Hà Nội: Những khoản thu “ủng hộ” tại trường mầm non Ánh Dương
Theo phản ánh của phụ huynh học sinh đang cho con học tại trường Mầm non Ánh Dương (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều khoản thu đầu năm học có nhiều bất cập.
Tháng 9 vừa qua, năm học 2019 – 2020 đã bắt đầu. Đi kèm theo đó là nỗi lo của không ít phụ huynh về các khoản đóng góp đầu năm.
Phản ánh đến PV Kiến Thức, phụ huynh (xin được giấu tên) có con đang theo học tại trường Mầm non Ánh Dương (có địa chỉ tại ngõ 108 Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đầu năm học 2019 – 2020, ngoài các khoản học phí, còn phải đóng các khoản tiền khác, đặc biệt là tiền điều hòa.
Trường Mầm non Ánh Dương tại ngõ 108 Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Các khoản thu khác ngoài học phí trong văn bản của trường mà phụ huynh trước đó đã phải đóng gồm tiền ăn (30.000 đồng/ngày/trẻ), nước uống (12.000 đồng/tháng/trẻ), chăm sóc bán trú (150.000 đồng/học sinh/tháng), trang thiết bị phục vụ bán trú (150.000 đồng/học sinh/năm học) và học phẩm (150.000 đồng/học sinh/năm học).
“Trưởng ban phụ huynh của lớp lại do giáo viên chủ nhiệm chỉ định chứ không phải bầu cử. Người này liên tục thông báo về các khoản thu, kêu gọi ủng hộ tiền điều hòa cùng các khoản phí khác cho lớp. Mặt khác, phí này do trường chứ không phải đơn vị thứ ba báo giá.
Trưởng ban phụ huynh cho biết, mức tổng thu tiền điều hòa mà phụ huynh lớp phải đóng là 24.530.000 đồng. Theo quan điểm cá nhân, việc ‘kêu gọi ủng hộ’ này là bắt buộc. Không biết số tiền này sẽ đi về đâu. Liệu có phải trục lợi bất chính?” – một phụ huynh bức xúc nói.
Cũng theo phản ánh, ngoài tiền điều hòa, phụ huynh cũng “nên” đóng thêm tiền đồng phục cho học sinh với giá 155.000 đồng/bộ.
Khoản thu tiền điều hòa mà phụ huynh trường Mầm non Ánh Dương cho là vô lý.
Trước đó, để đảm bảo tình trạng lạm thu các khoản đầu năm học không diễn ra, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản số 3213/SGDĐT-KHTC gửi UBND các quận, huyện, thị xã; các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở yêu cầu thực hiện chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo phục vụ cho năm học mới năm 2019 – 2020.
Cụ thể, 7 khoản tiền Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội là: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Video đang HOT
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm được hiện trên nguyên tắc công khai, dân chủ… Ban đại diện cha mẹ học sinh sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất ý kiến. Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.
Mặt khác từ năm 2018, Hà Nội đã ban hành công văn 3464/UBND-KGVX, trong đó tuyệt đối cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định; trường nào để xảy ra tình trạng lạm thu, Hiệu trường sẽ bị xử lý nghiêm.
Để rộng đường dư luận, PV đã đặt lịch làm việc ở trường Mầm non Ánh Dương, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân và liên lạc với ông Phạm Gia Hữu – Trưởng phòng GD-ĐT quận này nhưng chỉ nhận được sự im lặng.
Kiến Thức sẽ tiếp tục phản ánh thông tin về sự việc.
Theo thông tin của Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân, Trường mầm non Ánh Dương được thành lập theo Quyết định số 907/QĐ-UBND ngày 2/4/2019 của UBND Quận Thanh Xuân do bà Đinh Thị Hòa làm hiệu trưởng. Trường có tổng diện tích 3356m2, với 17 lớp học với diện tích trung bình mỗi lớp 61m2 (bình quân 1,5m2/trẻ), đầy đủ trang thiết bị dạy và học an toàn, hiện đại.
Theo tìm hiểu, trên website của Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân có danh sách các trường mầm non trên địa bàn, bao gồm trường Mầm non Ánh Dương. Tuy nhiên, danh bạ trường này không được công khai.
Theo kienthuc
Hiệu trưởng đừng "mượn tay" Ban đại diện cha mẹ học sinh để lạm thu
Những người được chọn vào Ban đại diện cha mẹ học sinh, tất nhiên phải là người có uy tín, có vị thế, có quan hệ xã hội rộng, và có điều kiện kinh tế.
Nếu làm đúng chức năng, Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các nhà trường phổ thông sẽ là một cầu nối quan trọng với nhà trường trong việc phối hợp giáo dục, chăm sóc học sinh được tốt hơn.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa được nhà trường đặt vào một vị trí đúng theo vai trò và chức năng hiện hành đã được quy định.
Vì vậy, Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động cũng mờ nhạt, không phát huy được vai trò của mình mà đôi khi còn bị dư luận gán cho cái tội là cánh tay nối dài trong việc lạm thu hiện nay.
Nhiều phụ huynh không muốn tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh. (Ảnh mang tính minh họa: teachvn.com)
Ai sẽ tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh?
