GS Đỗ Đức Thái: Đổi mới giáo dục mà thi cử vẫn ‘cũ’ thì khó thành công!
GS Đỗ Đức Thái là một trong những thành viên của Ban soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Với trách nhiệm là Chủ biên môn Toán, có thể coi ông như kiến trúc sư trưởng trong việc thiết kế toàn bộ Chương trình môn Toán cho các cấp học trong lần đổi mới này.
GS Đỗ Đức Thái là một trong những thành viên của Ban soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.
GS Đỗ Đức Thái đã chia sẻ với Ngày Nay những hy vọng và trăn trở của mình về công cuộc đổi mới giáo dục, đổi mới SGK năm nay.
Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, ông là Chủ biên của Chương trình môn Toán trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, có thể hiểu vừa là người “vẽ” chương trình môn Toán, vừa là người viết sách giáo khoa (SGK) môn Toán theo hướng xã hội hóa. Làm như vậy có phải vừa đá bóng vừa thổi còi?!
GS Đỗ Đức Thái: Chuyện đó không hề có. Một bên là Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, trong đó có Chương trình môn Toán, được thiết kế ra để trả lời các câu hỏi là học sinh ở các cấp học sẽ học cái gì trong bao nhiêu thời gian, yêu cầu cần đạt sau khi học như thế nào, kết quả ra sao. Đây mới là văn bản pháp quy quyết định việc dạy và học ở tất cả các nhà trường phổ thông. Còn một bên là SGK môn học, chỉ là một trong những tài liệu, phương tiện giúp đỡ quá trình dạy và học của các thầy cô và các em học sinh khi thực hiện Chương trình quốc gia đó.
Khi chúng tôi ngồi làm Chương trình 2018 thì không hề viết sách. Chúng tôi kết thúc việc đó vào tháng 8/2018 và bắt tay vào việc viết sách vào khoảng tháng 1/2019.
Nói như thế này cho dễ hiểu, Chương trình quốc gia giống như một bản nhạc do nhạc sĩ viết ra, không ai được tùy tiện thay đổi, còn SGK như ca sĩ thể hiện bản nhạc đó. Mỗi tác giả SGK cảm thụ cái bản nhạc đó giống như ca sĩ cảm thụ một bài hát và thể hiện bài hát đó. Do đó, mới có chuyện, cùng bài hát thì có ca sĩ hát hay, có ca sĩ hát dở. Việc hát hay, hát dở phụ thuộc vào tài năng, vào sự khổ luyện, phụ thuộc vào học vấn mà ca sĩ đó được trang bị.
Bạn chắc chắn đã nghe ông Trần Tiến hát các ca khúc của ông ấy, nói thật sẽ khó ca sĩ nào hát hay hơn được Trần Tiến hát Mặt trời bé con, Dấu chân tròn trên cát… bởi vì hơn ai hết, Trần Tiến hiểu rõ nhất tâm tư, tình cảm khi ông ấy viết ra những lời ca, giai điệu của bài hát đó.
Khi ngồi ở Ban chương trình, chúng tôi có vai trò như một nhạc sĩ viết ra bản nhạc và nó đã được công bố để mọi người dân xem xét, góp ý trong vòng hơn một năm; Hội đồng thẩm định quốc gia cũng đã xem xét, góp ý chỉnh sửa rồi mới phê duyệt chính thức. Đến giờ phút này, có thể nói chúng tôi đã hoàn thành trách nhiệm thiết kế, soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông với quốc gia.
PV: Giáo sư đã có lần chia sẻ rằng SGK Toán phổ thông hiện hành, đặc biệt ở cấp Tiểu học khó; để hiểu nó một cách thấu đáo đến ngọn nguồn của khoa học Toán học lại càng khó, cần trình độ của một TS, thậm chí GS chuyên ngành. Đây có phải lý do để chúng ta thay mới SGK?
GS Đỗ Đức Thái: Trước khi tiến hành cải cách giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới thì các cấp quản lý giáo dục dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục đã tiến hành đánh giá chương trình và SGK hiện hành, đánh giá một cách cẩn thận để thấy rõ mặt được, mặt chưa được. Đánh giá nó không phải theo triết lý giáo dục ở cái thời sinh nó (cách đây 30 năm) mà phải dựa vào góc nhìn của thời đại bây giờ, trong đó phải tính đến việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong vòng 20, 30 năm nữa.
