Hải Phòng: Dừng nhận xét, đánh giá học sinh bằng phiếu
Sở GD&ĐT Hải Phòng đã thông báo tới các phòng GD&ĐT, các trường THPT về việc dừng nhận xét, đánh giá học sinh bằng phiếu.
Sở GD&ĐT Hải Phòng chỉ đạo dừng viết phiếu nhận xét học sinh
Cụ thể, Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT, các trường THPT khẩn trương chỉ đạo giáo viên dừng phát phiếu cũng như dừng việc đánh giá, nhận xét học sinh theo nội dung công văn từ Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) chuyển về.
Công văn từ Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) gửi tới các Sở GD&ĐT ngày 14/5 cho thấy, vừa qua xuất hiện một số thông tin giáo viên phải nhận xét học bạ học sinh và viết phiếu nhận xét cho học sinh đối với tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp bằng điểm số – gây quá tải cho giáo viên.
Việc triển khai này không đúng với Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh. Để chấn chỉnh tình trạng này, Vụ Giáo dục Trung học đề nghị các Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể cho các trường nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng tại khoản 9 điều 1 Thông tư 26 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 điều 19 – quy định trách nhiệm của giáo viên bộ môn).
Video đang HOT
Thông tư 26 nêu rõ, giáo viên các môn thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên; tham gia kiểm tra, đánh giá định kỳ theo phân công của hiệu trưởng; trực tiếp ghi điểm hoặc mức nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Đối với hình thức kiểm tra, đánh giá bằng hỏi – đáp, giáo viên phải nhận xét, góp ý kết quả trả lời của học sinh trước lớp; nếu quyết định cho điểm hoặc ghi nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh thì phải thực hiện ngay sau đó.
Việc tính điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số), xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) theo học kỳ, cả năm học và trực tiếp vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ.
Bộ GD&ĐT khẳng định, Thông tư 26 không quy định giáo viên bộ môn ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ học sinh mà chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), học bạ học sinh.
Việc đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học, hoạt động giáo dục theo quy định được giáo viên bộ môn thực hiện trong quá trình dạy học và ghi vào sổ theo dõi đánh giá học sinh (sổ cá nhân của giáo viên).
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị liên quan và giáo viên hiện đúng quy định tại Thông tư 26; đặc biệt lưu ý giữ nguyên các mẫu sổ điểm và học bạ theo quy định hiện hành, không phát sinh thêm hồ sơ, sổ sách không thiết thực, gây quá tải cho giáo viên.
Trước đó, tại Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo từ Sở GD&ĐT, năm học 2020-2021 các trường từ THCS đến THPT đều phải thực hiện đánh giá, nhận xét học sinh bằng phiếu vào cuối kỳ học (1 năm 2 học kỳ).
Việc triển khai này khiến nhiều trường học, giáo viên cho rằng đây là việc làm mang tính hình thức, trong khi đã có học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử. Nhận xét học sinh bằng phiếu không những không hiệu quả trong việc đánh giá năng lực học sinh mà còn tăng việc cho giáo viên trong khi công việc cuối năm dồn dập.
Cách kiểm tra đánh giá HS lớp 6 sẽ thay đổi thế nào trong chương trình GDPT mới?
Trong các môn học của lớp 6 theo chương trình GDPT mới sẽ có kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, trong đó tập trung vào khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức, vận dụng thực tế của học sinh hơn là việc phải học thuộc, học ghi nhớ.
Từ năm học 2021-2022, chương trình GDPT mới sẽ áp dụng với lớp 2 và lớp 6. Đáng chú ý, ở bậc THCS, các môn Địa lý- Lịch sử sẽ được tích hợp làm một, tương tự các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cũng sẽ được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên.
SGK lớp 6 bộ Cánh Diều trong Chương trình GDPT 2018.
Việc thay đổi nội dung SGK đồng nghĩa với việc kiểm tra, đánh giá các môn học này cũng sẽ thay đổi, TS Nguyễn Văn Ninh, đồng chủ biên SGK Lịch sử và Địa lý lớp 6 - Bộ Cánh Diều cho biết, sách thể hiện rõ phương pháp kiểm tra, phương pháp dạy học, bám sát công văn định hướng của Bộ GD-ĐT trong việc định hướng các thầy cô dạy học ra sao. Theo đó, hệ thống tư liệu kết hợp hài hoà giữa kênh chữ và kênh hình. Không chỉ cung cấp thông tin mà còn đưa vào đó những lược đồ, tranh ảnh, hình ảnh tư liệu.
