Hai bộ SGK chỉ thọ một năm: Giáo viên mong được lựa chọn lại sách lớp 1
Nhiều cán bộ, giáo viên không muốn chọn 2 bộ sách bị “bỏ rơi” nửa chừng cho lớp 1 năm học 2021 – 2022, họ mong chọn bộ sách đảm bảo liên thông từ lớp dưới lên.
Hai bộ sách giáo khoa “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” bị “xoá sổ” không tiếp tục xuất bản ở lớp 2 và lớp 6 khiến nhiều người lo lắng, nhất là các trường đang lựa chọn hai bộ này đưa vào giảng dạy lớp 1.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam từng lên tiếng khẳng định, việc bỏ hai bộ sách không ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học ở lớp 2 năm học 2021 – 2022, song nhiều giáo viên, cán bộ quản lý trường thì khác. Họ cho rằng, dù cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện hành được viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng mỗi bộ sách chắc chắn khác nhau ở cách tiếp cận chương trình, phong cách và ngữ liệu của từng nhóm tác giả.
Một vấn đề đặt ra, ngay cả nhà xuất bản tiếp tục in hai bộ sách giáo khoa này cho năm học tới, thì liệu các địa phương sẽ tiếp tục chọn hay không? Ngoài tuổi thọ của hai bộ sách chỉ vẻn vẹn một năm, gây lãng phí rất lớn về công sức, tiền của phụ huynh, nhà trường thì băn khoăn lớn hơn là số phận sách giáo khoa lớp 3, 4, 5 và 7, 8, 9 trong những năm tới có tương tự hay không?
Giáo viên thảo luận lựa chọn sách giáo khoa. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Trước băn khoăn, sách giáo khoa lớp 1 có cần thiết lựa chọn lại trong năm tới hay không, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn bày tỏ, năm học 2021 – 2022, giáo viên sẽ đề xuất chọn sách, UBND tỉnh quyết định trên cơ sở tôn trọng ý kiến của đại đa số giáo viên.
“Nếu phải lựa chọn lại sách giáo khoa thì khó khăn, xáo trộn là điều tất yếu. Việc sử dụng hai bộ sách giáo khoa đó trong năm học qua ít nhiều cho thấy hiệu quả và điểm hạn chế, rút kinh nghiệm cho các năm học sau. Thay sách không những gây lãng phí mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giáo viên, phụ huynh và học sinh, nhất là khu vực vùng cao khó khăn như tỉnh Bắc Kạn”, ông nói.
Thông tư 25 năm 2021 của Bộ GD&ĐT quy định, lựa chọn sách năm học 2021 – 2022 phải có sự chuyển tiếp và kế thừa, UBND tỉnh không phủ nhận kết quả chọn sách giáo khoa của các trường ở năm học trước đó. Như vậy có thể hiểu, các địa phương không nhất thiết phải lựa chọn lại sách giáo khoa lớp 1.
Tuy nhiên, thực tế đại diện một số địa phương thẳng thắn nói sẽ không lựa chọn hai bộ sách giáo khoa lớp 1 “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” cho năm học 2021 – 2022 tới. Họ mong sự thống nhất và ổn định sách giáo khoa giữa các năm học.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, năm học 2020 – 2021 địa phương có khoảng 30.000 học sinh vào lớp 1. Toàn bộ học sinh lớp 1 chọn một đầu sách giáo khoa môn Tự nhiên xã hội thuộc hai bộ sách năm học tới sẽ “biến mất”.
Địa phương đang cho rà soát xem năm học 2021- 2022 các trường chọn lại đầu sách này nữa hay không. Khảo sát ban đầu cho thấy, nhiều trường dự kiến không chọn những cuốn sách bị “bỏ rơi” nửa chừng vì như thế là tự “làm khó” mình. Thay vào đó, họ sẽ chọn những bộ sách đảm bảo liên thông từ lớp dưới lên trên.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, việc tiếp tục lựa chọn hay thay đổi sang một bộ sách giáo khoa khác đều cần tính đến phương án bền vững, không nên mỗi năm chọn một bộ sách khác nhau.
