Hà Tĩnh đổi mới, kích thích dạy học tiếng Anh
Cùng với việc đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy môn Tiếng Anh, thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên (GV), học sinh (HS) trong việc nâng cao chất lượng bộ môn này.
Khảo sát đầu vào, phân lớp theo năng lực
Những năm học gần đây, việc khảo sát năng lực đầu vào môn Tiếng Anh dựa theo việc kiểm tra các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để phân lớp theo năng lực người học đã được nhiều trường ở Hà Tĩnh triển khai.
Khảo sát đầu vào để chia lớp theo năng lực tạo điều kiện thuận lợi trong dạy và học tiếng Anh ở Trường THPT Hương Khê.
Thầy Phan Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê cho biết: “Từ đầu mỗi năm học, trường đã tổ chức khảo sát chất lượng môn Tiếng Anh theo 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết để phân loại năng lực HS theo 3 mức độ: khá, đại trà, yếu. Từ trình độ của HS, GV nhà trường có giáo trình, giáo án và phương pháp hợp lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong mỗi giờ học”.
Việc chia lớp học môn ngoại ngữ theo năng lực không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho HS phát huy năng lực mà còn tạo áp lực tích cực cho GV trong các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, linh hoạt trong xây dựng giáo trình, giáo án phù hợp với từng lớp.
Cô Phan Thị Dung – GV tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà) cho biết: “Để có những giờ dạy hiệu quả, ngoài việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chúng tôi đã chọn lựa những nội dung phù hợp trong từng bài giảng. Đối với nhóm HS có năng lực khá giỏi, chúng tôi tăng cường các hoạt động trao đổi nhóm, thuyết trình để phát triển các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói. Với lớp trung bình, yếu, chúng tôi chú trọng việc củng cố kiến thức cơ bản cho các em”.
Tăng cường trao đổi, đối thoại giúp học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà) phát triển các kỹ năng nghe, nói.
Cùng với việc tăng cường các hoạt động đối thoại, trao đổi nhóm, thuyết trình, việc tổ chức những giờ học Toán bằng tiếng Anh, những giờ Địa lý kết nối với các trường học ở các nước cũng đã giúp những giờ học trở nên hấp dẫn và HS cũng được củng cố kỹ năng nghe, nói.
Em Trần Thị Hồng Thắm – HS lớp 12 A1, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ) chia sẻ: “Những giờ học Địa lý kết nối với các trường học ở nước ngoài không chỉ giúp chúng em củng cố, hiểu rõ và nhớ lâu kiến thức bài học mà còn giúp em rèn luyện được kỹ năng nghe, nói, thuyết trình bằng tiếng Anh khi trao đổi, giới thiệu với các bạn học nước ngoài về quê hương mình”.
Chính sách – động lực nâng chuẩn tiếng Anh
Song song với các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, động lực để GV, HS nâng cao năng lực, trình độ môn Tiếng Anh ở Hà Tĩnh còn được thể hiện qua những chính sách khuyến khích hấp dẫn.
Video đang HOT
Nỗ lực tự học giúp Quỳnh Chi – lớp 12 A4, Trường THPT Kỳ Anh thi đậu IELST 8.0
Cách đây 3 năm, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có quyết định đặc cách công nhận HS giỏi tỉnh môn Tiếng Anh cho HS đạt chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 114 HS được công nhận đặc cách và phong trào tự học để thi chứng chỉ IELST cũng đang tiếp tục lan tỏa.
Em Trần Thị Quỳnh Chi – lớp 12 A4, Trường THPT Kỳ Anh, HS có trình độ IELTS 8.0 ở Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài việc được đặc cách công nhận HS giỏi tỉnh, em cũng xác định thi IELTS là để nâng cao trình độ tiếng Anh và rèn luyện cho mình các kỹ năng mềm. Điều đó rất cần thiết cho tương lai khi đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập”.
Ngoài ra, với chứng chỉ IELTS 8.0 trở lên, cơ hội tìm kiếm học bổng du học ở các nước trên thế giới, cơ hội được tuyển thẳng vào một số trường đại học ở trong nước của các bạn HS cũng đang rộng mở.
Chính sách khuyến khích của tỉnh, của các trường cũng tạo động lực cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh nâng cao trình độ.
Đối với GV, việc nâng chuẩn tiếng Anh cũng đã được tỉnh, các nhà trường tạo mọi điều kiện động viên, khuyến khích.
