Góp tiền lắp camera, phụ huynh chúng tôi đồng ý ngay!
Địa phương, ngành giáo dục cứ ra chủ trương, nhà trường lên tiếng là phụ huynh chúng tôi sẵn sàng chung tay cùng nhà trường để lắp camera trong lớp học.
Giáo viên đánh học trò không phải bây giờ mới xảy ra mà năm học nào cũng có tình trạng giáo viên bị báo chí phản ánh là dùng bạo lực với học trò. Năm nào cũng có vài giáo viên bị đuổi việc hoặc chuyển sang công tác khác, không cho đứng lớp nữa.
Thế nhưng, tình trạng giáo viên bạo lực với học trò vẫn xảy ra trong nhà trường. Nhiều giáo viên khi bị dư luận lên tiếng thường nêu nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng, nguyên nhân nào cũng khó được chấp nhận bởi có giáo viên không phải bạo lực một lần với một học trò mà là nhiều lần, nhiều học sinh khác nhau.
Vì thế, không có gì khả quan hơn là lắp camera ở các lớp học, trước hết làm ở mầm non, mẫu giáo, tiểu học rồi dần dần sẽ là các cấp học cao hơn. Ngân sách nhà nước không đủ, phụ huynh chúng tôi sẵn sằng chung tay với nhà trường để lắp đặt.
Lắp đặt camera trong lớp học sẽ tránh được bạo lực và những tiêu cực trong giáo dục. Ảnh minh hoạ: //thcsnguyenthainhu.doluong.edu.vn
Sự việc cô giáo N.H.H, chủ nhiệm lớp 2/11 trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh bị camera ghi lại hành ảnh trong lúc đứng lớp đã đánh và nhéo học trò đang gây xôn xao và khiến dư luận bất bình.
Dù thanh minh như thế nào, dù ai lắp camera thì cô giáo cũng là người có lỗi. Áp lực thì ngành nào cũng có chứ đâu phải mình ngành giáo dục. Học trò còn nhỏ quá, làm sao tất cả các em đều có thể chín chắn trong suy nghĩ và nghiêm túc học hành được.
Vì thế, việc giáo viên kiềm chế cảm xúc, hành động của mình để giảng dạy các em trưởng thành mới là điều mà các thầy cô cần hướng tới.
Bạo lực học trò hay xảy ra ở các lớp mầm non, mẫu giáo và tiểu học
Bạo lực thì cấp nào cũng có nhưng đối với các em học sinh nhỏ tuổi thường hay xảy ra hơn bởi các em chưa ý thức tốt về việc học của mình. Lớp học đông, học sinh thì chưa đi vào nền nếp nên hay xảy ra tình trạng giáo viên nóng nảy và có những hành động không phù hợp.
Nhất là đối với những em học sinh hiếu động, hay nói chuyện riêng, hay chọc phá bạn hoặc học yếu, hay quên đồ dùng, sách vở học tập thì rất hay được thầy cô “quan tâm”. Nhẹ là nhắc nhở, nặng là nhéo lai, đánh vào bàn tay, thậm chí đánh vào mặt, vào cơ thể gây bầm tím như một số trường hợp mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.
Những lớp không có camera thì tình trạng bạo lực có lẽ không phải là chuyện hiếm.Những lớp học được lắp camera hoặc được phụ huynh lén lắp camera phản ánh với báo chí là những trường hợp nặng và xảy ra thường xuyên.
Thực tế, mỗi khi phụ huynh thấy con bị giáo viên đánh để lại vết bầm trên cơ thể vào phản ánh với nhà trường thì thường là Ban giám hiệu phải thay mặt nhà trường xin lỗi phụ huynh và giải quyết êm đềm.
Có trường hợp phụ huynh báo lên cấp Phòng, cấp Sở và Ủy ban nhân dân xã, phường thì thường được giải quyết nội bộ. Nhiều địa phương rất sợ báo chí vào cuộc nên dư luận cũng không biết được.
Phụ huynh chúng tôi sẵn sàng chung tay để lắp đặt camera ở các lớp học
Video đang HOT
Không phải bây giờ câu chuyện lắp camera trong trường học mới được đề cập mà từ nhiều năm nay cũng đã có ý kiến này rồi. Bạo lực trong nhà trường không chỉ thầy cô đánh học trò mà còn có cả học trò đánh nhau, đe nạt nhau.
Ngày 17/4/2019 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến về đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường và có những thông tin khiến nhiều người sững sờ.
