Hấp dẫn những tiết học Lịch sử theo chương trình mới
Việc dạy và học môn Lịch sử theo tinh thần Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT đã tạo tâm thế học tập mới mẻ cho giáo viên và học sinh khối 10 bậc THPT ở Hà Tĩnh.
Một tiết học Lịch sử theo chương trình mới của lớp 10A6, Trường THPT Cẩm Bình.
Sau hơn một tháng học tập ở môi trường THPT, em Trần Thị Bích Hằng – lớp 10A6, Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) đã quen với cách tiếp cận mới về môn Lịch sử.
Bích Hằng cho biết: Sách giáo khoa mới được biên soạn đã tăng các tiết học thực hành, trải nghiệm nên em thấy môn Lịch sử đã trở nên hấp dẫn hơn khi được tham gia các hoạt động nhóm, cách học cũng dễ hiểu, dễ nhớ hơn không phải nhớ sự kiện lịch sử một cách máy móc.
Theo Bích Hằng, đa số các bạn học cùng khối có thể bắt nhịp nhanh chóng với việc học theo chương trình mới.
Cũng theo Bích Hằng, với chương trình giáo dục mới, thầy cô giáo giúp học sinh tiếp cận với bài học một cách ngắn gọn nhưng vẫn đủ nội dung, khoa học, dễ hiểu, vì thế, không chỉ em mà đa số các bạn học cùng khối có thể bắt nhịp nhanh chóng với việc học theo chương trình mới.
Cô giáo Võ Thị Diệu Thúy – giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Cẩm Bình chia sẻ: “Dạy học Lịch sử lớp 10 theo chương trình mới được nhà trường triển khai theo đúng tinh thần Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT. Chương trình đã được cắt giảm một số chủ đề mang tính hàn lâm nên nội dung gọn nhẹ hơn, vì vậy, giáo viên và học sinh có nhiều thời gian để tiếp cận với các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới nhằm hướng tới phát triển năng lực học sinh”.
Các em học sinh được tham gia nhiều hoạt động nhóm, tương tác với nhau trong môn Lịch sử.
“Để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn với học sinh, chúng tôi đã và đang áp dụng các kỹ thuật dạy học tích cực như: kỹ thuật tia chớp, dạy học dự án, mảnh ghép, chuyên gia, khăn trải bàn, phân tích phim video…
Các giáo viên cũng tích cực chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh nhằm phát triển phẩm chất năng lực, kích thích khả năng tự học, tự khám phá của học sinh”, cô Thúy cho biết thêm.
Các bài học Lịch sử được cụ thể hóa qua từng hoạt động, kích thích khả năng tự học, tự khám phá của học sinh.
Video đang HOT
Theo thầy Nguyễn Văn Quang – Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình, để có những tiết học Lịch sử hấp dẫn học sinh, ngay từ trước năm học mới, nhà trường đã bố trí, sắp xếp những giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, nhiệt huyết dạy môn Lịch sử 10. Tăng cường sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu bài học trong nhóm giáo viên Lịch sử của trường và trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.
Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường thăm lớp, dự giờ các tiết dạy Lịch sử 10, tổ chức hội giảng và các cuộc thi như: Hành trình tri thức, Em yêu Lịch sử…, dự định tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với hành trình di sản như tham quan Quê Bác, Ngã ba Đồng Lộc… Mua thêm các thiết bị dạy học Lịch sử mới.
Theo cô Hồng, với những tiết học Lịch sử theo chương trình mới đã giúp cô trò được tương tác với nhau nhiều hơn, học sinh rèn luyện được nhiều kỹ năng.
Tại trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc), ngay trước năm học mới, giáo viên đã được tham gia các lớp tập huấn về sách giáo khoa, cùng nhà trường thống nhất các nội dung, chương trình, kế hoạch bài dạy. Ngoài ra, các thầy cô cũng chủ động, sáng tạo trong dạy học, khai thác các yếu tố mới, phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, phát hiện năng lực học sinh…
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng – giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Đồng Lộc cho biết: Mặc dù trong những tiết học đầu, chương trình mới còn nhiều bỡ ngỡ với học sinh, nhưng với sự nỗ lực của giáo viên, tinh thần tích cực, chủ động hợp tác của học sinh đã giúp bài dạy dần diễn ra có hiệu quả, học sinh tiếp thu tốt kiến thức, rèn luyện được nhiều kỹ năng.
