GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Cần làm gương cho con cháu về tư cách, đạo đức và sự lao động của cha mẹ
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng quan niệm, dạy con vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm. Ông vui vì hai con đều trưởng thành và có đóng góp xứng đáng với xã hội.
Ở tuổi 84, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng vẫn miệt mài làm việc. (Ảnh: NVCC)
Là một người gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học, điều gì khiến ông mãn nguyện nhất cho đến bây giờ?
Tôi rất vui khi thấy các lớp sinh viên mà tôi góp phần đào tạo nói chung đều thành đạt. Rất nhiều bạn trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ và có mặt trên mọi lĩnh vực khoa học, kinh tế của đất nước.
Hai con của tôi đều trưởng thành và có đóng góp xứng đáng với xã hội. Các cháu nội ngoại đều chăm học, ngoan ngoãn và khỏe mạnh.
Tôi đã viết được hơn 40 cuốn sách, trong đó có bộ giáo trình (biên soạn cùng các đồng nghiệp) được sử dụng chung cho các trường đại học. Tôi và vợ tôi đều trải qua căn bệnh ung thư hiểm nghèo, nhưng nhờ tiến bộ của nền y học nước nhà nên đều vượt qua tai họa để có lại sức khỏe bình thường.
Tôi đã 84 tuổi rồi, cố gắng hiện nay là mong hoàn thành bản thảo cuốn từ điển Công nghệ sinh học Anh – Việt, góp phần cho sự nghiệp phát triển ngành khoa học này ở nước ta.
Ông có thể chia sẻ về quan điểm giáo dục con cháu trong gia đình?
Vợ chồng tôi quan niệm, dạy con vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm. Điều chúng tôi mong mỏi nhất ở hai con là lòng hiếu thảo, nên mới đặt tên hai con như vậy.
Tôi noi gương cha mẹ để giáo dục con cháu. Trước hết, cần làm gương trước con cháu về tư cách, đạo đức và sự lao động của bản thân cha mẹ.
Chúng tôi đều chịu khó tự học ngoại ngữ để có thể tiếp thu kiến thức từ sách báo nước ngoài và thuận lợi cho các đợt bồi dưỡng tại nước ngoài. Chúng tôi thường xuyên tự bồi dưỡng qua sách vở để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Sự gương mẫu của bố mẹ có tác dụng rất lớn với con cái.
“Một hạnh phúc khó quên là lần vợ chồng tôi qua Mỹ dự buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ của con gái. Cháu học cùng chuyên ngành với tôi mà luận án của cháu có nhiều chỗ tôi không hiểu nổi. Con tổng hợp được một chất chưa từng có trong tự nhiên. Sau đó, tôi hỏi thầy của con là chất đó dùng để làm gì, thầy bảo, đó lại là nhiệm vụ của một luận án khác. Đúng là con hơn cha là nhà có phúc”.
Hai là, thực sự quan tâm đến từng bước đi của con cháu, làm bạn, động viên nhắc nhở con cháu về những điều hay lẽ phải, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con cháu về học hành, vui chơi.
Tuyệt đối không đánh con cháu, không mắng, nặng lời, kịp thời động viên trước mỗi thành công dù nhỏ của con cháu. Cố gắng để các con, các cháu có cuộc sống vật chất không quá khó khăn trong mọi hoàn cảnh.
Chúng tôi mua các sách báo phù hợp để các con tự bồi dưỡng thêm trí thức và tình cảm, quan tâm đến việc chọn bạn của các con. Cả hai con đều có những người bạn rất thân từ thời học tiểu học.
Chúng tôi xây dựng tủ sách gia đình với đủ các sách công cụ như từ điển, sách tra cứu, sách khoa học chuyên ngành, sách văn hóa, nghệ thuật, nữ công, gia chánh. Các tường trong nhà đều là giá sách và đó là tài sản rất có ích cho mọi thành viên của gia đình.
Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các cháu về lòng kính trọng thầy cô và thường xuyên giữ mối quan hệ với thầy cô. Con cháu là niềm vui lớn nhất trong cuộc sống. Không gì hạnh phúc bằng việc con cháu khỏe mạnh, trưởng thành và có cuộc sống hạnh phúc.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng bên cháu gái. (Ảnh: FB Nguyễn Lân Hiếu)
Video đang HOT
Là một gia đình có truyền thống hiếu học, các con của Giáo sư đều thành đạt, giỏi giang, có kỷ niệm nào mà GS nhớ mãi trong giáo dục con?
