Hãng thiết bị y tế Philips thu hồi một số mặt nạ do lo ngại vấn đề an toàn
Ngày 6/9, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, công ty sản xuất thiết bị y tế Philips đã thu hồi một số mặt nạ được sử dụng cùng với một số máy trợ thở của hãng, do lo ngại nguy cơ gây thương tích cho bệnh nhân.
Biểu tượng Philips tại văn phòng ở Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng Philips cho biết, các mặt nạ nói trên có kẹp hoặc dây đeo mũ đội đầu chứa từ tính, có thể gây nhiễu một số thiết bị y tế bằng kim loại được cấy ghép cũng như các vật thể kim loại trong cơ thể, gây thương tích hoặc khiến bệnh nhân tử vong. Theo Philips, công ty con của hãng là Philips Respironics đã phân phối hơn 17 triệu mặt nạ có kẹp từ tính.
FDA cho biết tính đến ngày 30/8, Philips đã nhận được 14 báo cáo về các trường hợp chấn thương sau khi sử dụng mặt nạ, bao gồm gây nhiễu máy tạo nhịp tim và làm hỏng máy điều hòa nhịp tim dẫn đến việc bệnh nhân buộc phải thay thế thiết bị.
FDA sẽ giám sát việc thu hồi các thiết bị của Philips.
Hãng Philips thu hồi 1.700 máy hỗ trợ hô hấp trên toàn cầu
Ngày 29/8, công ty sản xuất thiết bị y tế Philips (Hà Lan) thông báo mở rộng việc thu hồi máy hỗ trợ hô hấp lên tổng cộng 1.700 chiếc trên toàn cầu do nguy cơ sử dụng thành phần nhựa dẻo không phù hợp.
Biểu tượng Philips tại văn phòng ở Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Philips Respironics, công ty con của Philips, vẫn chưa nhận được báo cáo nào về việc bệnh nhân bị tổn thương do vấn đề trên, song vẫn quyết định thu hồi sản phẩm để phòng ngừa. Trong số những thiết bị được thu hồi có 386 sản phẩm tại Mỹ, song không có bất kỳ sản phẩm nào tại Hà Lan - trụ sở chính của công ty này.
Trước đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã thông báo việc thu hồi sản phẩm, đồng thời nhấn mạnh nếu như có nhựa dẻo trong động cơ của máy hỗ trợ hô hấp BiPAP, thiết bị có thể tạo ra một số hóa chất đáng quan ngại như các hợp chất hữu cơ bay hơi.
Philips đã phân phối 386 máy BiPAP tại Mỹ trong giai đoạn từ ngày 6/8/2020 đến ngày 1/9/2021. Công ty đã gửi thư thu hồi khẩn thiết bị này đến những khách hàng bị ảnh hưởng vào ngày 26/8 vừa qua. Tuy nhiên, theo FDA, chỉ những máy có số serie nhất định mới bị thu hồi.
Đợt thu hồi lần này không liên quan đến lần thu hồi hàng triệu thiết bị hỗ trợ hô hấp và trợ thở vào năm ngoái, do thành phần bọt xốp lắp trong máy có thể lão hóa trở nên độc hại và có nguy cơ gây ung thư. Mặc dù vậy, một số thiết bị được thu hồi vào năm ngoái cũng có nguy cơ chứa các bộ phận nhựa dẻo liên quan đến đợt thu hồi mới nhất. Philips khẳng định toàn bộ thiết bị gặp vấn đề về thành phần nhựa dẻo không phù hợp đều sẽ được bồi thường.
Kể từ đợt thu hồi vào năm ngoái, giá trị thị trường của Philips đã giảm hơn 67%, khiến công ty phải bổ nhiệm ông Roy Jakobs làm Giám đốc điều hành mới vào giữa tháng 10/2021.
Sri Lanka cần 90 ngày để giải quyết tình trạng thiếu thuốc men và thiết bị y tế Bộ trưởng Y tế Sri Lanka, Channa Jayasumana ngày 24/4 cho biết 90 ngày sắp tới sẽ là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với ngành y tế nước này do tình trạng thiếu thốn thuốc men và vật tư y tế, bắt nguồn từ thiếu hụt ngoại hối. Người dân xếp hàng chờ mua thực phẩm bên ngoài một siêu thị...