Hai tiến sĩ Việt được vương quốc Anh ghi nhận vì đóng góp khoa học
Sáng ngày 18/9, hai tiến sĩ người Việt Dương Quang Trung và Võ Nguyên Sơn đã được xướng tên vì những đóng góp tích cực về hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh quốc (1973 – 2018).
Tiến sĩ Dương Quang Trung hiện đang công tác tại Trường ĐH Queens Belfast (Anh), tiến sĩ Võ Nguyên Sơn hiện đang làm việc tại Trường ĐH Duy Tân. Hai tiến sĩ người Việt cùng các nhà khoa học tại ĐH Queen’s Belfast (QUB) và Trường ĐH Duy Tân đã hợp tác trong một dự án nhằm cải thiện hệ thống thông tin liên lạc bằng các phương tiện bay không người lái (UAV).
Nghiên cứu của họ đã từng được chính phủ Anh trao giải thưởng Newton 2017, nhận được 200.000 bảng Anh để phát triển một hệ thống truyền thông tin mới có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tại những thời điểm xảy ra thiên tai.
Tiến sĩ Dương Quang Trung (thứ 2 từ phải sang) và tiến sĩ Võ Nguyên Sơn (thứ 3 từ phải sang) được ghi nhận vì đóng góp tích cực trong hợp tác nghiên cứu khoa học Anh quốc – Việt Nam (Ảnh: N.S).
Từ năm 2015 đến năm 2017, Tiến sĩ Trung và Tiến sĩ Sơn cùng nhóm các nhà nghiên cứu này cũng đã triển khai dự án “Xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội cho các thành phố tương lai” do quỹ Newton tài trợ và được quản lý bởi Hội đồng Anh. Dự án nhằm mục đích tận dụng công nghệ không dây và cơ sở hạ tầng hiện đại để đáp ứng yêu cầu kết nối thông tin liên lạc trong bối cảnh thiên tai ở Việt Nam.
“Sau khi hoàn tất tốt dự án vào tháng 4 năm 2017, chúng tôi được mời gửi kết quả và kế hoạch tương lai của dự án cho giải thưởng Newton Prize 2017″, GS Dương Quang Trung, chủ nhiệm dự án nghiên cứu chia sẻ.
Trong số khoảng 200 dự án của Quỹ Newton tham gia, dự án của họ đã được chọn trong số 5 dự án được nhận giải thưởng.
“Chúng tôi tự hào đã nhận được giải thưởng Newton 2017 và tiếp tục phát triển dự án của chúng tôi cho các bước tiếp theo bằng cách sử dụng các phương tiện bay không người lái (UAV) để truyền thông tin trong quản lý thiên tai. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc trong thảm họa thiên tai, công nghệ có thể tạo ra sự khác biệt lớn, giúp cứu sống và hỗ trợ cho những người sống trong những khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai. UAV có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc này, bởi chúng có thể tiếp cận các nhóm người bị ảnh hưởng và cung cấp các nguồn tài nguyên cần thiết”, vị tiến sĩ Việt cho biết thêm.
Trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đại sứ Gareth khẳng định, hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là phần quan trọng trong mối quan hệ tổng thể của hai nước. Tại sự kiện ngày 18/9, Đại sứ Gareth thay mặt Vương Quốc Anh xướng tên ghi nhận sự đóng góp của hai tiến sĩ Việt trong hợp tác nghiên cứu khoa học công trình khoa học ý nghĩa, có hiệu quả thực tiễn gắn với Quỹ Newton.
Video đang HOT
Đại sứ Gareth Ward nhấn mạnh: “Quỹ Newton đã mở ra những cơ hội mới cho nghiên cứu chung giữa Anh và Việt Nam. Tôi đặc biệt muốn ghi nhận Tiến sỹ Trung Dương, ĐH Queens Belfast và Tiến sĩ Võ Nguyên Sơn, ĐH Duy Tân với công trình nghiên cứu “Xây dựng nền tảng phát triển bền vững: Kết nối xã hội cho các thành phố tương lai”, đã đạt giải thưởng uy tín Newton vào cuối năm ngoái”.
Đại sứ Anh tại Việt Nam ghi nhận và xướng tên hai tiến sĩ Việt tại sự kiện ngày 18/9. (Ảnh: Most.gov)
Khi nhìn lại quá trình phát triển hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với Việt Nam trong vài năm qua, Đại sứ Gareth Ward cũng đã vui mừng điểm lại những cơ hội hai bên đang có, những điều mà vài năm trước đây chưa rõ rệt. Sự thay đổi mang tính đột phá được thể hiện khi ra mắt Quỹ Newton Việt Nam năm 2014 và sự ra đời của Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu của Anh (GCRF) vào năm 2015.
