GS ĐH Oxford ngạc nhiên vì Việt Nam nhiều phụ nữ học toán
GS John Ball, ĐH Oxford, Anh, cho biết, ông hy vọng thông qua bài giảng đặc biệt tại Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM), sẽ tìm kiếm được những học trò tài năng là người Việt.
John Ball là GS đầu tiên bắt đầu chuỗi bài giảng toán ứng dụng của VIASM. Ông hiện là GS cao cấp về khoa học tự nhiên của ĐH Oxford, từng nhận nhiều giải thưởng danh giá về các công trình nghiên cứu toán học và là thành viên trong Hội đồng giải thưởng Fields 1998.
- Được biết ông là giáo sư đầu tiên bắt đầu chuỗi bài giảng đặc biệt ở Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, xin ông cho biết, nội dung bài giảng là gì?
- Bài giảng của tôi sẽ nói về ứng dụng toán học trong khoa học vật liệu, đặc biệt là những vấn đề toán học trong cấu trúc hợp kim dưới tác động của nhiệt độ. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng nước có 3 trạng thái: Rắn (ở nhiệt độ thấp), lỏng (ở nhiệt độ bình thường) và khí (ở nhiệt độ cao). Như vậy, điều tôi quan tâm là sự chuyển đổi trạng thái của các hợp kim thì cấu trúc mạng tinh thể của nó sẽ thay đổi như thế nào.
Nhiều hợp kim phải trải qua các quá trình biến đổi pha liên quan sự thay đổi hình dạng của mạng tinh thể ở nhiệt độ cực cao. Sự thay đổi của mạng tinh thể tạo nên những mặt cắt khác nhau. Vấn đề quan trọng là hiểu được mối quan hệ giữa mặt cắt này với tính chất tổng thể của hợp kim chúng ta quan sát được.
Video đang HOT
Mô tả được mô hình ở cấp độ vi mô đó để giải thích được những quan sát vĩ mô là vấn đề toán rất khó. Câu hỏi đã được đặt ra song vẫn chưa có câu trả lời.
- Vậy những nghiên cứu này có thể ứng dụng vào thực tế như thế nào, thưa GS?
- Đây là những nghiên cứu còn rất mới nên chưa thể có ứng dụng thấy ngay trong thực tế. Tuy nhiên, những nghiên cứu toán học đã chỉ đường cho việc khám phá ra những hợp kim mới, có những tính chất rất đặc biệt, gây bất ngờ cho giới chuyên môn.
GS John Ball nói về nội dung bài giảng của mình. Ảnh: VietNamNet.
- Liệu các nhà khoa học và sinh viên Việt Nam có thể hiểu được nội dung bài giảng của ông với những kiến thức quá mới này?
- Bản thân tôi cũng rất hy vọng một nhà toán học trẻ và tài năng của Việt Nam có thể tham gia giải quyết vấn đề thú vị và quan trọng này. Bên cạnh đó, thông qua bài giảng, tôi cũng nghĩ rằng các nhà toán học có thể sử dụng phương pháp tiếp cận này vào những ứng dụng khác nữa.
Tại sao lại không? Vấn đề thay đổi mặt cắt cấu trúc của hợp kim liên quan một bài toán trong tính toán biến phân. Còn rất nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời. Do vậy, đây là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi, thảo luận và cùng tìm câu trả lời.
- Ngày 23/8, ông bắt đầu buổi giảng đầu tiên của mình. Phản hồi của người nghe đối với bài giảng thế nào?
- Hôm qua có rất đông các nhà toán học, nhà khoa học và sinh viên tới nghe buổi giảng đầu tiên của tôi. Hội trường không còn một chỗ trống và nhiều người đã phải kê ghế ở bên ngoài để ngồi. Tôi rất vui.
Nhưng tôi còn vui hơn nữa khi phát hiện ra rằng Việt Nam có rất nhiều phụ nữ làm toán. Điều đó thật đáng quý. Anh và các nước phương Tây không có nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực này, dù đó là điều không hợp lý chút nào.
- Với những thông tin mới mẻ mà ông mang tới, hẳn sẽ có nhiều sinh viên hứng thú. Ông có hy vọng tìm kiếm được một học trò từ Việt Nam không?
- Đôi lúc tôi cũng gặp được những bạn trẻ hứng thú với hướng nghiên cứu này. Tôi cũng rất sẵn lòng tiếp nhận các sinh viên từ Việt Nam có hứng thú nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn kinh phí để hỗ trợ cho sinh viên nước ngoài tới học tập, nghiên cứu tại Oxford, nơi tôi đang làm việc, là một rào cản.
- Ông có tiếp xúc nhiều với các nhà khoa học và sinh viên Việt Nam và ông đánh giá thế nào về họ?
- Tôi có quen biết với 2-3 nhà khoa học người Việt Nam, đều là các nhà toán học trẻ. Chẳng hạn như đối diện văn phòng của tôi ở ĐH Oxford có nhà toán học trẻ tuổi Nguyễn Lực rất xuất sắc.
Tôi nghĩ, Việt Nam có một nền toán học rất mạnh. Các bạn đã rất may mắn khi có được những nhà toán học xuất sắc đầu ngành như GS Ngô Bảo Châu
Theo Lê Văn/VietNamNet