Hàng loạt vụ xâm hại trẻ: Giáo dục giới tính quá muộn, thiếu trực quan
Nhiều chuyên gia cho rằng sách giáo khoa lớp 5 mới có những bài học đầu tiên về giáo dục giới tính là quá muộn.
Tại thông tư 05 mới được ban hành đầu tháng 4/2019, có hiệu lực từ 21/5, Bộ GD&ĐT yêu cầu danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 phải có bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại.
Bộ tranh gồm 2 tờ, trong đó một tranh minh họa quy tắc bảo vệ cơ thể bé trai và bé gái phải có dòng chữ: “Hãy nhớ! Không để ai sờ, động chạm vào cơ thể được đồ trong che kín. Trừ khi học sinh cần được bác sĩ thăm khám”.
Một tranh khác minh họa 3 bước phòng tránh xâm hại thông qua hình ảnh như bỏ chạy để thoát khỏi tình huống nguy hiểm hoặc kể lại với người thân…
Dù hoan nghênh việc học sinh lớp 1 được học về kỹ năng phòng chống xâm hại, nhiều chuyên gia cho rằng phương pháp trên vẫn còn “sơ khai”, thiếu bài học về tình huống, kỹ năng cụ thể.
Sách giáo khoa đang dạy gì về giới tính?
Hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục học sinh nghiêm trọng xảy ra gần đây một lần nữa khiến dư luận đặt ra câu hỏi nhà trường đang dạy giáo dục giới tính như thế nào? Trẻ được trang bị kỹ năng gì để bảo vệ bản thân?
Sách giáo khoa Khoa học lớp 5 có bài tập số một về sự sinh sản, tìm hiểu “bé là con ai”, mang đến thông điệp mọi trẻ em đều do cha, mẹ sinh ra và có những đặc điểm giống cha mẹ mình. Nhờ có sự sinh sản, các thế hệ trong mỗi gia đình, dòng họ được duy trì kế tiếp nhau.
Bài học về cơ thể được hình thành như thế nào trong sách giáo khoa lớp 5. Ảnh: Q.Q.
Bài tập lớp 2-3 nói về nam và nữ với nội dung, đến độ tuổi nhất định, cơ quan sinh dục mới phát triển làm cho cơ thể nam và nữ có nhiều điểm khác nhau. Trong đó, nam có râu, cơ quan sinh dục tạo ra tinh trùng. Nữ có kinh nguyệt, cơ quan sinh dục tạo ra trứng.
Bài tập 4, trẻ học về cơ thể được hình thành như thế nào. Trong đó, trứng và tinh trùng được kết hợp với nhau thành hợp tử. Các tinh trùng gặp trứng. Một tinh trùng đã chui được vào trong trứng. Hợp tử phát triển thành phôi và bào thai.
Bài số 9 nói về vệ sinh tuổi dậy thì bao gồm phải giữ thân thể sạch sẽ, thường xuyên tắm giặt, gội đầu, thay quần áo; đặc biệt phải thay quần áo trong, rửa bộ phận sinh dục bằng nước sạch và xà phòng tắm hàng ngày. Nữ giới, khi hành kinh, cần thay băng vệ sinh ít nhất 4 lần trong ngày.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – nêu quan điểm sách giáo khoa lớp 5 mới dạy những nội dung về giới tính là quá muộn.
“Tôi nhớ câu chuyện bé gái 17 tháng tuổi ở Bắc Giang bị xâm hại tình dục, từ đó chúng ta phải thấy thực tiễn vấn đề cần được giáo dục sớm hơn, ngay từ tuổi mẫu giáo”, bà Hòa nói.
TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, người nhiều năm gắn bó với công việc giáo dục giới tính – cho hay kiến thức trong sách giáo khoa đã đi thẳng vào vấn đề và khoa học, tuy nhiên lớp 5 mới dạy là quá muộn. Nhiều học sinh lớp 5 đã dậy thì, kiến thức về giáo dục giới tính phải được dạy sớm hơn, khoảng lớp 3, 4.
Ngoài ra, sách giáo khoa còn thiếu nhiều kiến thức trẻ cần. Ví dụ, hiện tượng kinh nguyệt và xuất tích rất gần gũi, cần lý giải cụ thể đó là hiện tượng gì và giữ vệ sinh, xử lý trong một số trường hợp ra sao. Nhiều bé gái sợ hãi, thậm chí nghĩ mình mắc bệnh ung thư, khi thấy kinh nguyệt.
Theo nữ tiến sĩ, dạy muộn, không đúng trọng tâm, thời lượng ít sẽ khiến trẻ không nhớ lâu được, không hiệu quả.
Quy tắc vòng tròn giúp trẻ tránh bị xâm hại. Ảnh: Lee Mew.
Cần dạy giáo dục giới tính từ lớp 1, chú trọng kỹ năng và tình huống
TS Vũ Thu Hương cho rằng ngay từ lớp 1, sách giáo khoa nên dạy trẻ về khu vực đồ trong, hướng dẫn phòng tránh nguy cơ bị xâm hại. Sách lớp 2 có thể nêu quá trình hình thành thai nhi. Lớp 3 làm rõ hiện tượng kinh nguyệt, xuất tinh.
Ở lớp 4 và 5, sách cần dạy trẻ về pháp luật như việc quan hệ tình dục với trẻ em dưới 16 tuổi, các trường hợp dưới 18 tuổi là phạm tội. Quan hệ tình dục có thể dẫn đến hậu quả như mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh truyền nhiễm… Từ cấp hai, sách có thể dạy trẻ về đồng tính.
TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) – cho rằng giáo dục phòng chống xâm hại phải bắt đầu từ mầm non, ngay khi các em 3 tuổi, bắt đầu khám phá bộ phận sinh dục trên cơ thể.
