GS Phan Thành Nam: Nhiều đề thi khiến tôi có cảm giác toán học vừa tẻ nhạt vừa vô dụng
Theo Giáo sư Phan Thành Nam – giáo sư Việt đầu tiên nhận giải Toán học Châu Âu – toán học rất thú vị nhưng cách dạy học và thi cử môn toán khiến một số bạn trẻ chưa mặn mà với môn học này. Ngay cả bản thân anh còn cảm giác toán học vừa tẻ nhạt vừa vô dụng khi nhìn vào những đề thi.
Giáo sư Phan Thành Nam. Ảnh: EMS Prizes.
Giáo sư (GS) Phan Thành Nam là một trong 10 nhà toán học nhận được giải thưởng EMS từ Hội Toán học Châu Âu năm nay, cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này.
Lao Động đã có cuộc trao đổi với GS Nam xung quanh giải thưởng EMS và câu chuyện đến với đam mê toán học của anh.
Đầu tiên, chúc mừng giáo sư nhận giải thưởng EMS 2020. Xin hỏi cảm nghĩ đầu tiên của anh sau khi biết mình nhận được giải thưởng toán học danh giá là gì?
- Tôi cảm thấy bất ngờ và rất xúc động vì sự ủng hộ từ các đồng nghiệp.
Để đạt được giải thưởng này, chắc hẳn anh đã yêu thích và tìm hiểu môn toán từ rất lâu. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Tôi thích toán từ nhỏ, đặt biệt từ những năm học cấp ba ở trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên). Những năm tôi theo học, các thầy giáo ở trường không dạy theo khuôn mẫu mà luôn động viên chúng tôi đọc thêm nhiều sách, nghĩ thêm các lời giải mới. Điều này rất quan trọng để rèn luyện tư duy suy luận và phản biện.
Sau này vào Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TPHCM, tôi may mắn được tiếp xúc với nghiên cứu khoa học từ rất sớm nhờ Giáo sư Dương Minh Đức và Giáo sư Đặng Đức Trọng. Các thầy đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ, đến nay đã có hàng chục cựu sinh viên đang là giáo sư toán học tại các đại học lớn trong và ngoài nước.
Video đang HOT
Trong câu chuyện của anh luôn đề cập đến những người thầy đã dạy anh trưởng thành, truyền cảm hứng và động lực cho anh nghiên cứu sâu về môn toán. Vậy kỷ niệm nào mà anh nhớ nhất?
- Tôi luôn nhớ bài báo nghiên cứu đầu tiên với Giáo sư Đặng Đức Trọng, Giáo sư Alain Phạm Ngọc Định (sau này là thầy hướng dẫn thạc sĩ của tôi ở Pháp) và anh Trương Trung Tuyến (hiện là Giáo sư Đại học Oslo, Na Uy).
Bài báo này độc đáo ở chỗ giải quyết vấn đề chỉnh hoá cho một hệ đàn hồi trong không gian thực nhưng lại sử dụng các công cụ trong giải tích phức. Đây là một kỷ niệm rất thú vị ở năm cuối đại học của tôi.
Với những thành công đã đạt được, anh có những dự định gì tiếp theo?
- Trong khoảng 10 năm qua, tôi theo đuổi một số bài toán quan trọng trong cơ học lượng tử, tới giờ mới đạt được một số kết quả bước đầu (partial results). Tôi sẽ cố gắng hoàn tất chúng trong thời gian tới.
Hiện, công việc chính của tôi ở Đại học LMU Munich là nghiên cứu và giảng dạy. Ở đây, mỗi giáo sư dạy khoảng 5 tới 9 tiếng một tuần, và dành thời gian còn lại để làm việc với sinh viên và đồng nghiệp.
Trong thời gian qua, tôi vẫn luôn giữ liên lạc với cộng đồng toán học trong nước. Tôi mong sẽ có thêm nhiều sự cộng tác trong tương lai. Ngoài ra, tôi hy vọng sẽ góp phần kết nối các bạn trẻ với khoa học thế giới.
Một số bạn trẻ hiện nay thường học toán chỉ để vượt qua những kỳ thi chứ không phải thực sự đem tình yêu vào toán. Anh có những chia sẻ về vấn đề này?
- Tôi nghĩ vấn đề không nằm ở các bạn trẻ, mà nằm ở cách dạy học và cách thi cử của chúng ta.
Trong trường hợp lý tưởng, chúng ta cần xác định dạy cái gì để vừa hấp dẫn vừa hữu ích, sau đó thiết kế đề thi dựa trên cách dạy. Nhưng hiện nay, có vẻ chúng ta đang làm ngược lại, dạy và học chạy theo cách thi, mà nhiều đề thi lại khiến tôi có cảm giác toán học vừa tẻ nhạt vừa vô dụng.
Rất cảm ơn những chia sẻ của anh!
Giáo sư Phan Thành Nam là ai?
Giáo sư Phan Thành Nam, sinh năm 1985, quê Phú Yên, là cựu sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TPHCM, hiện là giáo sư tại khoa Toán của Ludwig Maximilian University of Munich (Đức).
