Hà Nội xóa cơ chế đầu tư trường ‘chất lượng cao’
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng những trường “chất lượng cao” ở Hà Nội đào tạo không theo tiêu chuẩn Việt Nam hay quốc tế.
Ngày 18/2, trao đổi với các văn nghệ sĩ thủ đô về định hướng đầu tư cho giáo dục, ông Nguyễn Đức Chung đánh giá trong năm 2016, Hà Nội có rất nhiều cơ chế để nâng cao chất lượng ngành này.
Theo ông Chung, thành phố đã mạnh dạn xóa việc đầu tư cho những trường được gọi là “chất lượng cao” của Hà Nội.
“Những trường này chẳng theo tiêu chuẩn Việt Nam, chẳng theo tiêu chuẩn Asian, chẳng theo tiêu chuẩn quốc tế, mà do nhóm người yêu cầu thành phố hỗ trợ tiền. Sau khi hết hỗ trợ, học sinh cũng chuyển đi hết”, người đứng đầu chính quyền thủ đô thông tin và cho rằng một trường chất lượng phải thể hiện qua việc đào tạo được nhiều người giỏi.
Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu trong hội nghị. Ảnh: Quang Anh.
“Đây là yếu tố quyết định tới việc đông hay vắng học sinh chứ không phải vấn đề tiền. HĐND thành phố đã thông qua việc xóa cơ chế đầu tư này”, Chủ tịch Hà Nội nói.
Nói về bất cập trong chất lượng giáo dục, ông Chung nêu mỗi năm Hà Nội có khoảng 60.000 học sinh tốt nghiệp THPT và ra nước ngoài học tiếp.
“Tiêu chuẩn tú tài ở Việt Nam chẳng đạt tiêu chuẩn tú tài gì, nên các cháu sang nước ngoài phải học thêm 2 năm nữa, chi phí khoảng 240 triệu đồng”, ông Chung dẫn chứng.
Video đang HOT
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông mong muốn thời gian tới ngành giáo dục thủ đô kết nối các giáo trình nước ngoài, ví dụ như Cambridge (Anh), dạy song song chương trình này từ lớp 10.
Theo đó, học sinh THPT vẫn theo chương trình đào tạo của Việt Nam nhưng em nào muốn đạt tú tài quốc tế phải học thêm một số môn và có thể học ngoài giờ, miễn là thi được chứng chỉ và đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có điểm Tiếng Anh.
Nếu hoàn thành các chương trình này, học sinh Hà Nội ra nước ngoài mới theo được ngay – ông Chung nói và cho biết nếu ngành giáo dục làm được như định hướng sẽ giúp tiết kiệm tiền cho nhiều gia đình có học sinh du học.
Theo Zing
Băn khoăn học phí trường chất lượng cao
Mức trần học phí trường chất lượng cao của Hà Nội dự kiến sẽ tăng lên 3,9 đến 4,1 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, tại TP.HCM, các trường tiên tiến phải xây dựng mức học phí bảo đảm phi lợi nhuận
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng Sở Tài chính Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND TP về việc đề xuất điều chỉnh Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND của HĐND TP về cơ chế tài chính đối với trường chất lượng cao.
Nặng thu tiền, ít chú ý chất lượng
Sau 3 năm xây dựng và phát triển hệ thống trường chất lượng cao theo Nghị quyết 15 về đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở GD&ĐT công lập chất lượng trên địa bàn giáo dục thủ đô, mức học phí của các trường này đã tăng lên chóng mặt.
Nếu năm học 2013-2014 mức học phí chỉ từ 2,9 đến 3 triệu đồng/học sinh/tháng, tùy theo bậc học, thì ở Tờ trình số 439 ngày 22/11/2016 do Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải ký gửi UBND TP Hà Nội, mức trần học phí của trường chất lượng cao năm học 2016-2017 được đề xuất tăng lên ở mức 3,9 đến 4,1 triệu đồng/học sinh/tháng. So với học phí của các trường đại trà, mức này là quá cao.
Chủ trương triển khai mô hình trường học chất lượng cao được đánh giá phù hợp xu hướng phát triển. Nhu cầu học tại các trường chất lượng cao của người dân Hà Nội là có thật. Tuy nhiên, điều khiến xã hội băn khoăn là mức học phí mà phụ huynh phải bỏ ra khá cao, trong khi ngành giáo dục Hà Nội lại chưa chứng minh được việc thu tiền cao thì các trường bảo đảm các tiêu chí chất lượng cao theo quy định.
