Hà Tĩnh: Ngôi trường có học sinh đến từ 10 dân tộc thiểu số theo học
Một ngôi trường ở Hà Tĩnh mà ở đó học sinh đến từ nhiều dân tộc khác nhau. Dù có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, song các em luôn xem nhau như anh em trong nhà. Chính những điều này đã làm nên một “ngôi nhà” đặc biệt.
“Ngôi nhà” đặc biệt
Các em đến từ nhiều dân tộc thiểu số khác nhau nhưng rất thương yêu nhau
Vào những ngày đầu năm học mới, chúng tôi đã có dịp ghé thăm và được lắng nghe những câu chuyện về “ngôi nhà” đặc biệt này – Trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh đóng tại thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).
Ngôi trường này được thành lập vào năm 1996. Đây là cơ sở giáo dục công lập chuyên biệt, được Nhà nước thành lập cho các em dân tộc thiểu số, con em gia đình dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Hàng năm có hàng trăm em học sinh từ nhiều dân tộc thiểu số như: Chứt, Lào, Mường, Thái, Mán, Nguồn, Tày, Khơ-me, Sán Dìu, Mã Liềng đến lưu trú và học tập.
Trải qua hàng chục năm xây dựng, đến nay hàng ngàn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã được rèn luyện, học tập và trưởng thành.
Các em được giao lưu, tìm hiểu những nét văn hóa về các dân tộc khác nhau
“Các em đến từ nhiều huyện khác nhau trong tỉnh như huyện Vũ Quang, Hương Sơn. Thậm chí ở các tỉnh khác nhưng các em theo bố mẹ về định cư ở Hà Tĩnh”, thầy Mai Văn Hải, Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh cho biết.
Video đang HOT
“Mỗi dân tộc có một nét văn hóa, sinh hoạt cũng như ngôn ngữ khác nhau. Song về đây các em lại cùng ăn, ở, học tập, vui chơi cùng nhau. Và những khoảng cách, bất đồng về ngôn ngữ, phong tục dần dần đã được xóa bỏ. Các em xem nhau như anh em trong gia đình”, thầy Mai Văn Hải chia sẻ
Với các em, ngôi trường này chính là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em.
“Vừa dạy kiến thức, vừa dạy sống tự lập”
Ngoài việc dạy kiến thức trên lớp thì kỹ năng sống tự lập cũng được “ngôi nhà” đặc biệt này chú trọng
Năm học 2018 – 2019, “ngôi nhà” đặc biệt này có 220 em. Trong đó có 208 em đến từ 10 dân tộc thiểu số.
Chính sự đa sắc tộc này, đặc biệt từ giai đoạn 1996 đến năm 2010, nhà trường có thêm cả bậc tiểu học đã khiến công tác dạy học gặp không ít khó khăn. Đó là sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ cũng như kỹ năng sống của các em còn hạn chế.
“Các em còn nhỏ lại đến từ các dân tộc thiểu số nên việc tiếp thu kiến thức đặc biệt là kỹ năng sống, giao tiếp còn rất hạn chế. Nhất là các em đồng bào dân tộc Chứt, nhiều lúc các em chỉ nói với nhau bằng tiếng bản địa nên hết sức khó khăn trong việc tiếp cận để hiểu các em”, thầy Mai Văn Hải tâm sự.
Khác hẳn với những ngôi trường khác, ngoài việc dạy kiến thức trên lên học thì trau dồi kỹ năng sống tự lập cho các em học sinh nơi đây cũng hết sức quan trọng.
Ngay từ khi các em đến nhập học, hầu như các giáo viên ở đây phải thay phiên nhau để cùng xuống sinh hoạt, ăn uống cùng các em. Dạy các em từ những điều nhỏ nhất như giờ giấc ăn, ngủ, dạy cách rửa chén bát, giặt quần áo đến vệ sinh cá nhân…
“Mỗi phòng ở có khoảng 6 đến 8 em. Và mỗi phòng như thế chúng tôi đều cắt cử các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy kỹ năng sống xuống tận phòng để bày cho các em. Những ngày đầu thì rất vất vả vì đa phần các em sống theo bản năng”, thầy Hải cho biết.
Thế nhưng bằng tình yêu thương, trách nhiệm, những người thầy người cô ở ngôi nhà đặc biệt này cũng dần dần uốn nắn đưa các em vào một guồng khuôn khổ.
“Sau một thời gian nhập học thì các em đã biết làm mọi việc để tự lập cuộc sống của mình. Và các em rất quý nhau, xem nhau như là anh em trong gia đình”, thầy Hải không giấu được cảm xúc của mình khi nói về những “đứa con” của mình.
(Còn nữa)
Xuân Sinh
Theo Dân trí
Nữ sinh bất ngờ khi biết tin đạt điểm Văn cao nhất nước
Là học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học, song Trần Thị Quỳnh Anh vẫn xúc động mạnh khi biết đạt 9,75 điểm Ngữ văn.
