy nhiên, lương làm postdoc thấp. Hơn nữa, sau đó, tôi có công việc ngay nên không có lý do gì ở đó thêm 2 năm nên không nhận.
TS Trần Vinh Dự nhận bằng cử nhân Kinh tế & Toán học từ ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông học tiến sĩ tại ĐH Texas ở Austin (Mỹ).
Ông từng là Chủ tịch trường CĐ Nghề Việt Mỹ (VATC), Chủ tịch Trung tâm Quốc tế của ĐH Broward College (Mỹ) tại Việt Nam.
Hiện tại, TS Trần Vinh Dự là Phó tổng giám đốc, lãnh đạo dịch vụ Chiến lược và Giao dịch Tài chính (SaT), Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.
Giám đốc điều hành Facebook nói chuyện trực tuyến cùng sinh viên Việt Nam
Sáng 5-3, sinh viên ĐH Fulbright Việt Nam có dịp trò chuyện trực tuyến cùng Sheryl Sandberg, người phụ nữ quyền lực trong bộ máy của Facebook. Sandberg gửi đến các bạn trẻ nhiều lời khuyên để thích ứng với một tương lai dự báo nhiều biến động.
Sinh viên ĐH Fulbright Việt Nam trò chuyện cùng bà Sheryl Sandberg sáng 5-3 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Từng nhiều năm học tập ở ĐH Harvard, Sandberg chia sẻ mình rất thích tư duy giảng dạy của triết lý giáo dục khai phóng. Ở đó, bà học được cách suy nghĩ đa chiều. Theo Sandberg, rèn luyện cách nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ sẽ giúp sinh viên sau tốt nghiệp có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề cả trong công việc và cuộc sống.
Chẳng hạn, những thách thức phát sinh trong những năm làm ở Facebook được Sandberg xem xét qua nhiều lăng kính khác nhau, từ đó một vấn đề được cân nhắc cẩn trọng, thấu đáo. Ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất, nếu đã quen với tư duy đa chiều, bạn có thể nhìn ra những hướng đi tích cực và có lợi nhất cho mình và công ty.
Trả lời câu hỏi của sinh viên về hành trang giới trẻ cần sở hữu trong thời đại mới, Sandberg cho rằng trước hết nên có kỹ năng viết. Thời đi học, bà chưa ý thức được ý nghĩa của khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ viết. Việc đạt được điểm 7 trong các bài kiểm tra viết cũng là thử thách với bà.
Tuy nhiên, càng làm việc, Sandberg càng thấy kỹ năng viết vô cùng quan trọng để truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng, rành mạch. Bà tự luyện tập cách viết ngắn gọn, cô đọng, phù hợp với từng người nhận như đối tác hay đồng nghiệp... Mở rộng ra là kỹ năng giao tiếp, cũng cần được rèn giũa sao cho gọn ghẽ nhưng hiệu quả.
Sheryl Sandberg - Ảnh: FACEBOOK
Một hành trang thiết yếu khác là khả năng quan sát kèm theo tấm lòng rộng mở để biết thông cảm và giúp đỡ với mọi người. Theo Sandberg, điều này sẽ giúp bạn trẻ đạt được cảm tình của nhiều người không chỉ với công việc mà còn trong đời sống. Khi lên những cấp quản lý cao hơn, nếu biết cách giúp đỡ, san sẻ sẽ giúp bạn thành công hơn.
Sandberg tiết lộ một trong những lý do bà chuyển từ Google sang Facebook cũng vì một phần muốn làm việc cho một dự án muốn giúp mọi người giao tiếp với nhau dễ dàng hơn trên môi trường trực tuyến. Bà nhắc nhở sinh viên nên giữ tâm thế sẵn sàng đương đầu và ứng biến với những thay đổi trong cuộc sống. Muốn thế, sinh viên cần rèn khả năng tự học, tự phát triển và học tập suốt đời.
Sheryl Sandberg và Mark Zuckerberg - Ảnh: GETTY IMAGES
Bà Sheryl Sandberg sinh năm 1969, tại Washington, D.C, hiện là giám đốc điều hành (COO) của "gã khổng lồ" Facebook.
Năm 2007, CEO Mark Zuckerberg gặp Sandberg - khi đó đang làm việc cho Google - tại một bữa tiệc giáng sinh. Nhận thấy tài năng của bà, Zuckerberg cho rằng Sandberg rất phù hợp với vị trí COO. Tháng 3-2008, Sandberg chính thức "đầu quân" cho Facebook.
Mark Zuckerberg từng nhận xét, có những nhà quản lý chỉ giỏi về quản lý nội bộ, số khác lại giỏi về phân tích, lên kế hoạch và chiến lược phát triển. Số quản lý giỏi cả hai rất ít, nhưng ở Sandberg lại có trọn vẹn các yếu tố này.
Trước khi Facebook có Sandberg vào năm 2008, doanh thu của "gã khổng lồ" này chỉ đạt 150 triệu USD (2007). Khi tiếp quản ghế COO, Sandberg tìm cách để Facebook kiếm lời, bằng cách đưa vào những mục quảng cáo một cách thận trọng. Tới năm 2011, doanh thu của công ty tăng vượt bậc tới 7 tỉ USD, tức tăng 2.400%.
Kinh nghiệm của Sandberg giúp Facebook bước tới cột mốc IPO, tức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, năm 2012. Qua đó, "ông lớn" kêu gọi vốn đầu tư được 16 tỉ USD, nâng giá trị công ty lên 104 tỉ USD. Nhờ vậy, Sandberg vào danh sách 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu do tạp chí Time công bố năm 2012.
Số thí sinh ứng tuyển ĐH Harvard cao kỷ lục Số lượng đơn đăng ký ứng tuyển vào ĐH Harvard, Mỹ, tăng 42% so với năm ngoái. Ngôi trường danh tiếng này phải lùi ngày thông báo kết quả tuyển sinh. Theo The Crimson , hơn 57.000 thí sinh đăng ký ứng tuyển vào ĐH Harvard khóa 2025. Đây là con số cao kỷ lục, khiến Văn phòng Tuyển sinh phải dời ngày...