Hà Nội hơn 10.000 F0/ngày, nhiều trường chuyển học online
Số lượng F0 ở Hà Nội tăng cao mỗi ngày, nhiều trường quyết định tạm hoãn học trực tiếp chuyển sang hình thức học online.
Trong 24 giờ qua, số người mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng lên hơn 10.000 ca/ngày, số giáo viên, học sinh F0 cũng tăng nhanh, khiến các trường quay cuồng với lịch học lúc online, lúc offline.
Trong bối cảnh này, nhiều trường quyết định tạm thời chuyển sang học online 100% để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.
Bà Văn Thuỳ Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh cho biết, tính đến ngày 26/2, trường (2 cơ sở Cầu Giấy và Thanh Trì) ghi nhận khoảng 500 học sinh dương tính SARS-CoV-2, chưa kể số học sinh là F1. Khó khăn nhất là hiện hơn 50% cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường mắc COVID-19.
Học sinh Hà Nội đi học trực tiếp sau thời gian dài ở nhà phòng dịch. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)
“Nhiều lớp có 27 học sinh thuộc diện F1, F0. Lớp có số học sinh nhiễm bệnh ít, thầy cô lại bị nhiều nên nhiều tiết, học sinh đến lớp nhưng phải học online. Nếu đi học, một lớp sẽ phải dạy cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Thầy cô đã gồng mình, nay tiếp tục căng thẳng. Do đó, trường quyết định tiếp tục cho 100% học sinh tạm dừng tới trường từ ngày 28/2 để học online đến khi đủ an toàn sẽ mở cửa trở lại”, bà Văn Thùy Dương nói và cho biết, việc làm này nhận được sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh, học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 ở Hà Nội phức tạp như hiện nay.
Từ ngày 21 – 25/2, Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh từng cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 chuyển sang học trực tuyến do thời tiết dưới 10 độ C và số lượng học sinh và giáo viên mắc COVID-19 tăng nhanh.
Video đang HOT
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng T rường Marie Curie cho biết, trường vừa ra thông báo cho toàn bộ học sinh từ khối lớp 7 đến khối 12 tại cơ sở Mỹ Đình chuyển sang học trực tuyến tại nhà từ ngày 28/2 đến hết ngày 5/3.
Theo thầy Khang, hiện phường Mỹ Đình 1 đang thuộc vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam), do đó trường buộc phải tạm dừng dạy học trực tiếp để đảm bảo an toàn cho học sinh và quy định phòng, chống dịch COVID-19. Sau ngày 5/3, trường sẽ căn cứ cấp độ dịch để quyết định hình thức học của học sinh các khối lớp.
Tương tự, Trường Tiểu học – THCS – THPT Nguyễn Siêu quyết định cho học sinh tiếp tục học trực tuyến. Phương án trên được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát 80% cha mẹ học sinh chưa muốn con trở lại trường trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết, tuần qua, số học sinh đi học trực tiếp giảm. Cụ thể, học sinh khối THPT những ngày đầu đi học với tỷ lệ trên 90%, tuần qua còn trên 75%; khối THCS còn hơn 77% đến trường; học sinh tiểu học ở ngoại thành còn 79% đến trường.
Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh; hỗ trợ các nhà trường về y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Con tôi ngày nào cũng hỏi một câu: "Mai đi học hay ở nhà hả mẹ?"
Nhiều lúc tôi cũng không ngờ đến lúc phải trả lời một câu hỏi lạ lùng như thế này....
Câu hỏi thời đi học Covid-19 của đứa trẻ 10 tuổi
"Mẹ ơi, mau lên không con muộn giờ vào lớp bây giờ", con gái lớp 4 quáng quàng kéo chiếc ba lô to ra khỏi phòng. Tôi ngạc nhiên bảo: "Nay con học online mà, lớp con có F0, cô nhắn từ hôm qua con quên rồi à?". Con bé xị cả mặt xuống và bảo: "Thế mà con quên mất".
Bữa cơm tối hôm ấy con tôi lại hỏi: "Thế mai đi học hay ở nhà hả mẹ?". Tôi nói rằng phải chờ thông báo của cô, con bé buồn rầu: "Vừa đi học được mấy buổi rồi lại thôi, buổi tối con cứ lo không được đi học". Thế rồi từ đó đến nay ngày nào con bé cũng hỏi chỉ duy nhất một câu: "Mai đến trường hay ở nhà hả mẹ?".
