Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn khi triển khai sách giáo khoa lớp 10
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lớp 10 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cùng đặc thù là cấp học định hướng nghề nghiệp, nhiều thầy cô giáo, nhà trường đứng trước không ít khó khăn.
Tác giả sách Lịch sử lớp 10 của Chương trình giáo dục phổ thông mới giới thiệu sách tới các giáo viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sẵn sàng tâm thế dạy học
Đảm nhiệm dạy môn Ngữ văn lớp 10 trong năm học tới nên trong thời gian qua, cô Phan Hồng Hạnh – giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ), ngoài việc tiếp cận với bản sách PDF còn chủ động đăng ký tham gia hội thảo giới thiệu sách của các nhà xuất bản.
Theo cô Hạnh, triển khai sách giáo khoa mới ở khối THPT sẽ có những khó khăn đặc thù so với các khối lớp dưới. Lớp 9, các em học sách giáo khoa cũ, vẫn nặng nề về học nhồi kiến thức. Khi lên lớp 10, các em phải thay đổi phương pháp học nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, nếu triển khai chương trình mới mà vẫn học trực tuyến thì việc tiếp cận kiến thức sẽ rất vất vả.
Còn thầy Nguyễn Mạnh Hùng – giáo viên Trường THPT Vạn Xuân (huyện Hoài Đức) – cho biết: Năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 nên nhiều giáo viên không tránh khỏi lo lắng. Trước đây, các thầy cô quá quen với bài giảng, giáo án kiểu cũ, giờ phải tìm cách thích nghi. Dù vẫn là những bài học đấy nhưng cách dạy phải khác hoàn toàn.
Do đó, giáo viên được phân công dạy lớp 10 năm nay đã không ngừng nghiên cứu tài liệu, học hỏi lẫn nhau. Đơn cử đối với môn Toán, ở nội dung kiến thức về xác suất thống kê, theo chương trình mới, học sinh được tiếp cận từ lớp 2 và học tiếp cho tới lớp 9, với khoảng 80 tiết. Thiết kế nội dung này ở sách lớp 10 là sự tiếp nối các cấp học trước, và giáo viên phải có cách truyền đạt phù hợp.
Để triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới được thuận lợi thì yếu tố then chốt nhất là đội ngũ giáo viên. Việc bồi dưỡng tiếp cận sách giáo khoa mới đang gấp rút triển khai. Tuy nhiên, công tác này lại đang là một thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.
Video đang HOT
Thời điểm này các thông tin về chương trình mới như chuyên môn, nội dung chương trình đều được giáo viên Trường THPT Hồng Thái (huyện Đan Phượng) nắm vững. Tinh thần của chương trình cũng được giáo viên tiếp thu, đổi mới trong một số tiết học hiện hành theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh nên chắc chắn không gặp khó khăn về phương pháp.
Dù vậy, cái khó nhất theo thầy Phạm Huy Thiệp – Hiệu trưởng nhà trường là tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó khăn cho những buổi tập huấn chuyên môn. Cùng với đó, do chưa xác định được cách thức tuyển sinh theo chương trình mới như thế nào, có gì khác so với tuyển sinh đã thực hiện theo chương trình hiện hành hay không, nên việc phân bố sắp xếp, tuyển dụng giáo viên còn lúng túng.
Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh minh họa
Linh hoạt triển khai chương trình mới
Ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội – nhận định: Thực hiện đổi mới chương trình lớp 10 khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều so với đổi mới ở cấp tiểu học THCS.
Với cấp tiểu học và THCS là kiến thức cơ bản mang tính chất nền tảng, nhưng đối với cấp THPT mục tiêu là định hướng nghề nghiệp. Ngoài các môn học bắt buộc, sẽ có các môn học tự chọn. Việc các em lựa chọn các tổ hợp không đều nhau sẽ dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Vì vậy, cần nghiên cứu để làm sao có thể tuyển sinh, xếp lớp phù hợp với điều kiện của nhà trường, nhưng đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu của các em trong việc lựa chọn môn học.
