GS Vũ Hà Văn phân tích ưu, nhược điểm của hai cách phong giáo sư
Theo GS Vũ Hà Văn, nếu phong qua hội đồng nhà nước thì cần đặt chuẩn cao hơn, các hội đồng phải chất lượng và làm việc nghiêm túc.
Giáo sư Vũ Hà Văn, Khoa Toán, Đại học Yale (bang Connecticut, Mỹ). Ảnh: NVCC
Năm này qua năm khác, ngay sau khi danh sách giáo sư, phó giáo sư mới được công bố, báo chí lại đăng hai chỉ số thống kê, không lấy gì làm vui. Một là số lượng trung bình bài nghiên cứu do một giáo sư công bố khá thấp. Hai là tổng số công bố quốc tế của Việt Nam còn kém nhiều lần so với các nước trong khu vực. (Trong bài này tôi sẽ dùng từ giáo sư để gọi chung hai chức danh giáo sư và phó giáo sư).
Năm nay, còn có một thống kê gây sốc hơn. Đó là trong gần 1.200 giáo sư được đề nghị, có tới hơn một nửa chưa có bài nghiên cứu nào đăng trên tạp chí quốc tế uy tín. (Uy tín ở đây được tính theo nghĩa tương đối, nghĩa là tạp chí có mặt trong danh sách tên gọi là ISI). Việc này gây chấn động dư luận trong vài tuần gần đây, dẫn tới việc Thủ tướng phải đích thân chỉ định hội đồng phong giáo sư rà soát toàn bộ danh sách. Một việc rất hiếm khi xảy ra tại bất kỳ nước nào.
Hiện nay tại Việt Nam việc phong giáo sư thường được coi là một hình thức tôn vinh. Nhưng khi chuẩn mực đã bị xáo trộn, hình thức này không đạt được mục đích của nó. Mọi người đã mất lòng tin vào giá trị của “tôn vinh”, bởi các thông kê nói trên. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học thực sự, có nhiều công trình giá trị, đã cảm thấy danh hiệu của họ bị xem thường. Nhiều nhà nghiên cứu trẻ, mặc dầu đủ chuẩn, không hào hứng gì với việc ứng cử vào chức danh giáo sư.
Hiển nhiên quy trình phong giáo sư cần thay đổi. Nhưng thay đổi như thế nào?
Hiện nay các nước tiên tiến có hai cách phong hàm giáo sư/phó giáo sư. Cách một là phong qua hội đồng nhà nước như hiện nay. Báo chí đã viết nhiều về cách xét duyệt này, nội dung chủ yếu là sau khi qua các hội đồng ở dưới, hội đồng liên ngành của nhà nước sẽ là đơn vị cuối cùng xét duyệt. Một số nước châu Âu dùng cách này.
Cách hai là các trường đại học tự phong. Đây là cách Mỹ làm. Chức danh trước hết được hội đồng khoa xem xét và đề đạt, sau đó qua hội đồng khoa, hội đồng liên khoa của trường.
Giữ cách phong qua hội đồng nhà nước, nhưng đặt chuẩn cao hơn
Các vấn đề của cách làm này như sau:
Thứ nhất, chuẩn cao về cơ bản hiện nay vẫn là đếm số công trình. Dù có quy định phải là công trình đăng tạp chí ISI chăng nữa, nếu muốn vẫn có thể lách. Trong danh sách ISI có rất nhiều tạp chí đăng bài khá dễ dàng, và thường những bài này ít được đọc hoặc trích dẫn. Nếu không tính chỉ số trích dẫn, chỉ đếm số bài đăng thực ra không đo được gì.
Video đang HOT
Thứ hai, chuẩn các ngành không thể để giống nhau. Các chỉ số như số lượng bài báo, số trích dẫn, H-index, của các ngành khác nhau rất khác nhau, ngay cả trong cùng một lĩnh vực lớn như khoa học tự nhiên.
Thứ ba, rất nhiều trường đại học Việt Nam có rất ít giáo sư, thậm chí không có ai. Chuẩn càng cao thì khả năng họ có giáo sư càng giảm.
