GV mầm non Liên Bạt “tố” trường om tiền bán trú, thiếu công khai tiền xã hội hóa
GDVN- Trường MN Liên Bạt từng trích 3% trong khoản thu học phí và chăm sóc bán trú hàng tháng cho Phòng GD Ứng Hòa để “hỗ trợ” công tác quản lý của cấp trên.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn thư của cô Nguyễn Thị Thảo – giáo viên Trường Mầm non Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội phản ánh về một số khoản thu, chi tại trường này chưa được công khai và chậm chi trả cho giáo viên.
Ngoài ra, giáo viên này cũng cho rằng, việc bình xét thi đua Lao động tiên tiến cấp trườg, cấp huyện giữa các giáo viên trong trường còn thiếu tính dân chủ.
Giáo viên nhiều lần gửi đơn lên huyện đề nghị làm rõ các khoản thu, chi
Trao đổi với phóng viên, cô Thảo cho biết : “Đây là lần thứ 2 tôi gửi đơn kiến nghị lên Ủy ban nhân dân cấp huyện vì tiến độ xử lý đơn còn quá chậm. Sắp tới tôi sẽ gửi tiếp đơn kiến nghị lần 3 và có bổ sung thêm một số nội dung khác liên quan đến việc kiểm tra tư cách Đảng viên của một số cá nhân trong trường”.
Theo đó, giáo viên này cung cấp cho phóng viên đơn khiếu nại gửi cho Trường Mầm non Liên Bạt vào ngày 10/6/2022. Đồng thời, cô Thảo cũng gửi đơn đề nghị cho Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa 2 lần vào các ngày 26/6/2022 và ngày 18/8/2022.
Theo nội dung trong các đơn cung cấp cho phóng viên, giáo viên này cho rằng, khoản tiền Quỹ Khen thưởng của năm học 2020 – 2021 và năm học 2021 – 2022 nhà trường vẫn chưa chi trả cho giáo viên trong trường dù năm học đã kết thúc. Ngoài ra, với khoản tiền Quỹ Phúc lợi năm học 2021 – 2022, cụ thể là khoản tiền Tết nguyên đán năm 2022, giáo viên trong trường cũng chưa nhận được dù trong quy chế chi tiêu nội bộ của Trường Mầm non Liên Bạt có mục chi của khoản này.
Bảng thể hiện phần trăm chi các khoản của tiền chăm sóc bán trú (tháng 3 năm 2021) của Trường Mầm non Liên Bạt. Khoản trích 3% của tiền chăm sóc bán trú về Phòng Giáo dục và Đào tạo Ứng Hòa mà Hiệu trưởng xác nhận không được thể hiện trong bảng này. Ảnh: Trung Dũng
Bên cạnh đó, các khoản khác như: Tiền làm thêm tháng 8 năm học 2018 – 2019; tiền chăm sóc bán trú tháng 1, 3, 4 năm học 2020 – 2021 và tiền chăm sóc bán trú tháng 4, 5 của năm học 2021 – 2022 đến nay cũng chưa chi trả cho cán bộ giáo viên trong trường.
Trong khoản thu, chi phục vụ bán trú giáo viên này cho rằng, tỷ lệ chi trả cho cán bộ, giáo viên nhà trường trong quy chế chi tiêu nội bộ vào năm học 2020 – 2021 của trường còn nhiều điểm bất hợp lý.
Theo đó, cô Thảo đưa ra dẫn chứng của tháng 3 năm học 2020 – 2021, ngoài khoản chi 1,7 triệu đồng công chở cơm sang điểm trường lẻ, số còn lại nhà trường chi 80% cho người chăm sóc, phục vụ bán trú (gồm giáo viên và cô nuôi), chi 5,5% cho nhân viên phục vụ (gồm kế toán, thủ quỹ, y tế, bảo vệ, thủ kho), 14,5% chi cho Ban giám hiệu là không hợp lý và có phần thiệt thòi về phía người trực tiếp chăm sóc, phục vụ công tác bán trú.
Ngoài ra, cô Thảo cũng nêu lên thắc mắc về việc, trong khoản thu học phí và chăm sóc bán trú, hàng tháng nhà trường có trích 3% để gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa nhưng không có hóa đơn chứng từ và cũng không được công khai.
