Hà Nội thí điểm phát thẻ đi chợ theo giờ
UBND quận Tây Hồ đã thí điểm phát thẻ đi chợ theo khung giờ và theo ngày chẵn, lẻ từ ngày 27/7.
Để hạn chế việc tụ tập đông người tại các chợ, góp phần phòng, chống dịch COVID-19, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã; lãnh đạo các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn thành phố, về việc thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế, của UBND thành phố về phòng chống dịch, nhằm mục đích giảm thiểu tối đa lượng người đi ra chợ, tránh tập trung đông người. Trên tinh thần này, UBND quận Tây Hồ đã thí điểm phát thẻ đi chợ theo khung giờ và theo ngày chẵn, lẻ từ ngày 27/7. Đây là quận đầu tiên của Hà Nội thực hiện chủ trương này.
UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ) phát thẻ đi chợ cho người dân trên địa bàn. Ảnh TTXVN phát
Sáng sớm ngày 27/7, tại chợ Nhật Tân, phường Nhật Tân, UBND phường đã lường trước được những bỡ ngỡ của người dân khi ngày đầu thực hiện đi chợ bằng thẻ nên đã bố trí 9 tổ lưu động, hướng dẫn người dân từ xa. Riêng tại cổng chợ Nhật Tân, UBND phường đã cho lắp một hàng rào sắt, phân luồng người ra vào và tổ chức cắt cử lực lượng đo thân nhiệt. Đồng thời, kiểm soát phiếu người ra vào chợ một cách khoa học, nhanh chóng và đảm bảo khoảng cách.
Tại các gian, quầy hàng, UBND phường Nhật Tân cũng cho kẻ vạch, đánh dấu vị trí để người đến mua hàng biết thực hiện, đảm bảo giữ khoảng cách giữa người bán và người mua theo quy định về phòng, chống dịch.
Ông Đặng Hữu Tiến, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân đánh giá, bước đầu người dân đi chợ bằng phiếu đã không gặp trở ngại nào, số lượng ra vào chợ đã giảm 50% so với ngày thường. UBND phường sẽ bố trí lực lượng tiếp tục duy trì việc kiểm soát người ra vào chợ cho đến khi Chỉ thị 17 của UBND thành phố hết hiệu lực.
Video đang HOT
Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết thêm, đặc thù địa phương có nghề trồng hoa cây cảnh, nhất là cây hoa đào cần phải được chăm sóc thường xuyên nên ngoài phát thẻ đi chợ để hạn chế tập trung đông người, phường còn phát thẻ lao động cho các hộ gia đình. Mỗi hộ một người, được phép ra vào bãi đào phường Nhật Tân làm việc trong thời gian giãn cách xã hội.
Chị Vũ Thị Ánh Nguyệt, ngõ 690 đường Lạc Long Quân cho biết, gia đình nhận được thẻ đi chợ vào các thứ 3, 5 và 7 hàng tuần với thời gian từ buổi sáng từ 5h30-6h30, buổi chiều từ 15h30-16h30.
“Lúc đầu cũng cảm thấy bỡ ngỡ, lạ lẫm và có đôi chút suy tư khó chịu. Tuy nhiên, khi bình tâm nghĩ lại tôi thấy, việc kiểm soát người ra vào chợ của chính quyền cũng là để giữ khỏe cho người dân trên địa bàn”, chị Nguyệt nói.
Người dân đến chợ Nhật Tân (Nhật Tân) được kiểm tra thẻ và đo thân nhiệt. Ảnh TTXVN
Bác Bùi Thị Hằng, người dân của phường Nhật Tân chia sẻ, khi nhận được thẻ đi chợ do bác tổ trưởng phát kèm những lời dặn dò rất kỹ về vị trí chợ được đi, giờ đi; không để ai thu thẻ, thẻ dùng được nhiều lần, nhiều người dân tại phường Nhật Tân không có gì ngỡ ngàng bởi thực tế, việc phát thẻ đi chợ theo giờ đã được một số tỉnh tại miền Nam triển khai trước đó.
“Là người dân, nên chúng tôi tuân thủ và chấp hành đúng quy định của nhà nước đề ra và hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi”, bác Bùi Thị Hằng nói.
Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngày 26/7, UBND quận Tây Hồ ban hành công văn số 1304/UBND-KT gửi UBND các phường trên địa bàn yêu cầu triển khai làm thẻ vào chợ cho các hộ gia đình, học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn quận Tây Hồ.
UBND quận yêu cầu UBND các phường khẩn trương triển khai và cung cấp thẻ vào chợ cho các hộ gia đình, học sinh, sinh viên, người lao động thuê nhà trên địa bàn, xong trước ngày 27/7 và hướng dẫn, phối hợp với ban quản lý các chợ trong việc thu thẻ vào chợ hàng ngày.
Về cách thức phát hành thẻ, UBND quận chỉ đạo, thẻ ra vào chợ phải có đóng dấu của UBND phường. Chính quyền địa phương tự quy định ngày vào chợ và in rõ trên thẻ vào chợ, đảm bảo cứ 3 ngày đi chợ 1 lần, luân phiên giữa các hộ gia đình.
Thẻ có giá trị sử dụng 1 lần tại 1 chợ bất kỳ tại địa bàn để tạo thuận lợi cho người dân. Mỗi gia đình được phát 5 thẻ sử dụng trong 15 ngày. Việc phát thẻ đi chợ phục vụ điều tra, truy vết dịch tễ khi cần thiết, trong trường hợp dịch xuất hiện trên địa bàn.
“Ngoài việc phát thẻ đi chợ, hiện quận cũng chỉ đạo các địa phương rà soát và lập danh sách các tiểu thương tại các chợ trên địa bàn để xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 cho nhóm người này”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thông tin.
Hà Nội hiện có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa…
Thành phố cũng bố trí 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Điều này có thể thấy, nguồn lương thực, thực phẩm tại địa bàn Hà Nội dồi dào. Vấn đề ở đây là chính quyền cần kiểm soát chặt chẽ người ra vào chợ, trung tâm thương mại để hạn chế lây lan dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Hà Nội: Lập danh sách 700 người chuyên giao nhận hàng hóa
Sở Công Thương Hà Nội đã lập danh sách 700 người sử dụng xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp được cấp thẻ vận chuyển.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn; trong đó, giao Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức phương án vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu được lưu thông thuận lợi trên địa bàn thành phố phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Hà Nội cho phép "shipper" của các sàn thương mại điện tử được hoạt động. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức
Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đã lập danh sách 700 người sử dụng xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp được cấp thẻ vận chuyển gồm: Công ty CP thực phẩm Hương Sơn với 13 người chuyên giao nhận hàng hóa (shipper), Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt 17 shipper; Công ty CP Tiên Viên 4 shipper; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Thương mại dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long 49 shipper; Công ty TNHH 2-9 Hà Tây 8 shipper; Công ty TNHH bán lẻ Fuji Mart Việt Nam 39 shipper; Công ty TNHH bán lẻ BRG 182 shipper.
Hệ thống siêu thị Mường Thanh tại Hà Nội 75 shipper; Công TNHH Thương mại Sài Gòn Co.op Hà Nội 21 shipper; Công ty CP Quốc tế Homefarm 174 shipper; HTX DVTH Đông Cao 1 shipper; Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam 19 shipper; Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Hà Nội 33 shipper; Công ty AEON Việt Nam 34 shipper; Công ty CP kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội 2 shipper.
Sở Công Thương Hà Nội cũng đã đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị khẩn trương đăng ký và hướng dẫn các lái xe, giao nhận, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn thành phố.
Những người vận chuyển hàng hóa này sẽ được cấp thẻ vận chuyển giao hàng bằng xe mô tô 2 bánh cho các siêu thị trên địa bàn thành phố; nhân viên bưu tá có nhu cầu hoạt động trên địa bàn bao gồm: họ tên, địa chỉ, số điện thoại di động, biển số xe, địa bàn hoạt động.
Sức mua tăng, chợ truyền thống và siêu thị Hà Nội đẩy mạnh bán online Sáng 24/7, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhìn chung người dân chấp hành nghiêm túc và không có tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ, hàng hóa dồi dào, giá ổn định. Người dân mua sắm tại siêu thị VinMart - Times City trong sáng 24/7....