Khi bước vào đầu năm học được vài tuần là các trường có kế hoạch cho các giáo viên chủ nhiệm họp phụ huynh của lớp mình. Tất nhiên, trong buổi họp này có rất nhiều việc cần thông báo, cần thống nhất và việc bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp là việc bắt buộc đều phải thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế thì việc giới thiệu từ các phụ huynh rất ít xảy ra mà đa số là giáo viên chủ nhiệm lớp giới thiệu và chỉ định một số phụ huynh tham gia vào Ban đại diện.
Tất nhiên, để giới thiệu những người tham gia Ban đại diện của lớp thì giáo viên chủ nhiệm cũng đã "nhắm tới" những phụ huynh nào có thể "đảm đang" được công việc của hội.
Sau khi các lớp tiến hành họp phụ huynh thì nhà trường sẽ tiến hành họp Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường. Việc tìm một người làm trưởng và 2-3 người làm phó Ban đại diện cha mẹ học sinh thường được nhà trường làm công tác tư tưởng từ trước.
Thông thường những vị trí trưởng ban đại diện lớp, trường rất hiếm khi là những những người lao động tay chân, nghèo khó.
Những người được chọn vào Ban đại diện cha mẹ học sinh, tất nhiên phải là người có uy tín, có vị thế, có quan hệ xã hội rộng, và có điều kiện kinh tế. Các tiêu chí này, hiệu trưởng nào cũng phải hướng tới bởi những người như vậy mới "thúc đẩy" được phong trào hoạt động của hội đi lên.
Phụ huynh rất ngại khi tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh
Thực tế, đa số phụ huynh học sinh hiện nay rất quan tâm đến con em của mình khi đang học trong các nhà trường bởi mỗi gia đình chỉ có 1-2 đứa con nên họ luôn mong muốn con mình sẽ được đầu tư, chăm sóc và dạy dỗ tốt nhất.
Chính vì vậy, việc tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp của trường không phải là điều khiến phụ huynh băn khoăn hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác bởi thực tế mỗi năm cũng chỉ họp vài ba lần.
Thế nhưng, việc bầu các phụ huynh vào ban đại diện hiện nay ở các lớp và nhà trường thường gặp khó khăn khi nhiều phụ huynh nhiệt tình, năng nổ lại ngại tham gia. Lý do nào mà họ lại không muốn tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh?
Tất nhiên là sự vất vả, đầu tư thời gian chưa phải là vấn đề quá lớn đối với phụ huynh hiện nay mà cái chính là Ban giám hiệu nhà trường chưa thực sự để họ phát huy tối đa vai trò của mình.
Thường thì nhà trường chỉ cần họ nhất vào thời điểm đầu năm học và muốn họ là người đứng ra quyên góp, vận động, đứng ra ký tên vào các thư ngỏ để vận động phụ huynh đóng góp cho nhà trường.
Tất nhiên, khi "vác tù và hàng tổng" đã không có quyền lợi mà đôi khi họ còn bị phụ huynh khác phản đối hoặc có xảy ra chuyện gì thì phải nhận thay trách nhiệm cho hiệu trưởng nhà trường thì ai muốn gánh vác trách nhiệm tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh làm gì?
Hãy trả lại vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các nhà trường
Thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến lên tiếng là nên giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường bởi còn "cái ban này" là còn lạm thu.
Thực tế, giải tán ban Ban đại diện cha mẹ học sinh thì dễ vô cùng bởi duy trì và hoạt động có hiệu quả mới khó chứ giải tán thì có gì khó khăn đâu.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế thì chúng ta thấy rằng, việc lạm thu trong nhà trường không phải là do Ban đại diện cha mẹ học sinh xướng lên hay đưa ra kế hoạch.
Muốn không còn lạm thu thì cần phải giải quyết gốc rễ vấn đề- đó là lòng tham của một số hiệu trưởng nhà trường hiện nay. Cái này giáo viên không làm được, phụ huynh không làm được mà phải là cấp trên của hiệu trưởng làm.
Thực tế, Ban đại diện cha mẹ học sinh không bao giờ biết trường thiếu gì, cần gì và họ cũng không bao giờ tự tay viết thư ngỏ hay vạch ra các kế hoạch quyên góp, vận động phụ huynh đóng tiền.
Họ thường được hiệu trưởng "động viên, nhờ vả" đứng ra ký tên và kêu gọi phụ huynh đóng góp mà thôi.
Chúng ta đều biết, Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường cũng rất cần thiết trong việc làm một cầu nối với nhà trường để cùng chung tay xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất cho con em mình.
Muốn làm được điều này thì phải trả họ về đúng với chức năng, vai trò đã được quy định. Đồng thời, đừng để Ban đại diện cha mẹ học sinh phải đứng ra kêu gọi phụ huynh...đóng tiền. Ai cần vận động phụ huynh đóng tiền, ai cần tiền xã hội hóa giáo dục phải cần được lộ diện.
Đừng "ném đá giấu tay" khi mượn tay người khác để vận động rồi sau đó chi tiêu như thế nào lại không công khai, minh bạch, tạo nên thị phi cho xã hội và đẩy trách nhiệm cho những người nằm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh phải gánh!
NHẬT DUY
Theo giaoduc.net.vn
Giải pháp chống nạn lạm thu trong năm học mới: Đừng để văn bản một đàng, triển khai một nẻo Những năm học trước, nhiều vụ việc liên quan đến lạm thu liên quan đến việc học tập của các cháu cũng như vận động các khoản tài trợ đầu năm tại một số địa phương sai quy định đã gây bức xúc trong dư luận. Năm học mới này, mặc dù các ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản hướng...