Hạnh phúc ngày trở về của hàng trăm phạm nhân
Những nụ cười rạng ngời, những cái ôm thắm thiết và cả những giọt nước mắt hạnh phúc tràn ngập trại giam Thủ Đức ( huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), nơi có số phạm nhân được ân xá lớn nhất nước.
Ngày 30/8, ngay từ sáng sớm, hàng trăm phạm nhân vẻ mặt đầy háo hức đã đứng chật sân trại giam Thủ Đức. Họ thấp thỏm, trông ngóng đến giây phút được cởi bỏ áo tù, quay trở lại cuộc sống đời thường sau quãng thời gian dài trả giá cho hành vi sai trái của mình. Đây là một trong số những trại giam thuộc Tổng Cục VIII – Bộ Công an có số phạm nhân được đặc xá nhiều nhất nước trong dịp Quốc khách 2/9 năm nay.
Dưới sự điều khiển của các cán bộ quản giáo, từng dòng người lần lượt xếp hàng dâng hương tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều giọt nước lăn dài trên những gương mặt khắc khổ, xạm nắng. “Xem là lời hứa của những con người một thời lầm lạc, giũ bỏ quá khứ để hòa nhập với cuộc sống của một người bình thường”, một cán bộ trai giam cho biết.
730 phạm nhân được đặc xá trong dịp 2/9 tại trại giam Thủ Đức. Ảnh: Quốc Thắng.
Gương mặt nhăn nheo, 2 mắt đỏ hoe, bà Trần Thị Bạch (52 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) cho biết “đã vui đến không thể ngủ” khi biết mình được ân xá lần này. “Tôi đã sai lầm và phải trả giá. Lần này nhất định có nghèo đến đâu cũng phải sống lương thiện, vui vẻ cùng con cháu”, bà Bạch nói và cho biết mình đã thụ án được hơn nửa bản án 4 năm về tội mua bán ma túy.
Còn ông Nguyễn Mạnh Tuấn (58 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP HCM) phải khó nhọc lắm mới cất được lời. Ông bảo, gần 10 năm trong tù để đã trả giá cho hành vi nông nổi trong quá khứ ông rất hối hận. Luôn dặn lòng phải cải tạo thật tốt, ông đã đạt nhiều thành tích, góp phần xóa mù chữ cho nhiều phạm nhân.
“Vợ tôi đã mất, con ở mãi ngoài Qui Nhơn. Lần này về tôi sẽ mở quán ăn hay lập trang trại nhỏ để phụng dưỡng cha mẹ già đã ngoài 80. Cứ nghĩ đến cảnh cha mẹ lọ mọ vượt hàng trăm cây số lên thăm nuôi mình là tôi không thể chịu được”, người đàn ông từng mang tội giết người và hủy hoại tài sản này nghẹn giọng chia sẻ.
Cặp vợ chồng phạm nhân được đặc xá chung một ngày. Ảnh: Quốc Thắng.
Video đang HOT
Vui hơn cả là hai vợ chồng chị Trần Thị Rớt và anh Nguyễn Văn Thành (ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu). Chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật cộng với cuộc sống khó khăn mà họ đã nhúng chàm rồi kéo nhau vào tù, bỏ lại các con thơ.
Chị Rớt kể, năm 2004, anh Thành bị ôtô tông gãy chân, phải chuyển lên Trung tâm chấn thương chỉnh hình TP HCM điều trị. Không có tiền thang thuốc, họ phải vay lời 50 triệu đồng. Suốt nhiều năm sau đó lãi mẹ đẻ lãi con khiến gia đình chị không thể trả hết nợ. Trong một lần lên Sài Gòn khám bệnh, họ thấy người ta bán lẻ ma túy. Nghĩ có thể kiếm được nhiều tiền từ việc này nên vợ chồng chị đã tìm mua mang về Vũng Tàu bán. Song, chỉ một tuần đứng bán cho các con nghiện, cả hai bị cảnh sát phát hiện, bắt giam.
Xa gia đình, đôi vợ chồng phải nhờ anh em họ hàng chăm sóc 2 đứa con. Mang cùng mức án 8 năm nhưng nhờ cải tạo tốt, mới hơn 4 năm 8 tháng, anh chị đã được ân xá. “Thời gian cải tạo chúng tôi được trại giam đối xử rất tốt. Hàng tuần đều được cho gặp nhau nói chuyện, an ủi để có thể tiếp thêm động lực cho nhau”, chị Rết nói.
Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, Phó tổng Cục VIII Bộ công an trao quyết định đặc xá. Ảnh: Quốc Thắng.
