Hà Nam: Tròng trành qua đò, vượt sông tìm chữ
Mỗi ngày, hàng trăm em học sinh và người dân thuộc thôn Nam Công, Tân Lập và thôn kinh tế mới Nam Tân (xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) phải đi trên những chuyến đò ngang đầy bất trắc, nguy hiểm luôn rình rập, để được đến trường, đi học và đi làm.
Con sông Đáy chảy qua địa bàn xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, chia cắt 3 thôn Nam Công, Tân Lập và kinh tế mới Nam Tân với trung tâm xã Thanh Tân. Để được đến trường học tập và đi làm, hàng chục năm qua, 141 hộ dân với với hơn 1.000 khẩu, thuộc 3 thôn trên, phải vượt sông Đáy trên những chuyến đò mà nguy hiểm luôn rình rập.
Chỉ có một số em học sinh là được trang bị cặp phao.
Có mặt tại bến đò Nam Công, một cảnh tượng dễ nhận thấy là hàng trăm em học sinh thuộc các bậc tiểu học, THCS và THPT, hàng ngày phải đánh cược tính mạng qua sông, không một chiếc áo phao, thiết bị hỗ trợ nào khác, để được đến trường đi học.
Được biết nếu người dân ở các thôn trên không muốn đi bằng đò ngang, thì có thể đi đường vòng, nhưng nếu đi đường vòng thì quá xa so với đi bằng đường đò. Anh Nguyễn Xuân Thinh, cán bộ tư pháp xã Thanh Tân cho biết: “Tôi cũng là người dân bên thôn Nam Công, nhưng nếu đi đường vòng thì tôi mất hơn 30 phút mới tới được UBND xã làm việc, trong khi đi bằng đò thì tôi chỉ mất khoảng gần 10 phút…”.
Học sinh trên con đò.
Hàng ngày các em học sinh ở đây phải đi qua dòng sông rộng hơn 120m này ít nhất là hai lần. Mỗi một lần qua đò, là mỗi một lần các em đối mặt với sự bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi đò luôn chở quá số người quy định và không có áo phao.
Em Trần Văn Hiếu, học sinh lớp 8 chia sẻ: “Đi qua đò em cũng sợ lắm, nhưng bố mẹ em thì bận đi làm, nếu đưa em đi đường vòng đến trường thì mất thời gian, vì vậy mà em phải đi bằng đò, lâu dần nên cũng thành quen rồi”.
Video đang HOT
Bến đò Nam Công có 2 con đò, một con đò trọng tải nhỏ, và một con đò trọng tải lớn. Hai con đò này đều thuộc quản lý của gia đình ông Nguyễn Văn Luyến. Vào những giờ cao điểm, có nhiều người như sáng, trưa và chiều tối, ông Luyến dùng đò trọng tải lớn chở các em học sinh qua sông, còn bình thường thì dùng con đò nhỏ.
Ông Luyến cho biết: “Tôi về làm cái nghề này từ năm 2002. Mấy năm trước thì dân ở đây còn phải dùng đò chèo bằng tay qua sông, nhưng sau đó tôi đầu tư làm thêm hai con đò này để chạy. Mỗi ngày tôi chạy hơn 100 lượt để đưa người qua sông, biết là nguy hiểm, nhưng dân người ta cần mình, mình không bỏ được”.
Con đò này giờ cao điểm có thể chở đến hơn 20 em học sinh.
Không những không đảm bảo về mặt kỹ thuật, những chuyến đò ngang nơi đây còn phải đối mặt với những nguy hiểm về tai nạn giao thông, khi mà mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu, thuyền khai thác cát trọng tải lớn chạy qua bến đò ngang này.
Hiện nay thì chỉ có một số ít các em học sinh tiểu học, được trang bị cặp phao, nhưng số đó là rất ít. Còn các em học sinh THCS và THPT thì không có trang bị cứu hộ. Vào mỗi mùa mưa lũ, nước sông Đáy dâng cao, con đò thì quá nhỏ bé so với dòng sông Đáy rộng lớn. Nhưng cũng không còn cách nào khác, bác lái đò lại tiếp tục công việc chở các em học sinh qua sông để đến trường.
Anh Đinh Viết Đạt, phụ huynh của hai con đang theo học tại trường THCS Thanh Tân cho biết: “Hai đứa nhỏ nhà tôi mỗi lần qua đò là chúng nó sợ lắm. Biết là nguy hiểm, nhưng chúng tôi có còn cách nào khác đâu. Đi đường vòng thì xa quá. Mỗi lần con đi là chúng tôi cứ lo mãi”.
