Hành lang pháp lý về tự chủ đại học còn “cởi chỗ nọ, trói chỗ kia”
Để tự chủ đại học thành công góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cần có sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản pháp luật giữa các bộ, ngành.
Mặc dù tự chủ đại học đã và đang được bàn thảo trong hơn 10 năm qua, thậm chí đã được luật hóa, song thực tiễn tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học vẫn còn một số rào cản, vướng mắc.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Văn Gấm – Giảng viên, Phó Giám đốc Chương trình Quản lý Nhà nước – Trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, tự chủ đại học góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học, song thực tế, chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định do nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có thể kể đến sự hạn chế về năng lực quản trị đại học ở cấp độ vĩ mô và vi mô, và liên quan đến quyền tự chủ của các trường đại học hiện nay.
Giáo dục đại học tăng về lượng nhưng yếu về chất
Theo quan điểm của Thạc sĩ Lê Văn Gấm, những năm qua, giáo dục đại học ở Việt Nam có sự tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng lại chưa theo kịp và phát triển tương xứng.
Dù quy mô trường đại học được mở rộng nhưng chất lượng chưa cao, một trong những nguyên nhân hàng đầu là do sự hạn chế từ góc độ quản trị đại học, quản trị nhà trường, đặc biệt là sự bất cập trong quản lý Nhà nước về giáo dục đại học và hạn chế về năng lực nội tại trong quản lý của bản thân các trường đại học.
Thạc sĩ Lê Văn Gấm – Giảng viên, Phó Giám đốc Chương trình Quản lý Nhà nước – Trường Đại học Thủ Dầu Một. (Ảnh: NVCC)
“Điều này cũng đã được khẳng định trong Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 12 năm 2016, Báo cáo Tổng kết việc thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, ngày 24/12/2010 của Chính phủ về ‘Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục’.
Theo đó, hệ thống quản lý Nhà nước về giáo dục vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, cơ quan chủ quản quản lý giáo dục đại học chưa được thống nhất, việc phân cấp quản lý chưa rõ ràng, chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới quản lý giáo dục, dẫn đến những bất cập, chồng chéo và hiệu quả chưa cao.
Hiện nay, có nhiều cơ quan quản lý Nhà nước cùng tham gia vào hệ thống quản lý đại học, ở cấp Trung ương bao gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số bộ, ngành, cơ quan ngang bộ; cấp địa phương gồm Sở Giáo dục và Đào tạo, và một số sở chuyên môn cấp địa phương, một số doanh nghiệp cùng tham gia vào quản trị cơ sở giáo dục đại học.
Công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy chế của các cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ đại học thuộc địa phương chưa đảm bảo”, thầy Gấm cho biết.
Nhìn chung, vấn đề tự chủ đại học Việt Nam bước đầu đã có những chuyển biến, thành công nhất định. Cụ thể, từ chỗ toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý Nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ.
Tuy nhiên, tự chủ đại học ở Việt Nam chưa tạo ra chuyển biến đáng kể do những vướng mắc về thể chế, chính sách, đặc biệt các hạn chế của các văn bản quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo.
Các trường đại học ở một số nước phát triển trên thế giới được trao quyền tự chủ rất cao, được xem là tác nhân tương quan với Nhà nước. Dù rằng không phủ nhận những ảnh hưởng của Nhà nước với trường đại học, nhưng trường đại học không hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước.
“Xem xét so sánh, đối chiếu về khía cạnh lý luận và thực tiễn các trường đại học trên thế giới cho thấy, ở Việt Nam có sự “ngược lại” hoàn toàn, khi Nhà nước còn can thiệp khá trực tiếp, toàn diện và quá sâu đối với trường đại học từ đầu tư, tổ chức bộ máy, nhân sự đến vấn đề về học thuật như chương trình, nội dung đào tạo,…
Phương thức quản lý này phần nào đã làm triệt tiêu sự sáng tạo, chưa phát huy được tính năng động, tích cực và sức cạnh tranh giữa các trường đại học, dẫn đến sự “xé rào” của một số trường đại học thời gian qua và cuối cùng, tự chủ đại học còn khó đi vào thực chất”, Thạc sĩ Lê Văn Gấm khẳng định.
Phát huy vị thế của Hội đồng trường
Video đang HOT
Trước những vướng mắc còn tồn tại, Thạc sĩ Lê Văn Gấm đưa ra 5 khuyến nghị nhằm thúc đẩy tự chủ đại học tại Việt Nam.
Thứ nhất, sứ mạng trường đại học phải do nhà trường quyết định. Kinh nghiệm quốc tế về tự chủ đại học và quản trị đại học đã chỉ ra, đối với cơ sở giáo dục đào tạo đại học, việc xác định sứ mạng đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại, quyết định hướng phát triển và khả năng cạnh tranh của mỗi trường.