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục, trong một năm học, mỗi ngày xảy ra 5 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.
Nhìn lại số văn bản, gồm các thông tư, quyết định, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo điều hành và văn bản hành chính khác về phòng chống bạo lực học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong những năm qua tương đối nhiều.
Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp, đặc biệt, vấn đề này càng trở nên nóng và nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đạo đức của một bộ phận giáo viên và học sinh.Hiện Bộ đã ban hành 35 văn bản tạo hành lang pháp lý trong việc đảm bảo an toàn, an ninh trường học.
Chính vì thế, nói gì thì nói, an toàn cho học sinh, cho thầy cô giáo trong nhà trường là trên hết. Các trường học nên lắp đặt camera trong các lớp học, khu vực hành lang, căn tin của nhà trường và một số khu vực mà học sinh hay tập trung.
Nhà trường có thể chỉ cần lắp đặt một số camera ở khu vực chính, khu vực hành lang. Trong lớp học cứ mạnh dạn vận động phụ huynh. Chúng tôi tin rằng không có phụ huynh nào chối từ việc này.
Những khoản đóng góp khác hàng trăm, hàng triệu đồng phụ huynh còn đóng được thì mỗi lớp lắp 4 camera ở 4 góc lớp có đáng là bao nhiêu tiền đâu. Lắp camera rồi sẽ hạn chế tối đa giáo viên đánh học trò, hạn chế học trò đánh nhau.
Những giờ kiểm tra thì học sinh cũng không thể quay cóp, lúc giảng dạy thì giáo viên cũng không thể nào làm việc riêng được. Thậm chí, những lúc không có mặt giáo viên trong lớp thì học sinh cũng không dám quậy phá, chọc ghẹo nhau.
Dù nghịch ngợm, dù nóng thế nào đi chăng nữa thì cả thầy và trò đều phải biết đâu là điểm dừng bởi 4 bức tường đang có camera quay lại…
Lắp camera trong lớp học trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, giá cả cũng không quá cao mà trước sau gì thì nhà trường cũng phải làm việc này mà thôi bởi đó là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục cứ ra chủ trương, nhà trường lên tiếng là phụ huynh chúng tôi sẵn sàng chung tay cùng nhà trường để lắp camera trong lớp học của nhà trường.
NHẬT DUY
Theo giaoduc.net
Nghi con bị đánh, phụ huynh lắp camera quay lén giáo viên được không?
Con mách cha mẹ rằng mình bị đánh, phụ huynh không có chứng cứ để tố cáo với nhà trường. Lắp camera quay lén trong lớp là một giải pháp. Thế nhưng, việc làm này có đúng luật?
Những ngày qua, nhiều phụ huynh và giáo viên dậy sóng vì đoạn video ghi lại hình ảnh một giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) đánh, mắng học sinh. Video được cho là do phụ huynh lén đặt camera trong lớp học ghi lại.
Hành động của cô giáo sai hoàn toàn. Nhưng nhiều phụ huynh thắc mắc nếu nghi ngờ, họ có được quyền lén đặt camera để thu thập chứng cứ trong các lớp học không?
Lén đặt camera là vi phạm pháp luật
Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc phụ huynh bí mật đặt camera ghi lại hình ảnh trong lớp học là trái luật.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NVCC.
Cụ thể, khoản 1 điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Khoản 1 điều 21 Hiến pháp 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
"Quyền riêng tư, bí mật cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm là hiến định, quyền cơ bản nhất của con người và bất cứ ai cũng được pháp luật bảo vệ những quyền này. Quyền riêng tư, bí mật cá nhân được quy định cụ thể hơn là quyền đối với hình ảnh cá nhân trong Bộ luật Dân sự. Lén gắn camera để ghi lại hình ảnh của người khác là xâm phạm đến bí mật đời tư, quyền sử dụng hình ảnh của họ, đó là vi phạm pháp luật", thạc sĩ Quang nói.
Theo giảng viên ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), muốn sử dụng hình ảnh của người khác thì phải xin phép, trừ trường hợp việc đó liên quan lợi ích quốc gia, công cộng, cộng đồng. Trường hợp này, phụ huynh gắn camera mà không có sự đồng ý của cô giáo và học sinh là trái pháp luật. Đầu tiên có thể thấy quyền đối với hình ảnh bị xâm phạm, danh dự, nhân phẩm của những người có mặt trong video không được bảo vệ.