“Quỹ Newton cũng đang triển khai các chương trình xây dựng năng lực, kết nối cá nhân và các tổ chức giữa Anh và Việt Nam. Chương trình cũng ủng hộ việc đưa các nghiên cứu khoa học chất lượng cao từ phòng thí nghiệm ra thị trường bằng việc giúp các nhà khoa học Việt Nam phát triển các kỹ năng và bí quyết thương mại hóa, thông qua chương trình Đào tạo thương mại hóa kết quả nghiên cứu (Leaders in Innovation Fellowships)”, Đại sứ Anh Quốc tại Việt Nam cho biết thêm.
Hai tiến sĩ Dương Quang Trung và Võ Nguyên Sơn bày tỏ vinh dự khi được xướng tên ghi nhận vì những đóng góp trong hợp tác nghiên cứu khoa học tại sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh quốc. Theo Tiến sĩ Võ Nguyên Sơn, đó là động lực để hai nhà khoa học cùng các cộng sự tiếp tục nghiên cứu, tìm ra các công nghệ tiên tiến để triển khai các phương pháp tối ưu hóa hiệu suất và thời gian thực mạng truyền thông tin trong bối cảnh thiên tai xảy ra ngày càng nhiều.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Bầu chọn vùng đất đáng để đi du học, tặng một phiếu cho Đài Loan
Đứng từ xa nhìn về Đài Loan với mong muốn đi du học, ắt hẳn sẽ có nhiều điều khiến bạn lo lắng.
Đó là khu vực có động đất, khác biệt ngôn ngữ, chưa kể đến câu nói "Đã trụ được ở Đài Loan thì sẽ có đủ tự tin để làm việc bất kỳ nơi đâu!" của rất nhiều người khi nhắc đến sự nghiêm túc cùng tinh thần trách nhiệm cao khi học tập và làm việc ở nơi đây. Nhưng khi đến Đài Loan, mọi điều được hóa giải. Mảnh đất xinh đẹp với khí hậu hài hòa, có nhiều điểm đến hấp dẫn, có nhiều trường đại học danh tiếng, người dân thân thiện mến khách hòa trong một nhịp sống giao thương sôi động, Đài Loan đang thu hút một lượng lớn cư dân khắp thế giới đến du học và làm việc. Sau một năm học Thạc sĩ tại Đại học (ĐH) Y khoa Trung Hoa (China Medical University, CMU), Đài Loan, giảng viên Khoa Điều dưỡng của ĐH Duy Tân - Trương Thị Bé Em đã chia sẻ những trải nghiệm tuyệt vời trên mảnh đất này.
Học ở trường danh giá
Trường ĐH Y khoa Trung Hoa, nơi giảng viên Bé Em học Thạc sĩ nằm ở trung tâm TP.Đài Trung. Đây là trường y khoa danh tiếng với lịch sử 60 năm thành lập. Hiện tại, ĐH Y khoa Trung Hoa đang phát triển mạnh, mang đẳng cấp quốc tế. Theo Times Higher Education World University Rankings năm 2016-2017, ĐH Y khoa Trung Hoa xếp vị thứ 6 trong các trường ĐH tốt nhất Đài Loan. Trường được quốc tế ghi nhận với các xếp hạng cao. Trong đó, Academic Ranking of World Universities 2016 công bố ĐH Y khoa Trung Hoa nằm trong top 151 - 200 trường ĐH hàng đầu thế giới và xếp hạng 133 trong lĩnh vực Y Dược lâm sàng. Trường đứng vị thứ 46 ở châu Á theo báo cáo của The Asia University Rankings 2016.
