Hà Tĩnh gấp rút chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018
Năm học 2020 – 2021, chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình giáo dục phổ thông mới) sẽ được triển khai bước đầu ở lớp 1. Việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ… đang được ngành giáo dục Hà Tĩnh gấp rút triển khai.
Chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy
Trao đổi tại hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: Định hướng chung của đổi mới chương trình là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; chú trọng dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh.
Các trường học đang tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy
Thực tế, hoạt động đổi mới này đã được ngành giáo dục Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện từ nhiều năm nay. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho biết: “Sự đổi mới trong các hoạt động dạy học đã được Thạch Hà khởi động từ năm học 2017-2018 bằng việc thực hiện Công văn 4612/BGDĐT ngày 3/10/2017 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh”.
Theo đó, các trường học trên địa bàn huyện Thạch Hà đã rà soát nội dung sách giáo khoa để tinh giản nội dung dạy học, điều chỉnh tránh trùng lặp giữa các môn học, bổ sung cập nhật những thông tin mới thay cho những thông tin cũ trong sách giáo khoa.
Cùng với đó, thực hiện dạy học tích hợp liên môn theo chủ đề, chú trọng lồng ghép giáo dục đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử, giá trị sống và rèn kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường các hoạt động trải nghiệm.
Để phát huy năng lực của học sinh, các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ
Video đang HOT
Hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy cũng đã tạo khí thế, phong trào thi đua ở nhiều trường học trên địa bàn toàn tỉnh.
Cô Trịnh Thị Ánh Tuyết – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Thời gian qua, trường đã đổi mới hoạt động dạy học theo hướng tinh giản nhưng vẫn bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.
Nhiều tiết học chính khóa được chuyển sang dạy học theo hướng trải nghiệm. Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, việc duy trì các câu lạc bộ theo năng khiếu, sở trường của học sinh đã là cách để nhà trường vừa truyền thụ kiến thức, vừa “truyền lửa” cảm hứng, giúp các em học sinh phát huy năng khiếu, sở trường”.
Chuẩn bị đội ngũ, rà soát cơ sở vật chất
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung đội ngũ giáo viên, sở cũng đã yêu cầu các phòng GD&ĐT khẩn trương tuyển đủ giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học, đồng thời chỉ đạo tập trung bồi dưỡng hơn 500 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán. Ngay sau hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các địa phương cũng đã triển khai các hoạt động bồi dưỡng đại trà cho đội ngũ giáo viên”.
Cán bộ, giáo viên nghiên cứu tài liệu chương trình giáo dục phổ thông 2018
Từ tinh thần chỉ đạo của sở, các phòng GD&ĐT cũng đã khẩn trương lựa chọn đội ngũ cán bộ cốt cán để tiến hành tập huấn, bồi dưỡng.
Bà Nguyễn Thị Hường – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc cho biết: “Để chuẩn bị cho 83 lớp với gần 2.500 học sinh lớp 1 trong năm học tới thực hiện chương trình giáo dục 2018, chúng tôi đã lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán gồm 45 người ở bậc tiểu học và THCS để cùng với phòng thực hiện tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ. Trong số đó có 16 giáo viên cốt cán và tổ trưởng chuyên môn được Sở GD&ĐT cử đi tập huấn. Sắp tới, Can Lộc sẽ có gần 190 giáo viên lớp 1, giáo viên dự phòng lớp 1, tổ trưởng chuyên môn được tập huấn đại trà”.
Từ sự quan tâm của tỉnh, chính quyền địa phương, cơ sở vật chất trường lớp ở Hà Tĩnh ngày càng được củng cố, đáp ứng yêu cầu dạy học
Về cơ sở vật chất, theo ông Lê Quang Cảnh – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: “Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho việc củng cố, xây dựng cơ sở vật chất. Dẫu chưa đảm bảo 100% phòng học được kiên cố hóa nhưng đã cơ bản đáp ứng việc triển khai dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018″.