Trao đổi với chúng tôi ông Đinh Văn Đoàn, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: “UBND xã cũng đã kiến nghị lên UBND huyện và Tỉnh xin cấp kinh phí xây cầu, nhưng được bên trên trả lời là, do ở cuối xã và đầu xã đã có hai cầu Bồng Lạng và Kiện Khê, khoảng cách địa lý cũng gần, hơn nữa kinh phí xây cầu cũng không có. Còn nếu làm cầu phao cũng không hợp lý, vì phương tiện giao thông đường thủy qua lại sông Đáy rất nhiều nên tồn tại nhiều vấn đề bất cập…”.
Hàng trăm học sinh chen lấn trên con đò.
Ông Đoàn còn cho biết thêm, hiện nay UBND xã đang có ý định xây dựng thêm một trường tiểu học bên thôn Nam Công, để giảm tải bớt lượng học sinh qua đò, nhưng kinh phí của xã còn hạn hẹp, cho nên việc xây dựng thêm một trường học vẫn đang mới chỉ là dự định.
Đến nay, những chuyến đò chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc nào, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn vẫn đang hiển hiện trước mắt. Ước mơ xây dựng thêm một trường tiểu học còn khó, huống hồ là mơ có cây cầu đi lại cho an toàn. Đứng trên bờ sông, nhìn con đò xình xịch mang theo hàng trăm học sinh quay đầu trôi dần về phía bờ bên kia mà chúng tôi không khỏi lo lắng cho các em học sinh, bởi dòng sông Đáy đang cháy xiết…
Theo DT
Bất chấp tử thần đi tìm chữ
Nhiều năm qua, các em học sinh tiểu học ở thôn 5, xã Liên Srol, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) vẫn đều đặn băng rừng, vượt sông đến trường. Nguy hiểm, gian nan khôn lường nhưng các em vẫn bất chấp để tìm cái chữ...
Người đưa đò tý hon
Sùng Seo Pao xắn quần lội xuống mép nước, tay với nhanh sợi dây kéo chiếc bè tre rồi dùng hết sức neo chặt nó vào bờ. Đợi các bạn xuống bè xong xuôi, Pao với cây sào dài và nhảy phóc lên bè đẩy nó ra giữa dòng. Khi chiếc bè đã nổi hẳn trên mặt nước, Pao gác sào, khom người túm sợi dây kéo bè đi. Chiếc bè loạng choạng, lúc lắc nhưng cuối cùng vẫn bị Pao khuất phục, thẳng hướng vượt sông...
Pao vừa bước sang tuổi 11 được vài ngày nhưng đã có "thâm niên" sông nước hơn 3 năm. Ngày đầu với Pao cũng khá gian nan. 6 tuổi học "nghề" nhưng phải mất một năm sau Pao mới thạo việc lái bè qua sông. Hồi mới đi học, ngày nào bố mẹ cũng phải cắt cử người đưa Pao cùng các bạn qua sông. Thấy việc bất tiện nên Pao mới theo "nghề" và "dính" luôn với nó đến giờ. "Cũng chẳng khó gì, cứ kéo dây là nó chạy thôi mà. Trước đây thì khó vì em yếu quá" - Pao hồn nhiên...
Pao nay đang học lớp 5. Hết năm học này, em sẽ phải bỏ bến sông này để lên THCS nên đang "truyền nghề" lại cho Sùng Thị Xuyến. "Tuy là con gái nhưng to khỏe hơn cả nên chọn nó là thích hợp"- Pao giải thích về lựa chọn của mình.
Băng rừng, vượt sông đến trường
Theo chỉ dẫn của Pao, từ bến đò men theo con đường khúc khuỷu, tôi phải rất vất vả vượt hơn 6km đường rừng với 4 lần leo dốc mới đến được nơi Pao ở.
Nghe hỏi chuyện, ông Sùng Minh Trường (bố Sùng Thị Xuyến) thở dài: "Biết làm sao được hả anh! Ngày nào cũng vậy, nó phải thức dậy từ 3 giờ sáng, ăn vội chén cơm nguội rồi tất tả đến trường. Nhiều hôm gió rét căm căm, nghĩ đến quãng đường mà đứa con gái nhỏ bé của mình phải vượt qua, tôi không cầm được nước mắt. Đã đôi lần tôi định cho nó thôi học nhưng..." - ông Trường bỏ lửng câu nói như có cái gì đó nghẹn họng.
