Gửi trẻ tại gia chẳng khác nào… “đánh bạc”
Những điểm trông trẻ tại gia thường không được cấp phép, thiếu thốn đủ thứ, người trông không có nghiệp vụ… nguy cơ mất an toàn cho trẻ rất cao. Tuy nhiên, với ưu điểm giá rẻ, nhận cả trẻ nhỏ… những điểm trông trẻ tự phát này lại là lựa chọn của không ít các bà mẹ.
Không an toàn
Nằm sâu trong ngõ nhỏ cuối đường Lò Đúc (Hà Nội), ngôi nhà chật hẹp của bà Ngọc từ nhiều năm nay đã trở thành điểm trông giữ trẻ. Trong căn phòng rộng chừng 12m2, trừ diện tích kê tủ, giá để giày dép và các vật dụng thiết yếu…, thì diện tích còn lại của căn phòng chỉ đặt vừa một chiếc đệm, vừa là nơi vui chơi, vừa là nơi ngủ trưa cho trẻ. Ngôi nhà thấp mái, lại vướng gác lửng nên suốt ngày phải bật đèn vì thiếu ánh sáng.
“Khi bắt buộc phải gửi trẻ ở các điểm trông trẻ tại gia, bố mẹ nên tìm hiểu kỹ về nhân thân người trông trẻ; Không gian giữ trẻ có hợp lý, an toàn không. Hàng ngày, bố mẹ phải theo dõi sát sao tình hình sức khỏe, cơ thể, tính cách của con, chú ý hỏi bé (nếu bé đã biết nói) về các hoạt động ở lớp. Nếu bé có dấu hiệu bất thường như: Lo lắng, sợ sệt khi nhắc đến nhà trẻ, cô giáo hoặc trên người bị thương tích, bầm tím, bố mẹ phải ngừng gửi trẻ lập tức”. Bà Phạm Thị Hồng Nga,_ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Khi tôi đến là lúc bé Min (10 tháng) vừa ngủ dậy đang moi móc chiếc đàn nhựa cũ kỹ dưới đống chăn màn để bừa bãi, lẫn lộn, trong khi 2 trẻ khác vẫn say giấc. Bà Ngọc cho hay: “Đợt này tôi chỉ trông có 3 đứa, nhỏ nhất 6 tháng, lớn thì 14 tháng. Ở nhà rảnh, nên trông trẻ, vậy mà cũng gần chục năm rồi”.
Chị Mai Linh, mẹ của bé Min cho hay: “Khi con được 4 tháng mình đã phải đi làm rồi. Ông bà nội, ngoại đều lớn tuổi lại ở quê, nhà mình thì chật chội, kinh tế eo hẹp nên cũng không có điều kiện thuê người về trông con. Biết là cơ sở vật chất ở đó không tốt lắm, nhưng chẳng có lựa chọn nào khác”. Hàng ngày, chị Linh nấu sẵn cháo cho vào cặp lồng gửi bà Ngọc để bé ăn hai bữa và gửi kèm hộp sữa. Chị gửi con từ 7h đến 17h hằng ngày. Mỗi tháng tiền công trông trẻ là 1,8 triệu đồng. “Nhiều hôm bố mẹ có việc đột xuất về muộn, hoặc chủ nhật phải đi đâu đó, vẫn có thể gửi con nhờ bà Ngọc trông giúp mà không mất phí, gửi trẻ tại gia cũng nhiều cái tiện”, chị Linh phân trần.
Những điểm trông trẻ tại gia thường có không gian sinh hoạt hạn chế vì đối tượng nhận giữ trẻ chủ yếu là người nghèo
Video đang HOT
Chị Minh Huyền, có con trai hơn 1 tuổi chia sẻ, hai vợ chồng tổng thu nhập chỉ hơn 8 triệu. Gần nhà cũng có trường tư thục nhận trông trẻ độ tuổi như con chị, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn nhưng học phí tới 2,7 triệu đồng/tháng mà vẫn phải gửi sữa hàng ngày. “Biết rằng cơ sở trông trẻ tự phát thường không bị ràng buộc trách nhiệm, nhưng không có sự lựa chọn nào thì đành trông chờ vào cái tâm của người trông trẻ vậy”, chị Huyền thở dài.