Nhìn như không dứt ra được cậu con trai 17 tuổi, chị Lê Thị Tuyến Nga (48 tuổi) liên tục quệt hai hàng nước mắt khi thấy con trắng trẻo và có phần mập mạp hơn trước. Chị vốn là một giáo viên ưu tú của tỉnh Bình Thuận, song chỉ vì buông lỏng, thiếu kèm cặp mà con trai đã phạm vào tội Giao cấu với trẻ vị thành niên sau mối tình thơ dại. Phải nhận gần 2 năm tù, song vì cải tạo tốt nên chỉ hơn một năm cậu đã được ân xá.
“Lúc biết con được ân xá, tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt. Về nhà, tôi sẽ cho cháu đi học lại. Dù có trễ hơn các bạn một chút nhưng tôi tin đó là con đường đúng đắn”, chị Nga nói và cho biết mình đến trại giam từ 5h sáng để đón con về.
Theo thượng tá Nguyễn Trọng Tuấn, Phó giám thị trại giam Thủ Đức, dịp 2/9, trại có 730 người (trong đó có 9 người nước ngoài) được ân xá. Đây là lần ân xá nhiều nhất từ trước đến nay. “Chúng tôi luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao là giáo dục, trả lại cho đời hàng vạn con người một thời lầm lỡ. Trong số đó, nhiều người đã thực hiện được ước mơ dở dang của mình khi quay lại xã hội”, vị thượng tá cho hay.
Quốc Thắng
Theo VNE
'Phóng thích' tù nhân xưa và nay
Thời nào cũng vậy, tội phạm hiếp dâm (đặc biệt mang tính chất loạn luân, hiếp dâm trẻ em), trộm cướp và đặc biệt tội phạm can án giết người đều nằm trong danh sách không được xét đặc xá tha tù trước thời hạn.
Ngược về quá khứ tìm hiểu việc "phóng thích" tù nhân của triều vua xưa gần 2 thế kỷ trước để rồi ghi nhận nhiều câu chuyện, những nét tương đồng lẫn khác biệt giữa xưa và nay...
Theo trích đoạn trong Bộ Hình của triều Nguyễn giai đoạn vua Gia Long lập quốc, các tội phạm vào thập ác, giết người, trộm cắp, đốt nhà, đào mả, cướp lấy nhân khẩu của người khác, bắt người đem bán, dụ dỗ đàn bà - con gái và trẻ con người ta, chủ mưu sai kẻ khác giết người, biết người ấy có tội mà dung túng... đều không được tha dịp ân xá.
Tội thập ác được nhắc đến ở đây gồm các tội mưu phản, tội mưu đại nghịch (phá hủy lăng tẩm, cung miếu của nhà vua), tội mưu bạn (phản nước), tội ác nghịch (đánh và mưu giết ông bà, cha mẹ của mình hoặc chồng (vợ), tội bất đạo (giết 3 người trong một nhà), tội đại bất kính (ăn trộm đồ dùng của vua hoặc nơi đại tự), tội bất hiếu, tội bất mục (mưu giết và bán người họ hàng), tội bất nghĩa (giết quan viên, giết thầy dạy học, lấy chồng khác khi có tang chồng...) và tội nổi loạn (gian dâm với đàn bà con gái trong họ và thông dâm với nàng hầu của cha).
Theo quy định lúc bấy giờ của thiên tử, tù phạm mắc hết thảy các tội trên - những tội mà họ chủ tâm, cố ý làm đều không được tha khi gặp được ân xá. Những người vì lỡ lầm mà gây nên tội thì sẽ được tha tội khi có dịp ân xá. Với những trường hợp không nằm trong danh sách ân xá (nay là đặc xá) thì chỉ khi có xá thư của vua mới được tha tội hoặc giảm tội...
Thời Nguyễn, việc ân xá thường được diễn ra nhân dịp vua lên ngôi. Sử triều Nguyễn chép, Gia Long năm thứ 1 (1802), vua có Chiếu ban ơn rằng: Phàm các tù phải đồ (tội đồ, bắt làm nô lệ cho biết nhục với mức phạt thấp nhất là đồ 1 năm đánh 60 trượng, cao nhất đồ 3 năm phạt đánh 100 trượng) mới hay cũ, không kể là đã hay chưa xử tội, đều khoan tha cho tất cả. Duy có những tội giết người và kẻ cầm đầu bọn ăn cướp thì không được dự vào lệ ân xá này.