Giảng viên Bé Em (thứ 3 từ trái sang - ảnh trên, thứ 3 từ phải qua - ảnh dưới) tham dự Lễ Tốt nghiệp nhận bằng Thạc sĩ của 2 giảng viên ĐH Duy Tân là Phạm Thị Ngọc An cùng Nguyễn Thị Huyền Trang
Ngày đầu tới Đài Loan du học, giảng viên Bé Em không tránh khỏi nhiều lo lắng: "Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tôi vẫn không thể giao tiếp được với người bản địa bởi họ không sử dụng tiếng Anh. Những mẫu câu tiếng Trung được học thuộc lòng như: "xin chào", "tôi thích cái này", "cái này bao nhiêu tiền?", "cảm ơn"... trở thành phao cứu sinh trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Khi đến Trường ĐH Y khoa Trung Hoa thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Tại trường, chúng tôi được gia nhập vào Hội Sinh viên người Việt. Chỉ cần mở lời xin giúp đỡ, mọi khó khăn của chúng tôi đều được Hội giải quyết một cách thấu đáo. Hơn nữa, người Việt làm ăn sinh sống tại Đài Loan rất nhiều. Việc hòa nhập ở nơi đây đã không còn quá khó khăn.
Đặc biệt, chương trình Thạc sĩ tại ĐH Y khoa Trung Hoa được giảng dạy bằng tiếng Anh, nên chúng tôi đã sử dụng tiếng Anh rất tốt cho các buổi thuyết trình, thảo luận, cùng những hoạt động ngoại khóa thú vị trong suốt quá trình làm Thạc sĩ. Được học tập ở Khoa Điều dưỡng tại ĐH Y khoa Trung Hoa với chúng tôi là một trải nghiệm rất tuyệt vời. Khoa Điều dưỡng đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trường, đào tạo nhiều thế hệ điều dưỡng viên phục vụ hệ thống chăm sóc sức khỏe trong, ngoài nước. Giảng dạy tại khoa là các giáo sư, phó giáo sư trong lĩnh vực Điều dưỡng, đã từng học tập và nghiên cứu tại Anh, Mỹ,... Khoa đẩy mạnh đào tạo bậc tiến sĩ, thạc sĩ nhằm mục đích xây dựng các chuyên gia điều dưỡng viên giỏi về lý thuyết, lâm sàng và nghiên cứu khoa học. Được tiếp xúc với nhiều những giáo sư giàu kinh nghiệm và tận tâm, chúng tôi như được tiếp thêm nguồn động lực vô cùng lớn lao trên bước đường nghiên cứu khoa học.
Học tại Trường ĐH Y khoa Trung Hoa, chúng tôi được học tập trong một hệ thống giảng đường, phòng lab hiện đại. Thư viện của trường như là một thiên đường sách với phòng đọc rộng rãi, tiện nghi. Bên cạnh đó, bệnh viện trường thực sự rất quy mô, tiên tiến hơn cả sức tưởng tượng của chúng tôi. Bệnh viện có hơn 5.000 giường bệnh đã trở thành hệ thống chăm sóc sức khỏe lớn thứ 2 Đài Loan. Và cũng chính vì thế mà các sinh viên, điều dưỡng viên cũng như các bác sĩ luôn khá hài lòng khi thực tập và làm việc tại bệnh viện trường".
Muôn sắc văn hóa và ẩm thực xứ "Đài"
Là một người trẻ, nhiệt huyết, yêu cuộc sống, giảng viên Bé Em cùng rất nhiều giảng viên ĐH Duy Tân đang học Thạc sĩ tại Đài Loan không muốn bó hẹp cuộc sống chỉ trong khuôn viên nhà trường. Các giảng viên đã tham gia các khóa tiếng Trung miễn phí có sự giảng dạy của những thầy cô giáo bản địa và cả người Việt Nam. "Từ những nét chữ còn nguệch ngoạc, chúng tôi tiến bộ mỗi ngày và có được sự hòa nhập với cuộc sống của người dân nơi đây. Ở Khoa Điều dưỡng hay ở lớp học tiếng Trung, chúng tôi luôn học tập và giao lưu cùng các sinh viên quốc tế khác, thuộc đủ các sắc tộc khác nhau, có được cơ hội để nhìn rộng ra thế giới.
Giảng viên Bé Em nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa học tiếng Trung (ảnh trên) và leo núi cùng các anh chị trong Hội Sinh viên VN (ảnh dưới)
Là một quốc đảo xinh đẹp ở vùng Đông Á, Đài Loan mang đến cho du khách sự bất ngờ với những thành phố hiện đại với vô vàn các dịch vụ, cửa hàng tiện lợi phát triển bên những phố cổ mang đậm văn hóa truyền thống và lãng mạn thường thấy trên phim ảnh, như phố cổ Thập Phần, Cửu Phần. Khi khám phá Đài Loan, không thể bỏ qua những địa danh với thiên nhiên hùng vĩ như Vườn Quốc gia A Lý Sơn, Hồ Nhật Nguyệt, Công viên Quốc gia Taroko,... hay Viện Bảo tàng Cố Cung - một trong những bảo tàng lớn nhất trên thế giới để ngắm các hiện vật hoàng gia và các tác phẩm nghệ thuật. Nơi đây cũng là điểm đến hấp dẫn du khách bởi văn hóa ẩm thực phong phú.