“Bên cạnh đó, chương trình và sách giáo khoa Lịch sử mới được biên soạn theo hướng phát triển năng lực, giảm bớt kênh chữ, tăng kênh hình, hấp dẫn hơn nên giáo viên có nhiều cơ hội để rèn kỹ năng thực hành, năng lực tự học, kích thích sự khám phá, tìm tòi của học sinh. Khi học đi đôi với hành, môn học sẽ không bị nhàm chán, khô khan và học sinh có hứng thú học tập”, cô Hồng cho biết thêm.
Môn Lịch sử được giáo viên và học sinh tiếp cận theo từng lĩnh vực, chuyên đề.
Được biết, để môn học lịch sử thực sự trở nên hấp dẫn đối với các em, trường THPT Đồng Lộc còn thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt chuyên đề như: Lịch sử với văn hóa, Lịch sử với du lịch hoặc Lịch sử với kinh tế…. Hay phối hợp với đoàn trường tổ chức các buổi dạy học qua di sản, di tích trên địa bàn.
Theo em Nguyễn Tuấn Dũng – học sinh lớp 10A8, Trường THPT Đồng Lộc, chương trình giáo dục mới giúp các em có cơ hội tương tác với nhau nhiều hơn trong giờ học, được cùng nhau trao đổi, bàn luận về sự kiện, vấn đề lịch sử, thầy cô là những người định hướng, tổ chức các hoạt động. Từ đó, bên cạnh việc tiếp thu kiến thức, chúng em còn được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm, tạo hứng thú cho học tập.
Cách truyền tải bài học nhẹ nhàng, không nặng nề kiến thức hàn lâm giúp các em học sinh giúp mở ra một cách khám phá mới cho môn học Lịch sử.
Thầy Trần Đức Tài – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc cho biết: chương trình mới thiết kế khoa học, bảo đảm yêu cầu phát huy phẩm chất, năng lực học sinh, nội dung kiến thức trình bày trong sách giáo khoa ngắn gọn, dễ hiểu, có tính liên hệ thực tiễn tốt.
Đa số học sinh khối 10 chủ động, tích cực, yêu thích môn Lịch sử, các em hào hứng, tiếp cận tri thức một cách sôi nổi, nhiệt tình. Giáo viên nhà trường đã nhanh chóng tiếp cận chương trình, làm chủ kiến thức, phương pháp nên tự tin, phấn khởi.
Nếu đề thi, cách đánh giá môn Sử vẫn 'cũ kỹ', có là môn bắt buộc HS cũng khó yêu
Môn Lịch sử hiện nay là cần khắc phục được những tồn tại, bất cập chứ không phải vấn đề là 'môn bắt buộc hay tự chọn'.
Tại phiên họp toàn thể vào sáng 22/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu và quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn bắt buộc.
Theo đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng môn Lịch sử có vị trí đặc biệt và có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này.
Vì vậy cần tiếp thu ý kiến của đông đảo cử tri, nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp.
Đồng thời thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).
Cần khắc phục những bất cập
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, môn Lịch sử hiện nay là cần khắc phục được những tồn tại, bất cập chứ không phải vấn đề là "môn bắt buộc hay tự chọn".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội (Ảnh: NVCC)
Theo bà Nga, nhìn vào chương trình môn Lịch sử từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông hiện nay còn "quá ôm đồm" khi lượng kiến thức cung cấp cho học sinh "quá hàn lâm" và sách giáo khoa vẫn nặng về sự kiện, con số... dẫn đến học sinh không hào hứng tiếp thu.
Bà Nga cũng chỉ rõ nhiều giáo viên vẫn sử dụng phương pháp "dạy chay", chỉ cung cấp kiến thức nói lại ở trong sách giáo khoa, trình bày sự kiện, con số.
Kết cấu đề thi, cách đánh giá của môn Lịch sử cũng rất "cũ kỹ", theo kiểu đề bài ra đối chiếu với đáp án và lấy độ chính xác của con số, sự kiện để đánh giá.
"Do không có sự đổi mới, sáng tạo dẫn đến bộ môn này trở nên tẻ nhạt, chán ngán và các em học như một cái máy, con vẹt, mệt mỏi khi cứ phải cố gắng ghi nhớ sự kiện, con số", bà Nga nêu.