Trong quá trình đánh giá chúng tôi nhận thấy chương trình hiện hành còn nặng và khá hàn lâm, còn thiên về truyền thụ kiến thức, đôi lúc hơi thái quá trong cách truyền thụ kiến thức theo kiểu hàn lâm.
Ví dụ như trẻ em lớp 1 đã phải tiếp nhận các khái niệm số liền trước, số liền sau… hoặc các em lại phải học ngay những khái niệm trừu tượng (không thể sờ được, cầm nắm được) trong Hình học.
Một khi trong dạy học môn toán đề cao tính hàn lâm thì việc hiểu thấu đáo những kiến thức đó đòi hỏi trình độ cao, nó vượt xa trình độ bình thường của một giáo viên phổ thông. Như vậy, chúng ta cần phải thay đổi để Chương trình môn Toán gần gũi hơn, dễ tiếp cận hơn đối với cả giáo viên và học sinh.
Video đang HOT
Và khi viết bộ SGK Toán Cánh Diều, chúng tôi tin rằng đã khắc phục được những bất cập đang tồn tại. Đổi mới và sáng tạo sâu sắc nhưng vẫn đậm nét kế thừa chương trình hiện hành đã khiến SGK Toán Cánh Diều không lạ lẫm khi giáo viên tiếp cận và thực hiện bài giảng. Và trên hết, nó hấp dẫn trẻ em, đạt được mục đích là mỗi giờ học toán là một giờ vui.
PV: Theo tôi hiểu, Toán học là môn khoa học cơ bản. Liệu rằng chúng ta có thể nhập khẩu bộ SGK Toán của các nước tiên tiến để Việt hóa không? Cách làm này có vẻ sẽ nhanh chóng, ít tốt kém?
GS Đỗ Đức Thái: (Cười). Vậy có thể nhập khẩu Hiến pháp của nước khác, nhập khẩu những bộ luật của nước khác về rồi Việt hóa để dùng không? Không thể nào làm như vậy được! Mỗi một dân tộc có một bản sắc, có một nền văn hóa riêng biệt. Học toán cũng là học để tiếp nhận, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chứ không chỉ đơn giản là học bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia.
Đằng sau việc học môn toán và tri thức toán học là phải là tiếp thu văn hóa toán học, cao hơn nữa là tính nhân văn của con người mà nền giáo dục phải mang lại. Khi viết sách giáo khoa toán thì chúng tôi rất chú trọng đến yếu tố nhân văn, văn hóa của đất nước, của con người Việt Nam.
Đối với môn toán thì chương trình quốc gia quy định rõ, phải dạy học sinh những thứ gì mà sau này cuộc đời các em cần đến. Vì vậy, chúng tôi lấy slogan cho toàn bộ Bộ sách Cánh Diều, đó là “Mang cuộc sống vào bài học. Đưa bài học vào cuộc sống”. Nhà trường chính là cuộc sống của đứa trẻ! Chúng ta phải có trách nhiệm mở toang cánh cửa nhà trường cho cuộc sống ùa vào và các thầy cô giúp các em sử dụng học vấn toán học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Qua những buổi tập huấn trực tiếp cho các giáo viên ở khắp các tỉnh thành, chúng tôi cũng đã động viên nhau, cùng bước vào một trận chiến mới với tất cả niềm tin và sự hứng khởi. Và tôi tin vào sự hứng khởi, tinh thần trách nhiệm của các nhà giáo đối với con em chúng ta trong đợt đổi mới giáo dục, đổi mới SGK lần này.
Với các phương tiện công nghệ như hiện nay, việc trao đổi và hỗ trợ các thầy cô trong suốt quá trình giảng dạy theo SGK Toán Cánh Diều là rất thuận lợi. Chúng tôi đã lập ra trang Facebook: Phát triển SGK Toán Cánh Diều. Đến nay đã có khoảng 5.000 thành viên là các thầy cô giáo trên cả nước. Khi có bất cứ vấn đề gì phát sinh, mọi người cùng nhau trao đổi, thảo luận ngay được. Chúng tôi xin trân trọng kính mời các thầy cô tiếp tục đăng ký tham gia.
PV: Giáo sư đã nói nhiều nhược điểm của SGK Toán hiện hành. Nhưng chúng ta đều biết, những cuốn sách giáo khoa cũ cũng đã góp phần tạo ra nhiều nhân tài toán học xuất sắc như Lê Bá Khánh Trình, Ngô Bảo Châu… Với đợt cải cách này, Giáo sư có tin rằng Việt Nam sẽ xuất hiện thêm những cá nhân kiệt xuất?
