Hãng công nghệ Trung Quốc phát triển hệ thống dự đoán nhân viên sắp nghỉ việc
Sangfor Technologies đã xây dựng một hệ thống đặc biệt có thể phân tích ý định từ chức của nhân viên bằng cách theo dõi, xem xét các hoạt động trực tuyến của họ, theo South China Morning Post.
Hệ thống do Sangfor Technologies thực hiện đã thu hút được sự chú ý của công chúng sau khi một người dùng trên ứng dụng mạng chuyên nghiệp Maimai.cn cho biết anh đã bị sa thải, sau khi công ty sử dụng hệ thống giám sát và phát hiện ra anh xin việc khác.
“Sếp của tôi nói rằng ông ấy biết chính xác những gì tôi đang làm trong giờ làm việc”, người này viết trên Maimai.cn, đính kèm ảnh chụp màn hình hiển thị về “hệ thống phân tích nhân viên từ chức”.
Hệ thống của Sangfor phân tích ý định từ chức của nhân viên bằng cách đọc thông tin họ gửi đến các trang web tuyển dụng, nền tảng truyền thông xã hội và hệ thống email
Video đang HOT
Theo thông tin đăng ký bằng sáng chế trên công ty phân tích dữ liệu Qichacha, Sangfor đã đăng ký bằng sáng chế vào năm 2018 cho một hệ thống phân tích ý định từ chức của nhân viên bằng cách đọc thông tin họ gửi đến các trang web tuyển dụng, nền tảng truyền thông xã hội và hệ thống email. Hệ thống này có thể theo dõi hoạt động trực tuyến của nhân viên trong văn phòng, để kiểm tra xem nhân viên đã xem các trang web việc làm nào, gửi đơn đăng ký hay chưa và sau đó xếp hạng nhân viên theo mức độ rủi ro xin nghỉ việc.
Sangfor được thành lập vào năm 2000, có khoảng 100.000 khách hàng. Công ty có nhiều khách hàng chính phủ, bao gồm Cơ quan Thuế Nhà nước, Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc và Văn phòng Kiểm toán tỉnh Sơn Tây. Hiện không rõ có bao nhiêu cơ quan, công ty đang sử dụng hệ thống phân tích rủi ro từ chức của Sangfor.
Hệ thống phân tích của Sangfor đã gây ra tranh luận sôi nổi trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc như Weibo và Zhihu. Nhiều người dùng cho rằng loại chương trình phần mềm này vi phạm quyền riêng tư cá nhân. “Rất khó để nói liệu hệ thống đang theo dõi hành vi làm việc hay hành vi cá nhân, vì nó theo dõi tất cả hành vi trực tuyến thông qua mạng và máy tính của công ty”, một người dùng nhận xét trên nền tảng hỏi đáp phổ biến nhất Trung Quốc Zhihu.
Không có cơ quan chức năng nào của Trung Quốc đưa ra bình luận về vụ việc. Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL) của Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 11.2021. Đây là một trong những quy định khắt khe nhất thế giới về bảo mật dữ liệu, đặt ra hạn chế pháp lý về cách dữ liệu cá nhân có thể được thu thập, sử dụng và quản lý. PIPL, cùng với luật Bảo mật dữ liệu, được coi là dấu chấm hết cho kỷ nguyên tự do của ngành công nghệ Trung Quốc.
Big Tech Trung Quốc tăng cường sa thải nhân viên
Các công ty công nghệ Trung Quốc được cho là đã sa thải nhiều nhân viên hơn bình thường vào thời điểm này trong năm, gây ra "sự hoảng loạn cho rất nhiều người".
Theo South China Morning Post, một làn sóng cắt giảm việc làm mới đang làm rung chuyển các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc khi năm 2021 sắp kết thúc. Gã khổng lồ video ngắn Kuaishou, đối thủ của ByteDance, và nền tảng phát trực tuyến iQiyi thuộc sở hữu của Baidu đều được cho là đang cắt giảm nhân sự.