“Với khoản trích 3% hàng tháng chuyển về Phòng Giáo dục và Đào tạo Ứng Hòa là cho mục đích gì? Có trong quy chế của Phòng hoặc của trường hay không? Tại sao không công khai và không có hóa đơn chứng từ cho khoản chi này? Các giáo viên trong trường đề nghị nhà trường làm rõ”, cô Thảo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, giáo viên này cũng đề cập đến khoản tiền xã hội hóa năm học 2020 – 2021, các lớp đã vận động và phụ huynh cũng đã nộp cho Hiệu trưởng nhưng nhà trường cũng không công khai rõ là bao nhiêu.
Về việc bình xét thi đua Lao động tiên tiến tại Trường Mầm non Liên Bạt, cô Thảo cho rằng nhà trường đã thiếu dân chủ, công khai khi xếp loại viên chức, có sự ưu ái dành cho một số giáo viên khác.
“Trong cuộc họp hội đồng toàn trường vào sáng ngày 30/5/2022 để xếp loại viên chức cuối năm học 2021 – 2022 do hai đồng chí Phó Hiệu trưởng nhà trường chủ trì, tôi được các thành viên trong Tổ Nhà trẻ bầu Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với số lượng 2/3 nhất trí và toàn trường đều nhất trí.
Video đang HOT
Hai đồng chí Phó Hiệu trưởng cũng đã chốt danh sách và báo cáo lên Hiệu trưởng, nhưng không hiểu sao, trong chiều ngày 30/5/2022 tôi đã bị gạt ra khỏi danh sách. Trong khi đó cô L.T.H không có thành tích nổi bật gì, không được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 và không công khai tên cô giáo này được làm hồ sơ Lao động tiên tiến cấp huyện”, cô Thảo bức xúc.
Hiệu trưởng xác nhận có việc trích 3% của khoản thu học phí và chăm sóc bán trú về Phòng Giáo dục và Đào tạo Ứng Hòa
Để làm rõ thêm về các vấn đề cô Thảo phản ánh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc trực tiếp với Ban Giám hiệu Trường Mầm non Liên Bạt trong ngày 20/9.
Tại buổi làm việc, cô Đỗ Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, những vấn đề cô Thảo đề cập trong các đơn thư gửi đi có phần mang tính cá nhân, không phản ánh hết bản chất của sự việc.
Theo đó, với khoản phúc lợi 10% được trích trong khoản thu tiền chăm sóc bán trú, cô Hoà cho biết: “Thực ra, chỉ có 2 tháng cuối của năm học 2021 – 2022, các chị em thống nhất là để lại khoản tiền như vậy để đầu tháng 8 đi tham quan, nghỉ mát và may đồng phục. Mọi năm thì đều thống nhất như thế, nhưng năm vừa rồi vì có đơn của giáo viên nên chúng tôi không trích khoản này nữa. Giờ ai có muốn đi thì tự đóng góp để đi, không thì thôi”.
Hiệu trưởng Mầm non Liên Bạt khẳng định, biên bản công khai việc thu, chi tiền xã hội hóa đã được dán trên bảng thông báo của trường trước thời điểm giáo viên gửi đơn đi các nơi từ tháng 6/2022. Ảnh phóng viên chụp màn hình điện thoại Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Bạt đề ngày công khai là 1/4/2021.
Nói về căn cứ của phần trăm tỷ lệ chi hàng tháng khoản thu chăm sóc bán trú, cô Hoà cho rằng: “Hiện tại, tất cả các trường mầm non trên địa bàn huyện Ứng Hoà đều không có văn bản nào hướng dẫn để chi cho công tác chăm sóc bán trú. Hầu như các trường đều dựa vào văn bản số 296 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về quy định các mức chi bán trú cho bậc tiểu học.
Sau một năm thực hiện thì việc này cũng đã có điều chỉnh, trong tháng 8 vừa rồi thì mức chi cho Hiệu trưởng cũng là thấp hơn so với các tháng trước. Cụ thể, là mức chi cho Hiệu trưởng tại trường không quá 1,5 so với mức chi cho giáo viên”.