Năm 1820, ngay khi lên ngôi báu tiếp nối từ di chiếu của vua cha là Hoàng đế Gia Long, vua Minh Mạng cũng có Chiếu ban Dụ ân xá cho tù phạm: "Kể từ lúc mờ sáng ngày mồng 1 tháng Giêng trở về trước, phàm những người can tội quân, lưu (không nỡ giết chết, đem đánh đòn và đày phương xa) dù đã hay chưa kết án đều tha cho cả. Về tội xử tử có bao nhiêu người, giao cho Bộ Hình tra xét lại tội danh nặng, nhẹ thế nào tâu lên xin chỉ khoan giảm"...
Bên cạnh việc nối ngôi, các vua triều Nguyễn còn ban ơn ân xá cho tù phạm nhân những dịp khánh điển to lớn như mừng thọ Hoàng thái hậu (mừng thọ mẹ vua), nhận tin thắng trận hay khi đất nước liên tục gặp thiên tai.
Các vua đầu triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị ngày trước cũng có những chiếu cố, cho ân xá một số tù phạm lẽ ra phải xử tội chết. Điển hình là việc Vua Thiệu Trị chuẩn tờ tâu tha cho một nữ tử tội can án giết người vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).
Trong chỉ dụ, vua Thiệu Trị ghi: "Nguyễn Thị Tú nguyên trước can án giết người phải xử tử, trước đây sai dụ được tên ăn cướp ra thú, kể cũng hơi biết sợ hãi, hối lỗi. Nay cha mẹ thị ấy già, ốm, không có người chăm nuôi, tình cũng đáng thương, gia ơn cho được tha ngay, nhưng phải già hiệu một tháng (đóng gông), phạt xuy 100 roi (vừa đánh vừa răn cho biết tội), lại phải nộp 20 lạng bạc cấp cho gia thuộc kẻ bị chết để làm tiền nuôi sống".
Để tránh việc ân xá tha tội chết cho tử tội bị lạm dụng, trong dụ, vua Thiệu Trị lưu ý với triều thần: "Việc này lòng ta thương tình mà định tội, mà đặt ra hình phạt. Từ nay trở đi, những án nào mà tình, lý không giống như thế thì không được viện dụ này mà làm lệ".
Luận về chuyện ân xá xưa lẫn nay, mới thấy thời nào cũng vậy, thấy rằng tội phạm hiếp dâm (đặc biệt mang tính chất loạn luân, hiếp dâm trẻ em), trộm cướp và đặc biệt là tội phạm can án giết người đều nằm trong danh sách không được xét đặc xá tha tù trước thời hạn.
Phạm nhân tại Trại giam An Phước.
Theo thiếu tướng Hồ Thanh Đình (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Bộ Công an), mục đích của việc ân xá suy cho cùng là tạo cơ hội để những người từng lỡ lầm được cơ hội hoàn lương, sống có ích.
Theo quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2013, đối tượng được xét đặc xá là người bị kết án tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam hay trại tạm giam do Bộ Công an cùng Bộ Quốc phòng quản lý. Điều kiện để được đề nghị đặc xá là chấp hành tốt nội quy trại giam, chấp hành án phạt tù ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn và ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn...
Phạm nhân lập được công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù như cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn... có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên; hoặc nếu là con đẻ, con nuôi của Bà mẹ Việt Nam anh hùng... là những yếu tố để được xem xét đề nghị đặc xá.
Tướng Đình cho biết không xét đặc xá cho người đồng thời phạm 2 tội như giết người và cướp tài sản, giết người và hiếp dâm, giết người và hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản và hiếp dâm trẻ em, giết người có tổ chức, hiếp dâm có tính loạn luân, cướp tài sản có sử dụng vũ khí, cướp tài sản và trộm cắp có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng...
Thực tế cho thấy công tác đặc xá ở Việt Nam thường được triển khai nhân dịp Quốc khánh 2/9 (có năm đặc xá vào dịp 30/4 hay tết Nguyên đán), người phạm các trọng tội cướp - hiếp - giết hay nghiện ma túy được xét duyệt rất kỹ. Với những trường hợp gây trọng án, cơ hội để được lọt vào danh sách được tha tù trước thời hạn chỉ là con số không.
Theo An ninh thế giới
Cơn ác mộng của kẻ ném xác người yêu xuống huyệt mộ Hàng đêm hình ảnh người yêu máu mê đầy mình dưới một huyệt mộ đào sẵn vẫn hiện về trong những cơn ác mộng của phạm nhân Phạm Như Nghị. Phạm Như Nghị đang thụ án tại trại giam. Trả cho người yêu món nợ gần 200 ngàn, Nghị mới sực nhớ đến khoản học phí còn chưa đóng, những ngày tháng tới...