Theo baohatinh
Tổ trưởng chuyên môn không đổi mới thì GV rất khó đổi mới
Sáng nay (28/11), tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT tổ chức lớp Bồi dưỡng về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho khoảng 500 tổ trưởng chuyên môn trường THCS, THPT thuộc 9 tỉnh duyên hải miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Phú Yên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tham dự và phát biểu khai mạc.
Khóa tập huấn có khoảng 500 giáo viên là tổ trưởng tổ chuyên môn của các trường THCS, THPT 9 tỉnh duyên hải miền Trung tham dự
Vị trí và vai trò của giáo viên đã khác trước
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độmong muốn các giáo viên tham gia khóa tập huấn "phải nắm thật kỹ chương trình giáo dục tổng thể, từ quan điểm trong việc đổi mới giáo dục hiện nay, mục tiêu, nội dung môn học, phương pháp môn học, cách đánh giá HS theo hướng tiếp cận năng lực.
Chương trình là thước đo chất lượng giáo dục, phải nắm rõ quan điểm xây dựng chương trình mới đi sâu được vào nội dung và các mặt kiến thức" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc khóa tập huấn.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý, với phương pháp dạy học tích cực thì vai trò và vị trí của GV và HS đã có sự thay đổi. "GV không chỉ là người truyền thụ kiến thức nữa mà còn là người tư vấn hỗ trợ cho HS. HS trước đây đóng vai trò là lĩnh hội, giờ là người học kiến tạo, người học tự mình phát hiện và hình thành năng lực. Sự truyền thụ kiến thức đã có sự thay đổi từ chỗ người học từ bị động tiếp nhận kiến thức sang chủ động hình thành kiến thức và năng lực" - Thứ trưởng nói.
Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, GV phải làm quen với tư duy kiến tạo và tư duy phản biện: "Nếu các thầy cô tham gia khóa tập huấn này mà vẫn theo nếp cũ, đến hội trường chỉ để nghe báo cáo viên thì thụ động quá.
Từ những thông tin của báo cáo viên, các thầy cô phải biến nó thành kiến thức của mình, tạo ra sinh lực mới để từ đó lan tỏa tại tổ chuyên môn của mình".
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định: "Các thầy cô tổ trưởng tổ chuyên môn tại các trường là những người đóng hai vai, vừa là những GV trực tiếp đứng lớp, vừa là những GV cốt cán của các trường. Tư duy quản lý của tổ trưởng tổ chuyên môn phải đổi mới bởi nếu tổ trưởng mà không đổi mới thì GV rất khó để đổi mới; tổ trưởng phải tạo điều kiện cho GV đổi mới. Tổ trưởng phải tạo môi trường thân thiện tại tổ chuyên môn của mình để GV phát huy được năng lực và thiết thực đổi mới vì chất lượng".
Cơ hội kết nối giữa giáo viên phổ thông và giảng viên đại học
Trong đợt "tập huấn Tổ trưởng tổ chuyên môn bậc THCS, THPT thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới" Modul 1 lần này, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng là đơn vị cùng tham gia tổ chức.
PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng cho biết: "Đợt tập huấn cũng là cơ hội để kết nối giữa đội ngũ giảng viên chủ chốt của nhà trường với các thầy cô là tổ trưởng chuyên môn ở các trường phổ thông, để giảng viên nhà trường có thêm kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời các thầy cô giáo ở các trường phổ thông có dịp chia sẻ về chuyên môn, góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới".
Trong tháng 10/2019 vừa qua, trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đã tổ chức Bồi dưỡng giáo viên cốt cán cho TP Đà Nẵng và 5 tỉnh Tây Nguyên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thôg mới với sự tham gia của 2485 học viên, đạt 100% số học viên được triệu tập học. Tiếp đó, từ ngày 14-16/11, trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đã tham gia bồi dưỡng tập huấn Tổ trưởng tổ chuyên môn bậc Tiểu học cho 9 tỉnh miền Trung cũng rất thành công.
Hà Nguyên
Theo giaoducthoidai
Thẩm định SGK lớp 1: Phải đảm bảo công bằng cho các bộ sách Chia sẻ xung quanh quá trình thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là thực hiện đúng luật và Luật Giáo dục quy định ở Điều 32 là SGK phải cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông. Trong giờ học...