Hà Ánh Phượng – Cô giáo 9X người Mường vừa vào top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu: Câu chuyện từ vườn chuối nhìn ra thế giới và tâm sự nghề giáo 4.0 mùa Covid-19
Hà Ánh Phượng sinh ra ở một vùng quê nghèo Yên Lập, một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ. Ước mơ được trở thành một cô giáo của cô Hà Ánh Phượng được nuôi dưỡng từ khi cô còn nhỏ.
Cô giáo Hà Ánh Phượng, 29 tuổi, là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 50 giáo viên toàn cầu năm 2020. Giải thưởng vinh danh giáo viên trên toàn cầu được Varkey Foundation tổ chức thường niên nhằm tôn vinh thầy cô có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục trên toàn thế giới, được ví như “giải Nobel dành cho giáo dục” của Varkey Foundation.
Trước đó vào tháng 2, cô giáo Hà Ánh Phượng là giáo viên Việt Nam duy nhất giành học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Mỹ dành cho thủ lĩnh trẻ các nước Đông Nam Á và được công nhận danh hiệu MIE Expert – chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft.
Nói về niềm vinh dự này, Phượng chia sẻ: “Việc trở thành một trong 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu có ý nghĩa rất lớn không phải chỉ cho riêng cá nhân tôi mà còn có ý nghĩa với ngành giáo dục tỉnh Phú thọ và giáo dục của cả nước.Tôi nghĩ mình đang truyền thêm nguồn năng lượng lớn để cổ vũ cho các bạn học sinh có thêm động lực và niềm cảm hứng trong hành trình trở thành công dân toàn cầu.”
Về quê để làm cô giáo là cách tốt nhất để tôi có thể “trả món nợ ân tình”
Hà Ánh Phượng sinh ra ở một vùng quê nghèo Yên Lập, một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ. Ước mơ được trở thành một cô giáo của cô Hà Ánh Phượng được nuôi dưỡng từ khi cô còn nhỏ. “Ngày còn bé, nhà tôi sống gần trường tiểu học, sống trong môi trường như vậy nên tôi rất thích được làm cô giáo. Tôi rất thích cảm giác được đứng trên bục giảng. Biết được ước mơ của tôi, bố bèn đi chặt gỗ về ghép thành tấm bảng cho con gái đứng tập làm cô giáo”, Phượng nhớ lại.
Năm học cấp II, cấp III, Phượng tham gia học tập tại trường dân tộc nội trú ở huyện và tỉnh. Năm 2009, Ánh Phượng đạt học bổng Hoa Trạng nguyên, đây giải thưởng dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào và Tập đoàn Tân Tạo trao tặng.
Sau nhiều năm cố gắng học tập, Phượng thi đỗ Trường Đại học Hà Nội với khao khát được đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp giáo dục.Trong thời gian học đại học, Phượng vừa học, vừa đi làm thêm. Năm 2011, cô là một trong những sinh viên xuất sắc ở châu Á đạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng.
Cầm trên tay tấm bằng loại ưu của Trường Đại học Hà Nội, Hà Ánh Phượng được một công ty dược của Pakistan mời về làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với mức lương hấp dẫn. Nhưng điều đó không hấp dẫn được cô gái trẻ, cô từ chối mức lương hấp dẫn đó để tiếp tục học thạc sĩ ngành sư phạm tiếng Anh và nhận bằng thạc sĩ năm 2016.
Vậy điều gì đã khiến cho một Thạc sĩ trẻ, cầm trên tay tấm bằng giỏi, lại quyết định quay trở về quê hương và theo đuổi con chữ?
“Có hai lý do khiến tôi quyết định trở thành một cô giáo. Lý do thứ nhất là niềm đam mê, bởi lẽ được dạy học đã là niềm mơ ước từ nhỏ của tôi. Tôi quan niệm rằng, giáo dục có thể thay đổi được tất cả, thế nên tôi quyết định trở về quê hương dạy học để đóng góp cho quê hương mình.