Từ thực tế trên, bà Nga đề xuất sách giáo khoa cần phải biên soạn sao cho vẫn là chương trình, kiến thức lịch sử nhưng phải dựa trên đặc điểm tâm lý, lứa tuổi của học sinh để truyền tải kiến thức chứ không chỉ cung cấp kiến thức đơn thuần.
Bên cạnh việc cung cấp kiến thức đại cương, cần bớt đi những kiến thức hàn lâm và đừng nên đòi hỏi, kỳ vọng học sinh "làu làu lịch sử theo kiểu hàn lâm".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chỉ rõ: ngành giáo dục luôn nhấn mạnh đổi mới, lấy người học làm trung tâm nhưng với môn Lịch sử hiện nay nhiều nơi vẫn dạy theo kiểu "nhồi sọ", chỉ cung cấp lại kiến thức trong sách giáo khoa.
Do đó, cần thay đổi, chuyển sang dạy học môn Lịch sử bằng phương pháp truyền cảm hứng và sử dụng các biện pháp phụ trợ.
"Lịch sử không phải cái gì đó "đông cứng, vô hồn" và mục đích giáo dục lịch sử không phải để thuộc 'làu làu như con vẹt rồi trả bài' qua các bài thi mà phải thiên về giáo dục truyền thống, từ đó giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, ý thức công dân và hình thành phản ứng trước thời cuộc.
Do vậy, cần thay đổi cách đánh giá và cần có tư duy tiếp cận mới mẻ, khuyến khích các em có sự nhìn nhận, đánh giá chứ không phải chỉ thụ động tiếp thu, nhồi sọ", bà Nga bày tỏ.
Đổi mới cách dạy để tạo hứng thú cho học sinh
Cô giáo Nguyễn Thị Lệ- Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kiến An (Hải Phòng) cho hay, thay vì kiểu bám sát sách giáo khoa, học sinh phải học thuộc, ghi chép thì các giáo viên ở đây đã thay đổi cách dạy.
Trong đó giáo viên tăng cường bài giảng qua slide thuyết trình, chiếu các đoạn phim ngắn về các sự kiện lịch sử... để học sinh dễ theo dõi và phát huy tính tích cực, cho học sinh tự trải nghiệm, từ đó hiểu về sự kiện và ý nghĩa của nó trong tiến trình lịch sử.
Nhiều ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên cho rằng, không nên dạy Lịch sử theo kiểu "nhồi sọ" (Ảnh: LT)
Bên cạnh đó, đề thi không ra theo kiểu đánh đố các năm hay bài tự luận bắt các em cặm cụi làm mà đánh giá bằng năng lực, các câu hỏi gợi mở và các bài tập có thể theo nhóm để nhập vai vào các nhân vật hoặc người sống vào thời kỳ lịch sử đó nhằm thể hiện quan điểm về sự kiện hay nhân vật.
Ngoài ra, các em có thể tìm hiểu thêm về các sự kiện lịch sử qua Internet, sách báo, đến các di sản, trò chuyện với nhân chứng... Nhờ vậy mà đa phần học sinh của trường đều yêu thích môn sử.
Một giáo viên môn Lịch sử tại Trường Trung học phổ thông trên địa bàn quận Ngô Quyền, Hải Phòng, cũng chỉ ra cách dạy môn Lịch sử thời gian qua không phù hợp khiến cho học sinh cảm thấy nặng nề, thậm chí sợ.
Vị giáo viên này tán thành yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra, đồng thời bổ sung đề xuất tinh giản dung lượng kiến thức.
Đối với giáo viên cũng cần thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức một chiều, nhồi nhét sang để học sinh được tự do bày tỏ ý kiến hay đa chiều, tạo sự tranh luận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa các video, hình ảnh vào bài giảng giúp phong phú, đa dạng hơn.
Ngoài ra, nên tổ chức cho học sinh có những buổi ngoại khóa, tham quan hiện trường lịch sử, gặp gỡ với các nhân chứng, bởi với lịch sử, việc học thực địa sẽ tốt hơn nhiều.
Đồng thời, thay đổi kiểm tra đánh giá bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng số liệu, mốc thời gian.
Nhiều lãnh đạo cấp cao cũng quan tâm chuyện môn sử Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng cho hay đang có sự hiểu lầm rằng sẽ bỏ môn lịch sử ở cấp THPT. Ngày 13-5, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba, Quốc...