Cô Trần Thị Kim Huê – GV tiếng Anh ở Trường THPT Hương Khê cho biết: “Để động viên, khuyến khích chúng tôi nâng cao năng lực theo chuẩn quốc tế, ngoài chính sách của tỉnh hỗ trợ mỗi giáo viên 15 triệu đồng khi đạt chứng chỉ IELST từ 6.5 trở lên, trường cũng đã động viên, tạo điều kiện cho chúng tôi và hỗ trợ thêm 2 triệu đồng. Ý thức trách nhiệm của GV đối với nghề, đối với HS và để đáp ứng với nhu cầu dạy học trong tình hình mới, những chính sách của trường, của tỉnh là động lực để chúng tôi không ngừng cố gắng”.
Về thăm thầy giáo cũ ở làng quê Hà Tĩnh
Mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các cựu học sinh lớp 12H, niên khóa 1996-1999, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại dành thời gian về thăm thầy giáo cũ của mình. Năm nay, người thầy của họ đang nằm trên giường bệnh.
Mỗi năm vào dịp 20/11, anh Phan Trọng Hiền (bên trái) lại hẹn các bạn về thăm và chúc mừng thầy cô giáo cũ
Anh Phan Trọng Hiền (SN 1980, tại thôn Yến Giang, Hồng Lộc, Lộc Hà) - cựu lớp trưởng lớp 12H, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, niên khóa 1996-1999 chia sẻ: "Hằng năm, dịp 20/11, chúng tôi lại hẹn nhau về thăm và chúc mừng các thầy, cô giáo cũ của mình.
Tuy nhiên, năm nay có phần đặc biệt hơn khi tôi mới nhận được tin người thầy chủ nhiệm những năm cuối cấp THPT của chúng tôi bệnh nặng vừa mới đi chữa trị về. Thầy năm nay đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu"
Anh Phan Trọng Hiền - cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi trò chuyện về người thầy mà anh cùng các bạn rất kính trọng
Anh Phan Trọng Hiền hiện công tác trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp tại tỉnh Cao Bằng. Người giáo viên mà anh nói đến là thầy Lê Đình Quyền (SN 1949), cựu giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, hiện sống ở xã Thạch Mỹ (Lộc Hà).
Năm 1971, sau khi tốt nghiệp Khoa Vật Lý, Trường Đại học Vinh, thầy Lê Đình Quyền đã lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị -Thừa Thiên. Năm 1974, thầy bị thương và trở về quê tiếp tục công tác dạy học.
Trong cuộc đời 35 năm làm nghề dạy học, thầy Quyền có 20 năm (1980-2000) gắn bó với Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi. Từ năm 2001-2009, thầy về công tác tại Trường THPT Mai Thúc Loan.
Thầy Lê Đình Quyền trong dịp gặp gỡ học sinh cũ về hội khóa tháng 7/2019
Quá trình công tác, thầy Quyền luôn là giáo viên tiêu biểu được nhiều thế hệ học sinh mến phục. Sau khi nghỉ hưu, người thầy giáo thương binh (hạng 4/4) vẫn miệt mài làm công tác xã hội đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội Khuyến học và Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Lộc Hà (2014-2019).
Nhóm cựu học sinh lớp 12H (khóa 1996-1999) Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi về thăm thầy Lê Đình Quyền lần này, ngoài anh Phan Trọng Hiền, còn có 14 người khác. Tất cả đều đang làm việc hoặc sinh sống tại Hà Tĩnh và Nghệ An.
21 năm sau khi ra trường, các cựu học sinh lớp 12 H (khóa 1996-1999) Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi vẫn xúc động khi nhắc lại những kỷ niệm về thầy giáo Lê Đình Quyền
Vào chiều thứ 7, giữa tháng 11/2020 vừa qua, họ đã hẹn gặp nhau tại một quán cà phê gần thị tứ Thạch Châu. Trong lúc chờ đợi, những người đã đến tranh thủ xem lại bức ảnh kỷ yếu họ chụp lúc ra trường. 21 năm trôi qua, giờ ai cũng khác, mỗi người một công việc và có những lo toan cho cuộc sống riêng nhưng khi ngắm lại bức hình, họ đều cảm thấy ấm áp vì tình bạn, tình thầy trò vẫn gắn bó như ngày nào. Đặc biệt, nhắc đến kỷ niệm về người thầy của mình, ai cũng xúc động.
Thiếu tá Lê Sỹ (hiện công tác ở Đội CSGT huyện Lộc Hà) cựu học sinh lớp 12H chia sẻ: "Thầy Quyền không chỉ là thầy giáo chủ nhiệm mà còn là ân nhân của tôi. Chính thầy đã nâng đỡ tận tình và định hướng để tôi từ một cậu học trò nghèo vươn lên thực hiện ước mơ trở thành người cảnh sát nhân dân".
Từ sự quan tâm của thầy Quyền, anh Tô Xuân Văn (bên phải) đã nhận thêm được nhiều sự sẻ chia của bạn bè.
