Hacker nước ngoài vào Việt Nam đánh cắp tài khoản ngân hàng mua kim cương
6 tháng đầu năm 2019, cơ quan công an đã phát hiện nhiều vụ việc tội phạm đến từ nước ngoài vào Việt Nam làm thẻ giả để rút trộm tiền, thậm chí sử dụng để mua cả những mặt hàng giá trị lớn như kim cương.
Tại Việt Nam có khoảng 70 triệu thẻ từ, là đích tấn công của tội phạm thẻ quốc tế
Theo nhận định của ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tại Security World 2019 diễn ra sáng ngày 29/5, việc đảm bảo an ninh mạng tại nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng, sở giao dịch chứng khoán… ngày càng trở nên cấp thiết.
Đại diện Bộ Công an nhận định việc thẻ từ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều năm qua đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ước tính Việt Nam có khoảng 70 triệu thẻ nội địa cần chuyển sang thẻ chip để đảm bảo an toàn bảo mật cao hơn.
6 tháng đầu năm 2019, cơ quan công an đã phát hiện nhiều vụ việc tội phạm đến từ nước ngoài vào Việt Nam làm thẻ giả để rút trộm tiền, thậm chí sử dụng để mua cả những mặt hàng giá trị lớn như kim cương.
Mới đây cơ quan công an đã phát hiện hơn 70 đối tượng, trong đó một số tội phạm đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, các quốc gia Châu Phi… Cơ quan công an đã phối hợp với cơ quan cảnh sát quốc tế để bắt giữ, xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.
Thậm chí có nhiều tội phạm dùng Việt Nam làm bàn đạp để phạm tội tại quốc gia khác thông qua mạng Internet.
Liên quan đến lĩnh vực tài chính, gần đây cơ quan công an còn phát hiện nhiều nhóm tội phạm nước ngoài vào Việt Nam với thủ đoạn tinh vi, lợi dụng kinh doanh đa cấp để phạm tội lừa đảo tiền ảo như đường dây PinCoin, iFan với quy mô lên tới 15.000 tỷ đồng.
Video đang HOT
Ngoài ra, các đối tượng còn thành lập các hợp tác xã đào tiền ảo, lợi dụng sự hám lời của người dân, dụ dỗ để mua máy đào tiền với mức từ 5.000 USD và thuê chính các đối tượng để “đào” tiền ảo…
“Tiền ảo, tài sản ảo đang được các tổ chức tội phạm sử dụng nhằm mục đích tài trợ cho khủng bố, rửa tiền, mua bán vũ khí, chất cấm”, vị đại diện Bộ Công an nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam nhận định các loại mã độc như WannaCry, Petya Ransomeware vẫn đang tấn công nhiều ngân hàng trên thế giới, trong đó có Việt Nam cũng như hàng loạt thủ đoạn lừa đảo người dùng.
Thống kê mới nhất đến ngày 27/5, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia bị mạng máy tính “ma” kiểm soát, tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ mất an toàn bảo mật, trong đó có lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
“Đe dọa từ không gian mạng ngày càng lớn, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần chú trọng đầu tư, nâng cao hệ thống an ninh, an toàn mạng. Trong đó nhân sự trong các tổ chức cần có nhận thức tốt về an ninh bảo mật”, ông Đỗ Anh Tuấn nói, đồng thời nhấn mạnh đến việc cơ quan chức năng cần xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng kịp thời sự phát triển cũng như yêu cầu của hoạt động đảm bảo an ninh mạng.
Tại hội thảo, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các tổ chức tài chính, ngân hàng cần chú trọng chia sẻ thông tin để chủ động phòng tránh, xử lý các cuộc tấn công mạng.
“Các hệ thống thông tin nên được chia sẻ, kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để để khi sự cố xảy ra với một tổ chức sẽ kịp thời xử lý”, đại diện Cục An toàn thông tin nói.
Theo TGTT
Tấn công mạng ngân hàng và dịch vụ bán lẻ kết nối diễn biến phức tạp
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, năm 2018, các cuộc tấn công mạng vào các ngân hàng và dịch vụ bán lẻ kết nối hệ thống ngân hàng đã gây hậu quả nghiêm trọng.
Tấn công mạng gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 29/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo - Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật 2019 (Security World 2019) với chủ đề "Tăng cường bảo mật dữ liệu và an toàn, an ninh mạng cho cơ quan quản lý Nhà nước và ngành tài chính - ngân hàng".
Trải qua 13 kỳ tổ chức liên tiếp tại Việt Nam từ năm 2007, Hội thảo - Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật (Security World) đã trở thành diễn đàn quốc gia lớn và uy tín nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực an ninh thông tin, đây là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp tiên tiến về an ninh bảo mật.
Tại hội thảo, ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An cho biết: Thực trạng an toàn, an ninh thông tin tại Việt Nam, đặc biệt là trong các cơ quan quản lý nhà nước và ngành tài chính - ngân hàng diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thì trong năm 2018 xảy ra 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong đó có 5.932 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing); 3.198 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 1.090 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware).