Khó kiểm soát
Trên thực tế, mặc dù hiện Hà Nội có hơn 900 trường mầm non (698 trường công lập; 5 trường dân lập; 202 trường ngoài công lập) nhưng hầu hết các trường mầm non công lập đều chỉ nhận học sinh từ 3 tuổi trở lên, số trường nhận trẻ từ 2 tuổi trở lên cũng ít.
Những trường tư thục bình dân có sân chơi cho các cháu, có giáo trình học, thì học phí cũng khá cao, từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng và hầu hết các trường cũng chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi. Chính vì vậy, nhiều cha mẹ không có người thân rảnh rỗi hay không có điều kiện thuê người giúp việc, vẫn phải gửi trẻ ở những điểm trông trẻ tại gia.
Theo bà Phạm Thị Hồng Nga – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, những điểm trông trẻ tại gia này không thuộc sự quản lý của Sở GD&ĐT, mà thuộc sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương. Sở GD&ĐT có chủ trương phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh các điểm trông trẻ tại gia, nhưng có phát hiện được cũng khó xử lý với những lý do biến tướng như “trông con, cháu trong nhà”. “Lo ngại nhất là những nhà nhận giữ trẻ tại gia này đều có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa chật chội. Nơi trông giữ trẻ rất mất an toàn với nhiều đồ điện, cầu thang gỗ không lan can… khiến trẻ dễ gặp nạn. Khi gửi con tại những điểm trông trẻ tại gia, các bố mẹ cũng không có bất kỳ giấy tờ, hợp đồng nào ràng buộc trách nhiệm với người trông trẻ, nên nếu trẻ có gặp sự cố, cũng rất khó để cơ quan chức năng xử lý người trông trẻ”.
Theo TNO
Phải gửi con ở điểm trông trẻ tự phát vì nghèo
Từ hôm xảy ra vụ bé trai 18 tháng tuổi bị bảo mẫu đánh đến chết, gia đình chị Linh, cũng là công nhân ở quận Thủ Đức, TP HCM, liên tục tranh luận có nên gửi bé Lân (3 tuổi) ở nhóm trông trẻ tự phát tại gia nữa không.
Bố mẹ ở quê ngày nào cũng gọi điện vào bảo nếu vợ chồng anh chị khó khăn quá thì mang cháu ra cho ông bà nuôi. Tuy nhiên, cả đằng nội đằng ngoại đều nghèo nên vợ chồng chị mới phải di cư vào TP HCM làm công nhân. Anh chị cũng không thể nhận lời đề nghị trông cháu của bà nội hay bà ngoại vì sợ gửi người này thì người kia nghĩ ngợi, chưa kể cả hai bà đều già yếu và thời tiết miền bắc đã bắt đầu trở lạnh.
Năm ngoái, bé Lân được đem gửi ở một trường mầm non tư có quy mô nhỏ với khoảng gần trăm bé. Tuy nhiên, vào năm học mới, trường tăng học phí thêm 130.000 đồng, tổng cộng thành 1,6 triệu mỗi tháng, các cô lại chỉ trông đến 5 giờ chiều, gửi thêm tối sẽ mất thêm 450.000 đồng nữa, chị Linh quyết định đem con về gửi cho một nhóm trông trẻ tự phát tại gia với giá 1,2 triệu đồng mỗi tháng, được bao ăn ba bữa. Hàng ngày chị mang thêm sữa cho con.
Tuy nhiên, từ khi chuyển lớp đến đến nay đã được gần 3 tháng mà bé Lân không tăng được ký nào. "Cả lớp của bé có gần 10 cháu, từ 6 tháng tuổi cho đến 4 tuổi, đứa nào cũng gầy nhom", chị Linh than thở. "Bù lại mỗi tháng mình tiết kiệm được ít tiền để gửi về quê biếu bố mẹ và phòng thân sau này".
Cũng chung tâm trạng lo lắng khi đem gửi con sau vụ thiệt mạng của bé trai 18 tháng tuổi là vợ chồng chị Tình, công nhân khu chế xuất Tân Thuận, quận 7. Khi con gái lên 2 tuổi, nhớ con quá, vợ chồng chị Tình đón bé vào TP HCM ở cùng. Tuy nhiên, vì phòng trọ của vợ chồng chị quá chật, chỉ 12m2 nên bà nội không muốn vào theo để chăm sóc cháu nữa.
Chị Tình phải đem con đi gửi ở nhà hàng xóm cùng khu trọ. Đó là một bà mẹ nghỉ việc ở nhà trông con từ sau khi sinh, nhân tiện nhận trông thêm những đứa trẻ khác nữa để có thêm thu nhập. "Chủ yếu là nhờ người ta cho con mình ăn uống đầy đủ thôi", chị Tình chia sẻ. Mỗi tháng phí gửi trẻ của bé là 1,2 triệu đồng, ăn tự túc. Vì cùng dãy trọ nên thời gian chị gửi con cũng rất thoải mái. Hôm nào đi làm ca hai thì chiều chị mới đem con sang gửi.
Những em bé, con dân lao động nghèo ở Bùi Văn Ba, quận 7, TP HCM. Ảnh: Kim Anh.
Khi bé Bin hơn 1 tuổi, bà ngoại phải về quê chăm ông, ông bà nội đã mất, chị Hằng (quận 4) quyết định đem con sang gửi bà hàng xóm. Hàng ngày, chị nấu sẵn cháo cho vào cặp lồng để bé ăn hai bữa sáng, trưa; đong sẵn sữa bột cho 2 lần uống và dẫn con sang nhà bà hàng xóm. Mỗi tháng tiền công trông trẻ là 1 triệu đồng, chị gửi con từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Vì là hàng xóm thân thiết nên nếu hôm nào vợ chồng chị có việc, chị vẫn có thể gửi bé đến đêm, bà hàng xóm cũng không kêu ca gì. Cộng với việc không muốn con phải di chuyển xa khi còn quá nhỏ, chi phí ở đây rẻ hơn trường tư một chút nên chị quyết định sẽ gửi con cho đến khi bé tròn 2 tuổi thì xin vào trường công.
"Bà cụ dù không có chuyên môn sư phạm nhưng hiền lành và yêu trẻ. Đâu phải ai cũng mất hết nhân tính như bảo mẫu Ngọc Nhờ hay Kim Hoa trước đây", chị Hằng cho biết. Ngoài Bin, bà hàng xóm còn nhận trông một cậu bé 15 tháng tuổi.
Theo chị Hằng, không chỉ công nhân gặp khó khăn khi gửi con nhỏ mà những viên chức với mức lương thấp như vợ chồng chị (tổng cộng 8 triệu mỗi tháng) cũng không dễ tìm nhà trẻ cho con. Nếu muốn gửi con vào các trường tư, mỗi tháng phụ trội thêm cả triệu đồng, trong khi hiện tại hai vợ chồng chi tiêu dè xẻn nhưng cũng chẳng tiết kiệm được đồng nào.
Tại đường Bùi Văn Ba (khu phố 2, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP HCM), nơi được coi là xóm công nhân, nằm sát khu chế xuất Tân Thuận, số nhà trẻ tại gia cũng đến gần chục. Căn phòng ban ngày là lớp học cho các bé, buổi tối là nơi sinh hoạt của cả gia đình "cô giáo", lúc đêm thì là "gara" để xe. Ngay trong hẻm 98 dài chưa đầy 500m đã có hai lớp học - nhà trẻ, hẻm 118 kế bên cũng có một trường mầm non. Ở đây, trẻ khoảng 6 tháng tuổi là có thể được gửi, tổng học phí cộng tiền ăn ba bữa sáng trưa tối của các bé khoảng 1 -1,5 triệu đồng, trẻ phải tự mang sữa đi. Các nhà trẻ tự phát thường nhận trông trẻ từ 6h30 sáng đến 6h30 tối.