Sự thành công của phương pháp này phụ thuộc vào chất lượng và sự nghiêm túc của các hội đồng.
Chuẩn của việc xét giáo sư cần là chuẩn chung của hội đồng chuyên ngành đưa ra, chứ rất khó dùng một chuẩn cứng cho nhiều ngành một lúc như hiện nay. Nếu các thành viên của hội đồng trình độ càng cao, càng nhiều hiểu biết về nghiên cứu quốc tế, chuẩn của họ đưa ra sẽ tự nhiên cao lên. Trong thời đại ngày nay, các nghiên cứu, chất lượng của tạp chí, số lượng trích dẫn… đều là thông tin có thể tìm được dễ dàng trên internet. Xác định chất lượng của một nhà nghiên cứu không phải điều quá khó.
Đưa việc phong giáo sư về từng trường
Vấn đề ở đây, như nhiều người đã đề cập, là sẽ có hiện tượng loạn giáo sư, số lượng giáo sư sẽ tăng chóng mặt, và chất lượng giáo sư các trường khác nhau sẽ rất khác nhau.
Phương án này khả thi và sẽ có một số ưu điểm nếu ta thay đổi quan niệm về chức danh.
Ở Mỹ, giáo sư để chỉ những người giảng dạy và nghiên cứu chuyên nghiệp trong các trường đại học. Đơn giản nó là tên của một nghề, như cầu thủ bóng đá, không mang tính tôn vinh. Mỹ có hàng nghìn trường đại học, số lượng giáo sư có thể cả vài trăm nghìn. Nếu ta quan niệm như vậy thì việc giáo sư nhiều hay ít không thành vấn đề lớn.
Các lợi ích có thể có của việc các trường đại học tự phong giáo sư:
Thứ nhất, chỉ những người trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học mới có thể được phong giáo sư.
Thứ hai, lợi ích của giáo sư gắn liền với trường. Các trường tốt muốn giữ đẳng cấp sẽ rất cẩn thận trong việc phong giáo sư. Không phải dĩ hoà vi quý, bạ ai cũng phong, bởi một trường nhiều giáo sư dỏm, xếp hạng sẽ tự đi xuống. Ngược lại, các giáo sư giỏi cũng muốn về trường tốt, vì uy tín và điều kiện làm việc của họ được cải thiện.
Thứ ba, vì đẳng cấp của trường được quyết định bởi chất lượng của giáo sư, các trường sẽ cạnh tranh để có được các giáo sư tốt nhất, vô hình chung sẽ cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc của những người thực sự có tài năng.
Thứ tư, vẫn có nhiều cách để tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc. Như đã nói ở trên, đẳng cấp giáo sư gắn liền với đại học của họ. Như ở Mỹ có hàng nghìn trường, nhưng giáo sư của các trường lớn như Harvard hay Princeton vẫn có tiếng nói riêng. Ngay trong một trường, cũng có nhiều cách để tôn vinh giáo sư, thông qua các danh hiệu như giáo sư xuất sắc của trường… Bên cạnh đó, các ngành khoa học đều có chuẩn mực để các nhà khoa học đánh giá lẫn nhau, như các giải thường, đề tài cấp quốc gia, chất lượng bài nghiên cứu, phát biểu tại hội nghị quốc tế quan trọng…
Ở trên tôi có nhắc tới việc đánh giá các trường đại học. Trong công cuộc cải tổ giáo dục đại học, đây là điều hết sức cần thiết, ngay cả khi nó không gắn liền với việc phong hàm. Nó sẽ đưa ra định hướng cho phụ huynh đang tìm trường cho con em, và là cơ sở thúc đẩy sự cạnh tranh về học thuật các trường. Hiện nay cũng đã nhiều trường đăng thông tin về quá trình đào tạo và thành tích khoa học của các giáo sư trên trang web của họ. Điều này cần được làm như một quy định.
Phụ huynh có quyền được biết những người dạy dỗ con mình được đào tạo ra sao. Học sinh rất cần biết giáo sư của mình trình độ thế nào, bởi họ có sự lựa chọn.
