Hàng loạt trường đại học có mức sàn xét tuyển chỉ 4 điểm mỗi môn
Nhiều trường đại học ở các tỉnh duy trì mức sàn 12-13 điểm cho 3 môn thuộc các tổ hợp xét tuyển, bao gồm cả điểm ưu tiên.
Năm 2019, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐH Nội vụ từ 12 đến 17. Mức sàn thấp dành cho các ngành đào tạo tại TP.HCM và Quảng Nam.
Tại cơ sở chính ở Hà Nội, mức sàn thấp nhất là 13, dành cho tổ hợp A10 và D01 của ngành Thông tin – Thư viện và chuyên ngành Chính sách công; D01, D15 ngành Lưu trữ học; A00, D01 ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước.
Trong khi đó, ngành Quản trị Văn phòng có điểm sàn cao nhất (17) cho tổ hợp C19, C20.
Phân hiệu ĐH Nội vụ ở Quảng Nam và TP.HCM lấy điểm sàn từ 12 đến 14:
ĐH Quảng Nam, tất cả các ngành có điểm sàn xét tuyển là 13 (trừ các ngành đào tạo sư phạm).
Đối với hệ cao đẳng, ĐH Quảng Nam nhận hồ sơ xét tuyển từ 11 điểm.
Video đang HOT
Tại phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận, ĐH Nông Lâm TP.HCM ấn định mức sàn nhận hồ sơ cho tất cả ngành học là 13 điểm. Nghĩa là mỗi môn chỉ cần nhỉnh hơn 4 điểm, thí sinh đã có sơ hội xét tuyển vào đại học.
Tương tự, 13 cũng là mức điểm nhận hồ sơ đối với các khối xét tuyển của ngành đào tạo của ĐH Xây dựng Miền Trung. Năm 2018, trường này thậm chí còn nhận hồ sơ xét tuyển từ 11 điểm.
Một trường đại học khác tại miền Trung cũng lấy mức sàn 13 điểm là ĐH Phú Yên. Ngoài các ngành đào tạo sư phạm có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 18 điểm (theo quy định của Bộ GD&ĐT), các ngành còn lại của trường đều nhận hồ sơ từ 13 điểm.
Không chỉ các đại học tại miền Trung, một số trường đại học tại miền Nam cũng có mức sàn thấp.
Theo phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia, ĐH Bạc Liêu nhận hồ sơ xét tuyển các ngành đào tạo hệ đại học chính quy từ 13 điểm trở lên, trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên. Riêng hai ngành Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, mức sàn là 12 điểm.
ĐH Cửu Long tuyển sinh 21 ngành, trong đó 19 ngành thuộc nhóm xã hội, kinh tế, tài chính, công nghệ, nông nghiệp có mức sàn 12,5. Hai ngành còn lại thuộc nhóm sức khoẻ (Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học) lấy sàn 18.
Nhỉnh hơn 0,5 điểm, ĐH Xây dựng Miền Tây lấy điểm sàn 13 cho 7 ngành: Kỹ thuật Xây dựng, Kiến trúc, Quản lý Đô thị và Công trình, Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông, Kỹ thuật Cấp thoát nước, Kỹ thuật Môi trường, Kế toán.
Năm 2019, trường tuyển 530 chỉ tiêu, trong đó Kỹ thuật Xây dựng chiếm 250 chỉ tiêu. Năm ngoái, điểm sàn tất cả ngành đào tạo đại học chính quy của trường cũng là 13.
Trong khi mặt bằng điểm thi THPT quốc gia 2019 cao hơn năm 2018,ĐH Đồng Tháp nhận hồ sơ các ngành ngoài sư phạm với mức điểm 13,5. Năm 2018, điểm sàn các ngành này là 14.
Năm 2019, ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An cũng lấy mức sàn 13 cho 4 ngành: Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Luật kinh tế, Quản trị Du lịch và Lữ hành. Năm 2018, các ngành này cũng có mức sàn 13 điểm. Các ngành còn lại lấy sàn 14-15 điểm.
Với việc nhiều trường đại học xác định mức sàn chỉ 4 điểm mỗi môn, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, nói đây là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trong bối cảnh điểm thi THPT quốc gia 2019 cao hơn so với năm 2018, nhiều trường vẫn duy trì mức sàn thấp với mục đích tận dụng nguồn tuyển.
“Thường các đại học ở tỉnh, nguồn tuyển hạn hẹp, họ phải hạ mức sàn để có thí sinh vào học. Đây cũng là dấu hỏi với chất lượng đào tạo của các trường này. Chất lượng đầu vào thấp đòi hỏi phải có nhiều biện pháp để nâng chất lượng đầu ra. Liệu các trường này có làm được không?”, ông Vinh đặt câu hỏi.