Thắt chặt quy định của Bắc Kinh đối với lĩnh vực internet và sự cạnh tranh gia tăng đang gây áp lực tài chính lên các gã khổng lồ công nghệ
Mặc dù việc các công ty công nghệ ở đại lục sa thải nhân viên hoạt động kém hiệu quả vào cuối năm là điều bình thường, nhưng đợt cắt giảm việc làm lần này có vẻ sâu rộng hơn, đặc biệt sau một năm chính quyền Bắc Kinh thắt chặt quy định nghiêm ngặt đối với lĩnh vực công nghệ.
Công ty ứng dụng di động chia sẻ video Kuaishou được niêm yết tại Hồng Kông bắt đầu sa thải nhân viên nhận được điểm thấp trong các bài đánh giá hiệu suất. Những nhân viên bị sa thải được đề nghị nhận bồi thường dựa trên số năm họ đã phục vụ, cộng với một tháng lương, ba nguồn thạo tin cho biết. "Điều này đã gây ra sự hoảng sợ cho rất nhiều người trong công ty vì việc sa thải dường như bắt đầu với các trưởng nhóm được trả lương cao", một trong ba nguồn tin nói.
Theo trang Yicai và cổng thông tin Sina của Trung Quốc, iQiyi được niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) cũng đã khởi động làn sóng sa thải vào đầu tháng này, cắt giảm hơn 30% công việc tại các bộ phận chi phí cao như tiếp thị và phân phối. Nhân viên bị sa thải tại iQiyi được cho là đã được đề nghị mức bồi thường tương tự như đồng nghiệp ở Kuaishou. Tình trạng sa thải của iQiyi có thể tiếp tục kéo dài đến Tết Nguyên đán, khi các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc thường chia tiền thưởng hằng năm. Hiện cả iQiyi và Kuaishou đều không trả lời yêu cầu bình luận.
Làn sóng sa thải mới diễn ra sau khi ByteDance cho thôi việc hơn 1.000 nhân viên trong đơn vị giáo dục trực tuyến, đây là kết quả khi chính phủ Trung Quốc buộc các công ty dạy thêm phải trở thành tổ chức phi lợi nhuận. Tình trạng cắt giảm việc làm đã mở rộng đến Guagualong, dịch vụ gia sư hỗ trợ trí tuệ nhân tạo hàng đầu của ByteDance hướng đến trẻ từ 2 đến 12 tuổi được tạo ra vào năm ngoái. Ngay cả các nhóm không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách mới của Bắc Kinh, như dịch vụ học tiếng Anh cho người lớn OpenLanguage và nền tảng chia sẻ kiến thức Xuelang, cũng phải trải qua cắt giảm việc làm.
Việc các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc sa thải nhân viên được coi là dấu hiệu cho thấy triển vọng việc làm trong lĩnh vực internet của nước này đang giảm sút. Bên cạnh những khó khăn về quy định kiểm soát của Bắc Kinh, những công ty như Kuaishou và iQiyi còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và áp lực dòng tiền.
Hoạt động của iQiyi kém hơn trong quý trước, với khoản lỗ ròng tăng 41,6% lên 1,7 tỉ nhân dân tệ, mặc dù doanh thu tăng 6% lên 7,6 tỉ nhân dân tệ. Giám đốc điều hành iQiyi Tim Gong Yu tháng trước cho biết thách thức lớn nhất đối với ngành là "nguồn cung cấp" video trực tuyến thiếu hụt, do dịch Covid-19 và "sự kiểm duyệt mạnh mẽ hơn".
Ngành công nghệ Trung Quốc gặp khó vì luật Bảo vệ thông tin cá nhân Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL) sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cách hoạt động của các "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc trong tương lai. Luật mới sẽ gây khó cho các hãng công nghệ Ngày 20.8, Trung Quốc thông qua luật Bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL), đặt ra quy định cứng rắn hơn cho các công...