Hạn chế tối đa tình trạng thí sinh phải di chuyển xa
Thí sinh được tạo điều kiện tốt nhất trong Kỳ thi THPT quốc gia
GD&TĐ – Ghi nhận thực tế tại 8 cụm thi THPT quốc gia 2015 trên địa bàn TPHCM do các trường ĐH chủ trì cho thấy, số lượng thí sinh dự thi giảm so với mọi năm.
Tuy công tác tổ chức, chuẩn bị khá thuận lợi so với trước vì được sự hỗ trợ từ Sở GD&ĐT, các trường THPT, nhưng thực tế tại các cụm thi ở TPHCM cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần phải dự phòng như công tác chấm thi, ghép phòng thi…
Công tác chuẩn bị đã xong
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM – cho hay: Các địa điểm thi năm nay đều tập trung tại các trường ĐH – CĐ gần trường chính để thí sinh dễ dàng đi lại.
Tuy nhiên, số lượng thí sinh đăng ký các môn có sự chênh lệch lớn, nếu sắp xếp ngẫu nhiên theo phần mềm tuyển sinh sẽ ảnh hưởng đến việc bố trí phòng thi. Chính vì thế, đến thời điểm này mới xong là nhằm tránh tình trạng đó.
Ông Dũng dẫn chứng: “Môn thi cao nhất là môn Toán có 16.000 thí sinh, thấp nhất là môn Sử chỉ có 1.500 thí sinh – gấp 11 lần, sự chênh lệch quá lớn! Nếu sắp xếp phòng thi theo ngẫu nhiên thì 2 ngày thi cuối sẽ có những cụm thi chỉ có vài em trong phòng thi.
Video đang HOT
Tôi nghĩ phải điều chỉnh, cho phép các trường gọi thí sinh trong kỳ thi này có hai địa điểm thi. Ví dụ, hai ngày đầu thi ở điểm số 1, nhưng hai ngày sau chúng tôi gộp thí sinh lại”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, không riêng cụm thi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM mà cả 8 cụm thi trên địa bàn TP đều có sự chênh lệch về môn thi.
Ngoài 3 môn bắt buộc có số lượng thí sinh đăng ký đông, các môn còn lại lượng hồ sơ không đồng đều.
Tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm TPHCM có số lượng thí sinh dự thi nhiều nhất với gần 27.000 hồ sơ, thế nhưng môn Sử chỉ có gần 3.000 hồ sơ, môn Địa hơn 4.700 hồ sơ.
Tương tự, cụm thi ĐHQG TPHCM có gần 24.000 thí sinh đăng ký, trong đó môn Sử chưa đến 2.000, môn Địa xấp xỉ 4.000 thí sinh.
Cụm thi Trường ĐH Sài Gòn cũng có hơn 1.700 hồ sơ môn Sử/tổng số 18.000 hồ sơ; cụm thi Trường ĐH Y Dược có hơn 2.000 hồ môn Sử/tổng số hơn 18.000 hồ sơ… Nếu tính trên 8 môn thi cũng có sự chênh lệch khá rõ giữa các môn.
Do đó, theo TS Nguyễn Quốc Chính – Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học ĐHQG TPHCM, đối với những môn thí sinh đăng ký ít sẽ có khả năng ghép thí sinh vào cùng phòng thi:
“Nguyên tắc chung của tất cả các điểm thi là đảm bảo cho thí sinh chỉ thi tại một địa điểm trong suốt quá trình thi. Tuy nhiên, một vài môn thi có khả năng sẽ dồn phòng lại. Như vậy, thí sinh sẽ di chuyển phòng thi chứ không di chuyển địa điểm thi. Chúng tôi sẽ cố gắng tối đa để hạn chế việc di chuyển của thí sinh”.