Ảnh minh họa
Tôi có lúc phát cáu vì ngày nào cũng điệp khúc 1 câu hỏi quen thuộc như thế: "Nhiệm vụ của con là học, còn đến trường hay học online cũng chỉ là 1 cách học, con không cần quan tâm quá. Mẹ cập nhật tình hình ở chỗ cô giáo rồi, có gì cần báo là mẹ sẽ nói cho con biết ngay. Học ở đâu không quan trọng, quan trọng là mình có tập trung học hành thôi". Nói với con những câu lý thuyết như thế này xong tôi cũng thấy không phải cho lắm, đến chính mình còn chưa biết ngày mai con học thế nào và sẽ xử lý ra sao mà lũ trẻ sốt ruột lại không cho phép.
Tôi mang tâm sự này kể với 1 số người bạn thì họ cũng trong tình trạng tương tự. Con tôi học ở một trường ngoại thành Hà Nội nên đi học sớm hơn con nhà bạn. Lũ trẻ nhà bạn tôi đã ở nhà quá lâu, đợt vừa rồi khi có "lệnh" chuẩn bị Hà Nội nội thành đi học trực tiếp lại, bạn về quê đón con lên Hà Nội để chuẩn bị đi học. Mà cuối cùng thông tin báo đến bất ngờ "quay xe"... hoãn. Cuối cùng bạn lại đành nghỉ làm vào ngày đầu tuần để đưa con về quê chứ 2 vợ chồng đi làm, con cái ở nhà không có ai trông. Từ hôm đó, ngày nào con bạn cũng gọi điện lên để hỏi mẹ đã sắp đi học chưa. Trước đó thì cháu không hỏi quá nhiều vì đã xác định học online lâu dài.
Một người bạn khác con vừa quay trở lại trường được 1 ngày và rồi lại chuyển về học trực tuyến. Ngày nào con bạn cũng lấy điện thoại mẹ để xem thông báo của cô xem có sắp sách vở tới trường không.
Lũ trẻ như con rối bị giật dây, học hành kiểu "thời vụ" nên tâm lý cũng như chơi tàu lượn
Dù Hà Nội đang ở trong thời kỳ bình thường mới, nhưng hiện tại số ca dương tính ngày nào cũng báo "đỉnh", đồ thị số ca mắc cứ tăng không có giảm. Còn lịch đi học của lũ trẻ thì "sin cos" đánh võng như tài lượn lên xuống thất thường, khúc cua thì hiểm hóc. Kéo theo việc này là lũ trẻ cứ thẩm thỏm đi học hay ở nhà mà người lớn cũng sốt ruột theo.
Học online lại có nhược điểm con học không tập trung, lúc chơi game, lúc lén lút xem youtube trong giờ. Mà nếu đi học trực tiếp thì lo con bị lây nhiễm Covid-19 từ bạn, rồi lại còn nửa buổi tất tả về đón con do không tổ chức học bán trú, nên nhiều gia đình vẫn chưa tính xong phương án đưa đón, chăm sóc con cái cho hợp lý nếu chuyện đi học trở lại xảy ra. Ngay trong gia đình tôi chuyện này cũng trở nên khó khăn.
Đáng thương hơn là lũ trẻ như con rối cho người lớn giật dây, lúc báo chuẩn bị đi học chúng reo vui tung trời, lúc lại báo chưa đi đợi đến khi có chỉ thị mới, khi khác lại chuẩn bị tinh thần đi học... vì thế chúng cũng trở nên hoang mang, bối rối với tâm lý học hành có vẻ... tạm bợ, bất ổn.
Lớp con tôi từ một trường hợp F0 hiện tại con số đã lên thành 10, lo lắng cho con mình khi là F1 là 1 chuyện, nhưng con tôi "thú nhận" có hẹn bạn Huyền trao đổi 1 món đồ chơi, hơn nữa cô bé cũng muốn được gặp cô, gặp bạn bè và vẫn ngóng đi học.
Ảnh minh họa
Tin nhắn của cô trong nhóm lớp vừa báo đến: "Thêm 2 trường hợp F0 mới. Phụ huynh theo dõi kĩ sức khỏe của con, lớp mình cũng chiến đấu "đánh bay Covid" nhé. Lịch học khi nào quay trở lại trường giáo viên sẽ thông báo sau".
Tôi cho con trực tiếp xem tin nhắn của cô để con đỡ thắc mắc hay thấp thỏm nữa. Mặt con bé không vui nhưng cũng lên giường đi ngủ như mọi ngày. Ấy vậy mà sáng ngày ra câu đầu tiên con hỏi tôi vẫn là: "Mai đi học ở trường hay học ở nhà hả mẹ?".
Dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến: Giáo viên quay cuồng, học sinh mệt nhoài F0 ở trường ngày càng tăng, lớp ít dần học sinh, việc kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến khiến giáo viên và học sinh quay cuồng. 7h05 sáng, cô Nguyễn Minh Hường, giáo viên một trường THPT quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhanh chóng thực hiện các thao tác lắp đặt máy móc, thiết bị cho tiết học đầu ngày....