Theo một cán bộ của phòng mầm non, Sở Giáo dục Đào tạo TP HCM, tại thành phố hiện có khoảng 1.000 trường mầm non, cả công và tư. Nếu nói về hệ nhà trẻ thì chủ yếu là các trường tư, một số trường công cũng có lớp nhà trẻ nhưng xu hướng độ tuổi tuyển sinh vào các lớp nhà trẻ ngày càng cao.
Không phải chỉ công nhân gặp khó khăn trong việc tìm nơi trông con, những nhân viên văn phòng, những người thu nhập ở mức bình thường cũng không dễ trong việc tìm chỗ gửi con, vì đa số trường công lập nếu có lớp nhà trẻ thường chỉ nhận các bé từ 2 tuổi trở nên. Ngay tại quận 7, các trường mầm non công lập như Bình Thuận, Tân Mỹ, Phú Thuận... đều chỉ nhận các bé từ 25 tháng tuổi trở lên, chưa kể để vào lớp nhà trẻ, các bé phải có hộ khẩu thường trú. Rất ít trường như 19/5 nhận trông trẻ từ 18 tháng tuổi, nhưng số học sinh được học ở lớp nhà trẻ cũng không nhiều.
Tại trường công, tổng học phí cộng tiền ăn uống của các bé thường xê dịch khoảng 1 triệu - 1,2 triệu đồng/tháng. Ở những trường tư thục bình dân mà cơ sở vật chất tạm chấp nhận được, như cũng có sân chơi cho các cháu, có giáo trình học, con số này ít ra cũng phải tăng lên gấp rưỡi. Tuy nhiên, nhiều trường mầm non dân lập ở mức trung bình cũng không dám nhận trẻ quá nhỏ. Thường trẻ sau 18 tháng tuổi mới dễ tìm lớp học, trong khi mẹ chỉ được nghỉ thai sản 6 tháng. Vì vậy, với nhiều cha mẹ không có người thân rảnh rỗi hay người giúp việc, gửi trẻ ở một người trông trẻ tự phát vẫn là một lựa chọn hàng đầu.
Từng gửi con một năm tại nhà bác hàng xóm và cảm thấy rất hài lòng, chị Hà (nhân viên luật của một công ty phần mềm tại quận 1), cho rằng khi gửi trẻ tại gia, trước hết cần xem xét bản thân người trông trẻ có hiền lành, có yêu trẻ hay không. Sau đó, nên xem xét không gian giữ trẻ có hợp lý an toàn cho con không.
Đặc biệt, bố mẹ nên theo dõi sát sao tình hình sức khỏe, tính cách của con sau khi về nhà. Hãy chú ý kiểm tra cơ thể con khi thay đồ, tắm rửa cho con. Nếu con đã biết nói, hãy hỏi con về lớp học, về các hoạt động ở lớp, các món ăn hàng ngày, và đặc biệt là xem xét thái độ tình cảm của con với người trông trẻ.
Nếu bé có bất cứ dấu hiệu bất thường nào như lo lắng, sợ sệt khi nhắc đến nhà trẻ, cô giáo hoặc trên người bị thương tích, bầm tím dù nhỏ nhất, bố mẹ cũng phải điều tra hoặc cho bé nghỉ ngay lập tức.
Theo Kim Anh (Vnexpress)
Bạn có muốn đến Nam Phi trổ tài nấu nướng? Không cần phải là đầu bếp chuyên nghiệp, chỉ cần biết nấu ăn và có niềm đam mê nấu nướng là bạn có thể giành một vé đến Nam Phi miễn phí để trổ tài nấu nướng rồi đấy! Tham gia cuộc thi "Vua đầu bếp tại gia" Nếu bạn muốn đến Nam Phi để trổ tài khả năng nấu nướng cùng các...