Hà Nội triển khai việc tiêm vaccine Covid-19 theo kế hoạch
“Các đơn vị sẽ chủ động phối hợp triển khai việc tiêm vaccine theo kế hoạch và chỉ đạo của Bộ Y tế” – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh – Phó Trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội cho biết.
Chiều 4/3, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp phiên thứ 96 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng – Trưởng Ban chỉ đạo.
17 ngày không ghi nhận ca mắc mới
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh – Phó Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, tại Hà Nội, từ ngày 16/2 đến nay (17 ngày) không ghi nhận ca mắc mới. Cộng dồn giai đoạn 4 (từ ngày 27/1/2021 đến nay), ghi nhận 35 ca mắc ngoài cộng đồng, chưa có trường hợp tử vong. Hiện nay toàn bộ 18 địa điểm liên quan tới các ca mắc tại Hà Nội đã kết thúc phong tỏa.
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng – Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì phiên họp
Trong giai đoạn 4 (từ ngày 27/1/2021 đến nay), có 1.140 trường hợp F1 tại Hà Nội, tất cả đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả: 30 dương tính, còn lại âm tính. Hiện chỉ còn cách ly tập trung 3 trường hợp F1 liên quan tới ca bệnh mới tại Hải Dương; 1.137 trường hợp đã kết thúc cách ly. Có 12.829 trường hợp F2 đều được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà đúng quy định. Hiện tất cả đều đã kết thúc cách ly. Về quản lý cách ly người nhập cảnh, hiện còn cách ly 952 người.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn TP đã được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ đối với TP vẫn ở mức cao bởi nhiều lý do. Cụ thể, dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các chuyên gia vẫn nhập cảnh vào Việt Nam, hoạt động nhập cảnh trái phép còn diễn ra tại một số địa phương. Tại Việt Nam, vẫn ghi nhận thêm ca mắc tại Hải Dương và kể từ 0 giờ ngày 3/3 tỉnh Hải Dương đã kết thúc thực hiện Chỉ thị 16 nên người dân Hải Dương có thể đi đến các tỉnh, thành khác và có thể có nguy cơ khi những người này có mang mầm bệnh mà không có triệu chứng. Trong thời gian tới, khi nới lỏng các biện pháp so với giai đoạn trước, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng mở cửa trở lại, sinh viên các tỉnh sẽ trở lại Hà Nội học tập nhiều hơn, trong đó có thể có những trường hợp đến từ các tỉnh, thành có dịch. Vì vậy trong thời gian tới Hà Nội có thể ghi nhận thêm các ca mắc mới.
Video đang HOT
Sẵn sàng mở cửa các di tích trở lại khi được phép
Ban chỉ đạo nhận định, dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn có nguy cơ, vì vậy các đơn vị song song với việc phát triển kinh tế thì cần phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND TP. Theo đó, các đơn vị phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân biết các biện pháp phòng chống dịch bệnh và phối hợp thực hiện. Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là việc khai báo y tế và đeo khẩu trang.
Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội họp phiên thứ 96 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng – Trưởng Ban chỉ đạo
Các đơn vị tăng cường công tác giám sát dịch tại cửa khẩu, tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng nhằm chủ động phát hiện và xử trí sớm các trường hợp mắc. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường việc phân luồng, khám sàng lọc, xét nghiệm để phát hiện kịp thời ca bệnh. Tổ chức xét nghiệm cho nhân viên y tế tại các khoa phòng có yếu tố nguy cơ. Chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai việc tiêm vaccine theo kế hoạch và chỉ đạo của Bộ Y tế.
Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế trên địa bàn để thực hiện rà soát, thống kê đối tượng tiêm vaccine Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Khi học sinh, sinh viên các đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đi học trở lại, nhà trường phải tổ chức khử khuẩn; yêu cầu khai báo y tế, nắm bắt chắc số lượng học sinh, sinh viên quay trở lại từ các vùng dịch để phục vụ giám sát dịch tễ tại cộng đồng; học sinh đến trường phải đeo khẩu trang và được giám sát, kiểm tra thân nhiệt thường xuyên theo quy định. Chủ động xây dựng kịch bản chi tiết tại nhà trường, cơ sở giáo dục khi học sinh, học viên, sinh viên đi học trở lại, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, Sở Văn hóa & Thể thao, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, các di tích trên địa bàn TP, các điều kiện để sẵn sàng mở cửa trở lại khi được phép.