Lý do thứ hai, tôi nghĩ mình là một người đặc biệt, nhận được nhiều ” món nợ ân tình” của quê hương, vậy nên tôi quay về để trả món nợ ân tình ấy. Tôi học cấp II, cấp III ở trường dân tộc nội trú, trường nội trú là trường mà các anh em dân tộc thiểu số sẽ ở cùng với nhau ở trong trường và học sinh không về nhà. Đặc thù của trường dân tộc là sau khi đã vào đến trường rồi thì thầy cô giống như là cha mẹ và bạn bè thì giống như anh em. Mọi hoạt động học tập, chi phí sinh hoạt tôi và học sinh ở đây đều được nhà nước chi trả.
Suốt bao nhiêu năm ăn học như vậy, tới khi tôi vào đại học thì tôi cũng không phải đóng tiền học phí. Khi ra trường, đi làm, tôi cũng được đặc cách vào biên chế nhà nước. Vậy nên, tôi nghĩ rằng mình đã nhận được sự giúp đỡ, những món nợ ân tình khó trả. Về quê để làm cô giáo – đây chính là cách để tôi có thể trả món nợ ân tình mà từ trước đến nay tôi nhận được từ quê hương, từ Đảng và nhà nước.”
Video đang HOT
Vậy là Phượng quyết định về quê và tham gia giảng dạy tại ngôi trường THPT Hương Cần, tại đây, các em học sinh đã và đang được tiếp cận với nhiều phương pháp học tập mới. Dù cho ngôi trường này có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhưng nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin và mạng Internet vào chương trình giảng dạy, cô Phượng đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới.
Cô giáo Hà Ánh Phượng – trường THPT Hương Cần, Phú Thọ.
Câu chuyện từ vườn chuối nhìn ra thế giới
Từ lúc mới về trường, Phượng đã bắt đầu thực hiện kết nối những tiết học xuyên biên giới. Lúc ấy, cô vẫn chưa tham gia vào diễn đàn giáo viên sáng tạo. “Ban đầu, những lớp học xuyên biên giới tôi thực hiện, chủ yếu là kết nối với những người bạn nước ngoài của tôi, không phải 100% đều là giáo viên”, Phượng chia sẻ.
Phương pháp học từ vựng SVA đã được cô Phượng nghĩ ra và áp dụng cho học sinh của mình từ câu chuyện “Từ vườn chuối nhìn ra thế giới”. Câu chuyện này là câu chuyện mà cô vẫn thường hay kể trong các cuộc hội thảo phát triển chuyên môn, chia sẻ với giáo viên.
Hà Ánh Phượng kể lại: “Một ngày nọ, nhà tôi bị mất điện, không có wifi, nhà hàng xóm thì có. Trong khi trời nắng nóng, đang trưa nên tôi cũng rất sợ phiền nhà hàng xóm, thế nên, tôi đã chạy ra vườn chuối nhà mình, vừa ngồi mát, vừa có wifi.
Tại vườn chuối nhà mình, tôi đã kết nối với một thầy giáo người Châu Phi. Chỉ với một buổi ngày hôm đấy khiến tôi ngộ ra được rất nhiều điều. Tôi đã học được phương pháp học từ mới từ thầy giáo người Châu Phi và tự đúc kết và điểu chỉnh cho học sinh mình học cho phù hợp phù hợp với học sinh của mình.
Tôi biết được, đất nước của thầy ấy là một đất nước ở Nam Phi, có nền kinh tế nghèo hơn Việt Nam rất nhiều nhưng chỉ số phát triển năng lực ngoại ngữ của đất nước đó lại hơn hẳn của Việt Nam. Từ buổi hôm đó, tôi bắt đầu có kết nối và học hỏi, chia sẻ với rất nhiều giáo viên dạy tiếng Anh, xem cách họ dạy ở nước của họ như thế nào.”