Tôi rất vui khi thấy hai con và bốn cháu nội ngoại đều học tốt. Con trai là PGS.TS. Đại biểu Quốc hội, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội; con gái là TS, Giảng viên ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Bốn cháu đều đang đi học và có kết quả học tập tốt, cháu nội mới đỗ vào Đại học Harvard.
Nhớ lại, hồi vợ tôi mang thai Lân Hiếu khi mới 1 tháng mà đã xung phong đi chiến trường Quảng Trị. Trước đó, tôi đã có dịp trực tiếp tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào nên thấu hiểu thế nào là chiến trường.
Tôi rất lo lắng cho vợ và đứa con trong bụng mẹ. Thật may mắn là mọi nguy hiểm đã qua, Lân Hiếu ra đời khỏe mạnh. Gần đây, vợ tôi được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
“Tôi noi gương cha mẹ để giáo dục con cháu. Trước hết, cần làm gương trước con cháu về tư cách, đạo đức và sự lao động của bản thân cha mẹ. Chúng tôi đều chịu khó tự học ngoại ngữ để có thể tiếp thu kiến thức từ sách báo nước ngoài; thường xuyên tự bồi dưỡng qua sách vở để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Sự gương mẫu của bố mẹ có tác dụng rất lớn với con cái”.
Một hạnh phúc khó quên là lần vợ chồng tôi qua Mỹ dự buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ của con gái. Con học cùng chuyên ngành với tôi mà luận án của con có nhiều chỗ tôi không hiểu nổi.
Con tổng hợp được một chất chưa từng có trong tự nhiên. Sau đó, tôi hỏi thầy của con là chất đó dùng để làm gì, thầy bảo, đó lại là nhiệm vụ của một luận án khác. Đúng là “con hơn cha là nhà có phúc”.
Có khi nào GS định hướng con đường sự nghiệp, hay chọn nghề cho con cháu?
Vợ chồng tôi đều tôn trọng việc lựa chọn nghề của các con. Tôi nhớ Lân Hiếu đã thi đỗ cả ba trường đại học, con tự chọn ngành y vì thấy bà nội, bà ngoại đều rất đau đớn bởi các căn bệnh hiểm nghèo.
Nữ Thảo theo ngành Sinh học của bố vì nhiều lần đến thăm phòng thí nghiệm của bố thấy việc nghiên cứu vi sinh vật học cũng rất thú vị. Tôi tôn trọng quyết định của các con và không can thiệp. Tất nhiên, con trai theo ngành của mẹ, con gái theo ngành của bố cũng rất thuận lợi cho việc học tập của các con.
“Chọn nghề là quyết định quan trọng của cả cuộc đời, không thể chỉ nghe theo cha mẹ để sau này dễ xin việc làm do ảnh hưởng của cha mẹ. Cha mẹ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho việc học hành của các con, nhưng cần tôn trọng những nguyện vọng chính đáng của con cái”.
Thảo học Tiến sĩ ở Mỹ và sau này đi thực tập tại Nhật. Khi học phổ thông, Thảo từng có huy chương của một cuộc thi Olympic Quốc tế.
Lân Hiếu hai lần đi thực tập về tim mạch tại Pháp và sau này còn đi làm việc tại nhiều nước khác. Hiếu là học sinh khóa đầu tiên của trường Thực nghiệm, cùng lớp với Ngô Bảo Châu.
Tám anh chị em chúng tôi cũng tự định hướng nghề nghiệp, cha mẹ tôi trước đây đã không hề can thiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cha mẹ nên chúng tôi đều chọn nghề làm thầy, thầy giáo và thầy thuốc.
Hiện nay, được biết GS vẫn tham gia nói chuyện với học sinh ở các trường, GS nhận định như thế nào về lớp trẻ hiện nay?
Trước khi phải giãn cách để phòng chống dịch, hầu như tuần nào tôi cũng được mời đi nói chuyện cho học sinh các trường phổ thông. Tôi nói về một chuyên đề khá khó là khởi nghiệp trong thời đại cách mạng Công nghiệp 4.0.
Vậy mà, tôi và các thầy cô đều rất ngạc nhiên khi thấy các em học sinh chăm chú lắng nghe trong suốt mấy giờ liền, kể cả khi trời nắng gắt hay có mưa nhỏ.
Thế hệ trẻ hiện nay thật đáng yêu, các em biết giữ kỷ luật và có lòng ham thích khoa học. Ngoài chuyên đề này, tôi còn chuẩn bị chuyên đề Học tập gương sáng về đạo đức của Bác Hồ để mong sau khi hết giãn cách có thể tiếp tục đi nói chuyện cho cả học sinh trung học cơ sở.
