GS từng giành huy chương vàng quốc tế mất 2 tiếng giải 5 câu đề Toán
Thí sinh chỉ có 90 phút để giải quyết đề thi Toán THPT quốc gia 2018 gồm 50 câu trắc nghiệm. GS Toán học Nguyễn Tiến Dũng nói ông phải mất hơn 2 tiếng mới giải được 5 câu khó nhất.
Được học sinh, giáo viên phổ thông và cả chuyên gia Toán học đánh giá quá khó, đề thi môn Toán THPT quốc gia 2018 tiếp tục gây bất ngờ khi thách thức cả giáo sư Toán học người Việt đang giảng dạy tại đại học ở Pháp.
Đề thi môn Toán là thách thức lớn với nhiều thí sinh. Ảnh: Trương Khởi.
‘Khóc thét’ với những câu khó
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư Toán ở ĐH Toulouse (Pháp), người từng giành huy chương vàng Toán quốc tế (IMO) khi mới 15 tuổi, cho hay ông cũng không thể hoàn thành 50 câu đề thi Toán trong 90 phút.
‘Tôi là người vẫn còn biết giải các bài toán phổ thông thuộc loại khó, các bài thi toán quốc tế IMO nói chung, tôi vẫn giải được trong thời gian quy định. Thế nhưng, khi một người nhờ tôi xem 5 câu trong đề thi toán THPT 2018 mã đề 120 (cụ thể là các câu 38, 44, 45, 48, 49), tôi mất gần một tiếng để giải 4 trong số 5 câu đó.
Còn câu cuối cùng (số 45 về một phương trình phi tuyến với biến số phức) thì ‘khóc thét’, không thể giải nổi trong vòng một giờ tiếp theo’, GS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Theo TS Trần Nam Dũng, 5 câu cuối của đề thi Toán năm nay rất khó. Để so sánh, ông đã tham khảo 13 câu hỏi khó nhất mọi thời đại của kỳ thi SAT. Ông nhận định mức độ khó của 13 câu thi SAT vẫn không bằng 5 câu của đề Toán THPT quốc gia 2018.
Theo GS Toán học nổi tiếng này, bài số 45 về một phương trình phi tuyến biến phức. Ông đưa bài đó cho một nghiên cứu sinh về Toán – học trò của mình – thử giải, anh ta cũng ‘khóc thét’.
‘Nếu ra đề bài như thế cho sinh viên năm thứ nhất, các đồng nghiệp chắc sẽ nói tôi bị điên mới ra đề khó như vậy. Thế mà Bộ GD&ĐT bắt học sinh làm, không những 5 câu đó, mà còn thêm 45 câu khác, trong vòng có 90 phút!’, GS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Nhận lời đề nghị của phóng viên, TS Trần Nam Dũng, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – người giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 1983 – cũng bắt tay vào giải 5 câu khó nhất của đề thi Toán năm nay. Kết quả, ông chỉ giải được 3 câu trong 30 phút. Một câu, TS Dũng ‘bó tay’ và một câu nữa ông không muốn giải tiếp vì ‘quá ngán’.
‘Những câu này không phù hợp để đưa vào đề thi trắc nghiệm. Nếu là bài tự luận, đề cũng cần chia nhỏ thành nhiều bước để hướng dẫn, không thì quá khó. Hai bài khó chịu nhất là mặt cầu và đồ thị hàm bậc 4′, TS Dũng nêu quan điểm.
Đề thi trái với mục đích kỳ thi
Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, đề thi Toán THPT quốc gia không tốt. Những bài quá khó và mẹo mực cho vào đề thi THPT, cộng với đề bài quá dài, là hoàn toàn sai mục đích của kỳ thi ‘2 trong 1′.
Video đang HOT
‘Về nguyên tắc, học sinh nắm vững kiến thức như trong sách giáo khoa là phải làm được mọi bài kiểm tra. Còn ở đây, giỏi mấy cũng không làm nổi nếu không học mẹo trúng tủ. Người ta chống chế rằng học sinh được luyện thi sẽ giải được, không thấy đề quá khó. Đấy chính là sự phản giáo dục khi biến việc học thành trò luyện thi. Với kiểu này, ‘Việt Nam không còn một nền giáo dục mà chỉ còn một nền thi cử’, mượn lời của một cố vấn thủ tướng Ấn Độ nói về giáo dục của nước họ’, GS Dũng nêu ý kiến.