Cha mẹ dạy con thế nào là động chạm an toàn và không an toàn; thế nào là không gian an toàn và không an toàn; đâu là khu vực thuộc về riêng tư; nhận diện tình huống nào nguy hiểm; hành vi nào gây khó chịu; cách ứng xử với hành vi bị quấy rối.
Người lớn cần dạy con dám lên tiếng ngay từ cấp tiểu học, để trẻ có lòng tự trọng và biết rằng trong tình huống nào cần phải nói với bố mẹ, người thân.
Đặc biệt, nhà trường cần có đường dây nóng để phổ biến đến học trò. Trẻ cần nhớ số điện thoại và yên tâm không bị trù dập, nếu báo. Các trường nội trú ở miền núi càng cần lựa chọn người có phẩm chất đạo đức, chú trọng sức khỏe, tinh thần với giáo viên.
Bên cạnh yếu tố cần dạy trẻ giáo dục giới tính từ sớm, các chuyên gia cho rằng bài học hiện nay còn khô cứng, thiên về sách vở, thiếu thực tế về đào tạo kỹ năng qua tình huống cụ thể. Giáo viên chuyên về giới tính, sức khỏe thiếu và ít được quan tâm đào tạo.
Hàng loạt vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc
Theo thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng xâm hại 1.579 trẻ. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 trẻ.
Những tháng đầu năm 2019, nhiều vụ thầy giáo xâm hại học sinh xảy ra. Tháng tư vừa qua, thầy giáo trường THCS Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội), bị tố dâm ô nhiều nam sinh tại lớp ôn luyện học sinh giỏi lớp 6. Tuy nhiên, sau đó, phụ huynh đã làm đơn “minh oan” cho thầy giáo này.
Đầu tháng ba, ông Dương Trọng Minh, giáo viên trường Tiểu học Tiên Sơn, Bắc Giang, bị chuyển về làm nhân viên hành chính tại trường Tiểu học Vân Hà, sau khi bị tố có hành vi dâm ô nhiều học sinh lớp 5.
Cuối tháng ba, cơ quan chức năng kết luận cô giáo ở Bình Thuận có quan hệ yêu đương với nam sinh lớp 10, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Ngày 30/12/2018, Công an huyện Đức Cơ (Gia Lai) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Hồ Trọng Đăng (35 tuổi, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ), thầy giáo tổng phụ trách đội trường THCS Phan Bội Châu, về hành vi Dâm ô trẻ em.
Chiều 15/12, lãnh đạo UBND huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) cho biết cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh Bằng My – Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú – THCS huyện này – để điều tra hành vi Dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Theo Zing
Quản chặt chẽ 'đầu vào, đầu ra' để tránh lãng phí, đào tạo học sinh dân tộc sai đối tượng
Đó là một trong những nội dung được nêu tại Hội nghị tổng kết 10 năm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, giai đoạn 2008 - 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tại Yên Bái, ngày 18/12.
Ảnh minh họa
Dự Hội nghị có các đồng chí: Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; đồng chí Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố cùng các thầy cô giáo đại diện cho các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú của 49 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hiện nay, toàn quốc có 315 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trên 109 nghìn học sinh nội trú. Chất lượng giáo dục của các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ngày càng được nâng cao, học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông liên tục tăng qua từng năm học.
Số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt tỷ lệ 97%; tỷ lệ học sinh học tiếp lên trường nội trú Trung học phổ thông đạt 15,6%. Đối với cấp Trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt từ 95 - 98%; đỗ vào cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ trung bình trong 5 năm từ 2012 - 2017 là 32%.
Tại Hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố đã thảo luận, chia sẻ và đóng góp ý kiến về việc thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; việc bồi dưỡng cho học sinh về kiến thức pháp luật - xã hội, giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em...
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những kết quả đạt được của các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trong 10 năm qua. Bộ trưởng đề nghị, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống Trường Phổ thông Dân tộc nội trú theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí; rà soát, quy hoạch, hoàn thiện Trường Phổ thông Dân tộc nội trú phù hợp với đặc điểm của vùng, địa phương, điều kiện kinh tế - xã hội.
Các trường phải quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra theo đúng mục tiêu để tránh lãng phí và đào tạo không đúng đối tượng, kém hiệu quả. Ưu tiên tuyển sinh học sinh các dân tộc rất ít người và dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp; chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh nội trú; nghiên cứu để mở rộng mô hình giáo dục hòa nhập; tăng cường công tác xã hội hóa cho giáo dục dân tộc, đảm bảo tính công bằng giữa các dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, đối với những ý kiến, kiến nghị của các địa phương thuộc thẩm quyền, Bộ sẽ tiếp thu và giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho công tác giáo dục dân tộc của các địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy: Thời gian qua, được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục các cấp học và giáo dục mũi nhọn không ngừng được nâng lên, tỉnh Yên Bái rất quan tâm đến phát triển công tác giáo dục trong vùng dân tộc.
Hiện nay, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú (có 7/9 trường đạt chuẩn Quốc gia) với quy mô 88 lớp, trên 2.900 học sinh. Ngoài ra, có 53 trường phổ thông dân tộc bán trú, 52 trường phổ thông có học sinh bán trú với quy mô khoảng 24 nghìn học sinh được hưởng chế độ bán trú.
Tuấn Anh
Theo baotintuc
Sinh viên giáo dục giới tính cho trẻ em Không chỉ thu hẹp trong những buổi nói chuyện tại trường học, các sinh viên sáng lập S Project còn giúp trẻ em được giáo dục giới tính, biết tự bảo vệ chính mình thông qua các hoạt động vẽ tranh, triển lãm ảnh, chia sẻ video, trại hè... Trẻ em hứng khởi tham gia hoạt động ngoại khóa do S Project tổ...