Học sinh trường THPT Lê Quý Đôn - trường theo mô hình tiên tiến tại TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Không ít ý kiến cho rằng quá trình triển khai mô hình trường chất lượng cao ở Hà Nội quá nặng về thu tiền mà ít chú ý đến chất lượng và sự công bằng trong giáo dục.
Trên thực tế, sau một thời gian triển khai, kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội đợt tháng 4/2015 cho rằng đề án phát triển chất lượng cao của một số trường còn hạn chế, không đầy đủ, chưa chỉ ra được lộ trình và cơ chế tài chính dẫn đến tính khả thi chưa cao; sở GD&ĐT, sở Tài chính chậm trễ trong việc thực hiện nghị quyết của HĐND TP, dẫn đến các trường còn lúng túng...
Một chuyên gia giáo dục nhận xét phần lớn trường chất lượng cao đều là cơ sở GD&ĐT từng được đầu tư tốt về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, được hỗ trợ kinh phí trong giai đoạn thí điểm, sau đó được thu học phí cao thì phải có trách nhiệm cam kết về chất lượng. Rõ ràng, người dân bỏ ra một khoản tiền đóng học phí không hề nhỏ thì họ cũng phải nhận được "sản phẩm" tương xứng.
Lấy thu bù chi
Tại TP.HCM, hiện có 3 trường THPT thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế và khu vực từ năm học 2015-2016 theo Quyết định số 3036/QĐ-UBND ngày 20-6-2014 của UBND TP.HCM. Đó là các trường THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền và THPT Nguyễn Du.
Cơ chế thu học phí được UBND TP.HCM quy định: Các đơn vị thực hiện mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập được chủ động xây dựng mức thu tương xứng để trang trải chi phí đào tạo trên nguyên tắc xác định mức thu như sau: Bảo đảm nguyên tắc thu đủ bù chi (không bao gồm các khoản thu chi hộ), không vì mục đích lợi nhuận, phù hợp khả năng đóng góp của người học trên nguyên tắc thỏa thuận và không thu một khoản nào khác.
Học phí được tính toán trên cơ sở các khoản chi thực tế theo giờ giảng và các hoạt động chuyên môn đáp ứng yêu cầu chất lượng của trường tiên tiến, đầu tư trang thiết bị, tài liệu dạy học.
Mức thu bao gồm: Học phí chính quy 120.000 đồng/học sinh/tháng. Khoản thu còn lại được thỏa thuận để bảo đảm các yêu cầu hoạt động thực hiện mô hình tiên tiến, sao cho tổng mức thu không quá 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng, bao gồm: tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; tổ chức tăng cường tiếng Anh; tổ chức học với giáo viên người nước ngoài; tổ chức dạy các bộ môn năng khiếu, môn tự chọn; chương trình kỹ năng sống; tổ chức chương trình ngoại khóa; cơ sở vật chất cho mô hình tiên tiến, vật tư thực hành.
Kể từ năm học 2016-2017, toàn TP.HCM có 26 trường học thực hiện mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế và khu vực, bao gồm cả bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Cơ chế thu học phí vẫn giữ nguyên theo Quyết định 3036.
Cần đánh giá hiệu quả trước khi tăng học phí
Ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, cho rằng để có thể tăng trần học phí trường chất lượng cao, cần có báo cáo đánh giá tác động, tính hiệu quả của mô hình thời gian qua ra sao; cần làm rõ kết quả của việc thu, chi tại các trường, nhất là việc thu học phí ở các trường có sự chênh lệch lớn.
Theo PGS Bùi Thị An, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TP Hà Nội, UBND TP cần đánh giá chi tiết những trường đã công nhận, thí điểm không đạt chất lượng và chỉ rõ trách nhiệm đối với những hạn chế trong quá trình triển khai.
Theo Yến Anh - Đặng Trinh / Người Lao Động
Lễ khai giảng tại ngôi trường chất lượng cao ở Hà Nội Sáng 5/9, trường liên cấp Vinschool tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2016 - 2017 tại Hà Nội. Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đến dự và phát biểu ý kiến. Khuôn viên trường liên cấp Vinschool không còn chỗ trống trong lễ khai giảng năm học mới. Vinschool là hệ thống trường Việt Nam chất lượng cao, được...