GS Trương Nguyện Thành khuyên sinh viên học cách thích nghi
GS Trương Nguyện Thành cho rằng sinh viên mới ra trường phải tiếp tục học hỏi để thích nghi, đừng để tên ngành trên tấm bằng giới hạn bản thân.
Trong lễ tốt nghiệp trực tuyến “ Virtual Graduation 2020″ do Hội Thanh niên sinh viên các thành phố Arizona, Boston, New York, Philadelphia, Chicago và Seattle (Mỹ) tổ chức cuối tuần qua, GS Trương Nguyện Thành đã có bài phát biểu truyền cảm hứng tới du học sinh Việt Nam tại Mỹ tốt nghiệp năm 2020.
GS Thành, 59 tuổi, quê Bình Định, có gần 40 năm tu nghiệp, nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Ông là tiến sĩ khoa học ngành Hóa và tính toán (Đại học Minnesota, Mỹ). Năm 1990, ông giành giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ. Sau đó ông học tiếp sau tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, ông trở thành giáo sư chính môn Hóa lượng tử tại Đại học Utah (Mỹ).
Dưới đây là bài phát biểu của GS Thành:
Chúc mừng các bạn tốt nghiệp năm nay. Lễ tốt nghiệp không phải để đánh dấu sự kết thúc hành trình học hỏi của mình. Covid-19 đang nhắc nhở tôi và các bạn lúc nào cũng phải học hỏi để thích nghi. Lễ ra trường là cột mốc quan trọng trong hành trình cuộc sống, đánh dấu nỗ lực học tập trong 4-5 năm qua nhưng hành trình cuộc sống còn mấy chục năm phía trước với nhiều thách thức đang chờ các bạn chinh phục. Và tôi tin rằng các bạn sẽ đón nhận thách thức ấy với đầy tự tin.
Tôi thường nói với sinh viên và trên truyền thông rằng môi trường sống của chúng ta đang thay đổi chưa từng có do cách mạng 4.0 mang lại. Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến Covid-19 chỉ cần vài tháng đã thay đổi toàn bộ môi trường sống, sinh hoạt của con người trên toàn thế giới. Cuộc sống của chúng ta sẽ không trở lại bình thường như xưa nữa. Trong sự thay đổi đó, luật tiến hóa của vạn vật sẽ là tấm lưới chọn lọc những ai tồn tại. Không phải người thông minh nhất, nhanh nhất hay mạnh nhất mà những người có khả năng thích nghi cao nhất sẽ tồn tại.
Nhà khoa học, chính trị gia Benjamin Franklin từng nói “Thất bại trong chuẩn bị đồng nghĩa với việc bạn chuẩn bị cho sự thất bại”. Vậy chúng ta cần chuẩn bị như thế nào để không bị đào thải bởi luật tiến hóa. Đó là học hỏi, hoàn thiện bản thân hàng ngày để thích nghi với mọi thay đổi trong cuộc sống.
Khoảng thời gian này 40 năm trước, ngày tôi vào Mỹ, đó là lần đầu tiên tôi vào phi trường, lần đầu tiên lên máy bay, ngồi xe hơi, nhìn thấy cao tốc với nhiều xe chạy như thế. Lúc đó không biết bao nhiêu cái là lần đầu tiên. Tôi như bước vào thế giới hoàn toàn xa lạ, không có nét gì giống với thế giới tôi từng biết trước đó từ ngôn ngữ, văn hóa ứng xử đến môi trường sống. Thế giới mà tôi quen thuộc có cánh đồng, con trâu, xe đạp, đèn dầu.