Nhưng theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), cũng như những văn bản dưới luật hiện hành ở Việt Nam, việc phát triển trường đại học theo định hướng nào đều do các nhân tố ngoài trường quyết định là chính. Theo luật này, trường đại học được phân tầng: Tầng 1 là đại học định hướng nghiên cứu; Tầng 2 là đại học định hướng ứng dụng; Tầng 3 là đại học định hướng thực hành.
Mỗi tầng lại gồm các hạng, và căn cứ vào kết quả xếp hạng, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quyết định ưu tiên đầu tư, giao nhiệm vụ và cơ chế quản lý đặc thù đối với cơ sở giáo dục đại học. Quy định như vậy sẽ dẫn đến, mục tiêu và định hướng phát triển trường dễ bị chi phối vì lợi ích. Và rõ ràng, sứ mạng của cơ sở giáo dục đại học do Nhà nước quy định.
Để định hướng tự chủ – tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học ngày càng đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển hiện nay thì sứ mạng của trường đại học phải do nhà trường quyết định.
Thứ hai , về thể chế hóa và thay đổi tư duy quản trị đại học, để trao quyền và chuyển đổi thành công từ mô hình Nhà nước quản trị sang Nhà nước giám sát thì thể chế, chính sách quản lý Nhà nước về giáo dục đại học cần được luật hóa. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, điều chỉnh những bất cập, hạn chế của những văn bản quản lý về giáo dục và đào tạo hiện hành. Nhà nước cần trao quyền mạnh mẽ hơn về tự chủ đại học cho các cơ sở giáo dục đại học, Nhà nước thực hiện tốt vai trò quản lý chiến lược, thay vì “ôm quyền”, bao cấp, can thiệp quá sâu vào nội bộ của cơ sở giáo dục như hiện nay.
Thứ ba là vấn đề phát huy hiệu lực, vị thế của Hội đồng trường. Để tự chủ đại học và quản trị đại học phát huy hiệu lực, hiệu quả một cách đầy đủ, cần tổ chức và thực hiện tốt mô hình Hội đồng trường và Hội đồng quản trị. Vấn đề này đã được quy định ở Luật Giáo dục (2005), Điều lệ trường đại học (2003, 2010, 2014) và Điều lệ trường cao đẳng (2009), Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và một số văn bản liên quan khác.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số trường đại học chưa thành lập Hội đồng trường. Trong khi đó, hoạt động của Hội đồng trường đại học công lập vẫn còn rất thấp, thậm chí vẫn còn những ý kiến khác nhau trong việc tổ chức Hội đồng trường.
Để Hội đồng trường phát huy quyền lực, quyết định chiến lược, khẳng định vị thế và thương hiệu của cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng và phù hợp với xu thế phát triển giáo dục, việc cấp bách hiện nay là Hội đồng trường cần phải có thực quyền, cần được nâng cao vị thế. Tuy nhiên, cần có Ban giám sát Hội đồng trường để phát huy hiệu lực và hiệu quả của Hội đồng trường, đảm bảo Hội đồng trường tổ chức và hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
Thứ tư , là trao quyền tự chủ gắn với công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Trong đó, vấn đề công khai, minh bạch phải được chú trọng. Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường đại học đóng vai trò quan trọng trong tất cả các khía cạnh của quản trị đại học.
Trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học xoay quanh chủ yếu bốn chủ thể là người học, cộng đồng, xã hội và Nhà nước. Và quy tắc chung, mức độ tự chủ càng lớn thì trường đại học phải tự chịu trách nhiệm giải trình càng cao.
Điều đó có nghĩa là chất lượng mọi mặt hoạt động của trường đại học phải được cải tiến một cách tuyến tính so với mức độ tự chủ được trao. Trách nhiệm giải trình là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng hoạt động của trường đại học. Đồng thời, cần tránh hiện tượng “thương mại hóa giáo dục và đào tạo”.
Thứ năm, cần sự đồng bộ trong các văn bản pháp luật về quản trị đại học. Từ thực tiễn có nhiều luật và văn bản pháp lý của nhiều bộ, ngành quản lý về tự chủ đại học nên dẫn đến trình trạng “cởi chỗ nọ, trói chỗ kia”, chồng chéo, bất cập. Tuy nhiên, cần tránh hiện tượng “hành chính hóa giáo dục và đào tạo”.
Do vậy, để tự chủ đại học thành công góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, cần có sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản pháp luật giữa các bộ ngành, tránh hiện tượng chồng chéo, xóa bỏ các “rào cản” ảnh hưởng đến quá trình tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay.
PGS Đỗ Văn Dũng: nhiều trường tự chủ còn sống trong những mối âu lo
Chủ trương bỏ cơ quan chủ quản không có nghĩa là buông lỏng quản lý mà giao quyền cho một chủ thể khác, đó là Hội đồng trường.