Còn cựu học sinh Tô Xuân Văn (Thạch Châu, Lộc Hà) xúc động: "Không chỉ quan tâm đến học trò lúc còn chủ nhiệm, mãi sau này thầy vẫn để ý theo dõi cuộc sống của chúng tôi. 4 năm trước, tôi bị tai nạn lao động nguy kịch tưởng không qua khỏi. Khi biết tin, thầy đã động viên và giúp đỡ tôi rất nhiều, thầy còn kêu gọi các bạn trong lớp quan tâm ủng hộ. Nhờ đó, tôi đã vượt qua "cửa tử" dần bình phục như ngày hôm nay".
Anh Phan Trọng Hiền cho biết: Hơn 1 năm trước, lớp anh đã về gặp thầy khá đông đủ. Dù bây giờ các anh/chị đã trưởng thành nhưng với thầy vẫn là những cô cậu học trò nhỏ. Thầy vẫn nhắc họ phải tiếp tục rèn luyện đạo đức và chăm chỉ lao động phục vụ cho gia đình và cống hiến cho xã hội...
Nhóm cựu học sinh háo hức chờ đợi giây phút thầy giáo cũ sẽ bất ngờ, hạnh phúc khi họ đến thăm mà không báo trước ...
Vì vậy, lần trở về này, anh và các bạn muốn tạo cho thầy một sự bất ngờ nhằm động viên thầy phấn chấn có tinh thần đấu tranh với bệnh tật nên đã không báo trước. Sau khi mọi người đến đầy đủ, nhóm cựu học sinh do anh Phan Trọng Hiền dẫn đầu đã đến nhà thầy Lê Đình Quyền nhưng chưa kịp vui mừng thì họ hụt hẫng khi thầy của mình vừa nhập viện trở lại.
Chị Lê Thanh Hòa, con gái thầy Quyền, hiện là giáo viên Trường THCS thị trấn Lộc Hà (Lộc Hà) cho biết: "Sau một thời gian chữa trị, bệnh của bố tôi đã thuyên giảm và được trở về nhà an dưỡng. Tuy nhiên, ngày hôm trước, tình hình chuyển biến xấu trở lại nên gia đình đã đưa bố tôi ra Hà Nội để tiếp tục chữa trị"
Họ có phần hụt hẫng, lo lắng khi về thăm mà không gặp được thầy của mình.
Hoàn cảnh của thầy Quyền hiện tại rất éo le. Ngoài thầy đi viện, cô Trần Thị Đạm (71 tuổi, vợ thầy) là một cựu giáo viên, sức khỏe rất yếu phải ngồi xe lăn. Các con thầy vất vả khi phải thay nhau chăm sóc cho cả hai người.
Không được gặp thầy giáo cũ tại nhà nhưng nhóm cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi vẫn quyết định cử đại diện lớp ra Hà Nội để thăm tình hình sức khỏe của thầy.
Ngay tối hôm đó, anh Phan Trọng Hiền, đại diện cựu học sinh lớp 12H, đã bắt chuyến xe đêm từ Hà Tĩnh ra Hà Nội. Theo hướng dẫn của gia đình thầy Quyền, anh Hiền đã tìm được đến Khoa nội Thần Kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nơi thầy giáo của anh đang điều trị.
Thầy Lê Đình Quyền (giữa) xúc động khi nhận được bó hoa tươi thắm và lời chúc ấm áp từ những học sinh cũ của mình. Trong ảnh: Từ trái qua phải Thiếu tá, Bác sỹ Nguyễn Cao Vinh, thầy Lê Đình Quyền và anh Phan Trọng Hiền tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Thiếu tá, Bác sỹ Nguyễn Cao Vinh, Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đồng thời cũng là cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi cho biết: "Thầy Quyền bị liệt hai tay do thoái hoá và hẹp ống sống cổ từ C3-C7. Hiện tại, thầy đang được theo dõi và điều trị".
Xúc động khi nhận bó hoa tươi thắm cùng lời chúc mừng ấm áp từ học sinh cũ của mình, thầy Lê Đình Quyền nhắn nhủ: "Thầy cảm ơn các em rất nhiều. Đến lúc này, sự trưởng thành của nhiều thế hệ học sinh mà thầy đã dạy, cho thầy một niềm tin sâu sắc rằng: cuộc đời thầy đã chọn đúng nghề và nghề giáo đúng là nghề cao quý nhất.
Đổi mới phương pháp, thúc đẩy sáng tạo trong dạy và học ở Hà Tĩnh Giai đoạn 2015-2020 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của ngành Giáo dục Hà Tĩnh trong việc đưa Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT vào thực tiễn. Những giờ thực hành Toán của học sinh lớp 5, TrườngTiểu học Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) trở nên hấp dẫn,...