GS Phạm Thị Trân Châu: Đổi mới thi cử đã đi đúng hướng
GD&TĐ – “Tôi hoan nghênh những đổi mới như kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT. Đó là hướng đi đúng theo Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.”
Đó là nhận định của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội nữ tri thức Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học – Giáo dục – Môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII về kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 bắt đầu từ 1/7/2015 đến hết ngày 4/7/2015, với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh tại 99 cụm thi, gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các trường đại học chủ trì và 61 cụm thi tại tỉnh do Sở GD&ĐT chủ trì.
Video đang HOT
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu
Bày tỏ sự ủng hộ với cách tổ chức thi theo cụm như trên, GS Phạm Thị Trân Châu cho biết:
Tôi rất đồng tình với cách tổ chức thành nhiều cụm thi để học sinh không phải đi quá xa, không phải quá vất vả, đó là điều vô cùng quan trọng. Nhiều học trò ở vùng sâu, vùng xa rất nghèo, kinh phí để lên Hà Nội, vào thành phố Hồ Chí Minh hay các thành phố lớn để dự thi đại học như các năm trước, với gia đình và các em là vấn đề không nhỏ.
Cách tổ chức cụm thi như thế này, không chỉ tạo điều kiện cho học sinh không phải đi quá xa, mà có lẽ còn giúp cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan hơn.
“Có người vẫn bày tỏ chưa thỏa mãn, cho rằng học trò vẫn phải đi xa để thi tốt nghiệp, nhưng tôi cho rằng cùng một lúc mà muốn giải quyết mọi yêu cầu như thế sẽ rất khó. Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như vừa rồi, là một cố gắng rất lớn của Bộ GD&ĐT, chúng ta cần ghi nhận. Tất nhiên, nếu xem xét bổ sung thêm một số cụm thi nữa thì rất tốt. Nhưng, việc thêm cụm nhưng phải đảm bảo mục tiêu chất lượng của kỳ thi.” – GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu nêu quan điểm.
Cũng theo giáo sư, với việc tổ chức kỳ thi với 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, thay cho tổ chức thi tốt nghiệp, rồi 3 đợt thi tuyển như các năm trước là đã giảm rất nhiều áp lực và đỡ tốn kém. Việc giảm tốn kém còn thể hiện ở chỗ năm nay không có thí sinh ảo, đó là điểm cần phát huy.
Ngoài ra, kỳ thi này còn có ý nghĩa phân luồng rất tốt. Học sinh sau tốt nghiệp THPT có nhiều ngã rẽ, hoặc vào đại học, hoặc đi học nghề… tùy theo khả năng của mình.
“Tất nhiên, vì đây là kỳ thi lần đầu tiên được tổ chức theo cách mới nên sẽ không tránh khỏi còn có những thiếu sót. Nói thì dễ, nhưng làm thì rất khó, khó có thể làm gì cũng hoàn hảo ngay được” – Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam bày tỏ.
Kết luận về kỳ thi này, nữ giáo sư đã dẫn lời trong Nghị quyết 29: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” và cho rằng:
Tôi đồng tình với từng câu, từng chữ trong Nghị quyết này và thấy bước đầu, kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi đã đi đúng hướng đã nêu trong Nghị quyết. Tôi ủng hộ hướng đổi mới của Bộ GD&ĐT như là đổi mới về thi cử trong thời gian vừa qua. Tiếp tục cách làm như vậy, tôi chắc chắn, những năm sau, Bộ GD&ĐT sẽ còn làm tốt hơn nữa.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu bày tỏ sự ủng hộ cách thi theo đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội năm nay. Giáo sư cho rằng, với phương thức trên, ĐHQG Hà Nội chắc chắn sẽ tuyển được những thí sinh có khả năng; nếu không thì cũng là những người mạnh dạn – yếu tố quan trọng cho phát triển về sau.
Theo GD&TĐ