Hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ từ chức vì bê bối tham nhũng
Vụ án chính trị – tài chính bị đưa ra dư luận hôm 17.12 tiếp tục làm chao đảo chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, khiến 2 thành viên nội các phải ra đi, AFP ngày 25.12 đưa tin.
Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler (trái) và Bộ trưởng Kinh tế Zafer Caglayan (phải) – Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Kinh tế Zafer Caglayan và Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler đã lần lượt tuyên bố từ chức. Thân nhân của 2 chính trị gia cộm cán này đang bị tạm giam do liên quan đến vụ án tham nhũng nghiêm trọng.
Trong thông cáo báo chí, ông Caglayan giải thích về quyết định của mình: “Tôi rời khỏi vị trí bộ trưởng kinh tế để làm sáng tỏ mọi việc. Chiến dịch chống tham nhũng từ hôm 17.12 rõ ràng là một âm mưu xấu xa chống lại chính phủ, đảng cầm quyền AKP và đất nước”.
Sau đợt “bủa lưới” của cảnh sát, đến nay có 24 người bị buộc tội và tạm giam, bao gồm con trai của 2 vị bộ trưởng nói trên, nhiều doanh nhân và tổng giám đốc điều hành ngân hàng quốc doanh Halkbank.
Video đang HOT
Những người này bị cáo buộc “tham nhũng, rửa tiền” thông qua Cơ quan Phát triển nhà ở Toki.
Tuy được nhiều ưu đãi của chính phủ về giấy phép, đất đai nhưng Cơ quan Phát triển nhà ở Toki không chỉ xây dựng các khu nhà giá bình dân cho người nghèo mà còn xây dựng những khu phức hợp sang trọng.
Bên cạnh đó, cơ quan này còn bị cáo buộc làm việc thiếu minh bạch, trong bối cảnh thị trường bất động sản ở Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng nhiệt.
Đây là nguyên nhân chính khiến cảnh sát và tòa án phối hợp điều tra và mở cuộc ra quân đồng loạt hôm 17.12.
Vụ việc là một đòn choáng váng đối với đảng AKP khi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bầu cử địa phương vào tháng 3 và bầu cử tổng thống vào tháng 8 năm sau.
Đáng chú ý là từ khi nắm quyền vào năm 2002, đảng này luôn khẳng định xem việc chống tham nhũng là mục tiêu ưu tiên.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận định vụ Toki là âm mưu gây bất ổn trong chính phủ.
Theo TNO
Thổ Nhĩ Kỳ rúng động do bê bối tham nhũng
Ba vị bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ trở thành những người đầu tiên "rơi đài" trong vụ bê bối tham nhũng, thách thức tương lai của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan.
Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu Egemen Bagis (trái), Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler (giữa) cùng Bộ trưởng Kinh tế Zafer Caglayan (phải) trò chuyện trong lúc chờ đón Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan tại sân bay ở Ankara ngày 24.12 - Ảnh: AFP
Theo AFP, Bộ trưởng Kinh tế Zafer Caglayan, Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler và Bộ trưởng Môi trường Erdogan Bayraktar hôm qua thông báo quyết định từ chức chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan trở về từ một chuyến công du nước ngoài. Các con trai của hai bộ trưởng Caglayan và Guler nằm trong số 24 người bị buộc tội ở cuộc điều tra tham nhũngvà hối lộ nổi cộm liên quan đến nhiều đồng minh thân cận thủ tướng cũng như các doanh nhân hàng đầu. Con trai của ông Bayraktar cũng bị bắt trong chiến dịch bố ráp vào tuần trước, song vẫn chưa chính thức bị buộc tội và đang được cho tại ngoại.
Trong thông báo, ông Bayraktar cũng kêu gọi ông Erdogan hãy từ chức trong khi ông Caglayan mô tả cuộc điều tra là một "âm mưu ghê tởm chống chính phủ, đảng (AKP - NV) và đất nước". Ông Erdogan, người lãnh đạo chính phủ thân Hồi giáo bảo thủ ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2002, đã lên án cuộc điều tra là "chiến dịch bôi nhọ" nhằm làm suy yếu tham vọng trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng đe dọa "đánh gãy tay" những đối thủ sử dụng cuộc điều tra để làm xói mòn quyền lãnh đạo của ông và sa thải hàng chục cảnh sát trưởng để trả đũa.
"Chúng ta sẽ nhẫn nại. Chúng ta sẽ không bị sập bẫy", ông nói với hàng ngàn người ủng hộ kéo đến sân bay Ankara tối 24.12 để đón ông trở về từ chuyến thăm Pakistan. Ngay trong đêm, ông đã có cuộc họp cấp cao tại tư dinh ở Ankara với một số bộ trưởng, kể cả ông Guler.
Trong phát biểu đầu tiên về vụ bê bối tham nhũng vào ngày 24.12, Tổng thống Abdullah Gul khẳng định sẽ không hề có bao che và kết quả cuộc điều tra sẽ được xem xét tại các tòa án độc lập. Ông cũng cho biết Thủ tướng Erdogan sẽ cải tổ nội các và hơn 10 bộ trưởng có thể phải ra đi, theo tờ Hurriyet.
Cuộc điều tra đã đánh thẳng vào trung tâm bộ máy chính trị cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như lãnh đạo ngân hàng quốc doanh Halkbank, làm rúng động chính phủ của ông Erdogan, vốn đứng vững sau hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ hồi giữa năm nay. Giới quan sát nhận định cuộc điều tra sâu rộng hiện tại đã hé lộ sự chia rẽ giữa chính phủ do đảng AKP đứng đầu với phong trào của ông Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo hiện sống tại Mỹ nhưng có ảnh hưởng đáng kể trong ngành cảnh sát và tòa án Thổ Nhĩ Kỳ.
Phong trào của ông Gulen vốn là lực lượng ủng hộ chính của AKP, giúp đảng này giành chiến thắng liên tiếp trong 3 cuộc bầu cử kể từ năm 2002. Ông Gulen phủ nhận cáo buộc rằng ông nhúng tay vào cuộc điều tra và lên án việc thanh trừng các sĩ quan cảnh sát của ông Erdogan là âm mưu nhằm kết liễu phong trào của ông.
Theo TNO
Nhà toán học Alan Turing được đặc xá Ngày 24.12, nhà toán học người Anh Alan Turing được Nữ hoàng Elizabeth II đặc xá sau hơn 60 năm bị kết án vì đồng tính, theo AFP. Ảnh minh họa Từng được xem là 'Einstein của toán học', ông Turing bị kết tội "lăng nhục thuần phong mỹ tục" vào năm 1952 và bị hoạn bằng chất hóa học. Hai năm sau,...