Guinea công bố mốc thời gian chuyển tiếp sang chính quyền dân sự
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 29/4, trên đài truyền hình quốc gia Guinea, người đứng đầu chính quyền quân sự Guinea, Đại tá Mamady Doumbouya, cho biết Hội đồng Chuyển đổi quốc gia (CNT) sẽ đề xuất lên Quốc hội nước này một kế hoạch về việc chuyển tiếp sang chính quyền dân sự kéo dài 39 tháng.
Người đứng đầu chính quyền quân sự Guinea, Đại tá Mamady Doumbouya (giữa) rời khỏi cuộc họp với đại diện cấp cao Cộng đồng Kinh tế Tây Phi ( ECOWAS) tại Conakry, ngày 17/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là lần đầu tiên quân đội Guinea công bố mốc thời gian cụ thể cho việc chuyển tiếp sang chính quyền dân sự. Trước đó, Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã cho quân đội Guinea thời hạn chót là ngày 25/4 để đưa ra thời gian biểu chuyển đổi “có thể chấp nhận được” hoặc sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính. Tuy nhiên chính quyền quân sự của Guinea đã để thời hạn này trôi qua, đồng thời yêu cầu ECOWAS cho thêm thời gian để tham vấn các bên liên quan.
Trong cuộc đảo chính diễn ra hồi tháng 9/2021, quân đội Guinea do Đại tá Doumbouya lãnh đạo đã lật đổ Tổng thống đắc cử Alpha Conde, người bị chỉ trích dữ dội sau khi thông qua hiến pháp mới vào năm 2020 cho phép ông tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 3. Cuộc đảo chính này được tiến hành ngay sau cuộc đảo chính tương tự tại Mali. Sau những cuộc đảo chính trên, ECOWAS đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Guinea và Mali.
Đối với Mali, ECOWAS đã đóng băng tài sản của các thành viên trong chính quyền nước này tại ngân hàng trung ương của các quốc gia Tây Phi và áp đặt lệnh cấm vận thương mại sau khi các nhà lãnh đạo quân sự Mali đề xuất được tiếp tục nắm giữ quyền lực cho đến năm 2025. Còn với Guinea, các tướng lĩnh quân đội hàng đầu của nước này hiện nằm trong danh sách trừng phạt của ECOWAS và bị cấm đi lại trong khối này.
Mali chấm dứt các thỏa thuận quốc phòng với Pháp
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, chính quyền quân sự của Mali ngày 2/5 thông báo đã hủy bỏ các thỏa thuận quốc phòng với Pháp, đồng thời cáo buộc quân đội Pháp vi phạm chủ quyền quốc gia Mali.
Đây là sự xác nhận mới nhất về mối quan hệ đang xấu đi giữa quân đội 2 nước. Nhà chức trách Mali cho biết đã thông báo cho phía Pháp về quyết định này vào chiều cùng ngày và quyết định trên sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày thông báo.
Binh sĩ Mali tới quảng trường Độc lập ở thủ đô Bamako sau khi nổ ra cuộc binh biến do một nhóm binh sĩ tiến hành, ngày 18/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện Pháp chưa có phản ứng chính thức về động thái trên của quân đội Mali.
Các thỏa thuận với Pháp mà Mali vừa tuyên bố chấm dứt là những văn kiện đã thiết lập khuôn khổ cho sự can thiệp của Pháp vào nước này hồi năm 2014, được ký một năm sau khi quân đội Pháp triển khai một lực lượng lớn để hỗ trợ các lực lượng vũ trang Mali ngăn chặn một cuộc tấn công thánh chiến ở quốc gia này.
Mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây sau khi Mali cáo buộc Pháp sử dụng trái phép máy bay không người lái trong lãnh thổ Mali vì mục đích gián điệp và vi phạm chủ quyền quốc gia châu Phi này.
Mali thông qua kế hoạch ứng phó với các lệnh trừng phạt của ECOWAS và WAEMU Trong cuộc họp Hội đồng Quốc phòng cấp cao Mali hôm 14/1, Tổng thống chuyển tiếp Assimi Gota xác nhận chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch ứng phó với các biện pháp trừng phạt của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh Kinh tế - Tiền tệ Tây Phi (WAEMU). Toàn cảnh một hội nghị cấp cao...