Về vấn đề này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có một số hội thảo bàn về giải pháp triển khai khi gặp vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ. Cùng với đó là việc đầu tư trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho các môn học nói chung cùng cơ sở vật chất cho môn học đặc thù như phòng học âm nhạc, mỹ thuật, đủ để đáp ứng được nhu cầu khi các em đăng ký tham gia.
Việc bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình mới cũng rất quan trọng. Do đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức giới thiệu SGK lớp 10 phục vụ cho năm học 2022 – 2023. Trong buổi giới thiệu sách, các chủ biên, tác giả đã truyền đạt ý tưởng trong quá trình biên soạn SGK, nội dung, định hướng phương pháp giảng dạy của các cuốn tài liệu…
Nhấn mạnh việc giáo viên cần hiểu rõ ý tưởng của tác giả viết sách, vì điều này sẽ giúp các thầy cô thuận lợi hơn trong quá trình triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới, ông Tiến lấy ví dụ: Lớp 6 có môn học mới là Khoa học tự nhiên, gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học. Khi triển khai dạy môn này, cần theo trình tự logic; ý tưởng của tác giả viết sách.
Lúc đầu tại nhiều trường xảy ra tình trạng dạy hết phân môn Vật lý, sau chuyển sang Hóa học, Sinh học để đảm bảo đủ tiết dạy cho giáo viên. Nhưng đây là cách dạy máy móc, không đúng với ý tưởng của người biên soạn. Cụ thể, có những bài phải học Vật lý rồi mới đến Hóa học, hay học Hóa học xong mới đến Sinh học.
Chính vì vậy khi xuất hiện tình huống như vậy, sở đã quán triệt đến các nhà trường phải bố trí giáo viên dạy theo trật tự logic của môn học. Có thể những tuần này giáo viên môn này phải tăng tiết, giáo viên môn khác giảm tiết để đảm bảo logic của quá trình biên soạn sách, học sinh đảm bảo theo đúng chương trình. Khi triển khai sách giáo khoa mới đối với lớp 10, các thầy cô cũng phải lưu ý đến điều này.
Nhà trường sẽ tăng cường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ nội dung Chương trình, sách giáo khoa mới và bố trí giáo viên giảng dạy để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế. Cùng với đó đề xuất phương án hợp đồng giáo viên dạy các môn nghệ thuật để học sinh được tham gia theo nguyện vọng, huy động các nguồn lực để bổ sung các thiết bị dạy học theo chương trình mới. - Thầy Phạm Huy Thiệp
Khó khăn trong thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở miền núi
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 lần đầu được đưa vào Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với tư cách không phải môn học mà là một hoạt động giáo dục đặc thù, bắt buộc.
Tuy nhiên, nhiều trường học ở khu vực miền núi lại gặp một số khó khăn khi triển khai thực hiện.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của học sinh Trường THCS thị trấn Quan Hóa với chủ đề 1: Trường học của em. (Ảnh nhà trường cung cấp)
Cơ sở vật chất thiếu, điều kiện tổ chức hạn chế...
Hiện nay, tất cả các trường cấp THCS trên địa bàn tỉnh đang sử dụng sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6, bộ sách Cánh Diều. Cuốn sách này quán triệt sâu sắc tư tưởng mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống. Từ đó, góp phần hình thành năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Theo phân phối chương trình, một tuần có 3 tiết học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ở Trường THCS thị trấn Quan Hóa (Quan Hóa), do chưa có giáo viên chuyên trách nên chủ yếu dạy kiêm nhiệm. Theo đó, 3 tiết học này được phân cho 3 người đảm nhiệm: Tiết 1 (sinh hoạt dưới cờ) do ban giám hiệu điều hành; tiết 2 (sinh hoạt chủ đề) do cô giáo dạy nhạc phụ trách; tiết 3 (sinh hoạt lớp) là giáo viên chủ nhiệm.