Với đề Toán năm nay, giáo viên cũng không biết phải dạy gì cho học trò những năm sau. Ảnh: Lê Quân.
Bộ GD&ĐT cho biết cách làm đề học tập từ các kỳ thi SAT của Mỹ, nhưng GS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định mọi bài toán trong SAT và SAT 2 ông đều làm được dễ dàng, không như đề Toán trắc nghiệm THPT quốc gia 2018. Tuy cùng là trắc nghiệm, đề của họ trong sáng chứ không lắt léo, mẹo mực như đề thi trên.
Tương tự, TS Trần Nam Dũng cũng đánh giá đề thi môn Toán dở khi ‘không dành cho học sinh thông minh, có kiến thức vững mà lại dành cho những thí sinh luyện thi nhiều, trúng tủ và may mắn’.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Đức Vĩnh, nguyên trưởng bộ môn Toán ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cho rằng kể cả thầy cô giỏi đến đâu cũng không thể hoàn thành đề thi Toán trong 90 phút.
Theo ông, những người ra đề đã quên mất một điều mỗi câu trong đề thi trắc nghiệm, thí sinh chỉ được phép làm trong 1,8 phút. Một câu khó phải suy nghĩ từ 5 đến 7 phút mới phát hiện cách giải, từ một tới hai phút mới tìm ra kết quả đúng. Chỉ cần 10 tới 12 câu loại này đã ngốn hết thời gian làm bài.
‘Đề thi môn Toán năm nay có tới 20 câu thuộc loại khó hoặc phải tính toán trong nửa trang giấy nháp mới tìm được kết quả đúng. Thử hỏi cả nước có bao nhiêu phần trăm thí sinh đủ minh mẫn, suy nghĩ và làm đủ nhanh để hoàn thành 50 câu trong 90 phút’, ông Vĩnh nói.
‘Quan trọng không phải đề thi khó, có thí sinh điểm 10 hay không mà sẽ tác động đến việc dạy và học cho những năm sau. Với đề như thế này, tôi cũng không biết phải dạy như thế nào’, TS Trần Nam Dũng nói.
Bộ GD&ĐT: Đề thi THPT quốc gia khó là đương nhiênTại họp báo sau kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra chiều 28/6 ở Hà Nội, đại diện Bộ GD&ĐT co biết năm 2018, đề thi được tăng cường độ phân hóa, có những câu rất dễ đến câu khó. Để tăng độ phân loại thí sinh, đề thi phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Không phải đề thi khó, chỉ là một số câu khó.So sánh với năm 2017, độ khó tăng lên là hiển nhiên vì nội dung kiến thức được mở rộng cả phần kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, học sinh đã được thông báo sớm, ngay khi các em đang học lớp 11.
Theo tiin.vn
TS.Lê Thống Nhất: Điều gì đã làm tăng độ khó đề Toán quá mức cho phép?
Nhà giáo Lê Thống Nhất, người dạy Toán THPT giàu kinh nghiệm cũng là tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp dạy Toán cho rằng, những người ra đề thi Toán THPT Quốc gia đã khoác lên những bài toán tự luận cái vỏ trắc nghiệm.
Theo TS. Lê Thống Nhất, có nhiều bất cập trong cách ra đề thi môn Toán, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua. Độ khó của đề Toán năm nay cũng đang là chủ đề "nóng" được dư luận, giới chuyên môn quan tâm.
Dưới đây là bài phân tích TS. Lê Thống Nhất gửi đến báo Dân trí:
Đề khó mà không phân hóa tốt là chuyện thường!
Với chuyên môn của mình, tôi chỉ xin tập trung vào đề thi môn Toán trong bài viết này. Mong rằng được trao đổi khoa học với những ai chịu trách nhiệm về vấn đề này và xin thêm ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo dục.
Về độ khó của đề thi, trước hết cần căn cứ nội dung. Đại diện Bộ GD&ĐT giải thích rằng, Hội đồng ra đề thi tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi quốc gia, đó là đều nằm trong chương trình lớp 12, 11, chủ yếu là lớp 12. Tỷ lệ % nội dung lớp 12 khoảng 75-80%, lớp 11 khoảng 15- 20%, toàn bộ nằm trong chương trình phổ thông, không vượt quá chương trình các môn học.