Sau khi chính thức tham gia diễn đàn giáo viên sáng tạo, cô bắt đầu kết nối với cả giáo viên và học sinh ở nước ngoài. Từ đó, lớp học của cô trở thành một lớp học cộng đồng. Với ứng dụng Zoom và Skype, cô Phượng đưa học sinh của mình vào môi trường học tập không biên giới, khắc phục được những hạn chế của mô hình lớp học truyền thống.
Ban đầu, học sinh của cô Phượng còn rụt rè, nhút nhát, vẫn đùn đẩy nhau mỗi lúc cô giáo trao cơ hội nói chuyện với người nước ngoài, chỉ dám vẫy tay, nói “Hello”. “Khi áp dụng phương pháp mới này, các em học sinh đều thay đổi rất nhiều, hiểu, tiến bộ nhiều hơn”, Phượng chia sẻ.
Những tiết học tiếng Anh của cô Phượng trở nên hết sức hấp dẫn, học sinh của Phượng được phát triển toàn diện tất cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Khi được áp dụng phương pháp học tập mới, học sinh ở trường THPT Hương Cần đã tự tin hơn và rèn luyện được kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.
Không chỉ kết nối để giáo viên và học sinh của hai nước nói chuyện với nhau, các giáo viên còn đưa ra các dạng bài tập, ngữ pháp, dự án học tập để học sinh cả hai nước cùng làm. Ngoài ra, giáo viên còn tạo ra hoạt động giao lưu văn hóa, áp dụng những ứng dụng công nghệ thông tin mà cả hai nước đều có thể sử dụng.
“Qua việc sử dụng phương pháp mới, cả giáo viên và học sinh đều được ‘đi’ rất nhiều nước, đồng thời các thầy cô cũng linh hoạt cách kết nối của mình để làm sao học sinh vừa học lại vừa có thể đi du lịch. Các em học sinh hiểu biết thêm rất nhiều kiến thức xã hội về nhiều nước trên thế giới. Có nhiều trường hợp đặc biệt, do chênh lệch khung giờ giữa các nước, có những giáo viên nước ngoài tình nguyện thức dậy lúc 3 giờ sáng để tham gia cùng lớp mình và tôi luôn trân quý những thầy cô ấy”, Phượng bộc bạch.
Từ huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, các học trò của cô Phượng có thể tự tin thuyết trình, giới thiệu về những nét văn hóa đặc trưng dân tộc với các thầy cô và bạn bè người Mỹ qua buổi học trực tuyến.
Cùng với sự thành công của những tiết học xuyên biên giới, cô giáo Phượng và các em học sinh của mình còn thực hiện nhiều dự án có sức lan tỏa đến cộng đồng. Trong đó phải kể đến dự án: Nói không với ống hút nhựa , được thực hiện bởi 91 em học sinh trường cấp 3 Hương Cần và cô giáo Hà Ánh Phượng.
Trong dự án này, các em học sinh đã mang đến những sản phẩm được làm từ chiếc ống hút tre và giới thiệu quy trình làm ra sản phẩm ấy để lan tỏa tới các bạn bè quốc tế. Dự án quốc tế “Say no to plastic straw” – Nói không với ống hút nhựa của nhóm học sinh do Phượng hướng dẫn cũng đã tạo được tiếng vang rất lớn trong cộng đồng học sinh quốc tế và nâng cao tiếng nói cho học sinh trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Dạy và học qua truyền hình là một điểm mạnh ở Việt Nam
Trước tình hình dịch bệnh, cô Hà Ánh Phượng cùng nhiều giáo viên tham gia các tiết dạy học trên truyền hình. Theo cô Phượng, phương pháp dạy học qua truyền hình là một điểm mạnh ở Việt Nam.
“Khi tôi tham gia vào nhóm của giáo viên đến từ nhiều nước khác nhau, trên diễn đàn phát triển chuyên môn, mọi người thường hỏi: Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như thế này, trường các bạn học bằng cách nào?’