Với số lượng 3 môn thi bắt buộc khá lớn, các cụm thi đang lo lắng việc chấm thi cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực thời gian. TS Lê Quan Nghiệm -Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM – chia sẻ:
Hiện nay theo số lượng thí sinh thực tế tại cụm thi có thể thấy, hai môn Toán, Ngữ Văn, số lượng bài thi sẽ rất nhiều trong khi thời gian chấm quá ngắn, đòi hỏi phải huy động số lượng giáo viên chấm thi từ các trường phổ thông là rất lớn. Vì vậy, cụm đang bàn với các đơn vị trong công tác huy động và phối hợp để có lực lượng chấm cho kịp tiến độ.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM – nơi nhận chấm dùm cho khá nhiều trường những năm trước cũng băn khoăn:
Trường sẽ mời thêm phân nửa số giáo viên chấm thi từ các trường phổ thông để chấm cho kịp tiến độ. Chứ với đội ngũ hiện có của trường, chắc chắn sẽ không kịp với khối lượng bài thi nhiều như hiện nay.
Nhận định về thực tế, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng của trường cho biết: “Như mọi năm, Trường ĐH Sư phạm vẫn đảm nhận cơ cấu chấm thi như thế này, thậm chí nhiều hơn. Về công tác chấm thi năm nay chỉ phát sinh thêm một việc là xây dựng đội ngũ chấm thi môn Ngoại ngữ, để chấm phần thi viết.
Còn các môn thi tự luận và trắc nghiệm trường vẫn đảm nhận được nên cũng không bị động. Ví dụ, năm ngoái môn Toán chấm đến 3 đề thi khác nhau, nhưng năm nay chỉ chấm 1 đề thôi nên cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.
Sẵn sàng công tác hỗ trợ, tiếp sức thí sinh
Hiện nay, một trong những vấn đề mà xã hội đặc biệt quan tâm, đó là việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh đi thi ra sao, thí sinh ăn ở lưu trú thế nào.
Ghi nhận tại các cụm thi cho thấy, công tác hỗ trợ, triển khai cho thí sinh về dự thi (nhà trọ, cơm ăn miễn phí… bản đồ di chuyển, vé xe buýt…) đã được các trường chủ động triển khai, chuẩn bị khá ổn.
Cụ thể, cụm thi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã lên kế hoạch đưa rước thí sinh tỉnh Đồng Nai về dự thi, tài trợ vé xe buýt cho thí sinh khi di chuyển tới các điểm thi.
Cụm thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng chuẩn bị hơn 10.000 chỗ trọ, trong đó hơn 1.200 chỗ trọ miễn phí tại ký túc xá và bên ngoài dành cho thí sinh Bình Thuận và Long An về dự thi.
Nói về công tác tiếp sức, hỗ trợ cho thí sinh về cụm dự thi, TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết: Việc hỗ trợ chỗ ở cho thí sinh được cụm thi rất quan tâm.
Riêng thí sinh ở Bình Phước là 6.900 thí sinh, trong khi đó ký túc xá của trường chuẩn bị ít nhất cũng được 5.000 chỗ. Ngoài ra, xung quanh trường cũng có một số ký túc xá tư nhân lớn, vì vậy về vấn đề chỗ ở cũng không có vấn đề gì lo lắng.
ThS Phạm Thái Sơn – Phó trưởng phòng Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM – cũng cho hay cụm thi này đã làm việc với tỉnh Tây Ninh để khảo sát nhu cầu chỗ ở, đi lại của hơn 7.000 thí sinh tỉnh này về dự thi, đồng thời tìm kiếm chỗ ở tại các ký túc xá của các trường phổ thông tư thục, nhà trọ gần khu vực cụm thi để chuẩn bị khoảng 6.000 chỗ trọ cho thí sinh.
Riêng ký túc xá ĐHQG TPHCM cũng có khoảng 15.000 chỗ dành cho thí sinh về dự thi tại các cụm thi khu vực Thủ Đức. Chương trình Tiếp sức mùa thi 2015 tại TPHCM năm nay dự kiến tư vấn, hỗ trợ cho khoảng 200.000 lượt thí sinh, phụ huynh 7 tỉnh về TP dự thi, cùng với hàng nghìn chỗ trọ miễn phí, chỗ trọ giá rẻ dành cho thí sinh ở kỳ thi sắp tới.
Theo GD&TĐ