Nhiều ý kiến cho rằng không gian lớp, trường học cũng là công cộng, pháp luật không cấm việc quay phim, chụp ảnh ở không gian công cộng. Nhưng theo thạc sĩ Quang, lớp học là không gian công cộng có giới hạn, không giống quảng trường, công viên, trạm xe.
"Không gian công cộng nhưng con người là riêng tư, cái pháp luật bảo vệ là quyền bí mật đời tư của các cá nhân. Chưa kể lớp học là không gian công cộng hạn chế, nó chỉ là công cộng đối với 50 học sinh và cô giáo chứ không phải dành cho cả xã hội. Do đó, việc đặt máy quay phim ở nơi mà không có sự đồng ý của những người liên quan là sai", giảng viên này giải thích.
Ở đây đặt ra vấn đề giữa quyền đối với hình ảnh cá nhân và quyền giám sát. Nhưng theo thạc sĩ Quang, phụ huynh dù thực hiện quyền giám sát cũng phải tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân giáo viên và học sinh. Giáo viên và học sinh có quyền được biết có camera. Tương tự các khu phố, trung tâm thương mại có camera quay hình đều có biển thông báo, được xem như là cách hỏi ý kiến người đi qua khu vực đó.
"Trường hợp cô giáo ở trường Tiểu học Phan Chu Trinh, do hành động của cô là sai hoàn toàn, vì lợi ích của 50 học sinh, chúng ta có thể bỏ qua quyền đối với hình ảnh của cô giáo. Nhưng quyền đối với hình ảnh của 50 học sinh này lại không được đảm bảo", thạc sĩ Quang nói.
Nên gắn camera trong lớp hay không?
Câu chuyện phụ huynh phải lén đặt camera mới có được hình ảnh chứng minh cô giáo sai đặt ra vấn đề liệu có nên đưa camera vào lớp học như "mắt thần" của phụ huynh hay không?
Là người trực tiếp làm việc trong môi trường có camera, cô Nguyễn Hạnh, giáo viên mầm non tại quận Gò Vấp, TP.HCM, cho rằng việc bị quay hình trong lớp học vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại.
"Nhiều khi vấn đề xảy ra, có hình ảnh, cô giáo không bị đổ lỗi oan. Ban giám hiệu cũng nhìn và đánh giá được năng lực nghề nghiệp của giáo viên một cách công bằng. Nhưng phụ huynh quan sát lớp con mình bằng camera lại hay can thiệp thái quá, đôi khi những việc rất nhỏ cũng gọi ngay cho cô giáo và ban giám hiệu. Bản thân mình không thích sinh hoạt của mình bị người khác nhìn", cô Hạnh nói.
Ban giám hiệu, phụ huynh có thể giám sát giáo viên qua camera khiến giáo viên cảm thấy áp lực. Ảnh: Báo Hòa Bình.
TS Phan Thị Thanh Tú, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sài Gòn, cũng cho rằng lắp camera trong lớp không phải giải pháp tốt ở bậc tiểu học. Ở bậc mầm non, khi trẻ còn quá nhỏ, không biết cách diễn đạt những vấn đề chúng gặp phải trên lớp, việc lắp camera là cần thiết. Nhưng, học sinh tiểu học đã có thể diễn đạt được đầy đủ những vấn đề đó.
"Việc lắp camera tạo áp lực rất lớn cho giáo viên. Người thầy không cảm thấy được tôn trọng. Phụ huynh nào cũng xem con mình là số một, việc dạy và học của giáo viên khi bị can thiệp quá sâu sẽ không hay", TS Tú nêu ý kiến.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, cho rằng việc lắp camera chỉ là giải pháp phần ngọn, không giải quyết được câu chuyện bạo hành về lâu về dài.
"Có camera, giáo viên không trực tiếp đánh học sinh mà có những thái độ, lời nói gây tổn thương cho trẻ. Khi đó, camera nào có thể ghi được đầy đủ? Hơn nữa, khi có camera, giáo viên cảm thấy e dè như đang bị rình mò, vô tình không có thêm sự sáng tạo, say sưa với nghề", bà Diễm Quyên nói.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền hình ảnh cá nhân mỗi người như sau:
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo Zing
Camera nào giám sát lương tâm người thầy? Camera thật lợi hại khi có thể ghi nhận tường tận hành vi sai trái của bất cứ ai, kể cả người thầy, người cô trên bục giảng, trong nhà trẻ... Nhưng có camera nào giám sát lương tâm người thầy, cũng như những người khác trong các ngành nghề khác? Ảnh: campussafetymagazine.com Thêm một vụ cô giáo bị phát hiện đánh đập...