Trước khi là giáo sư tại Đức, Giáo sư Nam là trợ lý giáo sư tại Đại học Masaryk, Cộng hòa Czech và là thành viên IST tại Viện Khoa học và Công nghệ ở Áo. Anh đã hai lần được mời làm diễn giả tại hội nghị quốc tế về vật lý toán học.
Năm 2018, anh được trao giải thưởng nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật lý toán học bởi Hội quốc tế về vật lý ứng dụng và lý thuyết (IUPAP) nhờ những nghiên cứu có chất lượng khoa học xuất sắc trong vật lý toán.
Giải thưởng EMS là gì?
EMS được đánh giá danh giá chỉ sau giải thưởng Fields của Hội Toán học thế giới. Giải thưởng do Hội Toán học Châu Âu xét và trao tặng từ năm 1992 với định kỳ bốn năm một lần cho các nhà Toán học dưới 35 tuổi, có quốc tịch Châu Âu, hoặc đang làm việc tại Châu Âu, có đóng góp xuất sắc cho trong lĩnh vực toán học.
Giáo sư gốc Việt nhận giải thưởng danh giá của Hội toán học châu Âu
Phan Thành Nam hiện là Giáo sư Đại học Ludwig-Maximlians, Đức, một nhà toán học trẻ người Việt, vừa được Hội toán học châu Âu trao giải thưởng EMS.
Giáo sư Nam (thứ 2 từ phải qua) và các nhà toán học trẻ Việt Nam khi dự hội nghị khoa học ở Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Baothanhnien)
Hội toán học châu Âu vừa thông báo danh sách 10 nhà toán học được giải thưởng chính thức của hội năm nay, trong đó có tên Giáo sư Phan Thành Nam, cựu sinh viên Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Các lĩnh vực nghiên cứu của Giáo sư Phan Thành Nam là giải tích và vật lý toán, đặc biệt là cơ học lượng tử nhiều hạt, lý thuyết phổ, phép tính biến phân và phương trình đạo hàm riêng, giải tích số.
Giáo sư Phan Thành Nam sinh năm 1985, trong một gia đình có truyền thống học tập. Giáo sư Nam là cựu học sinh chuyên Toán trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) khóa 2000-2003, là học sinh xuất sắc về môn Toán.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2007, Phan Thành Nam chỉ mất 1 năm để nhận được bằng thạc sĩ toán học tại Đại học Orleans, Pháp. 3 năm sau đó, Phan Thành Nam nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch.
Sau một thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại các trung tâm toán học ở châu Âu, năm 2017, Phan Thành Nam trở thành giáo sư tại Đại học Ludwig-Maximlians, thành phố Munchen, Đức.
Giải thưởng EMS là giải thưởng chính thức của Hội toán học châu Âu, được xét 4 năm 1 lần, và được trao tặng tại đại hội toán học châu Âu. Mỗi kỳ xét sẽ có 10 nhà toán học được trao giải. Họ đều là những nhà toán học trẻ không quá 35 tuổi, có quốc tịch châu Âu hoặc đang làm việc tại châu Âu, có những đóng góp xuất sắc trong toán học.
Trang thông tin về đại hội toán học châu Âu lần thứ 8 giới thiệu về GS Phan Thành Nam (Ảnh: Baothanhnien)
Giải thưởng được tạo lập bởi Hội đồng tổ chức của hội nghị toán học châu Âu lần thứ nhất năm 1989 và được tài trợ bởi cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac, lúc ấy đang là thị trưởng Paris. Đợt trao giải đầu tiên được diễn ra đại hội toán học châu Âu năm 1992.
Với quy trình và chu kỳ tổ chức tương tự như đại hội toán học thế giới, nhiều nhà toán học Việt Nam nhận định giải thưởng EMS của Hội toán học châu Âu là một giải thưởng toán học uy tín bậc nhất thể giới.
Xét về sự danh giá, giải thưởng này gần như chỉ xếp sau giải thưởng Fields của Hội toán học thế giới. Hầu hết các nhà toán học được giải thưởng EMS đều trở thành những nhà toán học lớn của thế giới.
Thống kê cho thấy, có 11 nhà toán học được giải thưởng EMS sau đó được giải thưởng Fields (giới hạn độ tuổi của giải thưởn Fields là từ 40 tuổi trở xuống, có "độ trễ" 5 năm so với giải thưởng EMS). GS Cédric Villani, người được trao giải thưởng Fields cùng năm 2010 với GS Ngô Bảo Châu, cũng được trao tặng giải thưởng EMS năm 2008.
Cậu học trò "ăn, ngủ cùng Toán học" là chủ nhân của nhiều huy chương Nhắc đến Nguyễn Bùi Đức Dũng học sinh lớp 6GO, các bạn và thầy cô trường Newton đều biết đến là một cậu bé tài năng toán học. Đức Dũng có niềm đam mê Toán học đặc biệt em sẵn sàng "ăn, ngủ cùng Toán". Ngay từ nhỏ đã thích số và các hình khối; đặc biệt Dũng biết cộng trừ, nhân chia...