Hầu hết, các giáo viên đều chia sẻ rằng sẽ học qua những công cụ hỗ trợ hội thảo trực tuyến, rất ít nước nào có thể dạy qua truyền hình với số lượng nhiều kênh như ở Việt Nam. Điều này giúp cho các bài giảng chất lượng được truyền được tới nhiều em học sinh hơn mà không lo chất lượng đường truyền bên cạnh các giờ học đầy tâm huyết của các thầy cô dạy trực tuyến khác”, Hà Ánh Phượng nói.
Phượng nhận thấy rằng đây là điểm sáng và mới của Việt Nam thể hiện sự đầu tư cho giáo dục. Nếu vì một lý do nào đó, học sinh không học được theo khung giờ trên Tivi thì các em có thể xem và học lại trên điện thoại, laptop… Đồng thời, đội ngũ giảng dạy qua truyền hình đều là những thầy cô giáo vững chuyên môn, phương pháp và giàu kinh nghiệm trong việc dạy học, luyện thi nên phụ huynh và học sinh có thể hoàn toàn yên tâm.
Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm của nó. Nhược điểm của phương pháp dạy học qua truyền hình không có sự tương tác trực tiếp. Giáo viên cần giao bài tập cho học sinh trong và sau khi học trên truyền hình thì mới có thể phát huy được tính hiệu quả của các em qua truyền hình. Ví dụ như ở Sở GD ĐT tỉnh Phú Thọ, bên cạnh việc sau khi dạy mỗi bài trên truyền hình, trong và sau bài giảng cô giáo Phượng thường sử dụng một ” lớp học trên mây” để các em học sinh trong và sau khi nghe giảng có thể trực tiếp làm bài và biết kết quả, thứ hạng, đáp án của mình, đồng thời các thầy cô giáo dễ dàng quản lí được học sinh và chất lượng tham gia bài giảng của mình hơn.
Theo Phượng, việc học trực tuyến qua các ứng dụng hội thảo như Microsoft Teams, Zoom, Skype… giúp linh hoạt về thời gian cho cả học sinh và giáo viên, tiết kiệm thời gian đi lại và có thể mang lại hiệu quả rất tốt nếu như có sự nghiêm túc cả 2 phía cô và trò.
Trong thời gian học sinh nghỉ học phòng chống Covid-19, trường THPT Hương Cần, nơi Phượng đang giảng dạy đã triển khai học trực tuyến rất dễ dàng. 100% học sinh học qua Internet và trên truyền hình. Giáo viên thường xuyên tổ chức các lớp học trên các phần mềm hội thảo trực tuyến, ngoài ra, các thầy cô còn giao bài tập và kiểm tra việc học của học sinh qua lớp học trên mây Shubclassroom.
Với danh hiệu “giáo viên 4.0″, cô Hà Ánh Phượng thường xuyên dạy online cho học sinh từ 4 lục địa (Phi, Âu, Á và Mỹ), đồng thời là thành viên tích cực của cộng đồng giáo dục Microsoft, nơi quy tụ giáo viên toàn cầu cùng thiết kế bài giảng và tham gia phát triển chuyên môn hàng tuần.
Trong thời gian tới, Phượng sẽ ưu tiên luyện thi THPT Quốc gia cho các em học sinh lớp 12 trường Hương Cần. Tương lai, Phượng sẽ phát triển kênh Youtube để dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh cả nước và sớm cho ra đời cuốn sách luyện thi THPT Quốc Gia cho học sinh lớp 12.
“Ngoài ra, trong tương lai gần, tôi sẽ dành ra nhiều thời gian để tiến hành những dự án liên quan đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đây là một trong những xu hướng dạy học kiểu mới mà thế giới đang hướng tới”, Phượng chia sẻ.
Minh Nguyệt
Từ quê nghèo ra thế giới
Hiện thực hóa ý tưởng chương trình học không biên giới, giao lưu với bạn bè khắp trái đất và gạt bỏ sự tủi phận trong một thế giới phẳng...