Vị Hiệu trưởng này cũng thông tin thêm rằng, vì không có văn bản hướng dẫn cụ thể của khoản chăm sóc bán trú nên có thể có trường chi ít, trường chi nhiều. Trường Mầm non Liên Bạt chi mức 80% cho người chăm sóc, phục vụ bán trú là cao và duy nhất trong huyện có mức chi cao như vậy.
“Để ra mức chi như vậy, nhà trường cũng phải xây dựng nội dung chi và thống nhất trong Ban Giám hiệu, họp công đoàn và cho các tổ thống nhất. Sau đó đưa vào thảo luận trong hội nghị công nhân viên chức, khi đã thống nhất thì chúng tôi mới đưa vào nghị quyết quy định mức thu.
Việc thu chi như thế nào nhà trường cũng đã có báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi cũng mong muốn sắp tới cấp trên sẽ có văn bản hướng dẫn về khoản chi này để các trường mầm non trên địa bàn có thể thực hiện”.
Đề cập về việc trích 3% của tiền học phí và chăm sóc bán trú hàng tháng về Phòng Giáo dục và Đào tạo Ứng Hòa, cô Hòa xác nhận là đã từng thực hiện nhưng hiện tại đã dừng lại.
Giải thích về việc này, cô Hòa cho biết: “Đó là khoản chi nhà trường thực hiện trong mấy năm trước. Khoản này là chi cho công tác thanh, kiểm tra và công tác quản lý của cấp trên. Tuy nhiên, gần đây chúng tôi cũng đã thôi (dừng lại – phóng viên), không chi cho khoản này nữa.
Thời điểm trích đó là của đời lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cũ, hiện tại lãnh đạo này cũng đã về hưu”.
Còn về việc, nhà trường chậm công khai khoản tiền xã hội hoá theo như phản ánh của cô Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Bạt cho rằng, không phải sau khi có đơn của giáo viên vào tháng 6/2022 nhà trường mới công khai mà đã thực hiện công khai từ 1 năm trước.
Đồng thời, vị Hiệu trưởng này còn cung cấp cho phóng viên hình ảnh văn bản thể hiện việc trường này có biên bản công khai trong thời gian 1 tháng kể từ ngày 1/4/2021.
Chậm chi tiền chăm sóc bán trú, nhà trường đang khắc phục
Với việc chậm chi trả tiền chăm sóc bán trú theo phản ánh của giáo viên, cô Hoà cho biết: “Khoản chi của tiền chăm sóc bán trú cho các giáo viên thì nhà trường cũng chỉ chậm 3 tháng của năm 2021. Việc này là do trước đó nhà trường đã chi một số khoản để phục vụ cho công tác nâng chuẩn cấp 2 của trường.
Còn của 2 tháng năm 2022 thì do vào thời điểm cuối năm học, lúc đó chúng tôi đang thực hiện việc chi trả của một số khoản khác nên chưa kịp chi trả tiền cho giáo viên chứ không phải là chậm muộn.
Hiện tại, việc khắc phục này chúng tôi cũng đã thực hiện xong và đã chi trả cho các giáo viên trong trường, chỉ còn riêng cô Thảo là chưa lấy. Việc này là do, hôm chúng tôi gọi cô ấy lên nhận tiền thì cô ấy đòi chụp chứng từ, kế toán không cho chụp nên cô ấy không ký, không lấy tiền và đi về.
Với khoản chi Quỹ khen thưởng của năm học 2020 – 2021 là do kế toán nhà trường cập nhập chứng từ, vào sổ muộn nên chúng tôi mới trả muộn. Còn năm học 2021 – 2022, chúng tôi còn chờ kết quả từ Ủy ban nhân dân huyện. Khi nào có quyết định nhà trường mới chi trả được”.
Điểm chính Trường Mầm non Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng
Về vấn đề đánh giá, xếp loại viên chức được phản ánh là chưa dân chủ, công khai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Bạt cho rằng, nhà trường đã làm đúng trình tự, nhưng do cô Thảo không tham gia các cuộc họp trực tuyến nên không nắm được sự việc.