Phụ huynh vẫn còn lúng túng trong việc hướng nghiệp cho con, ông có lời khuyên gì từ kinh nghiệm trong gia đình mình?
Các vị phụ huynh hãy tôn trọng quyết định của con em mình. Chúng sẽ tự chịu trách nhiệm về việc chọn nghề. Tất nhiên, cần có những lời khuyên nhưng đừng quyết định thay cho con cái. Sau này, khi thấy không thích hợp, chúng sẽ oán trách bố mẹ.
Chọn nghề là quyết định quan trọng của cả cuộc đời, không thể chỉ nghe theo cha mẹ để sau này dễ xin việc làm do ảnh hưởng của cha mẹ. Cha mẹ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho việc học hành của các con, nhưng cần tôn trọng những nguyện vọng chính đáng của con cái.
Xin cảm ơn GS!
Trường THPT Đông Thụy Anh: Điểm sáng trong giáo dục toàn diện
Trường THPT Đông Thụy Anh (Thái Bình) được thành lập từ năm 1965 tại xã Thụy Bình. Qua nhiều lần thay đổi địa điểm, đến năm 2010 trường chuyển địa điểm về xã Thụy Hà, nay thuộc Thị trấn Diêm Điền, với quy mô ngày càng phát triển.
Quang cảnh Trường THPT Đông Thụy Anh
Với phương châm "Học thật, thi thật, chất lượng thật", cùng với lòng yêu nghề, khát khao cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" của các thầy, cô giáo và tinh thần hiếu học của các em học sinh, nhiều năm qua, các thế hệ thầy, trò Trường THPT Đông Thụy Anh luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, trở thành điểm sáng về giáo dục toàn diện tỉnh Thái Bình.
Trường THPT Đông Thụy Anh (Thái Bình) được thành lập từ năm 1965 tại xã Thụy Bình. Qua nhiều lần thay đổi địa điểm, đến năm 2010 trường chuyển địa điểm về xã Thụy Hà, nay thuộc Thị trấn Diêm Điền, với quy mô ngày càng phát triển.
Thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường chụp ảnh nhân dịp kỷ niệm Trường
Nâng cao chất lượng đội ngũ
Trải qua 56 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy và trò Trường THPT Đông Thụy Anh luôn nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tích cao trong công tác dạy và học. Từ những ngày đầu thành lập đến nay, Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương, của ngành GD&ĐT. Các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh đã kiên trì phấn đấu từng bước vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục.
Đến nay Trường THPT Đông Thụy Anh có 42 lớp học, qui mô đào tạo 1895 học sinh, với cơ sở vật chất khang trang, cơ bản đáp ứng được điều kiện dạy học. Năm 2019, Nhà trường được công nhận đạt chuẩn Mức độ 1.
Đội ngũ giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy làm trọng tâm, xây dựng tập thể sư phạm vững mạnh và hiệu quả
Xác định chất lượng đội ngũ là chìa khóa để nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua Nhà trường đã củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng kỷ cương, nền nếp dạy và học, nhờ đó chất lượng giáo dục đại trà được nâng cao, học sinh giỏi được bồi dưỡng, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Hiện nay Nhà trường có tổng số 95 cán bộ giáo viên, nhân viên, trong đó 100% CBGV có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó có 15 giáo viên có trình độ Thạc sỹ. Cơ cấu giáo viên tương đối đủ, đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng, tận tuỵ trong giảng dạy, có nhiều kinh nghiệm trong dạy chữ, dạy người, luôn lấy việc đổi mới phương pháp làm trọng tâm, xây dựng tập thể sư phạm vững mạnh và hiệu quả.
Trường THPT Đông Thụy Anh nhận bằng Bằng khen đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có những thời điểm học sinh phải tạm dừng đến trường, thực hiện khẩu hiệu của ngành giáo dục "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học" thầy trò trường THPT Đông Thụy Anh vẫn cố gắng, quyết tâm vượt qua khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học.
Kết quả thi tốt nghiệp, xét vào đại học - cao đẳng hàng năm của Trường đều nằm trong top đầu các trường THPT của tỉnh. Đặc biệt học sinh Lê Minh Hiếu 12A1 nằm trong top 100 HS có điểm thi khối A1 cao nhất cả nước.
