Gương làm kinh tế giỏi của đồng bào Raglai
Sống trên vùng đất có khí hậu khô nóng quanh năm, đất đai cằn cỗi nhưng với bản lĩnh, quyết tâm không khuất phục nghèo khó, anh Chamaléa Hơ (44 tuổi, người Raglai ở xã Phước Trung, huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp.
Anh Chamaléa Hơ chăm sóc đàn bò của gia đình.
Năm 1999, Chamaléa Hơ từ Khánh Hòa vào xã Phước Trung lập nghiệp. Tại đây, anh đã quen và xây dựng gia đình với cô gái Raglai địa phương. Chamaléa Hơ nhớ lại, thời điểm đó, cuộc sống của hai vợ chồng gặp nhiều khó khăn.
“Trước đây, gia đình tôi sống chủ yếu nhờ cây ngô, canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thấp. Tình trạng mất mùa thường xảy ra”, anh Chamaléa Hơ chia sẻ.
Không cam chịu đói nghèo, được cha mẹ cho hai sào đất hoang (2.000m2) và một ít vốn, Chamaléa Hơ cùng vợ tập trung san phẳng, đắp bờ làm ruộng. Để có nước sản xuất, Chamaléa Hơ đào mương dài hơn 100 mét dẫn nước từ mương chính về ruộng, đồng thời đưa giống lúa mới vào trồng thử nghiệm. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kỹ thuật canh tác, vụ lúa đầu tiên cho năng suất đạt gần 5 tạ/sào. Sau vài vụ canh tác hiệu quả, Chamaléa Hơ tích lũy được một số vốn mua hai con bò vừa để tận dụng sức kéo, vừa nuôi sinh sản.
Sức kéo của bò giúp việc khai hoang đất dễ dàng hơn. Do đó, anh đã mở rộng diện tích đất canh tác. Với bản tính chịu thương chịu khó, anh còn tranh thủ đi cày thuê, đổi công lao động cho người dân trong vùng. Khi có thêm một số vốn cùng với tiền bán bò, anh Hơ mạnh dạn mua máy cày phục vụ sản xuất của gia đình vừa cày thuê cho người dân có nhu cầu.
Video đang HOT
Anh Chamaléa Hơ chia sẻ, vùng đất Phước Trung thường chịu tác động của khô hạn, anh thường xuyên theo dõi thông tin khuyến cáo của địa phương, dự báo thời tiết để lựa chọn cây trồng phù hợp. Những năm hạn hán kéo dài, gia đình chủ động luân canh theo hướng hai vụ lúa, một vụ ngô lai hoặc chuyển đổi sang trồng cây hoa màu chịu được khí hậu khô hạn như, đậu xanh, ớt để không bị ngắt quãng, đảm bảo có nguồn thu nhập liên tục.
Từ đồng vốn tích góp được, năm 2015, anh Chamaléa Hơ tiếp tục tham gia các lớp học hỏi kỹ thuật chăn nuôi rồi quyết định mua giống bò lai Sind về nuôi theo hướng bán tự nhiên.
Để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho đàn bò, anh Hơ dành 5.000 m2 đất ruộng trồng cỏ kết hợp tận dụng phụ phẩm ngành nông nghiệp và mua thức ăn tinh làm thức ăn cho đàn bò. Ngoài nuôi bò, anh Hơ còn kết hợp mô hình nuôi cừu vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm, gia đình anh xuất bán từ 4 – 5 đợt bò, cừu, mỗi đợt cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Hiện, anh Chamaléa Hơ đang làm chủ trang trại hơn 10 con bò và trên 80 con cừu sinh sản.
Nhờ chí thú làm ăn, đến nay, diện tích đất sản xuất của gia đình anh Chamaléa Hơ đã mở rộng lên hơn 2 ha. Với nguồn thu từ trồng trọt và chăn nuôi, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm, gia đình anh Chamaléa Hơ thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Từ một hộ cận nghèo, đến nay, anh Chamaléa Hơ đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, trở thành một trong những hộ gia đình khá giả nhất trong vùng đồng bào Raglai.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Chamaléa Hơ còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, vận động đồng bào Raglai thay đổi tư duy, hỗ trợ vốn giúp nhiều hộ phát triển chăn nuôi, sản xuất để cùng vươn lên thoát nghèo, có hộ trở nên khá giả.
Anh Chamaléa Hơ trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa khô hạn.
“Đồng hành với gia đình tôi, cán bộ Hội Nông dân xã, huyện thường xuyên thăm hỏi, động viên và hướng dẫn cách trồng trọt, thay đổi mùa vụ, chăm sóc đàn bò, cừu. Nhờ đó, tôi có thêm kiến thức để tự tin sản xuất, phát triển chăn nuôi. Tôi sẵn sàng chia sẻ cách làm, hỗ trợ cây, con giống, cho mượn tiền giúp các hộ đồng bào Raglai làm theo để cùng phát triển, thoát nghèo”, anh Chamaléa Hơ chia sẻ.
Ông Katơr Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Trung nhận xét, anh Chamaléa Hơ là tấm gương sáng vượt khó vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu, xứng đáng để các hội viên khác học tập và làm theo. Qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào hội viên nông dân thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Anh Chamaléa Hơ nhiều lần được UBND xã, huyện biểu dương, khen thưởng, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” năm 2020.