“Trong buổi họp qua Zoom ngày 19/5/2022, tổ Nhà trẻ đã bình bầu có 7/9 đồng chí đạt danh hiệu thi đua Lao động tiên tiến, 2 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đó có cô Thảo. Sau đó, tổ cũng đã lập danh sách và gửi kết quả về Ban Giám hiệu.
Sáng ngày 30/5/2022, trường tổ chức hội nghị đánh giá cán bộ công chức, do tôi có việc bận nên 2 Phó Hiệu trưởng điều hành cuộc họp. Trong cuộc họp này, cô Thảo nhận mình là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi Hội đồng sư phạm biểu quyết, có 57/58 đồng chí biểu quyết cô Thảo ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong chiều hôm đó, các Phó Hiệu trưởng cũng báo cáo lại tình hình với tôi về kết quả xếp loại của cô Thảo. Nguyên nhân là do cô Thảo không có tháng nào trong năm học học hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên chúng tôi quyết định xếp loại cô Thảo chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Hiệu Trưởng Trường Mầm non Liên Bạt cho hay.
GV mầm non diện 102 ở TP.Thanh Hoá đã được ký hợp đồng nhưng còn tâm tư về lương
GDVN- Sau phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các trường mầm non ở thành phố Thanh Hóa đã tiến hành ký hợp đồng với số giáo viên tiếp tục có nhu cầu đi làm.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết " Vào năm học mới, nhiều giáo viên mầm non ở thành phố Thanh Hóa vẫn thấp thỏm chuyện hợp đồng" ngày 14/9/2022, trong đó thông tin: dù đã bước vào năm học mới, giáo viên mầm non trong diện thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ (giáo viên mầm non diện 102) tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá vẫn chưa thể yên tâm công tác vì chưa được ký hợp đồng.
Ngày 22/9, thông tin tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Việt Nga - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa cho biết, ngay sau phản ánh của Tạp chí, thành phố đã rà soát, kết quả cho thấy tại thời điểm thông tin bài báo đưa, còn 4 trường hợp giáo viên tại Trường Mầm non Đông Cương và 2 trường hợp giáo viên tại Trường Mầm non Thiệu Vân chưa được ký hợp đồng do Hiệu trưởng chậm triển khai.
Thành phố Thanh Hóa đã yêu cầu các Hiệu trưởng ký ngay hợp đồng lao động cho giáo viên để các cô yên tâm công tác.
Cũng theo thông tin của Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa: "Để đảm bảo đủ giáo viên cho năm học 2022 - 2023, thành phố đã giao cho các nhà trường chủ động ký hợp đồng từng tháng với các giáo viên mầm non diện 102 có nhu cầu công tác và ký hợp đồng tiếp. Mức lương tối thiểu là 3.670.000 đồng/tháng (trong đó nguồn từ ngân sách thành phố hỗ trợ mỗi cô giáo là hơn 2,7 triệu đồng/tháng, số còn lại do nhà trường hỗ trợ chi trả từ nguồn thu, chi thường xuyên).
Hiện các trường mầm non trên địa bàn thành phố thực đang thực hiện mức hỗ trợ chi trả giáo viên mầm non diện 102 số tiền tối thiểu là 898.000 đồng/tháng.
Trong đó, các cô phải tự đóng bảo hiểm. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố có kêu gọi các nhà trường ngoài mức lương cơ bản, sẽ tiến hành hỗ trợ thêm cho các cô từ một số nguồn thu hợp pháp khác để các cô có thêm thu nhập và hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm cho giáo viên".
Trước đó, theo phản ánh của giáo viên mầm non diện 102 tại thành phố Thanh Hóa, được ký hợp đồng từng tháng, các cô phải tự đóng 1.174.000 đồng tiền bảo hiểm từ số tiền lương 3.670.000 đồng. Ảnh: Giáo viên cung cấp
Riêng tại Trường Mầm non Quảng Thành, bà Trần Thị Thảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường đã ký hợp đồng với các giáo viên mầm non diện 102 với mức lương 4.400.000 đồng/tháng. Hiện tư tưởng các giáo viên rất ổn định.
