Háo hức chờ môn Nghệ thuật
Năm học tới, các môn âm nhạc, mỹ thuật lần đầu tiên sẽ được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông.
Đây là một điểm mới, nhận được sự quan tâm của các nhà trường, thầy cô giáo và học sinh.
Học sinh Trường THCS Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hào hứng với giờ học âm nhạc.
Được học môn yêu thích
Các môn giáo dục nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) có vai trò rất quan trọng đối với mỗi con người. Nhưng, từ lâu trong nhà trường phổ thông vẫn xem các môn này là phụ. Lên cấp THPT, dù học sinh phải học tới 11 môn khác nhau nhưng không hề thấy bóng dáng của một bộ môn nghệ thuật nào.
Bởi vậy, khi các môn âm nhạc, mỹ thuật được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều học sinh đã rất hào hứng đón chờ. Ngoài việc muốn tiếp nhận thêm kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật, các em còn mong những gì tiếp nhận được ở cấp THPT sẽ là nền tảng để lựa chọn những nghề nghiệp liên quan đến nghệ thuật trong tương lai.
Ngô Bảo Anh, học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: Từ những năm cấp 1, em đã rất thích học các môn âm nhạc, mỹ thuật vì những môn học này giúp em giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ học chính khóa. Những bài học cô giáo dạy đã giúp em nhận biết nhiều kiến thức bổ ích về các môn nghệ thuật. Nếu được lựa chọn, em sẽ chọn nhóm môn nghệ thuật khi thi đỗ vào lớp 10.
Còn Trần Ngọc Long, học sinh Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) cho biết, nguyện vọng của em được thi vào Trường Đại học Kiến trúc nên sẽ tập trung vào các môn Toán, Văn và Mỹ thuật. Trong chương trình lớp 10 mới sẽ có môn Mỹ thuật nên em hi vọng sẽ chỉ học các kiến thức trên lớp để trúng tuyển đại học chứ không phải đi học vẽ ở các lớp bên ngoài nữa.
Nguyễn Đăng Nguyên, học sinh lớp 9 Trường THCS Thống Nhất (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) cho biết, từ lâu em đã rất mong muốn được học âm nhạc. Ở nông thôn nên gia đình không có điều kiện cho em học âm nhạc ở các trung tâm. Thời gian tới, khi sách giáo khoa lớp 10 được triển khai có môn Âm nhạc, em đã bày tỏ nguyện vọng được học môn này với các thầy cô qua cuộc khảo sát về lựa chọn các tổ hợp.
Có bố mẹ đều làm công tác nghệ thuật nên Phạm Thu Hà, học sinh Trường THCS Hồng Bàng (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) được định hướng sẽ theo nghề của gia đình. Cùng với năng khiếu được rèn luyện từ nhỏ, Hà luôn có điểm âm nhạc rất cao trong những năm học cấp 1, cấp 2. Khi được hỏi ý kiến về tổ hợp môn học lựa chọn trong năm lớp 10, Hà đã chọn các môn Âm nhạc và Mỹ thuật.
“Khi được học các môn mình yêu thích thì chắc chắn sẽ hào hứng hơn với môn học, được tìm hiểu sâu về môn học. Em rất vui mừng. Không chỉ vì điểm tổng kết sẽ cao hơn khi môn học đó là sở trường của mình mà em còn muốn tìm hiểu kỹ hơn về môn học trong các năm học THPT”, Hà nói.
Video đang HOT
Những học sinh có năng khiếu mỹ thuật mong muốn được học môn học này trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sẵn sàng triển khai Chương trình mới
Cô Nguyễn Ngọc Lan – giáo viên Trường THCS Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, việc đưa mỹ thuật vào dạy học ở cấp THPT sẽ góp phần làm kín khoảng trống về giáo dục thẩm mỹ, đáp ứng mục tiêu giáo dục định hướng nghề nghiệp. Đây là sự mong mỏi của nhiều giáo viên nghệ thuật cũng như những người quan tâm đến giáo dục thẩm mỹ ở trường phổ thông.
PGS.TS Phạm Phương Hoa – Tổng Chủ biên sách giáo khoa Âm nhạc lớp 10 cho biết: Ở cấp THPT, đây là môn học đầu tiên xuất hiện trong chương trình. Đây là môn học hướng đến việc định hướng nghề nghiệp của học sinh trong tương lai nên bước đầu sẽ cung cấp cho các em một số kiến thức âm nhạc mang tính chất hàn lâm nhưng được đơn giản hóa để phù hợp với trình độ của người học.
Sách giáo khoa âm nhạc lớp 10 được biên soạn dựa trên định hướng phát triển năng lực người học, giúp học sinh học âm nhạc để cảm nhận chân thiện mỹ, học với niềm vui, hạnh phúc và để khám phá khả năng của bản thân, đặc biệt để định hướng nghề nghiệp tương lai.
Bao trùm quan điểm biên soạn sách giáo khoa là đảm bảo thống nhất giữa nội dung và hình thức, sự liên kết giữa các mạch kiến thức, sự tiếp nối giữa kiến thức cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, đảm bảo trong cái chung có cái riêng và tôn trọng sự khác biệt, đảm bảo tính vừa sức. Học sinh lớp 10 ở mọi trình độ khác nhau đều có thể tiếp nhận kiến thức ở mức độ từ thấp đến cao.
PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị – Tổng Chủ biên sách giáo khoa Mỹ thuật lớp 10 cho biết: Sách giáo khoa Mỹ thuật ở lớp 10 có 3 nội dung: Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện; Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh; Kiến trúc; cùng với chuyên đề học tập với 3 phần. Các nội dung giáo dục được giới thiệu ở mức độ phổ thông, thuận tiện trong việc triển khai dạy và học đại trà với mục đích định hướng nghề nghiệp và tạo cơ hội cho học sinh bộc lộ niềm yêu thích nghệ thuật thị giác, hướng đến xây dựng nền tảng cho một thế hệ công chúng nghệ thuật.
Ông Nghị cho rằng, học sinh THPT là đối tượng đang trong thời kỳ phát triển hoàn thiện về thể chất và nhân cách, có nhu cầu tìm hiểu về lý tưởng, các giá trị xã hội. Bởi vậy, giáo dục thẩm mỹ thông qua mỹ thuật là rất cần thiết nhằm giúp các em định hướng nhận thức về quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực, hình thành thị hiếu thẩm mỹ phù hợp với truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc và thời đại.
Nhận định việc đưa môn nghệ thuật là bước tiến lớn của Chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết, sách có nhiều nét mới, cuốn hút người học. Việc dạy học các môn nghệ thuật sẽ phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh, đáp ứng được mục tiêu dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Giải pháp nào cho 'bài toán' thiếu giáo viên môn nghệ thuật?
Năm học 2022 - 2023, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới bậc THPT được triển khai ở lớp 10. Trong đó, việc môn Nghệ thuật được đưa vào bậc THPT đã khiến ngành Giáo dục xảy ra tình trạng thiếu giáo viên (GV) trầm trọng ở môn học này.
Từ xưa đến nay, môn Nghệ thuật (Mỹ thuật và Âm nhạc) chỉ triển khai ở cấp Tiểu học và THCS. Tuy nhiên, từ năm học 2022-2023, môn Nghệ thuật sẽ có ở cấp THPT trong Chương trình GDPT mới, điều này khiến các địa phương lo lắng về tình trạng thiếu hụt GV.
"Bài toán" thiếu giáo viên
Từ năm học 2022-2023, Chương trình GDPT mới sẽ áp dụng đối với lớp 10 cấp THPT. Theo đó, học sinh (HS) phải học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động Trải nghiệm - hướng nghiệp và nội dung Giáo dục địa phương. Có 3 nhóm môn học để HS lựa chọn: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Trong đó, môn Nghệ thuật là môn mới trong Chương trình GDPT 2018 sẽ triển khai ở lớp 10 năm học 2022-2023 và nằm trong nhóm môn mà HS được lựa chọn theo sở thích hoặc theo định hướng nghề nghiệp tương lai.
Đối với tổ hợp các môn lựa chọn ở lớp 10, Sở GD&ĐT Sơn La cho biết, Trước mắt triển khai chương trình mới ở cấp THPT năm học 2022 - 2023, nhiều trường thực hiện theo phương án định hướng HS lựa môn học nhằm đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất và tình hình nhân lực thực tế hiện có tại trường.
GV môn Nghệ thuật thiếu trầm trọng. Ảnh minh họa - Hữu Cường
Theo khảo sát của PV tại Hà Nội, các trường THPT đều chung một mối lo là nguồn cung GV môn Nghệ thuật không đáp ứng nổi. Các nhà trường đều lên phương án thuê GV vì thời gian chuẩn bị cho năm học mới không còn nhiều, mà GV muốn học nghiệp vụ sư phạm để đáp ứng quy định thì không có thời gian.
Một lãnh đạo trường THPT tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bày tỏ: "Nhiều tổ hợp lựa chọn cho HS đã khó rồi thì tuyển GV cho bộ môn Nghệ thuật lại là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, trường sẽ sớm lên phương án tuyển dụng GV môn này".
Tại Hải Phòng, theo lãnh đạo trường THPT Kiến Thụy, chương trình GDPT 2018, giáo dục nghệ thuật được thực hiện thông qua nhiều môn học, mà cốt lõi là môn Âm nhạc và môn Mỹ thuật. Việc đưa hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật vào trong nhà trường là hết sức cần thiết, đáp ứng được mục tiêu giáo dục, tạo cơ sở cho HS được tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân, đáp ứng nhu cầu thực tế cho cho những HS có sở thích, năng khiếu, thích ứng với xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn Đại học Văn Lang
Tại trường THPT Kiến Thụy khi đưa môn Nghệ thuật vào giảng dạy cũng xảy ra tình trạng thiếu GV. Nhà trường dự định dựa vào việc đăng kỳ môn học của HS để tính toán số lượng GV cần thiết có thể hợp đồng thỉnh giảng hoặc liên kết với các trường trong khu vực huyện Kiến Thụy để hợp đồng thỉnh giảng với GV giảng dạy môn học này.