Không có người thân bên cạnh nương tựa, tôi nghĩ rằng muốn tồn tại được thì phải thích nghi. Thế là não bộ của tôi bật lên chế độ học hỏi và thích nghi. Tôi học mọi lúc mọi nơi như một đứa con nít. Từ học ngôn ngữ trong lớp học, coi TV, quan sát, bắt chước cách ứng xử của mọi người xung quanh và đặc biệt không để những định kiến xã hội ảnh hưởng đến việc học và thích nghi của mình. Nhờ thế, 10 năm sau kể từ khi đặt chân đến Mỹ, tôi cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ Hóa học của một trường đại học có danh tiếng và được học bổng hậu tiến sĩ của Quỹ khoa học quốc gia cho những tiến sĩ mới ra trường có tiềm năng nhất nước Mỹ.
GS Trương Nguyện Thành phát biểu trực tuyến với sinh viên Việt tốt nghiệp tại Mỹ năm 2020. Ảnh chụp màn hình.
40 năm sau, môi trường sống của tôi một lần nữa bị đảo lộn nhưng lần này do Covid-19.
Video đang HOT
Gần 30 năm kể từ ngày trở thành GS ở Đại học Utah, để cân bằng cuộc sống, tôi có nguyên tắc là không mang việc làm về nhà. Ở nhà tôi chỉ đọc sách, xem TV, giải trí, sinh hoạt với gia đình. Mấy tháng nay do cách ly xã hội, việc giảng dạy thay vì ở giảng đường thì tôi phải dạy ở nhà. Bây giờ việc mặc quần đùi dạy cho sinh viên không phải vấn đề nữa mà trở nên bình thường.
Điều đáng nói là sau khi dạy xong ở nhà, tôi không biết làm gì. Thời gian đầu, tôi thường coi TV rồi luyện vài bộ phim chưởng của Kim Dung. Nhưng tôi sớm nhận thức ra được bài học của 40 năm trước. Não bộ của tôi một lần nữa chuyển sang chế độ học hỏi và thích nghi.
Hơn một tháng nay, sau khi tập thể dục và ăn sáng, tôi học khoa học thần kinh, tâm lý học hành vi về phát triển con người, khoa học thể dục, nghệ thuật lãnh đạo, xã hội học, quản trị học và cả những nghiên cứu khoa học về chánh niệm. Những vấn đề này hoàn toàn mới mẻ với tôi, nhưng tôi đã học với mục tiêu là tìm ra phương pháp để phát triển tiềm năng con người một cách hiệu quả nhất từ trí tuệ đến thể chất. Tôi còn mang chính bản thân của tôi ra làm thí nghiệm. Nhờ đó, tôi ở trong nhà nhưng luôn cảm thấy thú vị, tinh thần tích cực và phấn khởi.
Người ta nói rất khó để dạy con chó già chơi trò chơi mới, nhưng ông già như tôi vẫn có thể bật chế độ học hỏi và thích nghi thì tôi tin các bạn trẻ có thể làm được.
Covid-19 thay đổi hoàn toàn thị trường lao động. Tấm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ bạn đang cầm có thể thay đổi nhiều rồi. Để không bị đào thải bởi luật tiến hóa, bạn cần tìm hiểu những thay đổi trong môi trường làm việc trong ngành mình học, đánh giá những kỹ năng cá nhân cần bổ sung, học hỏi hoàn thiện bản thân hàng ngày trong tâm thế để thích nghi với môi trường mới. Điều quan trọng là thay đổi nhận thức về việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tôi từng khuyên học trò của mình khi ra trường là “Thầy không chỉ dạy em Hóa học. Thầy dùng Hóa học làm công cụ để dạy em phân tích vấn đề, tích hợp kiến thức để đưa ra giải pháp, biết làm thí nghiệm để đánh giá tính khả thi và giới hạn, thuyết phục trước hội đồng chuyên môn về giải pháp của mình”. Nhờ thế học trò của tôi có đứa làm giám đốc trung tâm dữ liệu, giám đốc ngân hàng, phát triển vật liệu y tế, những ngành không dính gì tới Hóa học. Do đó, đừng để tên ngành trên tấm bằng đại học giới hạn cơ hội việc làm của mình. Đây là điều rất quan trọng ở thời điểm này.