Tại Trường Mầm non Quảng Thành, tổng số giáo viên mầm non diện 102 được điều chuyển về là 6 giáo viên, đến nay có 3 giáo viên làm đơn xin nghỉ. Trong đó 2 giáo viên nghỉ từ ngày 1/8 và 1 giáo viên nghỉ từ ngày 1/10. Số giáo viên mầm non diện 102 còn lại là 3 người và được ký hợp đồng đầy đủ".
Nói thêm về các trường hợp giáo viên nghỉ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Thành cho biết: "Các cô xin nghỉ là vì mong muốn được chuyển công tác về gần nhà, thuận tiện cho việc đi lại, theo tôi được biết, trường gần nhà của các cô cũng đang rất cần tuyển người".
Tuy vậy, không phải giáo viên nào cũng được ký mức lương như ở Trường Mầm non Quảng Thành, thông tin tới phóng viên, có giáo viên mầm non diện 102 đã không thể duy trì việc tiếp tục đứng lớp, phải bỏ nghề giáo để đi tìm nghề khác kiếm sống vì mức lương quá thấp.
"Với mức lương hơn 3,6 triệu đồng, lại phải tự đóng gần 1,2 triệu tiền bảo hiểm, lương mỗi tháng thực nhận chỉ còn hơn 2,4 triệu đồng để duy trì cuộc sống. Số tiền này tiền ăn hàng tháng cho cả nhà còn chưa đủ chứ chưa nói đến chuyện đóng học cho các con. Chính vì vậy, dù rất yêu nghề giáo viên mầm non nhưng em phải bỏ nghề", một người từng là giáo viên mầm non diện 102 cho biết.
Cũng có giáo viên tâm tư: "Cũng là đi làm giáo viên mà sao chúng em thấy tủi thân quá, lương thì ít, bảo hiểm phải tự đóng. Tháng nào cũng trong tình trạng phải đi vay tiền để trang trải cuộc sống".
Vấn đề hợp đồng lao động của giáo mầm non diện 102 tại thành phố Thanh Hóa đã nhiều lần được báo chí phản ánh. Trước đó, tháng 7/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của giáo viên mầm non hợp đồng tại thành phố Thanh Hóa cho biết, hàng chục người đang lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" vì nhiều tháng nay họ không nhận được bất cứ thông báo nào về việc có được tiếp tục tái kí hợp đồng làm tiếp hay không?
Sau phản ánh, ngày 19/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có văn bản số 1888/BC-SGDĐT gửi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung tòa soạn đã đưa trong bài viết : "Thanh Hóa: Giáo viên mầm non rơi cảnh "tiến thoái lưỡng nan", mòn mỏi chờ ký hợp đồng". Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nhấn mạnh, phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là có cơ sở.
Đến ngày 14/9, một số giáo viên tiếp tục phản ánh đến tòa soạn về việc mới chỉ được thông báo bằng miệng chuyện sẽ ký tiếp hợp đồng hoặc chưa nhận được thông tin có được ký tiếp hợp đồng hay không dù năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tuần.
Đến ngày 22/9, theo thông tin từ Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, tất cả các trường có giáo viên mầm non diện 102 đã được ký hợp đồng từng tháng.
Tháng 12/2021, các cơ quan liên ngành tỉnh Thanh Hóa gồm Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính đã tổ chức làm việc với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh để thẩm định, tổng hợp số lượng giáo viên còn thiếu của các cấp học.
So với biên chế được giao năm 2022 thì nhu cầu biên chế các cấp học còn thiếu tại Thanh Hóa là 6.725 chỉ tiêu. Trong đó, mầm non thiếu: 1.688; tiểu học thiếu: 3.121; trung học cơ sở thiếu: 1.532; trung học phổ thông thiếu: 384.
Theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa được bổ sung 1.681 chỉ tiêu giáo viên.
Ám ảnh nhà vệ sinh che bằng lá cọ, mảnh tôn của học trò vùng cao Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ cho biết, đa số các điểm trường của các trường mầm non, trường tiểu học chưa có nhà vệ sinh hoặc có nhưng không đảm bảo. Nhà vệ sinh bẩn là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh hiện nay, nhiều em sợ đi tiểu tiện, dẫn đến thói quen vệ sinh kém, có thể gây...