"Để tránh nguy hiểm cho các em, chúng tôi đã thống nhất cho các em nghỉ học vào những hôm trời mưa. Đồng thời, động viên giáo viên chịu khó phụ đạo cho các em". Thầy Nguyễn Quang Hòa
Trong câu chuyện của ông Trường, nỗi vất vả của những đứa trẻ ở đây khó nói bằng lời. Đã có lần những đứa trẻ này rơi xuống sông nhưng may mắn thoát chết. Thương con thì rất nhiều, nhưng tất cả những phụ huynh như ông Trường đều là hộ nghèo, cắm mặt trên nương suốt ngày còn chưa đủ cái ăn thì thời gian đâu mà đưa đón con đến trường. Mùa khô còn đỡ, mùa mưa núi rừng lầy lội, trơn trượt, nước sông dâng cao mà những đứa trẻ khó kham nổi những cực nhọc, gian nan đó.
Trong câu chuyện, có một nỗi ân hận mà với ông Trường nó sẽ ám ảnh ông suốt đời. Hôm ấy đã gần 2 giờ chiều mà vẫn chưa thấy Xuyến đi học về. Trời mưa từ sáng và ngày càng nặng hạt, ông đã ngăn không cho Xuyến đến trường, nhưng rồi cuối cùng cũng chiều con. 12 giờ, ông ra cửa ngóng con. Chờ mãi, chờ mãi... nghĩ đến con sông Đăk Ting vào mùa nước lớn, ruột ông như kiến đốt, chân thấp thỏm ra vào...
"Nỗi lo lắng của ông Trường đã biến thành cơn thịnh nộ khi thấy Xuyến về nhà. Nhưng rồi ông đã phải bật khóc, ôm con vào lòng khi Xuyến thút thít: "Đường trơn quá, con đói lả đi không nổi chứ con đâu có dám đi chơi"...
Gần 5 năm qua, chiếc bè này đã đưa đón hàng chục trẻ em đến trường.
Từ chỗ ở của Xuyến, Pao và gần 30 học sinh tiểu học nữa đến Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong, Đăk Nông) dài đến hơn 10km. Sau khi trèo hết 4 con dốc và vượt suối Đăk Ting, các em còn phải lội bộ thêm 5km nữa mới đến được trường. Và, gần 5 năm qua những đứa trẻ như Pao vẫn đều đặn đi- về. Thế nhưng dù sao đi "tìm chữ" bằng con đường này vẫn là lựa chọn tốt nhất. Ông Trường cho biết, điểm trường gần nhất là ở trung tâm xã Đạ Sal (huyện Đam Rông). Song con đường ấy còn khó khăn hơn rất nhiều lần.
Mơ một mái trường
Với Xuyến, Pao cùng hàng chục bạn đồng lứa của các em và ngay cả phụ huynh các em, nhiều năm qua vẫn đau đáu ước mơ có một ngôi trường gần hơn. Ngay cả thầy Nguyễn Quang Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường Nguyễn Bá Ngọc cũng đã ước mơ như thế: "Trường thành lập từ năm 2007, mỗi năm tiếp nhận từ 25-30 học sinh bên đó. Không nhận cũng không được mà nhận vào thì thêm lo lắng. Nhiều hôm các em đến lớp mặt mày tím tái, áo quần bê bết đất đỏ, vừa lo, vừa thương mà không biết phải làm sao".
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Phú Vinh - Trưởng phòng GDĐT huyện Đam Rông cho biết, hiện ở đây đã có điểm trường tạm Đạ Mpô thuộc Trường Tiểu học Đạ Rsal nhưng cũng chỉ mới giải quyết được chỗ học cho các em mẫu giáo và lớp 1. Trong năm tới, huyện đã đồng ý cho kinh phí xây thêm 2 phòng học nữa. Tuy nhiên, khó khăn là hiện số học sinh lớp 5 của thôn quá ít, chưa đủ để mở lớp. Nên dù có thêm 2 phòng học này, học sinh lớp 5 vẫn phải tiếp tục học bên Trường Nguyễn Bá Ngọc...
Mấy đứa trẻ vẫn nô đùa sau khi kết thúc quãng đường cực nhọc. Chia tay chúng, tôi cũng mơ có một mái trường...
Theo DV
Cận cảnh 101 kiểu đến trường của học sinh Việt Có học sinh thì được đến trường trên chiếc ô tô sang trọng và ấm áp. Có bạn lại phải leo núi, vượt sông... tất cả chỉ có ở học sinh Việt Nam mà thôi. Những học trò nhí của trường tiểu học Lý Thường Kiệt (phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội) được đưa đón tận cổng trường với sự chăm chút của người...