Một kỹ năng nữa rất quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp nhưng ít khi được nhắc tới là tâm thế làm chủ. Nhiều sinh viên chia sẻ khi ra trường sẽ làm chủ doanh nghiệp. Tôi hỏi lại “Em nghĩ thế nào là làm chủ”? Đa số trả lời làm chủ là có thể làm những thứ theo ý của mình chứ không phải theo ý người khác như khi làm công. Tôi hỏi tiếp “Vậy mỗi sáng em là người quyết định dậy lúc mấy giờ đúng không? Em quyết định tập thể dục hay lướt Facebook đúng không? Bạn bè rủ đi uống cafe nhưng em là người quyết định đi gặp hay lên mạng học hỏi thêm kiến thức đúng không? Trước sự việc khiến em nổi điên thì em là người quyết định cách ứng xử của mình đúng không”?
Nhà tâm lý học Viktor Frankl từng nói “Tự do cuối cùng của con người là khả năng lựa chọn thái độ khi đứng trước những hoàn cảnh không thể thay đổi được”. Khi sống cách ly xã hội, tôi là người quyết định tất cả những hoạt động của mình trong ngày và tâm thế của mình trước hoàn cảnh. Cuộc sống của bạn là chuỗi lựa chọn mà bạn hoàn toàn là người quyết định. Do đó, không vì hoàn cảnh nào như đại dịch, suy thoái kinh tế mà bạn không thể làm chủ được cuộc sống của mình.
Với tâm thế làm chủ bản thân, bạn sẽ không cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh mà còn có động lực vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Nếu bạn không thể làm chủ bản thân thì bỏ ý định làm chủ doanh nghiệp đi.
Sau khi ra trường, nhiều bạn đang háo hức tìm việc làm để ổn định cuộc sống. Chuỗi thành công ở Việt Nam mà tôi hay nghe là “một vợ, hai con, ba tầng, bốn bánh”. Khi quá tập trung vào địa vị, tài sản, quyền lực, nó có thể thôi thúc bạn chọn con đường tắt để đến với thành công nhanh chóng, nhưng nó chỉ là nhất thời và không bền vững. Có nhiều người trên thế giới làm giàu bằng cách này nhưng kết quả là vào tù và táng gia bại sản.
Nhà bác học Albert Einstein từng khuyên thế hệ trẻ không nên tập trung vào mục tiêu trở thành người thành công mà hãy cố gắng sống làm người có giá trị. Sống có giá trị với bản thân là khi biết chăm sóc mình cả về tinh thần lẫn thể chất. Sống có giá trị với gia đình là khi biết cách cân bằng cuộc sống với công việc. Sống có giá trị với đồng nghiệp, tổ chức, xã hội để họ đánh giá bạn là người có giá trị và thành công tự nhiên đến với bạn.
Cuối cùng, thành công của các bạn hôm nay có sự đóng góp của rất nhiều người, không chỉ từ người thân mà còn từ thầy cô, nhân viên làm vệ sinh lớp học đến bác tài xế xe bus đưa bạn đến trường, những động viên từ bạn bè và từ nhiều người khác nữa. Với sự biết ơn, lòng trắc ẩn và ý thức xã hội, tôi hy vọng bạn sẽ sống làm người tử tế, góp phần xây dựng một môi trường bền vững, xã hội văn minh và công bằng hơn.
Dù cho hoàn cảnh nào, ngày mai mặt trời vẫn sẽ mọc nhưng ngày mai bạn sẽ thành người như thế nào lại phụ thuộc vào hành động và nhận thức của các bạn ngày hôm nay.
Du học sinh Việt tại Mỹ phải làm gì trong đại dịch?
Sinh viên tốt nghiệp trong tháng 5 phải cân nhắc kỹ việc về nước vì Mỹ chưa có chính sách cho nộp hồ sơ xin ở lại làm việc từ bên ngoài nước Mỹ.
