Gửi sĩ tử 2k3: Trượt đại học chẳng đáng sợ như ngày tận thế, suy cho cùng đời người đâu chỉ có 1 kỳ thi!
Thi đỗ hay thi trượt là chuyện hết sức bình thường. Mỗi người sẽ có riêng một con đường cho chính mình.
Thời gian trước, sĩ tử 2k3 trên cả nước vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Những ngày này, phụ huynh và học sinh đều đang xôn xao, chờ đợi kết quả trúng tuyển đại học. Bằng phương thức xét tuyển này hoặc phương thức xét tuyển kia, nhiều em đã biết được mình đỗ. Tất nhiên gia đình nào cũng tự hào, hãnh diện khi tên con mình có trong “danh sách vàng”.
Sĩ tử 2k3 vừa trải qua kỳ thi quan trọng.
Vậy những đứa trẻ không đậu đại học thì sao?
Nhiều bạn trẻ sau khi thi rớt thì thất vọng về bản thân đến cùng cực. Nhìn bạn bè tung tăng nhập học còn mình thì lỡ dở, phải chờ thêm 1 năm nữa thì trở nên buông xuôi, chẳng còn tha thiết gì. Thế rồi, có em sa đà vào những cuộc chơi để tự giải phóng tinh thần, quên đi nỗi xấu hổ không bằng bạn, bằng bè. Đến khi bừng tỉnh, các em mới hốt hoảng nhận ra mình đã sống buông thả quá mức, thậm chí gây ra hậu quả nặng nề.
Xét cho cùng, trượt đại học cũng chẳng đáng sợ như ngày tận thế. Không đỗ đại học thì ta nộp đơn vào cao đẳng, trung cấp, học trung cấp nghề,… Trường nào cũng được, miễn sao trường đó phù hợp với bản thân, cho ta một hướng đi rõ ràng.
Có một câu nói rất quen thuộc: “Nhìn lên không bằng ai, nhưng nhìn xuống chẳng ai bằng mình”. Tại sao cứ phải nhìn lên nhìn xuống, nhìn qua nhìn lại. Hãy cứ nhìn thẳng mà bước, đường của mình thì mình đi. Sao cứ phải cố làm hài lòng, vừa vặn tất cả? Công thức của sự thất bại là cố làm hài lòng tất cả mọi người.
Video đang HOT
Thực tế, việc thi đỗ hay không còn kèm yếu tố may mắn. Chẳng hạn như một bạn học tập rất giỏi, nộp hồ sơ vào trường top đầu và chỉ thiếu 0,25 điểm. Nhưng có thí sinh khác thành tích học tập hàng ngày kém hơn nhưng vẫn thi đỗ đại học nhờ chọn một trường có mức điểm chuẩn trung bình.
Năng lực học tập của bạn ra sao, chỉ bản thân bạn mới biết. Đừng vì một lần thất bại mà đã nhụt chí.
Về phía bố mẹ, đừng luôn áp đặt kỳ vọng, sở thích của mình lên con. Con phải là kỹ sư, con phải làm bác sĩ, giám đốc, doanh nhân này nọ,… Những nghề nghiệp khác dù không được mức lương quá cao như kỳ vọng nhưng cũng đâu tầm thường? Chẳng có nghề nào là tầm thường và đáng khinh.
Chỉ cần kiếm ra đồng tiền chân chính, dựa trên chính sức lao động của mình thì mọi nghề nghiệp đều cao quý. Thực tế, nhiều người chỉ học trung cấp nghề nhưng vẫn kiếm được tiền tỉ nhờ thạo việc.
Nhưng lựa chọn nghề nghiệp như nào mới đúng?
Một thầy giáo chủ nhiệm từng định hướng tương lai cho học trò: Có em nói muốn học nấu ăn, thầy bảo phải là bếp trưởng của khách sạn năm sao. Có em nói muốn học quản trị, thầy kêu phải giám đốc nhân sự của công ty này, tập đoàn kia,… Đặt mục tiêu cao để học trò phấn đấu là không sai. Nhưng giấc mơ cao quá cũng dễ là giấc mơ hão huyền.
Khi nhận những liều thuốc kích thích mạnh như vậy, học trò sẽ cảm thấy hừng hực khí thế. Nhưng khi nội hàm chưa đủ, bạn sẽ bẹp xuống như một quả bóng bay. Khi bạn cứ nằm đó mỗi ngày mà vẽ những giấc mơ viễn vông, thì bạn vẫn mãi là con số không ngơ ngác giữa cuộc đời.
Đời người đâu chỉ có một kì thi, và cũng đâu phải vì không đảm bảo các tiêu chí của kì thi ấy mà mọi con đường đến tương lai đều dừng lại. Chọn cho mình một công việc đúng với đam mê, bạn sẽ có nhiều động lực để cố gắng.
Không có con đường nào dành cho bạn là bằng phẳng. Chỉ có chính bạn trải nghiệm, vấp ngã rồi tự bản thân đứng dậy. Bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn và có những bài học giá trị cho chính mình.