Trên thế giới, tự chủ đại học được xem là yếu tố cơ bản, cần thiết trong quản trị đại học. Việc tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường đã tạo động lực, sự linh hoạt, năng động của các trường đại học trong quá trình sáng tạo ra tri thức, dẫn dắt xã hội phát triển, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tự chủ của các trường đại học hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều trường tự chủ còn sống trong những mối âu lo
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP liên quan đến tự chủ đại học đã tạo điều kiện, cơ chế cho các trường phát triển vươn lên, đặc biệt là sự phát triển của 23 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng cần xóa bỏ cơ quan chủ quản mới có tự chủ thực sự. (Ảnh: NEU)
Tuy nhiên, tự chủ đại học hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ.
Thứ nhất, hiện nay một số văn bản luật và dưới luật chưa theo kịp tinh thần tự chủ của Luật số 34, chính điều này làm cho những người lãnh đạo trong các trường tự chủ luôn luôn sống trong những mối lo âu.
Hệ thống pháp luật còn chồng chéo nhau, khi các đoàn kiểm toán, thanh tra về làm việc với các trường, nếu áp dụng theo luật này thì làm đúng, nhưng áp dụng theo luật khác lại sai. Các văn bản dưới luật cũng mâu thuẫn nhau, đây chính là khó khăn lớn nhất đối với các trường đại học khi bước vào con đường tự chủ.
Chính vì vậy, mong muốn hiện nay của các trường là cần phải có hệ thống hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để việc thực hiện tự chủ đi vào thực tiễn.
Thứ hai, sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý trực tiếp (cơ quan chủ quản) vào công việc của các trường khiến trường đại học chưa thể có tự chủ thực sự.
Đối với trường đại học công lập đã tự chủ, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, cần giao toàn quyền cho Hội đồng trường quyết định, bởi Hội đồng trường là đại diện cho chủ sở hữu và các bên liên quan.
"Nhưng thực tế thì vẫn có sự can thiệp của cơ quan chủ quản. Cụ thể như vấn đề về tổ chức nhân sự, hiện nay nhiều trường đại học không thể bổ nhiệm Hiệu trưởng, như Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh,...
Đã tự chủ thì cần phải xóa bỏ cơ quan chủ quản. Tại sao giao trách nhiệm cho Hội đồng trường, Hội đồng trường tổ chức bỏ phiếu, có quyết định bổ nhiệm cán bộ nhưng cuối cùng vẫn phải chờ Bộ trưởng công nhận?
Sự tồn tại, sự áp đặt của cơ quan chủ quản đã cản trở rất nhiều đến sự phát triển của trường đại học, suốt nhiều tháng liền một trường đại học không có người "cầm trịch" thì mọi việc đều trì trệ. Điều này làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống cơ sở giáo dục đó, ảnh hưởng đến hàng ngàn cán bộ, giảng viên, viên chức, hàng ngàn sinh viên, thậm chí có thể làm 'sụp đổ' thương hiệu mà trường xây dựng bấy lâu nay. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước những hệ lụy này?"
Rõ ràng, còn tồn tại cơ quan chủ quản thì chúng ta đang quay về với cơ chế xin - cho", Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng khẳng định.
Về khía cạnh tài chính tài sản, bất cập tồn tại là trường đại học được giao quyền tự chủ nhưng lại không được giao đất đai, tài sản.
Ví dụ, khi có khu đất trống, nhà trường không thể cho thuê; khi có doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư xây dựng cho trường phòng thí nghiệm để hợp tác đào tạo nghiên cứu khoa học, nhà trường cũng không thể quyết.
Theo thầy Dũng, chúng ta cần phải học tập mô hình tự chủ ở Hàn Quốc, trường đại học khi đã tự chủ được liên kết với các doanh nghiệp trở thành những tập đoàn giáo dục. Các doanh nghiệp được phép xây dựng, đầu tư cho trường đại học, tận dụng "chất xám" để tạo nên những sản phẩm chất lượng cao.
Với mô hình hợp tác này, trường đại học cũng sẽ giải quyết được bài toán kinh phí đầu tư, từ đó có thể giảm học phí cho sinh viên, điều này rất có lợi cho người học. Muốn vậy, đòi hỏi cơ chế phải mở rộng hơn, tạo điều kiện để các trường được tự chủ, tự quyết định công việc và cơ hội phát triển cho mình.
Thứ ba, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước cắt giảm đầu tư cho trường đại học.
Thầy Dũng phân tích: "Chúng ta vẫn nói cắt giảm chi thường xuyên, còn chi đầu tư Nhà nước vẫn hỗ trợ. Nhưng thực tế các trường tự chủ đang đứng trước bài toán nan giải về tài chính, buộc trường phải tăng học phí lên cao.