Thầy Trương Kim Hiển, Hiệu trưởng Nhà trường trao quà cho các em học sinh giỏi
Với quan điểm nâng cao giáo dục toàn diện, học sinh nhà trường không chỉ giỏi các môn văn hóa, nghiên cứu khoa học mà còn có nhiều thành tích trong các môn học thể chất. Tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh năm học 2019 -2020, học sinh nhà trường đạt Huy chương Vàng môn Cờ vua Nam; Nhảy cao Nữ;..... Năm học 2020 - 2021 toàn trường xếp thứ 8 toàn tỉnh. Nhà trường giành 05 giải thưởng gồm 02 giải Nhất, 01 giải Nhì và 02 giải Ba.
Thầy Trương Kim Hiển, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Lễ gặp mặt đội tuyển học sinh giỏi năm học 2021 -2022
Thầy Trương Kim Hiển, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: "Không dừng ở việc quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên năng động, sáng tạo, Nhà trường rất quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật (KHKT) trong học sinh. Đây thực sự là một sân chơi sáng tạo, bổ ích, khuyến khích học sinh THPT nghiên cứu KHKT.
Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, các em vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống. Qua đó, tạo cơ hội cho các em tăng cường sự trao đổi, giao lưu văn hóa; góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh". Từ đó phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh ở một số môn học có liên quan, phát hiện các tài năng để bồi dưỡng nhân tài cho đất nước".
Các em học sinh Trường THPT Đông Thụy Anh say mê với hoạt động Nghiên cứu KHKT
Chính bằng sự ủng hộ và tận tâm, hết lòng vì học sinh mà hoạt động nghiên cứu KHKT của Nhà trường đã đạt được những kết quả nhất định, từ năm 2018 - 2021 nhà trường tổ chức cho các em học sinh tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật và giành được nhiều giải thưởng cao ở các lĩnh vực như: Năm học 2018 - 2019 có 02 dự án được chọn tham gia cấp tỉnh, 01 dự án đạt giải Ba cấp tỉnh (Lĩnh vực KHXH - Hành vi, dự án " Tình yêu và tình dục của học sinh THPT hiện nay" của nhóm học sinh Phạm Thị Huyền và Mai Thị Minh Nguyệt lớp 11A10).
Năm học 2019 - 2020 có 06 dự án thi cấp cụm đạt giải; Dự án " Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật tại trường THPT" của nhóm học sinh Nguyễn Tiến Thanh và Lê Thị Phương Oanh 10A1 đạt giải Nhất cấp tỉnh; Dự án "Chế phẩm sinh học nước tẩy rửa đa năng bằng cây bồ hòn" của nhóm học sinh Nguyễn Thị Ngọc Linh 11A1 và Nguyễn Trung Anh 11A2 đạt giải Ba cấp tỉnh.
Trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh, nhà trường đã đạt 02 giải Đặc biệt và 01 giải Nhì. Năm học 2020 - 2021 có 06 dự án thi cấp cụm đạt giải và 02 dự án thi cấp tỉnh thì 01 dự án đạt giải Ba và 01 đạt giải Tư cấp tỉnh.
Học sinh chụp ảnh lưu niệm trong ngày nhận bằng tốt nghiệp tại Trường THPT Đông Thụy Anh
Những kết quả trên đã khẳng định, Trường THPT Đông Thụy Anh đã và đang đi đúng hướng trong công tác dạy học. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để Nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong những năm tiếp theo và trở thành một điểm sáng của ngành giáo dục không chỉ của tỉnh Thái Bình. Đề từ đây sản sinh ra những thế hệ kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang phục vụ cho đất nước.
Với những thành tích trong công tác giảng dạy và học tập, Trường THPT Đông Thụy Anh đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý:
- Năm 2005, Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Trường.
- Năm học 2012-2013, Nhà trường được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
- Năm học 2013-2014, nhận Cờ Thi đua và nhiều Bằng khen, Giấy khen...của UBND tỉnh Thái Bình.
- Năm học 2018 - 2019, Nhà trường nhận Bằng khen "Tập thể lao động xuất sắc" và Cờ thi đua của tỉnh Thái Bình.
- Năm học 2019 - 2020, Nhà trường nhận Bằng khen "Tập thể lao động tiên tiến" của Tỉnh; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
'Gieo chữ' ở vùng cao Để mang con chữ đến với học trò vùng cao, những thầy cô giáo "cắm bản" phải vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả. Bằng niềm tin và trách nhiệm, các thầy, cô đã cống hiến cho sự nghiệp "trồng người", đưa "con đò tri thức" đến với học sinh vùng sâu, vùng xa. Cô Lò Thị Hải và học trò. Giáo...