Thủ tướng: "Những người có nguy cơ cao tiêm vaccine Covid-19 trước"
Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành trong ngày hôm 24/2 về tiêm vaccine với đối tượng được ưu tiên miễn phí.
Sáng 24/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ theo hình thức trực tuyến về phòng, chống COVID-19, với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại các đầu cầu.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành trong ngày hôm nay 24/2 về tiêm vaccine với đối tượng được ưu tiên miễn phí. Theo đó, ưu tiên tiêm trước cho nhân viên y tế tại cơ sở điều trị, cơ sở xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu; lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly; lực lượng truy vết khoanh vùng dập dịch tại vùng có dịch; lực lượng phòng chống dịch tự nguyện.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương ngành y tế, các lực lượng chức năng, các địa phương nỗ lực trong phòng chống dịch, đồng thời biểu dương các tổ chức, cá nhân đã có nhiều hành động nhân văn hỗ trợ, đồng hành với các y bác sĩ và người dân vùng dịch gặp khó khăn.
Thủ tướng đánh giá cao Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương đã xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch. Bộ Y tế đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương có vaccine phục vụ người dân và đã có lô vaccine đầu tiên về Việt Nam. Các lô vaccine tiếp theo sẽ tiếp tục về Việt Nam.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế phải thần tốc, mạnh mẽ, kịp thời quyết liệt để tiêm vaccine cho các đối tượng. Tuy nhiên, có vaccine không có nghĩa là chủ quan mà chiến lược của chúng ta là vaccine 5K, trong đó trước hết là đeo khẩu trang.
"Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Y tế, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị đã có ý kiến, Thủ tướng giao cho Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ dự thảo một Nghị quyết của Chính phủ ban hành trong ngày 24/2 về tiêm vaccine với đối tượng được ưu tiên miễn phí. Chiến lược là 100 triệu dân được tiêm vaccine, nhưng không thể cùng lúc tiêm cho 100 triệu dân và cũng không đủ vaccine ngay một lúc để tiêm. Đó là thứ tự ưu tiên cho nhân viên y tế tại cơ sở điều trị, cơ sở xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu; lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly; lực lượng truy vết khoanh vùng dập dịch tại vùng có dịch; lực lượng phòng chống dịch tự nguyện. Các đối tượng khác sẽ theo Nghị quyết của Chính phủ. Một nguyên tắc rất quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao trước, nguy cơ thấp sau; vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế là đầu mối tiếp nhận các kênh có vaccine để có nhiều loại vaccine phù hợp với điều kiện của Việt Nam, giá cả hợp lý, thông tin minh bạch, nhanh chóng tiêm vaccine cho các đối tượng Thủ tướng đã nêu. Thủ tướng đồng ý với đề xuất của một số địa phương như Hải Phòng, Hà Nội theo phương châm xã hội hóa.
Cùng với việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, bộ Y tế và cơ quan liên quan phối hợp ban hành ngay quy trình tiêu thụ hàng hóa nông sản của vùng có dịch, đảm bảo an toàn, không ngăn sông cấm chợ. Các địa phương phải chủ động trong công tác phòng, chống dịch theo phân cấp và theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng và Chính phủ không quyết định thay các địa phương.
Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng đồng ý để các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng, đảm bảo lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, không ngăn sông cấm chợ, nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh việc sản xuất an toàn, không chủ quan, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tiếp tục có các biện pháp cho học sinh học tập bằng cách thức phù hợp. Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và UBND các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly, thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung, không để lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung. Tiếp tục tăng cường chỉ đạo kiểm soát khu vực biên giới, đường bộ, đường thủy, không để nhập cảnh trái phép dẫn đến nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng. Các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước theo quy định, Bộ Ngoại giao xem xét đề xuất.
Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng chuẩn bị một số khu vực giao dịch an toàn như kinh nghiệm của Singapore, nhằm tháo gỡ khó khăn hiện nay.
Tinh thần là chủ động, không được coi thường, buông lỏng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.
Hơn 10.700 em bé chào đời trong 5 ngày Tết Ngày 14-2, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có báo cáo nhanh về tình hình khám, chữa bệnh, cấp cứu, tai nạn, ngộ độc trong 4 ngày nghỉ Tết được tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế 63 tỉnh, thành phố và y tế ngành trên toàn...