Tiếp cận với hoạt động giáo dục mới này, bên cạnh những thuận lợi như học sinh hứng thú học tập, giáo viên được tìm tòi, mở mang kiến thức thì vẫn còn gặp một số khó khăn. Giáo viên âm nhạc Trường THCS thị trấn Quan Hóa Nguyễn Thị Thùy Linh, cho rằng: "Rất nhiều khó khăn đặt ra. Thứ nhất, giáo viên thiếu, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động này chưa đáp ứng được. Thứ hai, trên địa bàn huyện không có nhiều địa điểm để tổ chức trải nghiệm, học tập; nếu có thì khoảng cách xa, điều kiện đưa các em đi rất khó. Trong khi đó, kinh phí tổ chức không có, vì vậy, chúng tôi chỉ có thể... cho các em đi chăm sóc, thắp hương nghĩa trang liệt sĩ của xã".
Theo thầy giáo Nguyễn Mạnh Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Thành Minh (Thạch Thành), học sinh nhà trường rất háo hức với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ở đó, các em được thể nghiệm các cảm xúc tích cực, vận dụng kinh nghiệm đã có của bản thân qua các chủ đề. Sự ủng hộ của giáo viên, phụ huynh, là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khó khăn cũng không ít. "Có những chủ đề, đòi hỏi sự tương tác giữa học sinh với môi trường bên ngoài, nhưng các em chỉ có thể tiếp cận với sách giáo khoa và trong lớp học. Lớp học cũng không có ti vi, máy chiếu... Bên cạnh đó, địa bàn huyện ít cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, nên việc tổ chức tham quan còn hạn chế, hơn nữa kinh phí tổ chức cũng không có để thực hiện. Vì vậy, đến lúc này, nhiều học sinh nhà trường vẫn chưa được đặt chân đến Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, hay Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh", Hiệu trưởng Trường THCS Thành Minh, Nguyễn Mạnh Thắng cho biết.
Giải pháp
Ở cấp THCS, chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động phát triển cá nhân, lao động vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.
Đứng trước những khó khăn đối với hoạt động giáo dục này, phòng giáo dục và đào tạo các huyện ở miền núi đã đưa ra nhiều giải pháp, như chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng chương trình, kế hoạch và phương pháp tổ chức khoa học, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường. Khi xây dựng chương trình học, chú ý đến việc vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học để học sinh vẫn được trải nghiệm và đạt được yêu cầu bài học. Chú trọng các hoạt động giáo dục tập thể, ngoài giờ lên lớp và lồng ghép tích hợp với các môn học khác sao cho vừa hợp lý vừa hiệu quả.
Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thành: "Để khắc phục những khó khăn, chúng tôi tăng cường sinh hoạt chuyên môn cụm trường để giáo viên có cơ hội bồi dưỡng, học tập và trao đổi nghiệp vụ. Ngoài ra, chỉ đạo các nhà trường phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh thực hiện với yêu cầu 100% phụ huynh biết về ý nghĩa của môn học để cùng tham gia với con khi học sinh thực hiện trải nghiệm ở nhà". Còn theo ông Lò Đức Liêm, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa: "Trong những năm học tới, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện để hỗ trợ kinh phí hoặc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn".
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 được xem như phương tiện "dạy người" trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đây cũng là cơ hội để học sinh tự tin hơn trước các tình huống thông qua 9 chủ đề, như: Thầy cô - người bạn đồng hành; Tiếp nối truyền thống quê hương... Tuy nhiên, trong điều kiện còn khó khăn, thiết nghĩ, sự quan tâm để đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng hoạt động giáo dục này phải được đặt lên hàng đầu, nhất là khi việc xã hội hóa để có nguồn kinh phí trải nghiệm tham quan, học tập là điều không dễ thực hiện đối với các trường học khu vực miền núi...
Tôn trọng ý kiến giáo viên trong lựa chọn sách giáo khoa Trong tháng 3/2022, giáo viên tại các trường học trên cả nước, trong đó có Hà Nội đã và sẽ có cơ hội tiếp cận toàn diện, đa chiều với các bộ SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sẽ đưa vào sử dụng từ năm học 2022- 2023 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên hào hứng Từ...