GS Đỗ Đức Thái: Nguyên tắc của đào tạo tài năng là nguyên tắc hình chóp. Cái đáy càng rộng thì cái đỉnh càng cao. Khi chúng ta có 100 học sinh giỏi thì cái đỉnh nó chỉ hạn chế, nó chỉ được kỳ vọng vừa phải thôi, còn khi có tới 1.000 học sinh giỏi thì câu chuyện phải khác.
Khi cải cách giáo dục, thay mới SGK thì chúng ta kế thừa quá khứ nhưng cũng phải nhìn tới tương lai để đặt ra những mục tiêu lớn lao hơn. Cải tạo, thay mới để có nền tảng vững chắc, phát triển đồng bộ thì không chỉ cho phép chúng ta giải quyết vấn đề nâng cao học vấn chung, trình độ chung của nguồn nhân lực mà còn giúp chúng ta đào tạo mũi nhọn sâu sắc hơn.
PV: Giáo sư có cho rằng, việc đổi mới lần này là chậm so với đòi hỏi của thực tế xã hội?
GS Đỗ Đức Thái: Tôi nghĩ rằng chậm. Tôi hoàn toàn tán thành nhận định này. Ít nhất là chậm 5 năm. Giá mà chúng ta bắt đầu tiến hành cải cách vào quãng những năm 2014, 2015 thì tốt hơn rất nhiều. Tất nhiên khi đã chậm chân trong việc đổi mới, cải cách giáo dục thì chúng ta cũng mất đi những cơ hội để phát triển kinh tế, mất đi những cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với các nước lớn hơn. Bây giờ nói đến cạnh tranh giữa các nền kinh tế thì người ta nhìn vào chất lượng nguồn nhân lực chứ không phải nguồn nhân lực giá rẻ nữa rồi. Vậy nên rất đáng tiếc.
Tôi mong các cấp lãnh đạo Đảng, Chính phủ chỉ đạo một cách ráo riết để đẩy mạnh tốc độ sao cho chương trình cải cách giáo dục đi nhanh, đi đúng hướng để bù lại thời gian đã mất.
PV: Ông có lo lắng gì cho công cuộc đổi mới giáo dục, đổi mới SGK lần này không?
GS Đỗ Đức Thái: Tôi thấy còn yếu tố rất quan trọng mà nếu không thay đổi thì mọi mục tiêu đổi mới sẽ hỏng hết. Đó là vấn đề đánh giá giáo dục và thi cử. Tôi đã phát biểu nhiều lần về chuyện này. Các hình thức thi cử như hiện tại là rất có vấn đề. Lối thi trắc nghiệm như hiện nay nếu không thay đổi thì tôi nghĩ nó sẽ phá hỏng những cố gắng cải cách giáo dục.
Truyền thông phải can đảm, phải xông vào cùng các chuyên gia giáo dục để cho dư luận xã hội thấy rõ được những bất cập, để các cấp lãnh đạo thấy cần phải thay đổi. Chúng ta đều biết, dạy trẻ con thì không được nói dối. Người lớn là tấm gương để trẻ nhìn vào. Thế mà hồ sơ đăng ký vào lớp 6 của nhiều “trường điểm” ở Hà Nội đòi hỏi học sinh trong cả 10 học kỳ ở bậc tiểu học đều phải là điểm xuất sắc, thực chất là toàn bộ điểm 10 trên tất cả các môn học. Cái đó nếu không làm hàng fake thì lấy đâu ra nhiều trăm em (nếu không muốn nói đến con số hàng nghìn!) có được học bạ đẹp như vậy. Chúng ta đang dạy cho trẻ em, chứng minh cho trẻ em cái sự dối trá ngay từ nhỏ. Đấy là một ví dụ cho thấy cách đánh giá giáo dục rất phản giáo dục đang tồn tại.
Cũng xin nói thêm về báo chí, hiện nay tôi cho rằng các nhà báo hiểu sâu sắc về giáo dục còn ít quá, hoặc vì lý do nào đó mà việc truyền thông cho giáo dục còn hạn chế, và do đó truyền thông chưa góp phần xứng đáng vào việc thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của đất nước. Tôi hy vọng các nhà báo sẽ đóng góp xứng đáng hơn vào sự nghiệp giáo dục của đất nước trong thời gian tới.
Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!
Học sinh lớp 1 "cõng" 23 đầu sách: Đi ngược mục tiêu giảm áp lực học hành, thi cử
Ngày 7.9, 23 triệu học sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2020-2021. Đây là năm học được đặt nhiều kỳ vọng, mở đầu chặng đường đổi mới giáo dục, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.