Đó là một phần công việc của cô giáo trẻ Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), vừa được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020.
Ảnh minh họa
Với những ứng dụng internet khá thông thường: Zoom, skype... những học trò nghèo của cô giáo Phượng ở vùng cao tỉnh Phú Thọ có thể học được các chương trình giáo dục của bạn bè quốc tế, giao lưu văn hóa, lập chương trình học trực tuyến thường xuyên. Hãy thử hình dung một nhóm học trò đồng bào vùng cao tự thuyết trình bằng tiếng Anh về chương trình "Nói không với ống hút nhựa", "Giới thiệu điệu hát xoan"... của quê hương mình với bạn bè và cả các chuyên gia của thế giới thì chúng ta không thể không thán phục. Điều này, ngay cả ở những thành phố lớn của nước ta cũng có rất ít học sinh làm được.
Giáo viên yêu nghề, thương học trò, sáng tạo trong giảng dạy thì chúng ta có rất nhiều. Nhưng những sáng tạo này thường chỉ được phổ biến trong phạm vi hẹp của trường mình chứ khó phổ biến rộng rãi và được ứng dụng đại trà. Nguyên do là chương trình giảng dạy hiện nay quá khô cứng, quá tải và hầu như được định sẵn nên giáo viên không thể thay đổi.
Chỉ một bộ sách giáo khoa cho lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã loay hoay nhiều năm và đến nay vẫn còn ồn ào. Chuyện giảm tải chương trình vẫn dang dở và học sinh hằng ngày phải đánh vật với khối kiến thức đồ sộ dù ở những cấp học nhỏ nhất. Nâng lương, nâng mức sống cho giáo viên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dù còn rất thấp. Ngay cả chuyện lo đủ giáo viên cho vùng cao, vùng khó khăn cho đến bây giờ vẫn làm chưa được. Bao nhiêu vấn đề của hệ thống giáo dục đang đè nặng lên cuộc sống và cả tinh thần của giáo viên thì việc yêu cầu họ sáng tạo, tâm huyết với nghề, với học trò sẽ trở nên quá mức.
Với nền giáo dục của quốc gia, sự nổi bật của cá nhân không thể vực dậy mặt bằng chung của hệ thống giáo dục có sẵn, của hệ thống tư duy giáo dục đã được định hình qua nhiều năm. Nhưng từng cá nhân nỗ lực sẽ rất cần thiết để tạo cảm hứng cho số đông, đặt những gợi ý cho các nhà hoạch định chiến lược về giáo dục và ít nhiều thay đổi một số vấn đề thụ động, máy móc của nền giáo dục hiện nay. Thực tế đã có nhiều tấm gương giáo viên điển hình, sáng tạo. Vấn đề cốt lõi là cơ chế nào để họ có thể nhân rộng những ứng dụng giảng dạy hữu ích của mình, tạo điều kiện để nhiều giáo viên khác tham khảo áp dụng và chính cơ quan quản lý giáo dục học hỏi, đưa vào chương trình giảng dạy chính thức.
Tuy đây là chuyện cá nhân nhưng từ tấm lòng và nỗ lực vô bờ của cô giáo trẻ, chúng ta tự tin về học trò của cô - những đứa trẻ nghèo của vùng núi xa xăm kia mường tượng cho mình một lối đi vào đời - một con đường bước ra thế giới. Xa hơn, những đứa trẻ khác dù có ít hay nhiều cơ hội sẽ nhìn đây là cảm hứng trên bước đường vào tương lai.
Phạm Hồ
Cô giáo 9X người Mường lọt tốp 50 giáo viên toàn cầu 2020 Từ chối vị trí giám đốc đại diện của một công ty dược, Phượng chọn quay về chính nơi mình sinh ra để làm cô giáo với mong muốn "trả món nợ ân tình mà nhà nước và quê hương đã nuôi mình trong suốt quãng thời gian đi học". 0 giờ rạng sáng ngày 19/3 theo giờ Luân Đôn, các đầu báo...