Lẽ ra khi trường không nhận kinh phí chi thường xuyên thì Nhà nước nên chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên này thành nguồn kinh phí chi đầu tư cho trường đại học, để các trường đầu tư xây phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất và giảm được áp lực học phí lên người học".
Bỏ cơ quan chủ quản không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện, có các chủ trương, chính sách, mở rộng hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Đặc biệt, sau khi Luật số 34/2018/QH14 cùng với Nghị định 99 (Nghị định số 99/2019/NĐ-CP) hướng dẫn thi hành Luật được ban hành, "nút thắt" về hành lang pháp lý thực hiện tự chủ giáo dục đại học đã được mở, các cơ sở giáo dục đại học chủ động thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình với các bên liên quan khi đảm bảo các điều kiện tự chủ giáo dục đại học đã được luật định.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền cho rằng, tự chủ đại học đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng còn nhiều khó khăn, lúng túng. (Ảnh: Trường Đại học Vinh)
Dù đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng thực tế hiện nay, việc thực hiện tự chủ đại học vẫn còn đó những lúng túng, khó khăn, thiếu thống nhất, hiệu quả còn hạn chế.
Cụ thể, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung (Luật số 34/2018/QH14) đã mở ra hành lang pháp lý quan trọng cho phép các trường đại học triển khai thực hiện quyền tự chủ. Tuy nhiên, do sự thiếu đồng bộ trong hệ thống hành lang pháp lý của Nhà nước đã phần nào gây cản trở tiến trình tự chủ ở các trường đại học.
Ví dụ, ngoài Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý sử dụng tài sản công,... Điều đáng nói là hệ thống hành lang pháp lý này chưa đồng bộ nên dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong các hoạt động của trường đại học liên quan đến đầu tư, mua sắm, liên doanh, liên kết,...
Trong lĩnh vực nhân sự, Luật Viên chức và các nghị định liên quan còn có một số nội dung cũng chưa đồng bộ với Luật Giáo dục đại học.
"Một nút thắt khá quan trọng cần tháo gỡ trong quá trình triển khai tự chủ đại học đó là cắt giảm và tiến tới xóa bỏ cơ quan chủ quản đối với cơ sở giáo dục đại học.
Chủ trương bỏ cơ quan chủ quản không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước mà chuyển giao quyền quản lý nhà nước cho một chủ thể khác, đó là Hội đồng trường. Hội đồng trường vì vậy cần phải có thực quyền theo Luật định.
Trong thực tế triển khai, việc giải quyết mối quan hệ giữa các thiết chế Đảng ủy - Hội đồng trường - Hiệu trưởng đang đặt ra không ít những thách thức, khó khăn và vướng mắc. Giải quyết mối quan hệ giữa ba thiết chế lãnh đạo (Đảng ủy), quản trị (Hội đồng trường) và quản lý (Hiệu trưởng) trên cơ sở làm rõ, luật hóa về vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của từng thiết chế là đòi hỏi hết sức cấp thiết hiện nay, cần được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành quan tâm nhiều hơn" thầy Hiền cho biết.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền, ngoài những vướng mắc về cơ chế, một lý do quan trọng khác là do các trường đại học chưa đủ năng lực và chưa thực sự sẵn sàng bước vào con đường tự chủ.
Thực tế cho thấy, còn nhiều trường đại học chưa mạnh dạn thực thi sự tự chủ, thay vì chủ động thúc đẩy tự chủ, chấp nhận đương đầu với các thách thức, vượt qua nó để mở rộng sáng tạo, tăng cường chất lượng quản trị, phát huy hiệu quả các nguồn lực, phát triển chất lượng đào tạo, nghiên cứu thì vẫn mang tâm lý e dè, bởi thói quen "bao cấp" vào sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước, vẫn muốn tận dụng những ưu thế của trường công để được hỗ trợ ngân sách trong chi thường xuyên và chi đầu tư.
Tóm lại,tự chủ đại học mở ra rất nhiều cơ hội để các trường đại học phấn đấu tự khẳng định mình, tăng năng lực cạnh tranh để hội nhập với giáo dục đại học của khu vực và quốc tế. Vấn đề đặt ra cho tự chủ đại học hiện nay là cần sớm giải quyết dứt điểm các "điểm nghẽn" còn tồn tại nói trên.
Xác định chuẩn đầu ra của nhiều trường đại học chỉ là sự suy diễn từ các môn học Để tự chủ thì trường đại học phải là "đại học" đúng với nghĩa của từ này bao gồm từ chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra... Tự chủ đại học là xu thế tất yếu của giáo dục đại học. Chỉ khi được tự chủ về tổ chức bộ máy, về học thuật, về nhân sự, về tài chính một cách thực...