Làm việc tại Khoa Sinh hóa và Sinh học Phân tử, Oklahoma State University (OSU), tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn chia sẻ những điều quan trọng du học sinh cần làm trong bối cảnh Covid-19 lan rộng.
Từ ngày 18/3, trường OSU chính thức thông báo chuyển sang chế độ học online cho đến hết học kỳ xuân và sẽ hủy các lễ trao giải thưởng hay tốt nghiệp cuối kỳ nếu tình hình dịch vẫn còn. Giáo viên được tập huấn online để trang bị kỹ năng dạy trực tuyến và được hỗ trợ giải đáp tất cả thắc mắc về việc tổ chức, thiết kế dạy online thế nào cho hiệu quả. Nhà trường gửi đi các thông báo đến nhân viên, sinh viên mỗi ngày để cập nhật tình hình và hướng dẫn các vấn đề quan trọng, có số điện thoại để hỗ trợ 24h/7 khi sinh viên cần tư vấn.
1. Về ăn ở: Trường khuyến khích sinh viên không ở lại ký túc xá đông để hạn chế lây nhiễm, nhưng sẽ hỗ trợ ăn, ở cho sinh viên phải ở lại, như sinh viên quốc tế. Các bữa ăn sẽ được để trong hộp để mọi người lấy mang về phòng chứ không ngồi ăn tại chỗ như trước đây nhằm tránh lây nhiễm.
Nếu sinh viên không ở ký túc xá thì nên tự dự trữ thức ăn, nhu yếu phẩm và thuốc men đủ dùng trong ít nhất 2 tuần hay tốt nhất là 30 ngày, phòng trường hợp phải cách ly trong nhà vài tuần.
Sinh viên Đại học Boston, bang Massachusetts, thu dọn đồ đạc rời khỏi ký túc xá ngày 18/3. Ảnh: Nancy Lane/ Boston Herald.
2. Về y tế và bảo hiểm: Khi sinh viên có dấu hiệu nhiễm bệnh cần liên hệ các chuyên viên y tế hay bác sĩ qua điện thoại hoặc website trực tuyến được trường cung cấp (liveMD) để mô tả triệu chứng cụ thể, từ đó sẽ được hướng dẫn xét nghiệm Covid-19 nếu cần. Bảo hiểm y tế của sinh viên sẽ chi trả hoàn toàn phí xét nghiệm nếu có yêu cầu xét nghiệm của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế. Do vậy sinh viên không tự ý làm xét nghiệm, hãy xin chỉ định của bác sĩ, tránh mất phí.
Ngoài ra, sinh viên còn có thể đến các phòng khám hoặc gọi 911 nếu cần cấp cứu, bảo hiểm sẽ chi trả với mức đã ghi trong chính sách, phía bệnh nhân sẽ trả phí co-pay & deductibles được liệt kê cụ thể trong gói bảo hiểm.
3. Thư viện của trường vẫn mở cửa cho sinh viên vào truy cập Internet hoặc in ấn tài liệu học. Các trung tâm hỗ trợ việc học và thủ tục cần cho sinh viên vẫn làm việc trực tuyến để trả lời qua email hoặc điện thoại. Nhưng các trung tâm thể thao, sinh hoạt đội nhóm đều đóng cửa trong thời gian này.
4. Sinh viên đang được tài trợ làm nghiên cứu thì tùy theo sự phân công của giáo sư hướng dẫn mà có thể đến lab hoặc làm từ xa để tiếp tục đề tài, nhưng sẽ cắt giảm bớt nhân sự hoặc thay phiên nhau vào lab để giảm rủi ro lây nhiễm.