Theo ông, nhà xuất bản nên rút kinh nghiệm, đồng thời cần giữ vững quan điểm ổn định trong biên soạn, phát hành sách cho các năm học tới, để các địa phương yên tâm lựa chọn và dạy học.
Video đang HOT
Học sinh lớp 1. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Đại diện Sở GD&ĐT Quảng Bình thông tin địa phương đang rà soát và tổng hợp số liệu xem các trường có nhu cầu chọn lại hai bộ sách Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục cho lứa học sinh lớp 1 tới đây nữa hay không. Nếu tỷ lệ các trường đề xuất chọn lại hai bộ sách giáo khoa lớp 1 này thì sẽ đỡ lãng phí, Sở GD&ĐT cùng UBND tỉnh tôn trọng ý kiến của các cơ sở giáo dục.
Trong trường hợp giáo viên đề xuất chọn sang sách khác để liên thông tốt hơn với sách giáo khoa lớp 2, thì cũng phải chấp thuận. Quan điểm của Sở GD&ĐT Quảng Bình là đảm bảo ổn định trong dạy và học, không gây xáo trộn, tâm lý hoang mang cho giáo viên, học sinh, phụ huynh.
Năm học 2020- 2021, khoảng 2/3 số trường ở Bắc Ninh lựa chọn sử dụng bộ sách giáo khoa lớp 1 Cùng học để phát triển năng lực nhiều nhất. Sách Âm nhạc có 146 trường lựa chọn (tương đương hơn 25 nghìn học sinh); sách Mỹ thuật có 121 trường lựa chọn (tương đương hơn 21 nghìn học sinh); sách Đạo đức có 120 trường lựa chọn (tương đương hơn 21 nghìn học sinh).
Đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh đang khẩn trương rà soát lại xem năm học tới, các trường còn tiếp tục chọn lựa bộ sách giáo khoa này nữa hay không. Với con số quá lớn như vậy rất có thể các trường sẽ chọn lựa hai bộ sách trên để không gây lãng phí.
Việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới sử dụng kể từ năm học 2021 – 2022 sẽ được thực hiện theo các quy định tại Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, quyền quyết định thuộc về UBND tỉnh, thay vì thẩm quyền là các nhà trường như quy định tại Thông tư 01 năm 2020. Thay đổi này căn cứ theo quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi và bổ sung năm 2019.
Thông tư cũng quy định việc lựa chọn sách phải có sự chuyển tiếp và kế thừa, UBND tỉnh không phủ nhận kết quả chọn sách giáo khoa của cấp trường ở năm học trước đó. Điều này nhằm hạn chế việc thay đổi đột ngột, trừ khi chính trường đó muốn thay đổi.
Thông tư 25 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng.
Ai mới là người thực sự chọn sách giáo khoa?
Vấn đề đặt ra là giáo viên các cơ sở giáo dục có đủ năng lực để chọn sách giáo khoa không? Có đủ thời gian cho giáo viên làm việc không?
Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Nhận xét sách giáo khoa không công nhưng đòi trách nhiệm, giáo viên phải làm sao", "Giáo viên 4 ngày vừa dạy vừa phải đọc, góp ý 24 cuốn sách giáo khoa?", chủ đề chọn sách giáo khoa lớp 2 lớp 6 đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc và chia sẻ rộng rãi trên các hội, nhóm mạng xã hội.
Việc giao giáo viên chọn sách giáo khoa đúng hay sai?
Ngày 26/8/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư Số 25/2020/TT-BGDĐT quy định lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Điều 8 Thông tư Số 25/2020/TT-BGDĐTghi rõ: Quy trình lựa chọn sách giáo khoa:
1. Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa:
a) Tổ chuyên môn của cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn.
Danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn;
b) Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông), Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) danh mục sách giáo khoa do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn.
Danh mục sách giáo khoa do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn có chữ ký của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông và các tổ trưởng tổ chuyên môn.
2. Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, chuyển giao cho Hội đồng danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
Như vậy, giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông (trường học) được giao nhiệm vụ chọn sách giáo khoa là đúng quy trình lựa chọn sách giáo khoa.
Việc giao giáo viên chọn sách giáo khoa có hợp lý không? (Ảnh minh họa: Vương Thủy)
Ai quyết định chọn sách giáo khoa?
Khoản 4 Điều 8 Thông tư Số 25/2020/TT-BGDĐT ghi rõ:
4. Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa:
a) Chủ tịch Hội đồng giao cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo các tiêu chí lựa chọn trong thời gian ít nhất là 07 (bảy) ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng;
b) Hội đồng tổ chức họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Sách giáo khoa được lựa chọn phải đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có sách giáo khoa nào đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn;
c) Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của các thành viên Hội đồng dự họp, chuyển giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo.
Danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất là tài liệu tham khảo chứ không phải yếu tố quyết định để chọn sách giáo khoa.
Quyết định chọn sách giáo khoa hoàn toàn do Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cấp Tỉnh quyết định.
Có nên bắt buộc giáo viên, các cơ sở giáo dục phổ thông chọn sách giáo khoa?
Việc giáo viên, các cơ sở giáo dục phổ thông chọn sách giáo khoa rồi đề xuất lên, nghe qua có vẻ dân chủ, phát huy được trí tuệ của tập thể, thực tế lại là chuyện khác.
Vấn đề đặt ra là giáo viên các cơ sở giáo dục có đủ năng lực để chọn sách giáo khoa không? Có đủ thời gian cho giáo viên làm việc không? Đã có quy định chế tài về trách nhiệm, quyền lợi cho giáo viên chọn sách chưa?
Cả ba vấn đề đặt ra trên đều hoàn toàn không có, không có năng lực (Nếu có, chỉ là con số rất nhỏ, có thể coi như không có. Minh chứng cụ thể nhất chính là sạn trong sách giáo khoa sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 không phải do giáo viên phát hiện, báo cáo lên cấp có thẩm quyền);
Thời gian chọn sách thực tế chỉ 1 đến 4 buổi, trong lúc đó đang phải làm công tác bình thường; Không có chế tài về trách nhiệm, không có quyền lợi cho giáo viên chọn sách.
Nên, kết quả danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất là tài liệu tham khảo, nhưng giá trị như thế nào ai cũng biết, không có tính quyết định.
Vì vậy, theo ý kiến người viết, không nên bắt buộc giáo viên, các cơ sở giáo dục phổ thông chọn sách giáo khoa.
Đôi điều kiến nghị
Nên tổ chức mỗi Phòng Giáo dục một Hội đồng chọn sách giáo khoa; Hội đồng chọn sách giáo khoa của Phòng gồm các giáo viên cốt cán bộ môn hay khối lớp.
Hội đồng chọn sách giáo khoa của Phòng phải có thời gian nghiên cứu sách ít nhất 14 ngày, có chế độ đãi ngộ đúng công sức bỏ ra.
Làm như thế việc chọn sách ở cơ sở mới thực chất, danh mục sách giáo khoa do các các phòng giáo dục đề xuất mới thực sự có giá trị.
Hội đồng chọn sách giáo khoa của Tỉnh phải nghiên cứu sách trước 1 tháng, chịu trách nhiệm hoàn toàn về bộ sách mình chọn.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-25-2020-TT-BGDDT-huong-dan-lua-chon-sach-giao-khoa-trong-co-so-giao-duc-pho-thong-429883.aspx
TPHCM gấp rút chọn sách giáo khoa Các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cấp thành phố ngày 17/3 đã có buổi làm việc đầu tiên. Đây là bước cuối cùng quyết định việc bộ SGK lớp 2 và lớp 6 nào sẽ đến tay học sinh năm học tới. Phụ huynh trước "ma trận" SGK 5 bước độc lập Trao đổi với phóng viên, ông Dương Trí...