Mấy hôm nay, quầy tạp hóa của gia đình anh Trần Hậu Trí (45 tuổi, trú phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) tấp nập người vào ra chúc mừng. Con gái anh là Trần Thị Quỳnh Anh đạt được 27,5 điểm tổ hợp khối C (Ngữ văn 9,75, Lịch sử 9, Địa lý 8,75), là một bảy thí sinh đạt điểm môn Ngữ văn cao nhất cả nước.
Quỳnh Anh kể, hôm có điểm thi, em không dám nhìn vào màn hình máy tính để xem. Một lúc sau bình tĩnh, gõ số báo danh, thấy điểm cao, trong đó môn Ngữ văn được 9,75 thì em không dám tin vào mắt mình, cứ nghĩ là nhầm.
'Lúc thi xong em nghĩ môn này sẽ đạt điểm cao, nhưng đạt 9,75 thì thấy sốc. Tay cầm điện thoại báo tin cho bạn bè mà em run bần bật. Em chạy ra khoe với bố, bố đùa lại rằng may không được điểm 10 con nhỉ', Quỳnh Anh nói.
Nữ sinh lớp 12 Văn trường THPT chuyên Hà Tĩnh chia sẻ, trước đó đọc báo biết thông tin Hà Tĩnh là một trong những địa phương có thí sinh đạt điểm văn cao nhất nước, em mong vinh dự này sẽ thuộc về một bạn trong lớp mình.
'Không ngờ thí sinh đó lại là em, thầy cô và bạn bè ai cũng chúc mừng. Em cảm thấy tự hào vì đã mang lại một chút thành tích nhỏ cho lớp', Quỳnh Anh nói và đánh giá đề thi Ngữ văn năm nay khó hơn năm ngoái. Em viết gần hết 3 tờ giấy, làm bài xong còn dư 5 phút, ban đầu nhẩm tính được hơn 8 điểm.
Quỳnh Anh là con đầu trong gia đình có ba chị em, bố mẹ làm nghề buôn bán. Ảnh: Đức Hùng
Quỳnh Anh tâm đắc nhất với câu hỏi nghị luận xã hội về 'sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay'. Trong bài thi, em mạnh dạn đề cập việc đất nước hiện còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát triển đúng tiềm lực. Nữ sinh liên hệ với Hàn Quốc, trước kia họ là quốc gia kém phát triển, song nay đã vươn lên thành một trong bốn con rồng châu Á.
'Thế hệ trẻ như chúng em cần phải hành động, không nên thụ động. Nếu có cơ hội hãy tích lũy kiến thức ở nước ngoài bằng con đường du học, nhưng nên đi để trở về, chứ không được lãng phí chất xám ở bên ngoài đất nước', Quỳnh Anh đã viết trong bài thi như vậy.
Trong ba năm học THPT, Quỳnh Anh định hướng theo học tổ hợp khoa học xã hội. Em đam mê Ngữ văn, song bén duyên với các giải thưởng ở môn Lịch sử. Em giành giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, giải nhất, nhì trong các kỳ thi cấp tỉnh.
Chia sẻ bí quyết học tập, cô gái Hà Tĩnh cho hay với môn Ngữ văn cần theo sát bài giảng của cô giáo ở trên lớp, sau đó về nhà tìm đề tài tự làm, rèn luyện khả năng viết. Với Lịch sử và Địa lý, ngoài hiểu được bản chất cốt lõi của từng chương, cần tích lũy thêm kiến thức thông qua phương tiện truyền thông.
Dù đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng vào một số trường đại học lớn, Quỳnh Anh vẫn muốn thử sức thi THPT quốc gia để lấy điểm xét tuyển vào ngành Luật kinh tế của Đại học Luật Hà Nội.
'Đối chiếu theo bảng xếp hạng toàn quốc thì em đang đứng thứ hạng cao, tràn trề cơ hội đỗ. Sau này khi đi học, em sẽ cố gắng xin đi thực tập tại các văn phòng luật ngay từ năm đầu để nâng cao kiến thức và kỹ năng', Quỳnh Anh nói.
Cô Thái Thanh Huyền, chủ nhiệm lớp 12 chuyên Văn (trường THPT chuyên Hà Tĩnh) đánh giá học trò Quỳnh Anh rất chịu khó, luôn có tinh thần học tập. 'Em ấy luôn tự học, có năng khiếu đặc biệt về Ngữ văn và Lịch sử. Dù được tuyển thẳng, song không ỷ lại, luôn muốn vươn lên để vượt qua những giới hạn của bản thân', cô Huyền nói.
Theo tiin.vn
Cậu học trò trường làng mê sáng chế Với đam mê sáng chế, Nguyễn Nhật Lâm, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đạt giải cao trong nhiều cuộc thi khoa học với những sản phẩm thông minh, hướng đến người khuyết tật. Nam sinh Nguyễn Nhật Lâm mày mò chế tạo chiếc chân robot cho người khuyết tật - ẢNH PHẠM...