GS.VS Phạm Minh Hạc: Vui, nhưng đừng ảo tưởng (15/05/2015)
Như Đại Đoàn Kết đã đưa tin ở số báo 134, dựa vào kết quả kiểm tra môn Toán và Khoa học ở học sinh, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu, trong đó Việt Nam xếp thứ 12 trên 76 nước tham gia, trên cả Anh (xếp thứ 20), Mỹ (28). Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với GS. VS Phạm Minh Hạc và ghi lại ý kiến của một số chuyên gia.
GS.VS Phạm Minh Hạc PV: Thưa GS, ông đón nhận thông tin Việt Nam xếp thứ 12/76 trong bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố mới đây thế nào? GS.VS phạm Minh Hạc: Đó là một tin đáng mừng. OECD là một tổ chức ở châu Âu rất có uy tín. Phương pháp khảo sát của họ khách quan, chính xác. Họ đã có kinh nghiệm tiến hành nhiều năm và được quốc tế công nhận nên không có lý do gì để nghi ngờ về con số này. Song nghiên cứu giáo dục này mới được thực hiện ở 2 môn là Toán và Khoa học, đối tượng khảo sát là học sinh 15 tuổi – cấp phổ thông lại chính là điểm mạnh của giáo dục Việt Nam. Đó là dạy chữ. Trong khi đó, OECD không nghiên cứu các mặt khác mà học sinh Việt Nam thời gian qua vẫn bị đánh giá là yếu kém như hiểu biết xã hội, vấn đề dạy người, dạy nghề, kỷ luật trong nhà trường, văn hóa học đường… Như vậy, công bố của OECD mới là một căn cứ để các nhà quản lý giáo dục, những người quan tâm tham khảo, thưa GS? – Có thể đối với ai đó, kết quả là để tham khảo. Nhưng với cá nhân tôi, chuyện này trước hết là đáng mừng, cho thấy nỗ lực của ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung đối với giáo dục học sinh phổ thông. Tôi nhấn mạnh ở đây là giáo dục đại trà chứ không phải chỉ riêng đầu tư kiểu “mũi nhọn” cho các học sinh giỏi ở trường chuyên, lớp chọn để tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc tế như chúng ta vẫn nói lâu nay. Nói thế không có nghĩa là chúng ta ảo tưởng về mình, say sưa với niềm vui mà quên đi những mặt còn yếu kém của nền giáo dục nước nhà. Tinh thần NQ29 của TƯ về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà vẫn đúng ở thời điểm hiện tại và cần phải tích cực thực hiện. Báo cáo cụ thể về bảng xếp hạng này sẽ được trình bày tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới tổ chức ở Hàn Quốc vào tuần tới, trong hội nghị về mục tiêu nâng cao giáo dục toàn cầu đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Năm 2012, OECD cũng công bố Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) gây nhiều tranh cãi khi Việt Nam lần đầu tham gia khảo sát đã xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả PISA 2012 của Việt Nam cũng cao hơn nhiều nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Pháp, Mỹ…
Thưa GS, theo đại diện của OECD thì bảng xếp hàng này sẽ giúp mỗi nước có được dữ liệu để so sánh với những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới, nhằm khám phá điểm mạnh, cũng như điểm yếu của nước mình. Từ đó, xem xét những lợi ích kinh tế dài hạn có được nhờ cải thiện chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, thực tế là theo bảng xếp hạng này Việt Nam có thứ hạng cao hơn cả Anh, Mỹ về chất lượng giáo dục?
- Tôi cho rằng xếp hạng của OECD sẽ rất có ích đối với cải cách giáo dục nếu chúng ta không xem đó là cuộc thi giành thứ hạng cao, cũng không nhằm củng cố niềm tự hào dân tộc hoặc biện minh cho những thiếu sót của nền giáo dục. Hãy xem đây là một cơ hội để tiếp cận với cách đánh giá năng lực của học sinh, một cơ hội quan trọng để phân tích những vấn đề tồn tại trong hệ thống và đề ra chính sách phù hợp để cải thiện. Tất nhiên, để làm được điều này thì cần những phân tích, đánh giá sâu hơn từ cơ sở dữ liệu đầu vào mà OECD cung cấp ở Diễn đàn Giáo dục Thế giới tổ chức ở Hàn Quốc tuần tới chứ không chỉ là một con số định lượng đã công bố. Còn chuyện cải cách giáo dục liên quan đến kinh tế, tôi cho rằng kinh tế của Việt Nam đang yếu. Nhưng phát triển kinh tế dài hạn lại phụ thuộc nhiều vào bài toán nhân lực là các kỹ sư, cử nhân, đội ngũ được đào tạo nghề… chứ không phải là học sinh phổ thông. Đây lại là mặt yếu của giáo dục Việt Nam.
Nhiều người cố gắng kiếm một bằng đại học, thậm chí là bằng tiến sĩ mà chưa biết để làm gì? Tâm lý chạy theo bằng cấp không có giá trị sử dụng thực sự trong cuộc sống hay còn gọi là tâm lý khoa cử vẫn nặng ở Việt Nam. Đó là thiếu sót của nền giáo dục. Nên OECD điều tra về mặt dạy chữ thì chúng ta xếp hạng cao nhưng tổ chức khác điều tra về mặt vận dụng tri thức vào cuộc sống, các ứng dụng khoa học… thì kết quả sẽ khác nhiều.
Có ý kiến cho rằng, nếu tin vào con số mà OECD công bố thì Việt Nam chẳng cần phải quyết liệt tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, có thể làm từ từ. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này?
- Nói như vậy là không đúng. Như tôi đã phân tích ở trên, người ta chỉ điều tra một số môn, trong phạm vi học thức, dạy chữ. Chúng ta tin vào kết quả này nhưng không phải là niềm tin mù quáng, càng không phải vì thế mà không tiến hành đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Mỗi học sinh trong nhà trường học 8, 10 môn chứ đâu phải chỉ học Toán hay Khoa học? Và mục tiêu cuối cùng của giáo dục là đào tạo ra con người toàn diện đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của xã hội, cần phải làm quyết liệt để nhanh chóng bắt kịp với xu hướng hội nhập thế giới. Nếu cứ đủng đỉnh thì hôm nay có thể ta đổi mới được 1, 2 thì xã hội đã tiến lên đến 10, 20 rồi.
Trân trọng cảm ơn GS!
Theo Daidoanket