Kiên Giang: "Thổi hồn" vào cỏ bàng để vươn lên làm giàu
Đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Kiên Giang năm 2020 mới đây, tỉnh này công nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 - 4 sao đối với 18 sản phẩm toàn tỉnh; trong đó, có sản phẩm thùng sọt, giỏ xách cỏ bàng của xã Phú Lợi và sản phẩm túi xách, sọt cỏ bàng của xã Phú Mỹ thuộc huyện Giang Thành.
Thu hoạch cỏ bàng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Tìm đến Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền ở xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang) có 2 sản phẩm thùng sọt cỏ bàng và giỏ xách cỏ bàng đạt hạng 4 sao, mới thấy những nông dân chân chất nơi vùng biên này "thổi hồn" vào những cọng cỏ bàng để thoát nghèo, vươn lên làm giàu rất đáng trân trọng. Từ những cọng cỏ bàng đứng trên đồng đất biên giới Giang Thành, qua sự cần cù lao động, sáng tạo với đôi tay khéo léo của các "nghệ nhân nông dân" đã trở thành những chiếc thùng, chiếc sọt, chiếc tụng, túi xách, giỏ xách, đệm bàng, vật dụng nội thất... rất đẹp mắt, sử dụng tiện lợi, thân thiện với môi trường.
Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền thành lập hơn 4 năm, với nghề chính là sản xuất các vật dụng từ cỏ bàng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: Thùng, sọt, túi xách, giỏ xách, nón, đệ bàng... giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động tại địa phương, với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, cơ sở này sản xuất hàng chục nghìn sản phẩm theo đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu ở thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu. Ngoài ra, một số công ty ở các tỉnh, thành khác đặt hàng cơ sở Toàn Tuyền sản xuất sản phẩm theo từng loại, mẫu mã phục vụ tiêu thụ trong nước.
Chị Trần Thị Mộng Tuyền, chủ Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền chia sẻ, cỏ bàng sau khi nhổ ngoài đồng đem về phơi khô, đan đát theo kích cỡ đặt hàng thu mua của cơ sở. Đây là nguồn nguyên liệu để cơ sở sản xuất ra những sản phẩm thủ công như: Thùng, sọt, tụng, túi xách, giỏ xách, nón...
"Nghề này giúp người dân có công ăn việc làm và thu nhập ổn định trong phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống. Vì sau khi sản xuất vụ mùa xong, người dân tranh thu thời gian nông nhàn để đan lát cỏ bàng, tăng thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình", chị Tuyền chia sẻ.
Bà con người Khmer làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Sau khi thành lập, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Thành hướng dẫn cơ sở về kỹ thuật sản xuất sản phẩm, hỗ trợ 50% máy may công nghiệp để may sản phẩm. Việc cơ sở Toàn Tuyền có 2 sản phẩm thùng sọt cỏ bàng và giỏ xách cỏ bàng đạt hạng 4 sao giúp cơ sở sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên thị trường và khách hàng thuận lợi hơn.
Lãnh đạo huyện Giang Thành cho biết, nghề đan lát cỏ bàng huyện vùng biên giới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang có từ lâu đời, tập trung ở 2 xã Phú Mỹ và Phú Lợi. Các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng, với rất nhiều loại sản phẩm như: Thùng, sọt, tụng, túi xách, giỏ xách, nón, túi thời trang, đồ gia dụng, trang trí nội thất... Các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng đẹp mắt, phù hợp với thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Những sản phẩm mỹ nghệ từ cỏ bàng này xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và châu Âu...
Nghề truyền thống đan cỏ bàng của huyện Giang Thành đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương vùng biên, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, với thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Đặc biệt, huyện có hàng trăm "nghệ nhân nông dân" lành nghề, khéo nghề thành thạo kỹ thuật đan túi xách, giỏ xách, nón và những sản phẩm cao cấp khác theo xu thế thị trường, thị hiếu người tiêu dùng.
Lãnh đạo huyện Giang Thành cho hay, để phát triển bền vững, khai thác hiệu quả kinh tế nghề truyền thống đan cỏ bàng trước mắt cũng như lâu dài, huyện tập trung đầu tư toàn diện cho các làng nghề truyền thống, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng "ăn nên, làm ra" tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Huyện xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường, tiếp tục giới thiệu, quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường, nhất là ở các nước phát triển đang rất ưa chuộng loại sản phẩm, vật dụng làm từ cỏ bàng này để tăng sản lượng sản phẩm xuất khẩu, tiếp tục liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Cùng với đó, huyện Giang Thành mời gọi thu hút đầu tư phát triển làng nghề đan cỏ bàng truyền thống kết hợp với du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm "xanh" thân thiện môi trường, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Huyện liên kết với doanh nghiệp, đào tạo, xây dựng đội ngũ "thợ" thiết kế chuyên nghiệp để hướng dẫn người dân sản xuất những sản phẩm cao cấp từ cỏ bàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách cũng như tăng giá trị sản phẩm.
Lan tỏa những tấm gương thoát nghèo Quá trình thoát nghèo của gia đình anh A Tăng, người Mơ Nâm, thôn Vi Glơng (xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) như một chỗ dựa cho người trong thôn học hỏi cách làm. Những thành quả đạt được tuy nhỏ nhưng đó là động lực cho thôn bản tiếp cận. Trang trại gà của gia đình A Tăng. Một năm...