Mặt khác, TS Vinh coi việc hạ điểm sàn quá thấp tức là chính các trường đang hạ thấp uy tín của mình, vì “của rẻ mấy khi là của ngon”.
Theo Zing
Thí sinh nên cập nhật thường xuyên thông tin tuyển sinh tại website của các trường ĐH, CĐ
Sáng nay, (13/1), tại Đà Nẵng, chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019 do báo Tuổi trẻ phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH), Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức tại Trường THPT Phan Châu Trinh thu hút gần 5.000 HS của Quảng Nam và Đà Nẵng tham dự.
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019 thu hút sự tham gia của khoảng 5.000 HS các trường THPT của Đà Nẵng và Quảng Nam.
Chương trình tư vấn có 2 phần: tư vấn chung và tư vấn chuyên sâu, do Hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia đến từ Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB & XH), ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên, ĐHQG TP.HCM, ĐH Huế, Học viện Biên phòng, ĐH Duy Tân...
Phần tư vấn chung, các chuyên gia sẽ cung cấp các thông tin chính thức liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ, trung cấp năm 2019. Ngoài ra, các chuyên gia còn tư vấn về việc chọn ngành - nghề và việc làm tương lai. Ông Phạm Văn Lương, chuyên viên chính Vụ đại học-Bộ GD-ĐT lưu ý với HS Quảng Nam, Đà Nẵng dự kiến cơ cấu điểm sẽ gồm điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia (chiếm 70%) điểm trung bình năm học lớp 12 (30%) điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
TS. Trần Thế Hoàng, chủ tịch hội đồng trường ĐH kinh tế TP.HCM chia sẻ với các HS lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa chọn hướng đi cho tương lai rằng, nếu chọn ngành học ko đúng thì mất đi động cơ, hao tốn tiền bạc, mất thời gian, mất cơ hội trong khi cơ hội là không nhiều với mỗi cá nhân. Về kinh nghiệm chọn ngành, chọn trường, theo TS Trần Thế Hoàng thì
"Khi chọn ngành học, các em nên xuất phát từ đam mê, sở thích cá nhân và hiện có nhiều phần mềm trắc nghiệm để hỗ trợ. Ngoài ra, phải chọn ngành phù hợp với năng lực thực tế và hoàn cảnh kinh tế gia đình. Các em cũng có thể tham khảo các thông tin để biết nhu cầu nhân lực trong tương lai.
Trong việc chọn trường để đăng ký xét tuyển thì cũng nên chọn khoảng 4-5 trường, và phải tận dụng cơ hội thay đổi nguyện vọng khi chúng ta biết được kết quả điểm thi. Có thể chia làm 3 nhóm trường: cao hơn khả năng học một chút, thấp hơn một chút và đúng với năng lực. Và đặc biệt, các em phải nhớ rằng, đại học phải là con đường duy nhất. Có thể chọn con đường học nghề hoặc bậc học thấp hơn rồi liên thông".
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng lưu ý thí sinh nên cập nhật thường xuyên các thông tin tuyển sinh tại website của các trường ĐH, CĐ. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, năm nay, ĐH Đà Nẵng sẽ mở rộng đối tượng tuyển thẳng vào một số trường ĐH thành viên như trường ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh.
Ngoài ra, một số trường thành viên của ĐH Đà Nẵng lần đầu tiên áp dụng hình thức xét tuyển bằng kết quả học bạ như chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao của trường ĐH Bách khoa. Riêng Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon tum, ĐH Đà Nẵng sẽ tổ chức đào tạo 2 năm đầu tại Kon Tum và 2 năm sau tại Đà Nẵng.
Phần tư vấn chuyên sâu, chuyên gia tư vấn của các trường ĐH, CĐ giải đáp cụ thể thắc mắc của HS liên quan đến việc chọn tổ hợp xét tuyển, ngành, nghề đào tạo... với 2 nhóm ngành: Khoa học xã hội, ngoại ngữ, sư phạm, luật, kinh tế, năng khiếu, công an, quân đội; Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y dược, nông lâm, xây dựng, giao thông... Ngoài ra, thí sinh còn được giải đáp thắc mắc ngay tại gian tư vấn của các trường.
Hà Nguyên
Theo giaoducthoidai
Trường ĐH Văn hóa Hà Nội lấy thí sinh có tổng điểm học bạ từ 21,2 Trường ĐH Văn hóa Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét học học bạ THPT đợt 1 năm 2019, trong đó ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là 25,5 điểm. Năm 2019, điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét học học bạ của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội nằm ở mức từ 21,20 đến 25,50...