Nhưng hình ảnh những đứa trẻ lớp 1 phải "cõng" tới 23 đầu sách, theo ý kiến phụ huynh và chuyên gia giáo dục, đang đi ngược với mục tiêu này.
Phụ huynh đưa con chọn sách giáo khoa và sách tham khảo lớp 1 tại một nhà sách ở Hà Nội. Ảnh: Hải NGuyễn
"Quá tải" với học sinh và phụ huynh
Có con vào lớp 1 trường Tiểu học An Phong (quận 8, TPHCM) năm học này, chị Ng. bất ngờ với khoản tiền dành cho việc mua sách, vở đầu năm. Người mẹ cho hay từ giữa tháng 7, trường mầm non của con làm hồ sơ cho trẻ vào lớp 1, báo tiền mua sách giáo khoa là 807.000 đồng.
Trong danh sách hơn 23 đầu sách, vở bài tập cho trẻ vào lớp 1, các cuốn sách giáo khoa môn Toán, Tiếng Việt (tập 1, tập 2), Đạo đức, Tự nhiên Xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), sách Tiếng Anh I-learn smart start; còn lại là vở bài tập các môn, sách tham khảo và bộ thực hành.
Phụ huynh trên cho rằng, năm nay học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nên phụ huynh không dám mua sách ngoài thị trường vì sợ sẽ không đủ cho con học hoặc không trùng với sách mà trường dạy nên đăng ký mua sách tại trường. Với những người lao động thu nhập thấp, đây là khoản tiền không nhỏ đầu năm khi phải lo tiền đồng phục, giày dép, dụng cụ học tập, bán trú cho con.
Cùng nỗi lo trên, một phụ huynh có con vào lớp 1 tại 1 trường Tiểu học ở quận 12 (TPHCM) nhìn nhận, nhiều đầu sách, vở bài tập cho học sinh vào lớp 1 lo sợ sẽ quá tải với các cháu.
"Ngoài 8 cuốn sách giáo khoa bắt buộc và sách tiếng Anh, con tôi phải mua thêm vở bài tập. Vở này đi kèm theo cũng chiếm chi phí rất lớn mà không biết trong quá trình học có cần nhiều hay không? Có quá nhiều sách vở cho các con mới 6 tuổi, chỉ soạn sách vở đủ cho buổi học đã vất vả rồi, chưa nói đến tiếp thu kiến thức" - vị phụ huynh nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phong - Hiệu trưởng trường Tiểu học An Phong - nhà trường không yêu cầu, bắt ép phụ huynh phải mua đủ toàn bộ sách giáo khoa, bài tập, bổ trợ trong danh mục. Trường đã làm sai khi thông báo không rõ ràng, phân định sách bắt buộc với sách tham khảo, gây hiểu lầm với phụ huynh.
Trước đó, khi gửi thông báo nhập học cho học sinh lớp 1, nhà trường có đính kèm danh mục sách giáo khoa sẽ sử dụng trong năm học, mục đích để phụ huynh có đi mua sách cho con ở ngoài thị trường thì mua đúng loại mà trường sử dụng. Sau phản ánh của phụ huynh, trường đã đăng thông báo rõ ràng những sách nào cần mua lên bảng tin của trường.
"Nếu không tự đi mua, phụ huynh có thể đăng ký những sách nào cần và nhờ nhà trường mua hộ. Chúng tôi không kinh doanh, buôn bán gì ở đây" - hiệu trưởng trường Tiểu học An Phong khẳng định.
Theo kết quả lựa chọn sách giáo khoa mới năm học 2020-2021 trên địa bàn TPHCM, bộ sách "Chân trời sáng tạo" (1 trong 5 bộ sách khoa mới) được 80% các trường lựa chọn (không đều ở các môn, môn tiếng Anh hơn 60%). Đây cũng là bộ sách được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Sở GDĐT TPHCM biên soạn.
Ngoài ra, còn có một số trường chọn bộ Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Số tiền mà phụ huynh phải bỏ tiền ra mua sách cho con dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/bộ, trong khi giá niêm yết của các bộ sách giáo khoa mà NXB công khai cao nhất chưa đến 200.000 đồng/bộ.
Tại sao lại có sự chênh lệch này? Nguyên nhân là do phụ huynh phải mua thêm quá nhiều sách tham khảo, sách bổ trợ được bán kèm với SGK.
Nhà trường không phải là nơi kinh doanh giáo dục
Không riêng ở TPHCM, mà rất nhiều địa phương khác cũng xảy ra câu chuyện, học sinh lớp 1 phải "cõng" quá nhiều đầu sách, cả sách giáo khoa và sách tham khảo. Trong khi với lứa tuổi này, các em cần thời gian làm quen với môi trường mới, để thấy việc học là niềm vui chứ không phải áp lực, có cảm giác sợ học vì bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức.
Ngoài ra, có tình trạng này còn do nhà trường và đơn vị phát hành không biết vô tình hay cố ý "nhập nhèm" giữa sách giáo khoa và tham khảo, khiến phụ huynh phải bỏ số tiền lớn để mua. Cứ mỗi khi năm học mới bắt đầu, vấn đề sách vở, các khoản thu đầu năm lại trở thành gánh nặng với nhiều gia đình.
Trước tình trạng này, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) - cho biết, bộ vừa ban hành công văn số 3401/BGDĐT-GDTH gửi Sở GDĐT các tỉnh thành về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học.
Theo đó, Bộ GDĐT nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc phải mua.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM), theo quy định chỉ có sách giáo khoa là bắt buộc, vở bài tập và các sách tham khảo khác tuỳ phụ huynh lựa chọn. Phụ huynh có thể tự do lựa chọn mua sách ở đâu nhưng sách phải đúng loại do trường chọn. Các trường không được ép buộc phụ huynh mua sách tại trường cũng như giới thiệu các sách tham khảo.
GS-TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - thì cho rằng, để giảm thiểu nỗi lo đối với gia đình khó khăn trong việc mua sắm sách đầu năm học cho con, các nhà trường cần đẩy mạnh phong trào tặng sách, xây dựng "thư viện sách giáo khoa, sách tham khảo, thiết bị giáo dục dùng chung". Học sinh chỉ cần mua vài cuốn bắt buộc, còn lại sách tham khảo, đồ dùng có thể mượn ở thư viện. Nếu làm được như vậy hằng năm sẽ tiết kiệm số tiền lớn chi cho việc mua sách như hiện nay.
"Với học sinh lớp 1, quan điểm của tôi là không cần thiết phải mua sách tham khảo, tránh gây lãng phí cho phụ huynh. Chúng ta hướng đến mục tiêu giảm tải, giảm áp lực học hành cho học sinh, việc phải mua nhiều sách như vậy là đi ngược chủ trương này. Bộ GDĐT cần vào cuộc ngăn chặn tình trạng này"- GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.
Khan hiếm sách giáo khoa lớp 6
Đến thời điểm này, không ít phụ huynh có con em vào lớp 6, nếu không đăng ký mua sách giáo khoa ở trường từ trước, thì phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm mua SGK cho con.
Anh N.H.H (có con vào lớp 6 Trường Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) cho biết, những ngày qua vợ chồng anh đi nhiều nhà sách lớn ở khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm nhưng không mua được sách cho con. Đến đâu cũng được nhân viên thông báo là hết sách giáo khoa lớp 6.
Quá lo lắng, nhắn lên nhóm Zalo của lớp, thì thấy nhiều phụ huynh cũng gặp tình trạng tương tự. Dù trường của con đã đi học từ tuần trước, nhưng vì không mua được sách, nên nhiều học sinh phải dùng chung sách giáo khoa. Để khắc phục việc này, phụ huynh phải đi mượn sách giáo khoa của những bạn đã mua được sách để photo cho con dùng tạm.
Việc khan hiếm sách giáo khoa lớp 6 được đại diện NXB Giáo dục lý giải là năm nay số học sinh đầu cấp tăng, ngoài ra là năm cuối dùng sách giáo khoa cũ, nên một số đại lý, cửa hàng có tâm lý không nhập nhiều sách giáo khoa về bán.
Nhà xuất bản đang khẩn trương cung ứng bổ sung SGK và sẽ phục vụ đầy đủ nhu cầu của học sinh. Hoặc phụ huynh có thể đến các cửa hàng sách và thiết bị giáo dục của NXB Giáo dục để mua đủ sách giáo khoa cho con. Bích Hà
Đề Toán thi tốt nghiệp THPT đợt 2 có bài chưa chuẩn? Sau khi kết thúc buổi thi môn Toán đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, một số giáo viên cho rằng đề thi có một bài chưa chuẩn. Cụ thể, câu 2 mã đề 108, câu 12 mã đề 124, câu 16 mã đề 103, câu 13 mã đề 102 đề thi môn Toán có dữ liệu cho không đúng. Các...