Trước thực tế tuyển GV môn Nghệ thuật, nhà trường cũng đã liên hệ với các trường văn hóa nghệ thuật và GV THCS trong TP, có đủ trình độ chuyên môn theo yêu cầu, để triển khai chương trình GDPT 2018 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Còn nếu HS không chọn môn Nghệ thuật thì trường se không hợp đồng thỉnh giảng GV để tránh tình trạng dư thừa.
Theo Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) thì chuẩn trình độ đào tạo của GV ở cả tiểu học và THCS phải là Đại học. Thực tế này cũng đặt ra bài toán đối với đội ngũ GV Âm nhạc, Mỹ thuật trong việc nâng chuẩn, đạt chuẩn và cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, toàn quốc hiện có 2.834 trường THPT. Nếu căn cứ vào tiêu chí mỗi trường THPT cần 1 GV Âm nhạc, 1 GV Mỹ thuật, số lượng GV cần có là 5.668 người. Có thể thấy được, nguồn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng GV nghệ thuật cho các trường phổ thông hiện nay rất lớn.
Theo dự báo của Bộ GD&ĐT về nhu cầu tuyển dụng GV nghệ thuật bậc THCS đến năm 2022 khoảng 23.702 GV. Nhu cầu tuyển dụng GV nghệ thuật bậc THPT đến năm 2022 là 10.098 GV.
Giải pháp "chữa cháy"
Từ trước đến nay các trường THPT không dạy 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật, dĩ nhiên không có GV biên chế tạo nên áp lực của ngành Giáo dục các tỉnh. Nếu không tuyển GV, các trường không thể đáp ứng được nhu cầu của HS, tuy nhiên nếu tuyển dụng GV mà HS không chọn học, thì GV sẽ không có việc làm.
Nhiều địa phương đặt ra giả thiết: Nếu HS chọn học 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng trường không có GV thì đã tính đến phương án thuê GV tại các trường Cao đẳng, Trung cấp nghệ thuật hoặc GV Nghệ thuật bậc THCS để "chữa cháy".
Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đối với các em HS THPT, đây là lần đầu tiên HS chọn môn nên phải nghiên cứu. "Hiện nay, tất cả các trường THPT chưa có GV biên chế môn Nghệ thuật nên tất nhiên là thiếu. Tới đây, căn cứ vào tình hình thực tế như thế nào dể xem xét bổ sung" - ông Tiến cho hay.
Ông Phạm Xuân Tiến.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành quy định, các địa phương căn cứ vào đó tạo điều kiện để các trường THPT đạt điều kiện tốt nhất trong dạy học. Đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh cũng chưa có GV dạy nghệ thuật trong các trường THPT. Vì vậy, địa phương sẽ tập trung phương án rà soát lại GV THCS có trình độ Đại học để thực hiện việc điều chuyển dạy học.
Còn tại Sơn La, để khắc phục tình trạng thiếu GV, nhất là GV dạy các môn Nghệ thuật, Sở GDĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch bố trí, điều động GV bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các trường; Chỉ đạo các trường THPT chủ động hợp đồng với một số GV Âm nhạc, Mỹ thuật đang dạy THCS trên địa bàn, nếu đủ điều kiện. Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục giao bổ sung chỉ tiêu biên chế, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy học để từng bước nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của HS.
Để triển khai có hiệu quả Chương trình gdpt 2018 đối với HS lớp 10 THPT năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Sở GD&ĐT cho biết giải pháp tạm thời là tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến đội ngũ cốt cán toàn ngành, đội ngũ nhà giáo và học sinh các trường THCS, trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh về nội dung chương trình sách giáo khoa lớp 10 THPT năm học 2022-2023; Chỉ đạo các trường THPT thực hiện công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, về đội ngũ GV và cơ sở vật chất- thiết bị dạy học.
Trên cơ sở đội ngũ GV hiện có, xây dựng và thực hiện công khai các phương án Ba nhóm môn học, để học sinh lựa chọn 5 môn. Ngoài ra, trên cơ sở biên chế được giao, Sở GD&ĐT sẽ xây dựng Kế hoạch tuyển dụng GV các môn Âm nhạc và Mỹ thuật để chuẩn bị cho năm học mới. Trường hợp không tuyển đủ GV, có phương án hợp đồng GV hoặc thuê GV Nghệ thuật, Nhạc họa các trường THCS. Năm 2022, UBND tỉnh đã giao trường Đại học Văn hóa thể thao & Du lịch Thanh Hóa đào tạo GV Nghệ thuật (môn Âm nhạc và môn Mỹ thuật) theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, để chuẩn bị đội ngũ GV phục vụ giảng dạy trong các năm tiếp theo.
ĐH RMIT lên tiếng việc giảng viên bị tố quấy rối tình dục nữ sinh ĐH RMIT Việt Nam cho biết đang thực hiện các bước cần thiết để xác minh sự việc một giảng viên bị tố gửi ảnh phản cảm, quấy rối tình dục nữ sinh. Theo bài đăng trên group sinh viên ĐH RMIT Việt Nam, một sinh viên tố giảng viên trong trường gửi ảnh phản cảm, quấy rối tình dục. Cụ thể, người...