5. Nếu sinh viên quyết định về nước thì cần liên hệ trực tiếp với Trung tâm quốc tế (International Center) của trường mình để tiến hành thủ tục và lấy giấy tờ cần thiết. Ở OSU, sinh viên được hướng dẫn các bước sau, hầu hết là yêu cầu chung cho phần lớn đại học Mỹ.
- Kiểm tra tất cả tài khoản cần trả tiền của mình để thanh toán xong trước khi rời khỏi Mỹ để tránh rắc rối khi làm thủ tục quay lại học.
- Thảo luận với người phụ trách học thuật của mình (Academic Advisor) về các khóa học cần hoàn tất, các tín chỉ cần đăng ký cho học kỳ sau cho đúng thời hạn. Nếu chuẩn bị tốt nghiệp thì cần đăng ký tốt nghiệp trễ nhất là đầu tháng 4.
- Cần hoàn tất tốt các khóa học online đang theo học của trường để đảm bảo điểm số tốt dễ xin visa khi quay lại.
- Đặc biệt sinh viên tốt nghiệp trong tháng 5 này thì phải cân nhắc kỹ việc rời khỏi Mỹ vì hiện nay Mỹ chưa có chính sách cho sinh viên nộp hồ sơ xin OPT (Optional Practical Training), loại giấy phép để xin ở lại làm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp, từ bên ngoài nước Mỹ. Do vậy bạn cần quay lại Mỹ kịp thời hạn để nộp hồ sơ xin OPT thì mai này mới được làm việc ở Mỹ một cách hợp pháp.
- Sinh viên cần điền form online của Trung tâm quốc tế (International Center) xin travel signature trên form I-20 để mai này có thể xin visa quay lại. Nếu phải quay về gấp không kịp chờ đến hẹn thì có thể về nước trước rồi đăng ký gửi form đó về nhà mình sau.
Để quyết định ở lại Mỹ hay quay về, du học sinh cần xem xét các chính sách hỗ trợ của trường mình và điều kiện hỗ trợ mà mình có thể nhận được, từ đó tùy theo tình hình thực tế mà cân nhắc. Nếu ở lại, các bạn tuân thủ theo hướng dẫn của trường và thành phố nơi mình ở, hạn chế đi lại, tụ tập đông người.
Còn nếu bạn quyết định về nước thì phải chuẩn bị đầy đủ thủ thục cần thiết hỗ trợ tốt nhất cho việc quay lại sau này khi hết dịch, và cũng hết sức cẩn thận khi đi máy bay vì khả năng phơi nhiễm trong không gian hẹp trong nhiều giờ là không thể kiểm soát được, nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn.
Đến ngày 20/3, Covid-19 đã lan ra hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm gần 245.000 người nhiễm bệnh, hơn 10.000 người chết. Riêng Mỹ ghi nhận hơn 14.360 ca nhiễm, 217 người chết; Việt Nam ghi nhận 87 ca nhiễm, trong đó 17 người đã khỏi.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, Mỹ chiếm số lượng nhiều nhất - 29.000. Ngày 19/3, Bộ đã khuyến cáo du học sinh cân nhắc kỹ các rủi ro khi quay về Việt Nam, tuyệt đối tuân thủ quy tắc phòng dịch ở nước sở tại và bám sát nội dung khuyến cáo của đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.
Du học sinh nên ở trong nhà và không đến nơi công cộng nếu không thực sự cần thiết; theo dõi chặt chẽ kế hoạch học tập, thủ tục liên quan đến việc nhập học lại. Trường hợp thật sự cần thiết phải trở về Việt Nam, du học sinh phải trung thực khai báo y tế, cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn
Nhiều người học thạc sĩ sợ... đóng tiền quỹ lớp Nếu như các cán bộ, học viên lớn tuổi hăng hái, nhiệt tình đóng góp quỹ lớp để lo cho thầy cô bao nhiêu thì các học viên trẻ lại lo lắng, sợ hãi bấy nhiêu. Bây giờ, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc nhà nước có nhu cầu đi học...