Chi phí để lập một ủy ban độc lập cho việc đánh giá các trường đại học có lẽ rất nhỏ so với các chi phí về giáo dục.
Theo VNE
Hồ sơ đầy đủ, Bộ trưởng Y tế vẫn 'rơi' khỏi danh sách công nhận GS
Ngày 6.3, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công bố danh sách 1.131 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017, tuy nhiên trong danh sách này không có tên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Cụ thể, trong số 1.131 người vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 có 74 người được công nhận là giáo sư và 1.057 người được công nhận phó giáo sư. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - ứng viên chức danh giáo sư không có tên trong danh sách những người được công nhận.
Danh sách công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2017 không có tên Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trước đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước rà soát lại các ứng viên được công bố giáo sư, phó giáo sư vào tháng 2, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến rơi vào danh sách phải xem xét lại hồ sơ đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm từ dư luận và giới chuyên môn.
Trả lời báo Báo, GS.TSKH Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Y khi đó cũng cho biết, Hội đồng này quyết định giữ lại hồ sơ của Bộ trưởng Tiến để xem xét kỹ lại vì có một vài đơn khiếu nại việc bà Tiến được công nhận giáo sư.
"Khi có chỉ thị của Thủ tướng về việc rà soát lại, Hội đồng ngành Y đã tiến hành xem xét các đối tượng thuộc 3 nhóm sau: Thứ nhất là các ứng viên có đơn thư khiếu nại, thứ 2 là các ứng viên trong quá trình làm việc tổ thanh tra của Bộ GDĐT thấy hồ sơ chưa chuẩn; thứ 3 là tất cả các ứng viên thuộc diện là cán bộ quản lý như Bộ trưởng, Thứ trưởng, cục trưởng, cục phó... Bộ trưởng Tiến thuộc 2 diện vừa là cán bộ quản lý và vừa có đơn thư khiếu nại" - ông Khánh cho biết.
Đánh giá về hồ sơ của bà Tiến, vị Chủ tịch Hội đồng ngành Y cho rằng, hồ sơ của bà Tiến rất đầy đủ những tiêu chuẩn của chức danh GS hiện hành và ở mức độ cao.
Cụ thể, Tiêu chí về mặt khoa học và đào tạo của chức danh GS hiện hành, Bộ trưởng đều đạt được ở mức cao.
Về tiêu chí giảng dạy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh. Vị này cũng tham gia giảng dạy tại ĐH Y dược TP.HCM, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Bộ trưởng có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn.
Về nghiên cứu khoa học, bà Tiến chủ trì 2 đề tài cấp Nhà nước, số đề tài cấp bộ đã nghiệm thu là 6, cùng 15 đề tài cấp cơ sở. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến có 91 bài báo khoa học, 14 bài đăng trong tạp chí quốc tế ISI, tổng điểm quy đổi cao (34,38). Trong khi đó, chức danh giáo sư chỉ yêu cầu 20 điểm.
Tuy nhiên, vẫn có vài đơn khiếu nại đối với việc công nhận giáo sư của bà Tiến.
Ngoài ra, Bộ Y tế còn có 2 quan chức khác cũng không được xét duyệt chức danh phó giáo sư lần này. Đó là ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm và ông Hà Anh Đức - Thư ký của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nói về quyết định cuối cùng của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, GS. TSKH Bùi Văn Ga - Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết, 1.131 ứng viên được công nhận là những người đảm bảo đầy đủ theo quy định và không có đơn thư tố cáo.
Cũng theo ông Ga, 95 hồ sơ chưa đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, cần xác minh thêm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã gửi công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và cơ quan liên quan cung cấp tài liệu, minh chứng cụ thể. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cũng đã giao Tổ Công tác làm việc trực tiếp với cơ quan liên quan để xác minh thêm.
Theo Dân Việt
Chưa công nhận các ứng viên đạt chuẩn GS, PGS nhưng bị kiện Theo thông báo chính thức từ Hội đồng chức danh giáo sư (GS) nhà nước, những ứng viên tuy đã được thông qua hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, phó giáo sư (PGS) năm 2017 nhưng hồ sơ chưa đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo thì sẽ...