Sống tại Đài Loan, chúng tôi mới cảm nhận được rõ cái hay trong văn hóa và đức tính của con người nơi đây. Họ lịch thiệp, tử tế và thân thiện. TP.Đài Trung, nơi chúng tôi sống hiền hòa. Ở Đài Loan, việc đi lại cực kỳ thuận tiện, chúng ta có thể đi khắp nơi bằng những phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, tàu cao tốc, tàu hỏa và thú vị nhất là xe đạp công cộng.
Sống ở đây, chỉ cần có trong tay chiếc thẻ &'easy card' là có thể thanh toán mua sắm, sử dụng tất cả những phương tiện, dịch vụ công cộng. Thế đó, vùng đất nhỏ bé này luôn có những điều dễ thương, dễ nhớ đến lạ lùng".
Nặng lòng với quê hương
"Từ lúc bắt đầu qua đây học, chúng tôi biết rằng mình nợ quê hương, nợ ba mẹ, nợ ngôi trường ĐH Duy Tân rất nhiều. Từ quá trình hợp tác giữa ĐH Duy Tân với các trường ĐH tại Đài Loan, trong đó có ĐH Y khoa Trung Hoa, đã mang đến cho chúng tôi cơ hội được tích lũy kiến thức trong môi trường đào tạo chất lượng quốc tế, được khám phá thế giới và được tự hoàn thiện bản thân. Chúng tôi muốn gửi một lời cảm ơn sâu sắc vì sự giúp đỡ và kỳ vọng lớn lao của mọi người. Nếu như được bầu chọn mảnh đất đáng để du học thì chắc chắn chúng tôi, sẽ tặng cho Đài Loan một phiếu. Nơi đây, chúng tôi được trải nghiệm những điều mắt thấy tai nghe, để nhận ra mình cần nỗ lực học hỏi nhiều hơn nữa. Như lời giáo sư của chúng tôi đã nói, tấm bằng Thạc sĩ không phải là đích đến, đó chỉ là điểm khởi đầu cho những cố gắng tiếp theo trên chặng đường chinh phục tri thức. Chúng tôi cần phải làm việc chăm chỉ hơn, nghiêm túc hơn và sáng tạo hơn để sau này có thể đóng góp trí lực, làm giàu cho đất nước".
Để nâng cao chất lượng đào tạo tại trường, ĐH Duy Tân đã hợp tác với nhiều trường ĐH có các chương trình đào tạo Y Dược quy mô nhất của Mỹ, Đài Loan,... để đưa giảng viên, sinh viên sang học tập nhằm nâng cao kiến thức và tay nghề. Trong quá trình hợp tác với ĐH Duy Tân, ĐH Y khoa Trung Hoa đã cấp Học bổng toàn phần cho 6 giảng viên Khoa Điều dưỡng của ĐH Duy Tân sang học chương trình Thạc sĩ Điều dưỡng tại trường. Trong đó, năm 2016 có 2 giảng viên là Phạm Thị Ngọc An cùng Nguyễn Thị Huyền Trang (đã tốt nghiệp Thạc sĩ trở về ĐH Duy Tân giảng dạy) và năm 2017 có 4 giảng viên gồm Tô Thị Liên, Trương Thị Bé Em, Lê Thị Phượng, Phạm Thị Huệ, đang học năm thứ 2 chương trình Cao học tại ĐH Y khoa Trung Hoa.
Các bạn có thể xem thêm thông tin về đào tạo Điều dưỡng của ĐH Duy Tân tại đây: Khoa Điều dưỡng.
Theo thanhnien.vn
Các tân sinh viên đạt điểm thi cao hội tụ tại ĐH Duy Tân năm 2018 Tin tưởng vào chất lượng đào tạo của Đại học (ĐH) Duy Tân, những thí sinh có điểm số đáng ngưỡng mộ đã cùng nhau tìm về trường để theo học ở nhiều chương trình đại học trong mùa tuyển sinh 2018. Danh sách các thí sinh có điểm số từ 20 trở lên lên đến con số hàng trăm, trong đó có...