"Học sinh biết về lịch sử thông qua kênh thông tin chứ không chỉ tiếp thu một chiều kiến thức thầy cô nhồi nhét. Đổi mới kiểm tra đánh giá là khâu không thể thiếu. Có 2 điểm là kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ. Các tư liệu, câu hỏi trong SGK là cơ sở, gợi ý cho thầy cô dạy trên lớp.
Câu hỏi bài tập chúng tôi không nặng phải thuộc con số, sự kiện lịch sử mà muốn các em trình bày vấn đề lịch sử, vận dụng linh hoạt trong cuộc sống. Ví dụ khi học về văn hoá Ấn Độ, văn hoá Ấn Độ có dấu ấn gì ở Việt Nam? Các em có thể chọn điệu múa, tháp. Chúng tôi lồng ghép khéo trong đơn vị kiến thức", TS Ninh cho biết.
Còn theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018, trong chương trình mới, sách mới sẽ chú trọng đánh giá năng lực của học sinh, điều này được tích luỹ qua cả quá trình học tập dài, có kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức của học sinh hơn là việc phải học thuộc, học ghi nhớ. Kết thúc mỗi phần học, đều có đánh giá định kỳ năng lực của học sinh.
Còn theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018, khi áp dụng chương trình mới, quá trình dạy và học phải hết sức gắn bó, đồng thời thay đổi mục tiêu nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm hỗ trợ lẫn nhau. Điều quan trọng nhất là phải chuyển từ dạy học "nhồi nhét" nội dung sang dạy tổ chức các hoạt động cho học sinh tự tìm tòi nghiên cứu. Thầy cô nên thường xuyên tổ chức các hoạt động thực hành trên lớp để học sinh tự tìm hiểu bằng chính tâm hồn, nhận thức của mình, lấy hoạt động của học sinh làm chính.
"Trong đánh giá môn Ngữ văn, cần đánh giá kỹ năng, suy nghĩ chân thực của học sinh, sản phẩm mà học sinh tự làm chứ không phải những bài văn mẫu, bài văn sao chép. Đây cũng được xem là thay đổi lớn nhất của môn Ngữ văn", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Nói thêm về chương trình môn Ngữ văn lớp 6 sắp được đưa vào áp dụng, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết, SGK mới đã kế thừa và đổi mới cho phù hợp với yêu cầu giáo dục mới. Cụ thể, hệ thống văn bản tổng trong sách hiện hành, kế thừa theo văn bản từ 9-10 văn bản, đó là những tác phẩm lớn có ảnh hưởng. Bên cạnh đó, sách mới cũng kế thừa các đơn vị kiến thức cơ bản, những tư tưởng đã hình thành ở sách giáo khoa hiện hành. Vì vậy, giáo viên có thể dạy theo hướng mới mới, đáp ứng được yêu cầu mới.
Bên cạnh đó, các tác giả cũng không áp dụng nguyên chương trình cũ bởi mục tiêu chương trình đã thay đổi sang hình thành phát triển năng lực. Vì vậy, trong chương trình mới đã đổi mới cách dạy, nội dung phải chuyển theo hình thức phát triển mới để học sinh biết cách đọc, cách viết hiệu quả. Cấu trúc cuốn sách cũng đã thay đổi từ 34 bài thành 10 bài, mỗi bài 12 tiết, từ đó hình thành kỹ năng đọc văn bản tốt. Qua đó, cấu trúc, hệ thống văn bản thay đổi, các bài học trở nên gần gũi với học sinh hơn./.
Đổi mới đánh giá HS: Đón đầu Chương trình giáo dục phổ thông mới Những quy định từ Thông tư 26 sẽ thay đổi phương pháp, cách học của HS, từ đó giúp các em phát triển năng lực, phẩm chất qua các hoạt động trải nghiệm, dự án, làm việc nhóm. Tiết dạy môn Ngữ văn của cô Lê Thu Hà - GV Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tiết dạy môn...