Đam mê khi ấy sẽ là chiếc phao giúp bạn vững tin đi qua sóng gió. Đâu có công việc nào là nhỏ bé, cũng đâu có việc nào là lớn lao. Tất cả những điều đó là do quan điểm của mỗi người mà thôi.
Thi đỗ hay thi trượt là chuyện hết sức bình thường. Mỗi người sẽ có riêng một con đường cho chính mình. Vấp ngã thì đứng lên, sai thì ta làm lại cho đúng. Không có gì phải dằn vặt hay day dứt khi bản thân đã cố gắng. Chỉ cần ta sống đúng và sống tốt là đã thật sự thành công! CỐ LÊN BẠN NHÉ!
Mách thí sinh mẹo điều chỉnh nguyện vọng tránh 'điểm cao vẫn trượt'
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT thì từ 7/8 đến 17h ngày 17/8, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH năm 2021.
Vậy thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển thế nào để tăng khả năng trúng tuyển?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 phổ điểm thi tăng ở nhiều môn thi. Trong đó, số lượng bài thi đạt điểm cao cũng tăng thêm khá nhiều ở các môn như tiếng Anh, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học....
Riêng môn tiếng Anh số lượng điểm 10 tăng gấp 19 lần so với năm trước, điều này khiến nhiều thí sinh điểm thi cao nhưng rất có thể cũng sẽ bị trượt đại học nếu các em không có chiến lược thay đổi nguyện vọng hợp lý.
Theo PGS.TS Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì ngay cả việc đăng ký hay thay đổi nguyện vọng các em cũng phải có những chiến lược nhất định vì thực tế mùa tuyển sinh những năm trước, có những em đạt điểm cao, thậm chí 25-26 điểm nhưng vẫn trượt đại học.
"Theo tôi, các em nên dành thêm thời gian nghiên cứu kỹ về những ngành nghề và những trường mà mình đã chọn, kể cả việc đào tạo cũng như cơ hội việc làm.
Sau đó các em có thể đối chiếu điểm chuẩn của trường đó, ngành đó trong 1-2 năm gần nhất để có dự đoán xu hướng tăng hay giảm của điểm chuẩn năm nay, tất nhiên việc này khá mất thời gian.
Nếu điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh thấp hơn trung bình điểm chuẩn của những năm trước dưới 1 điểm thì nguyện vọng 1 và 2 có thể ưu tiên những ngành thí sinh yêu thích nhất. Thí sinh nên đăng ký nhiều nguyện vọng cho "an toàn", nên đặt thêm 2-3 nguyện vọng vào các ngành có điểm chuẩn năm trước thấp hơn điểm thi 1-3 điểm", PGS.TS Vũ Hoàng Linh chia sẻ.
Ảnh minh họa
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD&ĐT thì khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển thí sinh cần ưu tiên đưa các nguyện vọng thích nhất (nguyện vọng mong muốn) và khó trúng tuyển (điểm trúng tuyển cao) lên trên (nguyện vọng 1 là nguyện vọng có mức ưu tiên cao nhất).
"Tôi nghĩ rằng thí sinh phải xem xét kỹ các điều kiện xét tuyển của các trường, như điều kiện sơ tuyển, điều kiện về ngoại ngữ, vùng tuyển, điểm thi năng khiếu,... để đảm đủ điều kiện xét tuyển.
Điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay nhích cao hơn năm trước do vậy các thí sinh rất cần nghiên cứu kỹ khi lựa chọn nguyện vọng, tránh để rơi vào thế bất lợi do chủ quan. Với các em tự tin ở mức điểm cao thì nên bổ sung thêm nguyện vọng, có thể chọn một ngành yêu thích nhưng ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển của mình, đừng để điểm cao mà vẫn trượt", bà Thủy nói.
Quy chế tuyển sinh hiện hành quy định thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng, thí sinh cần căn cứ vào ngưỡng đảm bảo chất lượng (ngưỡng nhận hồ sơ và các điều kiện quy định cụ thể của từng trường) để đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Quy chế cũng cho phép thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến 03 lần trong thời gian quy định, nếu thí sinh muốn tăng thêm nguyện vọng thì phải điền vào mẫu và nộp cùng với lệ phí xét tuyển với số nguyện vọng tăng thêm tại điểm tiếp nhận hồ sơ ban đầu. Thí sinh lưu ý phải thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đầy đủ, hết, đúng quy trình trong thời gian quy định (sẽ được hướng dẫn sớm tới các cơ sở đào tạo và thí sinh để thực hiện sau khi có điểm thi ở đợt 2).
Các em lưu ý, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào nhiều trường với các phương thức khác nhau, nhưng thí sinh cũng chỉ xác nhận và nhập học vào một ngành và một trường duy nhất.
Thí sinh đạt 25 - 26 điểm vẫn có thể trượt đại học PGS-TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, chia sẻ những kinh nghiệm làm thế nào để tránh tình trạng thí sinh đạt 25-26 điểm vẫn có thể trượt đại học. - Phóng viên: Với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, dự kiến điểm chuẩn vào đại học sẽ như thế nào, thưa bà? Vụ trưởng...