GS Nguyễn Thanh Phương: đại học tự chủ hoàn toàn không nên đặt trần học phí
Khi đã tự chủ hoàn toàn, trường nào cũng sẽ tính toán thu ở mức nào để đảm bảo hoạt động nhất là tuyển sinh, chứ không phải lúc nào cũng thu cao.
Từ năm 2015 đến nay các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến hết năm học 2020 – 2021 (Nghị định số 86).
Nghị định số 86 đã quy định rõ khung, mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (Khoản 1 Điều 5) và cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (khoản 2 Điều 5), mức tăng học phí bình quân 10%/năm.
Các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện đổi mới thí điểm cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP thực hiện theo Đề án thí điểm cơ chế hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho từng cơ sở giáo dục đại học.
Hiện nay, Chính phủ quy định về học phí tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP hết hiệu lực khi năm học 2020-2021 kết thúc. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các bộ ngành, lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo trên cả nước để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86.
Thời gian qua một số ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải tự chủ hoàn toàn mới được xác định được học phí trên cơ sở chi phí đào tạo.
Trước vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Thanh Phương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ, hiện đang là Đại biểu Quốc hội khóa XV để lắng nghe ý kiến của ông về vấn đề này.
Năm học 2021-2022, nhiều trường đại học bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ sẽ có mức thu học phí tăng vọt so với năm học trước. Theo ông, có cần quy định mức trần học phí đối với các trường công tự chủ?
Giáo sư Nguyễn Thanh Phương: Hiện nay, học phí là nguồn lực tài chính chủ yếu của trường, dùng để chi trả lương cho cán bộ; phát triển cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy (phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện,…); tổ chức thực tập, thực hành cho người học; hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên và cán bộ,….
Giáo sư Nguyễn Thanh Phương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ, hiện đang là Đại biểu Quốc hội khóa XV (ảnh: quochoi.vn)
Video đang HOT
Thực tế, nguồn thu từ các hoạt động khác của nhiều trường không nhiều, đặc biệt là việc khai thác cơ sở vật chất để tạo nguồn thu đang bị giới hạn bởi Luật Sử dụng tài sản công và nghị định hướng dẫn thi hành luật này. Vì vậy, để trường đào tạo tốt thì học phí là yếu tố có tính quyết định, khó nói thu học phí thấp mà đào tạo chất lượng cao?
Mức trần học phí có qui định không thì tuỳ vào mức độ tự chủ và nguồn thu khác của trường để cân đối nguồn lực tài chính.
Theo tôi những trường công lập tự chủ hoàn toàn ( Nhóm 1: tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư ) thì không nên có trần học phí. Tôi nghĩ trường nào cũng sẽ tính toán thu ở mức nào để đảm bảo hoạt động nhất là tuyển sinh, chứ không phải lúc nào cũng thu cao. Tôi hiểu nhiều người học hiện có đủ thông tin để quyết định học trường nào tuỳ vào chất lượng và khả năng chi trả của họ.
Tuy nhiên, đối với những trường không có trần có thể mức học phí sẽ cao, nhiều sinh viên khó khăn và học giỏi có thể khó có điều kiện vào học các trường này, đặc biệt là các trường đang có chất lượng cao. Vì thế, cũng rất cần những trường này có một tỉ lệ nhất định về cấp học bổng toàn phần hay bán phần cho sinh viên cho toàn khoá học để các em giỏi có thể an tâm học tập tốt, trở thành người giỏi.
Một số ý kiến cho rằng, các trường chưa tự chủ hoàn toàn thì Nhà nước cần quy định mức trần nhưng đừng quá quá sát vì cơ sở giáo dục nào cũng cần đầu tư nâng cao chất lượng, giữ chân giảng viên có năng lực. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Giáo sư Nguyễn Thanh Phương: Theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP qui định cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có chia ra 4 nhóm ( các trường chưa tự chủ hoàn toàn gồm nhóm 2: tự đảm bảo chi thường xuyên và nhóm 3 tự đảm bảo 1 phần chi thường xuyên ).
Tôi cho rằng quan điểm có mức trần học phí là phù hợp, vì vẫn còn sự đầu tư của Nhà nước để có sự khác biệt với nhóm 1 là tự chủ hoàn toàn.
Tuy nhiên, trần học phí hiện nay quá thấp, trần qui định phải đủ rộng cho từng nhóm để trường quyết định mức thu phù hợp nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính cho trường hoạt động và tỉ trọng học phí trong tổng ngân sách của các trường thường hơn 50%, có thể đến 70%.
Giảng viên có năng lực tốt sẽ là yếu tố quyết định chất lượng của trường cả về giảng dạy, nghiên cứu khoa học,.. nguồn lực tài chính tốt không chỉ giúp giữ chân giảng viên giỏi mà còn thúc đẩy các hoạt động học thuật khác để nâng cao uy tín và vị trí của trường.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư.
Điều 9 của Nghị định 60/2021/NĐ-CP về Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ 15/8/2021 đã phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công như sau:
1. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.
Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định bao gồm các nguồn sau:
- Số dự kiến trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kề;
- Số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ theo quy định.
b) Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.
2. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 2) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a) Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
b) Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).
3. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3) là đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại như sau:
a) Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên;
b) Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên;
c) Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.
4. Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4) gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp công có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này dưới 10%;
b) Đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu sự nghiệp.
Sinh viên dân tộc hộ khẩu tại vùng 135 có được giảm học phí?
Sinh viên Nguyễn Lan Anh (Hà Nội) học đại học công lập, là người dân tộc Tày. Tháng 8/2020, sinh viên nhập hộ khẩu vào nhà người chú ở vùng 135. Sinh viên Lan Anh hỏi, sinh viên có được hưởng chế độ giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP không?
Ảnh minh họa
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Trường hợp sinh viên Nguyễn Lan Anh là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại vùng thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 thì cần xác định rõ có thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 do vùng thuộc diện Chương trình 135 bao gồm cả các xã biên giới, xã an toàn khu.
Nếu trường hợp sinh viên Lan Anh là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng chế độ giảm 70% học phí theo quy định tại gạch đầu dòng thứ 3 Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/3/2016 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Tạm 'khóa' đề xuất tăng học phí ở đại học công lập tự chủ tài chính Báo cáo của kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy một trường đại học công lập tự chủ tài chính chưa thực sự chú trọng công tác đổi mới nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tạm dừng tăng mức thu học phí cho đến khi ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật...