Hải Dương: Tổ chức đối thoại giữa CBQL, giáo viên với học sinh mỗi học kỳ
Sở GD&ĐT Hải Dương vừa có văn bản tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Trong đó yêu cầu tổ chức ít nhất 1 buổi toạ đàm, đối thoại giữa CBQL, giáo viên với học sinh trong nhà trường mỗi học kỳ.
Ảnh minh họa/internet
Cùng với đó, lắng nghe, tôn trọng, sẵn sàng đối thoại giữa CBQL, giáo viên với học sinh, giữa cán bộ quán lý với giáo viên để kịp thời nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng và các vướng mắc phát sinh, giải quyết thấu đáo với mục tiêu tốt nhất cho học sinh, giáo viên.
Áp dụng các biện pháp phù hợp để khuyến khích, động viên học sinh mạnh dạn bộc lộ suy nghĩ, trình bày quan điểm về các hoạt động giáo dục của nhà trường, về văn hoá ứng xử giữa thầy cô giáo với học sinh, giữa học sinh với học sinh. Báo cáo thời gian, địa điểm tổ chức tọa đàm, đối thoại giữa cán bộ quản lý, giáo viên với học sinh trong nhà trường về Sở GD&ĐT (qua phòng Chính trị, tư tưởng) để kịp thời nắm bắt và cử cán bộ cùng tham gia toạ đàm, đối thoại.
Nhấn mạnh tăng cường nền nếp, kỷ cương, an ninh trong trường học, Sở GD&ĐT cũng lưu ý nghiêm cấm việc sử dụng điện thoại trong giờ học. Tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh sử dụng mạng xã hội một cách có văn hóa và đúng quy định.
Video đang HOT
Không để cha mẹ học sinh hay những người không có nhiệm vụ tự ý vào nhà trường, bộ phận thường trực phải báo cáo và đăng ký lịch với lãnh đạo nhà trường khi có công dân liên hệ công tác. Phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân gây mất an ninh, an toàn trường học. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho nhà giáo vào học sinh trong nhà trường.
Thiết lập, công khai đường dây nóng của nhà trường để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường.
Lập Phương
Theo giaoducthoidai.vn
Người thầy - cần cả tâm và tầm
Thời gian gần đây nạn bạo lực trong học đường dường như có chiều hướng gia tăng. Những hành vi ẩu đả, đánh nhau, côn đồ hung hãn, vô văn hóa xuất hiện ở nhiều nơi... không chỉ giữa học sinh với nhau, mà còn có cả những thầy cô giáo có những hành vi chưa phù hợp trong môi trường sư phạm với chính học sinh của mình, khiến dư luận xã hội thấy hoang mang.
Hành vi ứng xử chưa chuẩn
Hẳn dư luận vẫn đang rất sốc trước thông tin về vụ việc cô Nguyễn Thị Minh Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A5, Trường Tiểu học An Đồng, xã An Đồng, Hải Phòng đã phạt một nữ sinh trong lớp nói chuyện riêng bằng cách bắt uống nước giẻ lau bảng, khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng và cho rằng, giữa thời đại văn minh này, một cô giáo lại có hành động gây tổn thương tinh thần, sức khỏe của học sinh giống như thời trung cổ.
Đúng là thật khó có thể tưởng tượng được, trong môi trường sư phạm lại có những hành động thiếu chuẩn mực trong đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề giáo như vậy! Dẫu có trăm ngàn lý do để bao biện, thì hiện tượng này rõ ràng đang là biểu hiện sự rối loạn nhân cách, sự lệch chuẩn về hành vi, sự chai sạn cảm xúc của một bộ phận giáo viên, như thể "con sâu làm rầu nồi canh" .
Tăng cường an ninh, an toàn trường học
Vì thế để ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực khỏi môi trường học đường và trả lại giá trị đích thực về nhân cách nhà giáo, rõ ràng mỗi nhà trường cần phải thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, nhưng một công việc rất cần phải làm ngay lúc này là thực hiện nghiêm túc công văn số 1295/BGDĐT-GDCTHSSV, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học.
Bên cạnh đó là tăng cường rèn luyện đạo đức nhà giáo. Bởi ai cũng đều hiểu rất rõ: tuổi học trò luôn có tâm hồn trong trắng, ngây thơ, các em là những mầm non, tương lai của đất nước. Giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ là một chiến lược quan trọng của quốc gia. Đó thật sự là một việc làm vừa hợp ý Đảng và Nhà nước lại vừa hợp lòng dân, mà trọng trách lớn được đặt trên vai những nhà giáo.
Vì vậy, thầy cô giáo chính là tấm gương để học sinh soi vào. Khi tấm gương ấy thực trong sáng, thì những tiêu cực sẽ hạn chế và sớm bị loại trừ. Chính vì vậy, mỗi nhà giáo càng cần phải không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình; sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với chính mình và xã hội.
Nghề nghiệp dạy học ngày nay đòi hỏi ở mỗi người thầy cần thường xuyên tiếp thu, lắng nghe sự đóng góp chân thành từ phía đồng nghiệp và người học. Cần nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận những ưu điểm và những khiếm khuyết của bản thân trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu; cần tránh tình trạng dễ làm, khó bỏ, tôn vinh, đánh bóng uy tín của mình và tìm cách hạ uy tín của người khác, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết thống nhất nội bộ. Người thầy phải biết xây dựng môi trường sư phạm tích cực, tạo điều kiện để ai cũng có điều kiện phát triển và cống hiến sự nhiệt huyết của bản thân .
Nghề dạy học là nghề phải không ngừng rèn luyện, trau dồi cả chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp và phải học hỏi suốt cuộc đời, bởi kiến thức khoa học, xã hội rất rộng lớn, những phát minh, khám phá, kỹ thuật hiện đại thì thay đổi hằng ngày, cho nên phải cập nhật, học hỏi để có thể theo kịp thời đại. Hơn thế, giáo dục ngoài tính chất là một khoa học, còn là một nghệ thuật. Người thầy giáo giỏi cần nắm chắc về chuyên môn và giỏi về nghệ thuật truyền đạt.
Luôn phải hoàn thiện bản thân
Để tạo ra một lớp người Việt Nam cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trí tuệ, đủ năng lực đưa nước ta hội nhập với văn minh nhân loại mà bản sắc dân tộc vẫn được giữ vững, là nhiệm vụ của toàn xã hội nhưng vấn đề mấu chốt đầu tiên đòi hỏi ở mỗi người thầy phải không ngừng tự đổi mới, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu mới, phải có ý thức quyết tâm đi vào khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học giáo dục, làm tốt công tác "dạy chữ, dạy nghề, dạy người".
Phải làm sao để mỗi người thầy không những là nhà sư phạm mà còn là nhà mô phạm, bằng chính cái tâm, cái tầm của một nhà giáo dục có trí tuệ, có đạo đức. Thành công không kiêu căng, thất bại không nản chí, Thương yêu, gần gũi học sinh, đoàn kết với đồng nghiệp, thực sự là những "tấm gương sáng cho học sinh noi theo".
Minh Thư
Theo giaoducthoidai.vn
Hải Dương: Yêu cầu nhà trường tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh lớp 12 thi THPT quốc gia Chuẩn bị cho học sinh lớp 12 thi THPT quốc gia, Sở GD&ĐT Hải Dương yêu cầu các trường tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy chế cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng về những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để phối hợp, tạo điều...