Thứ hai, cấu trúc đề thi 2018 giữ nguyên, không thay đổi so với 2017: 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao nhưng vẫn nằm trong chương trình.
Bên cạnh đó, Hội đồng đề thi tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo là đề thi 2018 phải tăng cường phân hóa. Vì thế, có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Như vậy, không phải tất cả đề thi khó mà có một số câu để dành cho học sinh khá giỏi làm, mục đích là để phân loại thí sinh.
Nói độ khó của đề tăng lên so với 2017 là đúng, vì năm nay mở rộng thêm kiến thức lớp 11. Nhưng đều này học sinh đã được thông báo từ đầu năm học. Năm nay, bộ cũng đã công bố đề thi tham khảo để thí sinh tham khảo về cấu trúc. Tôi nhấn mạnh, toàn bộ nội dung đều nằm trong chương trình.
---
Toàn bộ lý luận trên chưa chứng minh được đề thi là phù hợp với kỳ thi càng không trả lời được câu hỏi: Đề năm nay quá khó!
Tỷ lệ nội dung cho từng lớp không quyết định độ khó hay dễ. Bởi vậy dù thêm kiến thức lớp 11 và năm sau có cả lớp 10 thì cũng thế. Trước đây thi tự luận là thi toàn bộ kiến thức đã học ở phổ thông. Với tỷ lệ nào thì muốn dễ hay khó bao nhiêu cũng được.
Cấu trúc đề thi với 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao cũng không quyết định chuyện đề khó hay dễ. Điều quan trọng là: những câu hỏi cơ bản có làm mất thời gian hay không, có làm chỉ trong chưa đến 2 phút hay không? Với các kiến thức nâng cao, có cần phải luyện thi mới làm được hay đã sẵn có trong sách giáo khoa?
TS. Lê Thống Nhất cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến đề Toán "khó quá mức" là do số câu hỏi không phải câu hỏi thi trắc nghiệm đã chiếm tỷ lệ quá nhiều.
Tăng cường phân hóa thì cần tăng độ khó. Nhưng điều ngược lại không đúng, bởi tăng độ khó không đúng mức cũng lại không phân hóa được bởi vì làm khó với quá nhiều thí sinh thì những sự khó đó không có tác động đến phân loại học sinh. Khó mà không phân hóa là chuyện thường!
Đây có thể ví von dễ hiểu là: Bộ GD&ĐT cho rằng tôi nấu món ăn này theo đúng công thức hướng dẫn trong sách dạy nấu ăn nên đây là món ăn ngon! Nên nhớ tay nghề của đầu bếp khi thực hiện công thức mới quyết định món ăn.
Nhà Toán học, thầy giáo, học sinh giỏi Toán cũng phải... ngao ngán
Tôi được biết, học sinh THPT chuyên của thành phố lớn, từng giải Nhất môn Toán trong kỳ thi học sinh giởi Toán do Sở GD&ĐT tổ chức đã phải kêu lên là tính toán nhiều và dài nên để chọn đúng phương án mất rất nhiều thời gian, em không kêu là khó vì trình độ em chắc chắn rất quá đủ cho kỳ thi này. Em học sinh này chỉ làm đúng 37 câu. Như vậy nếu lựa chọn về tốc độ cho kịp 90 phút sẽ trả giá cho việc tính toán sai sót.
Thầy Trần Quang Vinh dạy chuyên Toán THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa-Vũng Tàu ngồi giải trong điều kiện không có áp lực tâm lý tại nhà mình cũng phải vượt thời gian 90 phút. Chắc chắn là vượt nhiều vì có đến 38 câu thầy phải giải bằng phương pháp tự luận để chọn phương án. Không hiểu Hội đồng ra đề có cách nào khác để chọn phương án không?.
Thầy Trần Mạnh Hùng, giáo viên Toán THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đã khóc khi không thể làm hết đề thi Toán.
Thầy Nguyễn Anh Dũng, nguyên giáo viên THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa (cũng đã từng dạy THPT Chu Văn An, trường Marie Curie Hà Nội, dạy trên VTV2, từng có nhiều học sinh đạt giải quốc gia và 3 học sinh đạt giải Toán quốc tế) sau khi ngồi làm bài đã khẳng định: "Tôi tin rằng không thể có giáo viên nào giải 20 câu cuối trong 90 phút."