Riêng trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ bán lẻ kết nối hệ thống ngân hàng, trong năm qua có nhiều vụ tấn công điển hình, gây hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, tổ chức như sự cố lộ hơn 5,4 triệu dữ liệu cá nhân được cho là khách hàng của chuỗi cửa hàng Thế giới di động vào tháng 11/2018, hay sự cố website của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opbank) bị tấn công và nhóm tin tặc tuyên bố đã lấy được 275.000 dữ liệu khách hàng.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019, Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT) đã phát hiện chiến dịch tấn công có chủ đích (APT) của tin tặc nhắm đến các hệ thống thông tin của ngân hàng và tổ chức chủ quản hệ thống thông tin hạ tầng quan trọng quốc gia tại Việt Nam...
Do đó, việc tăng cường bảo mật dữ liệu và an toàn, an ninh mạng cho cơ quan quản lý nhà nước và ngành tài chính - ngân hàng rất quan trọng.
Ông Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng Ban cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh: Việt Nam đã dự báo 5 xu hướng chính về an toàn, an ninh mạng trong năm 2019 gồm: Tấn công mạng vào các hệ thống thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng... với mục tiêu đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng; Tấn công mạng có chủ đích vào các cơ quan, tổ chức Nhà nước nhằm lấy cắp thông tin, dữ liệu quốc gia; Giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bôi nhọ, nói xấu và phát tán thông tin độc hại trên mạng; Tấn công mạng, đặc biệt là tấn công lây nhiễm mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI); Tấn công vào hạ tầng, thiết bị IoT, đô thị thông minh và lợi dụng các hạ tầng, thiết bị này để thực hiện tấn công khác.
Từ thực tế về vấn đề an toàn, an ninh mạng cho cơ quan quản lý nhà nước và ngành tài chính - ngân hàng, Hội thảo - Triển lãm Quốc gia về An ninh bảo mật (Security World) 2019 hướng đến mục tiêu giúp các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng, tổ chức tài chính nắm bắt và đánh giá được các hiểm họa an ninh mạng hiện nay cũng như đề xuất các phương án giúp các tổ chức ứng phó kịp thời trước sự phát triển nhanh chóng của các nguy cơ bảo mật và đảm bảo tuân thủ các quy định an ninh bảo mật mới.
Hội thảo gồm phiên báo cáo chính đề cập đến hiện trạng và xu hướng an ninh, an toàn thông tin đang diễn ra hiện nay cũng như đưa ra các cảnh báo, đề xuất các hướng đi cùng những công nghệ, giải pháp an ninh cho các cơ quan quản lý nhà nước và khối tài chính - ngân hàng.
Đồng thời, đưa ra cảnh báo nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin mạng năm 2019 tại khu vực ASEAN và kinh nghiệm của Singapore trong đảm bảo an toàn thông tin cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng và Chính phủ điện tử...
Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng cổng dịch vụ công một cửa quốc gia, hệ thống thông tin một cửa và việc các hệ thống trọng yếu quốc gia đang phải đối diện với nguy cơ tấn công mạng như hiện nay thì việc cập nhật các giải pháp tiên tiến, từ công nghệ, dịch vụ đến con người, quy trình nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho khối các cơ quan quản lý Nhà nước là vô cùng quan trọng.
Do đó, trong khuôn khổ hội thảo còn có 2 phiên chuyên đề: Bảo mật và đảm bảo hệ thống thông tin cho các cơ quan Nhà nước và hạ tầng chính phủ điện tử; Đảm bảo an toàn dữ liệu, an ninh mạng cho định chế tài chính - ngân hàng.
Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật 2019 với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước và quốc tế như: Viettel, VNPT, McAfee, Cybertrap, Rostelecom - Solar, Parasoft, Novicom, DT Asia, Veramine, VSEC NTT Data, Adnovum, Netpoleon, TeamT5, Trend Micro, Fujitsu, DTASIA, DIGI-TEXX, VBEST, Unit Corp- FORCS, Clayfin...
Triển lãm sẽ giới thiệu những giải pháp, sản phẩm bảo mật tiên tiến, hiện đại như: Bảo mật mạng, bảo mật điện toán đám mây, mã hóa, dữ liệu lớn, ảo hóa, quản lý nhận dạng và kiểm soát truy cập...
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 30/5, tại Khách sạn JW Marriott, 8 Đỗ Đức Dục, Hà Nội, Việt Nam.
Theo Bnews
Khám phá Trung tâm điều hành an ninh mạng cấp tỉnh quy mô nhất Việt Nam Thái Bình là địa phương đầu tiên triển khai mô hình kiểu mẫu về Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) tại Việt Nam. Đây là nơi giám sát, cảnh báo sớm và xử lý các sự cố an ninh mạng trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Thái Bình vừa chính thức khai trương Trung...