GS. Nguyễn Tiến Dũng (đang giảng dạy tại Pháp) và TS. Trần Nam Dũng (ĐHKHTN, ĐHQG TP HCM) chỉ giải 5 câu khó thôi mà một thầy giải 4 câu hết 60 phút, còn một thầy giải 3 câu hết 30 phút. Các thầy đều là những tay giải toán sơ cấp có tiếng.
Điều gì đã làm tăng độ khó quá mức cho phép?
Đó chính là số câu không phải là câu hỏi thi trắc nghiệm đã chiếm tỷ lệ quá nhiều. Những người ra đề thi đã khoác lên những bài toán tự luận cái vỏ trắc nghiệm mà thôi. Khi ra đề, Hội đồng có nghĩ đến ở mỗi câu: để chọn phương án đúng phải mất bao nhiêu phút không? Có cần giải để chọn phương án không? Nếu giải thì nhanh nhất hết bao nhiêu phút? Để làm rõ điều này, đề nghị Bộ GD&ĐT công khai "Cách chọn phương án đúng" cho các đề thi, còn công khai đáp án A, B, C, D chưa phản ánh rõ điều này. Nếu không có đáp án về cách chọn phương án thì không thể biết đề khó hay dễ.
Một nhà khoa học Việt Nam đang giảng dạy ĐH ở Nhật Bản vừa nhắn cho TS. Lê Thống Nhất: "Bộ công bố đáp số, chứ không phải đáp án. Đáp án phải có lời giải để đi đến đáp số (vì sao chọn phương án A/B/C/D). Cảm ơn anh".
Đó chính là thời gian thi chỉ là 90 phút chứ không vô hạn. Đề thi Toán sẽ trở thành dễ ngay nếu chúng ta cho học sinh làm trong 360 phút hoặc lâu hơn nữa.
Một số thầy cô cho rằng, đề thi sẽ làm nóng các lò luyện. Tôi không cho là như thế! Bởi dù có luyện thế nào thì cũng không thể "vắt chân, lên cổ" để giải được đề thi như vậy!
Xin chia sẻ thời tôi chỉ đạo làm đề thi Olympic Toán Tuổi thơ (thi tự luận): Sau khi hoàn chỉnh đề thi qua nhiều bước, tôi đề nghị 3 cán bộ chuyên môn ngồi giải đề thi này để đo thời gian hoàn thành bài thi, dù việc này phải thực hiện lúc 1h sáng. Qua đó mới biết được khối lượng đề thi có phù hợp với thời gian làm bài hay không? Kể ra Hội đồng ra đề thi THPT quốc gia cũng thử như thế thì biết ngay phù hợp hay không phù hợp. Những năm đầu làm cố vấn của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia", khi ra câu hỏi toán cho cuộc thi, điều khó nhất cho tôi là câu hỏi giải trong 30 giây!
Đề thi không phù hợp thời gian làm bài sẽ không phù với với kỳ thi! Chính điều này làm khó cho thí sinh.
Giải pháp nào cho chuyện này?
Chúng ta phải có Hội đồng ra đề đủ năng lực ra đề thi trắc nghiệm. Chứ không phải chỉ biết "trắc nghiệm hoá" đề tự luận.
Chúng ta cần xem lại kỳ thi "2 trong 1" khi năng lực ra đề không đảm bảo yêu cầu này. Ra đề thi trắc nghiệm đã chưa quen lại còn phải lo "2 trong 1".
Trong quy trình ra đề, khi xây dựng đề xong cần có thực nghiệm quá trình làm bài để đo khối lượng nội dung đề thi có hợp với thời gian thi hay không? Điều này khác hẳn với thực nghiệm ngân hàng đề mà Bộ GD&ĐT đã làm.
TS. Lê Thống Nhất
Theo Dân trí
TPHCM: Hơn 700 giáo viên THPT chấm thi tự luận Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, chiều nay (27/6) Hội đồng chấm thi của thành phố đã tiến hành công tác chuẩn bị cho việc chấm thi. Hơn 700 giáo viên phổ thông dạy lớp 12 sẽ tham gia chấm môn Văn tự luận. Đánh giá chung về kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở...